THIÊN CHÚA Ở CÙNG TẤT CẢ CHÚNG TA





































Chúa Nhật 32 Thường Niên (A) - 19 Bài Suy Niệm Và Giảng Lễ

CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN - A
Lời Chúa: Kn 6,12-16; 1Tx 4,13-18; Mt 25,1-13
"Kìa Chàng rể đến, hãy ra đón Người"
MỤC LỤC
1. Sẵn sàng
2. Vừa mang đèn, vừa mang dầu
3. Trinh nữ khôn ngoan - TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
4. Để tránh việc “quá trễ” – Achille Degeest
5. Hãy giữ đôi mắt của các bạn luôn mở rộng
6. Sống ngày cuối đời
7. “Ta không biết các ngươi”
8. Mười người trinh nữ
9. Chúa sẽ đến
10. Cho ngày hôm nay
11. Sẵn sàng
12. Tỉnh thức
13. Tỉnh thức
14. Sẵn sàng
15. Một chủ đề về sự chết và sự sống
16. Suy niệm của JKN
17. Chú giải của Noel Quesson
18. Chú giải của Fiches Dominicales
19. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
 ---------------------------------------------------------------------------------------------------------
Cách đây 1900 năm, núi lửa Vesuve đã phun lên ở Ý. Toàn bộ thành phố Rompei đã bị chôn vùi dưới lớp phún xuất thạch dày tới 6 mét và giữ nguyên dạng như thế cho đến nay. Khi các nhà khảo cổ khai quật, mọi người đều ngạc nhiên và sửng sốt. Phún xuất thạch đã làm đông cứng tất cả trong tư thế đang có khi tai hoạ đổ xuống: Thân xác con người bị huỷ hoại, nhưng trong khi huỷ hoại, chúng đã để lại những lỗ trống trên lớp tro cứng. Người ta dùng thạch cao đổ vào những lỗ trống ấy và khôi phục lại được hình dạng của các nạn nhân. Chẳng hạn một người mẹ đang ôm chắt đứa con trong vòng tay của mình, một người lính Rôma đang đứng thẳng tại trạm gác với đầy đủ vũ khí, anh ta đã trung thành với bổn phận cho tới giây phút cuối cùng. Một người đàn ông tay cầm gươm, chân đạp trên đống vàng, rải rác chung quanh là năm xác chết, có lẽ là những kẻ định cướp số vàng trên.
Tất cả những hình ảnh này là một bức tranh sống động làm nổi bật chủ đề của thánh lễ hôm nay. Đó là ngày tận thế, ngày kết thúc vũ trụ vật chất này, ngày Chúa trở lại trong vinh quang chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng lại xảy ra một cách bất ngờ, như tên trộm viếng thăm vào ban đêm, như chàng rể đến muộn khi các cô phù dâu đã thiếp ngủ. Chính vì thế mà mỗi người chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, để chờ đón không phải chỉ ngày cuối cùng của vũ trụ, mà còn là ngày cuối cùng của đời mình, lúc chúng ta phải tính sổ với Chúa.
Vào giây phút trọng đại ấy, liệu chúng ta có sẵn sàng như những cô trinh nữ khôn ngoan, hay lại chẳng chuẩn bị gì cả như những cô trinh nữ dại khờ, để rồi sẽ phải nghe lời phán quyết lạnh lùng: Ta không biết các ngươi. Tất cả những ý nghĩ trên không phải là những điều chúng ta nghe qua rồi để ngoài tai, hay mặc cho nó chìm vào quên lãng. Trái lại phải trở nên như một tiếng chuông cảnh tỉnh Chúa gởi đến với mỗi người chúng ta, để thôi thúc và lôi kéo chúng ta ra khỏi một cuộc sống tội lỗi. Chúng ta là những người thật may mắn và diễm phúc, bởi vì Chúa còn dành cho chúng ta một khoảng thời gian. Khoảng thời gian này có thể là lâu hay mau, sáu bảy chục năm hay chỉ đôi ba ngày, chúng ta không được biết, nhưng khoảng thời gian này cũng đủ để chúng ta ăn năn sám hối, thay đổi nếp sống, làm lại cuộc và sắm sẵn cho mình những hành trang cần thiết, để bất kỳ lúc nào Chúa gõ cửa viếng thăm thì chúng ta luôn sẵn sàng thưa lên với Ngài: Lạy Chúa, này con xin đến.


(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
Chẳng ai nghĩ đi ăn sinh nhật là để chết. Chẳng ai nghĩ mình sẽ chết vào ngày sinh nhật của mình. Vụ cháy ở nhà hàng Hoàng Hôn đường Điện Biên Phủ, nhắc cho ta về sự bất ngờ của cái chết. Cái chết đến khi mọi người đang say ngủ, lúc 3 giờ sáng ngày 17-10, sau bữa tiệc sinh nhật. Chín người chết vì không thể ra khỏi căn nhà bốc cháy.
Đoạn Tin Mừng hôm nay nhắc ta rằng Chúa đến bất ngờ, như chú rể đến lúc nửa đêm. Chúng ta phải sẵn sàng như năm cô phù dâu khôn ngoan, hân hoan ra đón chú rể, tay cầm đèn thắp sáng.
Thật ra năm cô dại chẳng phải là hạng vô tích sự. Chắc họ đã lo trang điểm cho mình. Khi biết mình hết dầu, họ đã lo vay mượn. Và khi bị từ chối, họ đã đi mua dầu giữa đêm khuya. Lúc có đèn sáng, họ đã gõ cửa xin vào dự tiệc cưới. Nhưng muộn quá!
"Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!"
Chẳng nên đổ lỗi cho chú rể đến chậm, khiến đèn của mình hết dầu. Chẳng nên trách móc các cô khôn ngoan, vì họ cần có đủ dầu để thắp sáng cho tiệc cưới giữa đêm khuya. Chỉ nên nhận mình đã chểnh mảng, không mang dầu dự trữ.
Có đèn. Không đủ! Đèn cần phải sáng, sáng lúc Chúa đến bất ngờ. Như thế cũng có nghĩa là phải luôn luôn sáng.
Mang danh là Kitô hữu. Không đủ! Tham gia vào một số sinh hoạt tôn giáo. Không đủ! Cần phải sống hết mình những đòi hỏi của Chúa. Đòi hỏi lớn nhất là yêu thương.
Trong Hội Thánh, vẫn có những cô khôn và cô dại, có những người đèn đã hết dầu từ lâu...
Cần chăm chút cho ngọn đèn đời mình.
Cần nuôi dưỡng nó bằng thứ dầu của tình yêu bao dung, của niềm hy vọng vững vàng, của niềm tin sắt đá.
Cần châm thêm dầu mỗi ngày...
Hãy tỉnh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
Tỉnh thức không phải là không ngủ... Cả mười cô trinh nữ phù dâu đều đã thiếp ngủ.
Tỉnh thức không phải là suốt ngày đọc Lời Chúa, nhưng là để Lời Chúa chi phối mình suốt ngày.
Chẳng ai biết lúc nào tận thế. Chẳng ai biết giờ chết của mình. Chẳng ai biết hôm nay Chúa hẹn mình ở đâu, trong biến cố nào, nơi con người nào. Chính vì thế phải tỉnh thức luôn, cả trong giấc ngủ.
Người ta biết mình bắt đầu tỉnh thức, khi nhận ra mình đã mê muội.
Gợi Ý Chia Sẻ
Nạn ma tuý đã đi vào trường học và tác hại trên người trẻ. Theo ý bạn, phải làm gì để ngăn chặn?
Nếu định nghĩa ma tuý là tất cả những chất gây nghiện, khiến con người có nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao, không thể cưỡng lại được, thì theo ý bạn, đâu là những thứ ma tuý hiện nay đang mê hoặc giới trẻ? (rượu, cờ bạc, bạo lực, tình dục...)
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa quang lâm, chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang, còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt, Chúa đâu muốn mất một người nào...
Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn cho mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con niềm tin vững vàng và niềm hy vọng nồng cháy, để tất cả những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.


(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Đám cưới là một sinh hoạt bình thường của con người. Chúa đã dùng một sinh hoạt bình thường của xã hội để nói về Nước Trời cho mọi người dễ hiểu. Qua dụ ngôn này, Chúa sánh ví Nước Trời giống như một đám cưới. Chúa chính là chàng rể. Linh hồn là trinh nữ. Giờ Chúa đến là giờ ta từ giã đời này. Tiệc cưới là hạnh phúc Nước Trời. Bóng đêm là những thử thách ta gặp trên đường về Nước Trời. Chàng rể đến muộn nói lên tính cách bất ngờ của giờ chết. Qua dụ ngôn này, Chúa hé mở cho ta mấy chân lý về Nước Trời.
Hạnh phúc Nước Trời là được sống với Chúa. Hình ảnh con người sống với Thiên Chúa được diễn tả thật sinh động qua hình ảnh đám cưới. Cưới ai là cho người ấy được ngang hàng, được chung hưởng địa vị, chia sẻ quyền lợi. Chúa đến cưới lấy con người. Cho con người được vào sống trong nhà Chúa, được chia sẻ hạnh phúc với Chúa. Chúa là nguồn mạch hạnh phúc. Được sống với Chúa và được Chúa yêu thương, linh hồn sẽ không còn mơ ước điều gì hơn nữa.
Con người được Chúa trân trọng. Hình ảnh chàng rể đến giữa đêm khuya thật gợi ý. Chúa đến tận nơi tìm ta. Chúa không triệu ta đến như ông vua ra lệnh cho thần dân. Nhưng Chúa trân trọng đến đón rước linh hồn. Và để đến tìm ta, Chúa phải vượt suối băng ngàn, đi trong đêm hôm khuya khoắt. Chúa yêu thương ta biết bao.
Mọi người được mời gọi. Chúa mong ước mọi người được ơn cứu độ. Chúa mong ước cho ta được hạnh phúc. Dựng nên con người, Chúa muốn mọi người được chia sẻ hạnh phúc với Chúa. Nên cả mười cô trinh nữ đều được tuyển chọn để đi đón chàng rể. Cả mười cô được dự kiến sẽ vào dự tiệc vui với chú rể. Chàng rể đến mong cả mười cô đều tham dự vào đám rước dâu và vào dự tiệc cưới.
Nhưng ai có đủ điều kiện mới được vào. Điều kiện được diễn tả như ngọn đèn cháy sáng. Đi rước dâu đòi phải cầm đèn. Đèn ai sáng mới được dự vào đám rước. Đèn tắt bị loại ra ngoài. Những người cầm đèn sáng là những người tha thiết yêu mến Chúa nên chăm lo thực hành lời Chúa, biểu lộ lòng yêu mến Chúa bằng những việc làm cụ thể. Còn những người đèn tắt là những người tuy cũng muốn vào dự tiệc cưới nhưng không chịu chuẩn bị. Họ là những người tin theo phong trào, giữ đạo theo dư luận, có tên trong sổ rửa tội, nhưng đời sống hoàn toàn như người không có đức tin. Có đèn mà không có dầu. Có đèn mà đèn để tắt. Có đạo mà không giữ đạo. Biết luật Chúa nhưng không chịu thực hành.
Các con Thiếu Nhi Thánh Thể thân mến,
Thánh Thể vốn là một bữa tiệc Chúa Giêsu mời gọi ta vào dự. Được dự tiệc Thánh Thể là được đồng bàn với Chúa. Thánh Thể là bữa tiệc hạnh phúc vì trong Thánh Thể Chúa yêu thương hiến mình cho ta. Thánh Thể là bữa tiệc đem lại sự sống đời đời. Thánh Thể là bữa tiệc cưới trong đời ta được kết hiệp nên một với Chúa. Thật hạnh phúc cho ta.
Vì yêu thương, nên Chúa Giêsu cũng đã từ trời xuống thế tìm ta. Để được con người Chúa đã phải trải qua biết bao vất vả khó nhọc. Nhất là phải chịu nhục nhã và chịu chết nữa. Hôm nay Chúa vẫn ở trong nhà chầu chờ đợi ta.
Trong nhà thờ luôn có ngọn đèn chầu. Khi không có ai thờ phượng Chúa, thì có ngọn đèn chầu lúc nào cũng thắp sáng để thờ phượng Chúa. Thiếu Nhi Thánh Thể nguyện là những ngọn đèn chầu ơ bên cạnh Chúa. Mỗi khi các con đến viếng Chúa Giêsu Thánh Thể, các con trở nên những ngọn đèn chầu. Càng có nhiều ngọn đèn chầu và những ngọn đèn chầu càng sáng lâu thì trái tim Chúa càng được sưởi ấm.
Ngọn đèn chầu của các con được sáng lâu và sáng mạnh là nhờ các con sống bí tích Thánh Thể. Như Chúa Giêsu hiến mạng sống để tuân theo thánh ý Đức Chúa Cha, Thiếu Nhi Thánh Thể hãy luôn yêu mến và làm theo ý Chúa. Như Chúa Giêsu hiến mạng sống vì tha nhân. Thiếu Nhi Thánh Thể hãy biết yêu mến mọi người. Như Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Thiếu Nhi Thánh Thể hãy biết khiêm tốn phục vụ mọi người. Như Chúa Giêsu đã là tấm bánh bẻ ra nuôi dưỡng mọi người. Thiếu Nhi Thánh Thể hãy biết chia sẻ cơm áo với những người nghèo, viếng thăm an ủi những người buồn khổ. Thực hành bí tích Thánh Thể là chất dầu giữ cho ngọn đèn tâm hồn các con luôn cháy sáng. Với ngọn đèn cháy sáng trên tay, các con sẽ an ủi Chúa Giêsu Thánh Thể và khi Chúa đến, các con sẽ cầm đèn cháy sáng cùng Chúa vào tham dự hạnh phúc Nước Trời.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Dụ ngôn 10 cô trinh nữ có ý nghĩa gì?
2- Bạn chuẩn bị thế nào để được vào dự tiệc Nước Trời?
3- Chúa đến bất ngờ. Điều này dạy ta phải làm gì để sẵn sàng đón Chúa.


(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’)
Dụ ngôn mười người trinh nữ mặc dầu rất phổ biến cũng là một trong những dụ ngôn khơi dậy nhiều biện giải thông thái nhất. Ở đây chúng ta giới hạn vào cách giải thích và vào một trong những suy tư rút từ truyền thống sống động của Giáo hội. Có phải Chúa dùng một việc thông thường làm căn bản cho dụ ngôn của Ngài hay không, một lễ cưới người ta có thể thấy luôn? Đúng, nhưng Ngài sắp đặt lại theo cách riêng để làm nổi bật điểm chính xác trong giáo huấn của Ngài: Mọi chi tiết trong dụ ngôn không tương ứng hẳn với cách cử hành các lễ người ta có thể thấy được, nhưng chúng được xếp đặt sao cho nổi bật sự cần thiết phải sẵn sàng để gặp gỡ Thiên Chúa. Bổn phận phải sẵn sàng có ý nghĩa gì và hậu quả ra sao?
1) Sẵn sàng có nghĩa là đã chuẩn bị đầy đủ. Nên lưu ý dụ ngôn không trách các cô đã ngủ, nhưng trách các cô đã không dự trù số dầu cho đủ. Các cô đã không chuẩn bị kỹ để ứng phó với tình thế. Áp dụng cho cuộc sống Kitô hữu, có thể nói việc chờ đợi Thiên Chúa (trong các ân huệ hàng ngày, hay khi Ngài đến ngày lâm tử) không đi đôi với sự chểnh mảng, nửa vời, đãng trí. Thiên Chúa luôn nhập bất thần vào cuộc đời chúng ta. Ngài đòi hỏi chúng ta phải giữ lòng ngay luôn sẵn sàng tiếp đón Ngài. Người ta sẽ thiệt hại rất nhiều nếu thiếp ngủ quên đi 1 thiếu sót về bác ái, một lầm lỗi của lương tâm, một khiếm khuyết trung thành. Cụ thể điều này kêu gọi chúng ta hãy sống mỗi giây phút cuộc đời với quyết tâm hết sức chu toàn tất cả bổn phận.
2) Sẵn sàng có nghĩa là lãnh trách nhiệm lo toan chứ không cậy dựa vào kẻ khác. Các cô khờ dại chắc có lẽ đã nghĩ, nếu thiếu dầu sẽ nhờ bạn các giúp. Trên bình diện Giáo hội, chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau, vì tình liên đới nối kết chúng ta. Nhưng có một mức độ cá nhân ở đó chúng ta là những kẻ duy nhất mang trách nhiệm về mình. Không ai có thể sớt cho chúng ta đức tin, đức cậy và đức mến mà chúng ta đã lơ là như các cô khôn ngoan ở vào hoàn cảnh không thể chia số dầu đem theo, không ai ở trong Giáo hội có thể san sẻ tương quan cá nhân riêng với Thiên Chúa. Sự trung thành của chúng ta đối với Thiên Chúa có thể được nâng đỡ nhiều trong việc các thánh thông công, nhưng các thánh không thể bổ khuyết trách nhiệm riêng của chúng ta.
3) Hậu quả những cố gắng trung thành của chúng ta rất lớn lao. Câu kết luận dụ ngôn thật đáng sợ: thật Ta nói cho các ngươi hay, Ta không biết các ngươi. Người ta vui mừng vì các trinh nữ sẵn sàng được vào phòng tiệc bao nhiêu, người ta lại sợ vì các cô đến chậm bị loại bấy nhiêu. Như thế có một cái “quá trễ” đè nặng trên định mệnh nhân loại. Nó nằm ở chỗ nào? Đây là một mầu nhiệm bất khả thấu. Chúng ta biết lòng nhân lành Chúa khôn cùng và dung thứ tự do nhân loại đến những giai đoạn cuối tận, nhưng có một lúc mọi sự đều chấm dứt. Chuẩn bị cho giờ phút mà chúng ta không biết, chúng ta cần sắp đặt sẵn sàng để đón tiếp Thiên Chúa tức thời, nếu Ngài đến tức thời và để chờ đợi Ngài nếu Ngài để chúng ta chờ đợi. Thiên Chúa đóng cửa không nhận con người sau những thiếu sót có hiểu biết và cố ý nào, chúng ta không cần phải tưởng tượng ra. Nhưng sự thực phải khiến chúng ta suy nghĩ. Điều ấy có thực.


(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ – Charles E. Miller)
Chúa Giêsu rất thích những đám cưới, Người đã thực hiện phép lạ đầu tiên ở Cana, Người đã vui thích ám chỉ đến những bữa tiệc đám cưới như biểu hiệu của thiên đàng. Một trong những biếm hoạ về đám cưới thế tục là cô dâu đã đến trễ và để cho mọi người phải chờ đợi cô ta tại nhà thờ, nhưng trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, chú rể là người đến trễ. Có một số điều buồn cười trong việc này, khi chúng ta thấy chú rể được giới thiệu đây chính là Chúa Giêsu. Chú rể đã đến trễ làm cho một nửa số cô phù dâu làm hết dầu của họ và chìm vào giấc ngủ. Chúng ta không biết họ suy nghĩ những gì, nhưng có vẻ là họ đã mất hết kiên nhẫn đối với chú rể, họ là những kẻ ngu đần. Những cô phù dâu khác thì không chỉ tỉnh thức mà họ còn mang theo đủ dầu cung cấp cho họ. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng họ sẵn lòng chờ đợi chú rể bao lâu như chú rể muốn, họ là người khôn ngoan.
Bài Phúc Âm này giống như bao dụ ngôn khác là một bài Phúc Âm phức tạp trong chính ý nghĩa của nó. Khi chúng ta tiến gần tới cuối năm phụng vụ, sẽ kết thúc trong hai tuần tới, giải thích theo phụng vụ thì bài Phúc Âm là tận cùng của thời gian khi Đức Kitô sẽ đến một lần nữa trong vinh quang. Ngày đó không ai biết. Mọi thế hệ khôn ngoan của Kitô giáo, thánh Phaolô đã viết trong thư gởi tín hữu thành Thessalonica, đã giới thiệu một sự chờ đợi cuộc trở lại của Chúa Giêsu cách kiên nhẫn. Chính chúng ta trong mọi Thánh Lễ tuyên xưng sau kinh Lạy Cha rằng, chúng ta chờ đợi trong niềm hy vọng vui mừng “việc đến của Đấng cứu độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô”.
Ngay trước khi rước lễ chúng ta nghe vị linh mục tuyên bố: “Phúc cho những ai được gọi đến dự tiệc bữa tối với Người”. Điều này không phải ám chỉ tới bữa tiệc ly trong quá khứ nhưng là bữa tiệc trên trời trong tương lai. Trích dẫn này được lấy trong sách Khải huyền đoạn 19 câu 9. Thánh Gioan trong một thị kiến đã thấy một đám cưới cao cả trên thiên đàng. Một thiên thần đã nói với ngài: “Hãy viết những điều này: phúc cho những ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Hãy chờ đợi cách kiên nhẫn bữa tối này, đó là sự khôn ngoan. Chúng ta được gọi là những người khôn ngoan trong khi chờ đợi việc ngự đến của Chúa. Bởi vì sự tận cùng của thời gian không còn bao xa. Có lẽ là đúng, có lẽ là không. Nếu Người không đến sớm, Thiên Chúa sẽ đến trong giờ chết của chúng ta. Đó là một khoảnh khắc nhìn hướng về phía trước với một niềm hy vọng vui mừng. Từ quan điểm của một con người và là điều khó để theo, tự nhiên chúng ta sợ sự chết và bám lấy cái sống và không giống như những cô phù dâu, chúng ta không vội vàng trong việc đợi chờ Chúa đến. “Thiên đàng có thể chờ đợi”, đó có thể là tâm tình của chúng ta. Chúng ta hãy chú ý tới điểm này của Phúc Âm đó là: chờ đợi, tỉnh thức sẵn sàng gặp Chúa khi nào Ngài đến.
Giáo Hội trong sách phụng vụ các giờ kinh đã khẩn nài chúng ta hãy sửa soạn cho cái chết vào mỗi đêm trước khi chúng ta đi ngủ. Và ngủ là một biểu tượng của sự chết. Như khi chúng ta đi ngủ, Giáo Hội đề nghị rằng chúng ta nên có tâm tình Chúa Giêsu khi Người sắp chết: “Lạy Cha con phó linh hồn con trong tay Cha”.
Sự hiệp lễ là một sửa soạn cho sự chết. Một người Công Giáo khi sắp chết được chuẩn bị và hướng dẫn để lãnh nhận sự rước lễ như “của ăn đàng”, là thực phẩm cho một hành trình từ đời này đến đời sau. Ngay cả khi chúng ta lãnh nhận Thánh Thể qua việc hiệp lễ trong Thánh Lễ chúng ta hãy để tâm nghĩ đến sự chết, nhưng luôn luôn tin vào sự sống lại từ cõi chết của chúng ta. Khi đứng để lãnh nhận Thánh Thể đó là một dấu hiệu của đức tin. Hành vi đạo đức đó là “hãy giữ đôi mắt các bạn mở rộng vì các bạn không biết ngày nào, giờ nào”.


(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Mới đây, tại Thụy Sĩ, người ta đã dùng điện thoại để phỏng vấn 1200 người tại 20 thành phố khác nhau về việc chuẩn bị chết. Câu hỏi được đặt ra là: “Nếu bạn chỉ còn một ngày cuối cùng để sống, bạn sẽ làm gì?”. Kết quả của cuộc thăm dò cho thấy:
* 57% phụ nữ được hỏi cho biết họ sẽ sống ngày cuối cùng đó với gia đình.
* 42% các ông được hỏi cho biết họ cũng muốn sống ngày cuối cùng đó với gia đình.
* 32% các ông các bà đều muốn được sống với gia đình mình trong những giờ phúc cuối đời.
* chỉ có 12% các bà và 26% các ông thích ở một mình hoặc cùng với bạn bè trong ngày cuối cùng của cuộc sống.
Thưa anh chị em, những con số trên đây có lẽ không đại diện cho ước muốn hay suy nghĩ của tất cả mọi người. Tuy nhiên, xuyên qua kết quả của cuộc thăm dò này, chúng ta cũng có thể đọc được một tâm trạng chung của con người khi đứng trước cái chết; đó là nỗi sợ cô đơn. Cái chết là một cuộc ra đi đơn độc, một chia lìa vĩnh viễn, nhất là với những người thân yêu của chúng ta. Nếu câu hỏi trên đây được đặt cho chúng ta trong giờ phút này, chúng ta sẽ làm gì?
Có lẽ chúng ta còn nhớ câu chuyện của một vị thánh trẻ khi được hỏi về cách thế chuẩn bị chết:
Giữa một đám trẻ đang chơi đùa, viên giám thị đặt câu hỏi: “Nếu ngay bây giờ chúng con biết mình sắp chết, chúng con sẽ làm gì?”. Một số em bé trả lời: “Con sẽ vào nhà thờ cầu nguyện”. Một số em khác cho biết: “Con sẽ đi xưng tội để dọn mình chết lành…”. Chỉ có một cậu bé điềm nhiên trả lời: “Nếu trong giây lát con có chết, thì giờ này con vẫn tiếp tục cuộc chơi”. Đó là câu trả lời của thánh trẻ Luy Gonzaga. Và câu trả lời đó đã làm cho viên giám thị ưng ý nhất, bởi vì nếu giải trí lành mạnh là một bổn phận trong lúc này, thì việc thánh hóa trước tiên phải nằm trong bổn phận hằng ngày: giờ nào việc nấy.
Nếu chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố, nếu chúng ta biết gặp gỡ Chúa trong từng sinh hoạt, nếu chúng ta tiếp xúc với Chúa trong từng phút giây… thì cái chết chỉ là một nối dài của cuộc gặp gỡ thân tình này. Người luôn trung thành với những gặp gỡ trong giây phút hiện tại sẽ không phải sợ hãi trong cuộc gặp gỡ tối hậu là cái chết.
Vì thế, thưa anh chị em, qua câu chuyện dụ ngôn 10 cô phù dâu đi đón chàng rể trong Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta phải tỉnh thức và chuẩn bị sẵn sàng cho ngày giờ Chúa đến. Vì ngày giờ Chúa đến sẽ bất ngờ, không được báo trước. Dụ ngôn cho thấy có 5 cô khờ dại và 5 cô khôn ngoan. Có nhiều người bị trách là “khôn nhà dại chợ”. “Khôn” những chuyện vặt vãnh mà lại “khờ” những chuyện trọng đại. “Khôn” những chuyện nhất thời hôm nay để rồi “dại” những chuyện ngàn đời mai sau. Có lẽ 5 cô khờ dại này đến giờ chót mới khôn ra (khôn đột xuất) và chạy đi mua “khôn”thì không kịp nữa rồi! Vì thế, chúng ta phải biết khôn ngay đi! Tin Mừng hôm nay đã cảnh giác chúng ta tỏ tường rồi đấy!
Bài học về sự khôn ngoan đã được Chúa Giêsu nói đến trong ví dụ về người khôn xây nhà trên nền đá (Mt 7, 24). Đó là người “nghe và thi hành Lời Chúa”. Khôn là chuẩn bị sống ngày hôm nay không gì khác hơn là “nghe và thi hành Lời Chúa”. Trung thành sống điều này là ta đã xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc để có thể đứng vững trong đêm tối âm u hay trong mưa sa bão táp. Ngược lại, không thi hành Lời Chúa, ta sẽ bị coi là kẻ khờ dại, vì đã xây nhà đời mình trên nền cát…
Năm cô khờ dại đã uổng công đi đón và mòn mỏi đợi chờ để rồi cứ phải ở bên ngoài phòng tiệc cưới. Vì thế, nghe và thi hành Lời Chúa là một thái độ sống khôn ngoan để dù thức hay ngủ, ta vẫn ở trong tư thế sẵn sàng. Việc Chúa đến sẽ không còn là chuyện bất ngờ nữa mà là một cuộc hẹn hò gặp gỡ đầy ý nghĩa đã được chờ đợi.
Đừng chậm trễ nữa, thưa anh em chị em, vì cửa Nước Trời chỉ mở ra cho những người hôm nay sẵn sàng dự tiệc, cho những người hôm nay mang canh cánh bên lòng nỗi ưu tư thi hành ý muốn của Chúa, chứ không dành cho những kẻ chỉ biết nói: “Lạy Chúa, lạy Chúa” ngoài môi miệng, để rồi phải nghe trả lời: “Ta không biết các ngươi!” câu trả lời này cũng là lời phán quyết của Thẩm Phán tối cao trong ngày phát xét cuối cùng.
Anh chị em thân mến, hôm nay vẫn còn thời giờ để chúng ta “khôn”, vẫn còn thời giờ để chúng ta đổ đầy dầu vào bình mà mang theo, vẫn còn thời giờ để xây dựng đời mình trên nền tảng thực thi Lời Chúa và Chàng Rể cũng đang đến loan báo niềm vui hội ngộ. Hãy sẵn sàng ra đón, để cùng Tân Lang vào dự tiệc Nước Trời hưởng niềm vui vô tận.
Đối với những ai đã sẵn sàng, đèn Tin-Yêu thắp sáng trong tay, họ sẽ được sung sướng gặp mặt Chúa: Thánh nữ Têrêxa Avila mấp máy nói lên với Chúa trước khi tắt thở: “Lạy Chúa Giêsu, này là giờ chúng ta gặp nhau”. Trong khi chị Thánh Têrêsa Giêsu Hài Đồng âu yếm thốt lên: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”, đôi mắt xuất thần nhìn thẳng vào một điểm trên pho tượng Đức Mẹ, nét mặt tươi tắn, rồi nhắm mắt lại, ra đi nhẹ nhàng. Đồng hồ chỉ 7 giờ 20 phút, tối ngày 30 tháng 9 năm 1897.
Hai người trinh nữ khôn ngoan đã cầm đèn thắp sáng Tin Yêu ra đón Chúa và đã được gặp gỡ “Người Tình Lang” muôn thuở của mình.
Lạy Chúa Giêsu,
nếu ngày mai Chúa đến,
chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng…
Xin nuôi dưỡng nơi chúng con
niềm tin vững vàng
và niềm hy vọng nóng cháy
để tất cả những gì chúng con làm
đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.


Bữa tiệc cưới kỳ lạ khởi đầu tốt đẹp: có đến mười cô phù dâu! Chúng ta nghĩ đến những chiếc áo dài đẹp và những nụ cười, chú rể hơi vụng về, cô dâu xinh xắn.
Có điều này phá tan sự thơ mộng: năm trong số mười cô này bị coi là “khờ dại”. Người ta chú ý đến họ và vạch ra sự thiếu lương tri của họ. Đặt ra những câu hỏi về năm cô “khôn ngoan” từ chối chia sẻ dầu trong đèn của họ là điều vô ích vì đây không phải là vấn đề. Một dự ngôn vạch ra đường lối của mình mà không quan tâm tới những yếu tố không phù hợp.
Cho nên chúng ta hãy thử đi thẳng vào bài học về dầu bị thiếu. Sự thiếu sót nào có nguy cơ làm cho chúng ta trở thành nhữngkẻ khờ dại?
Người khờ dại trong dụ ngôn chính là người Kitô hữu đã lên đường nhưng không chuẩn bị. Người đó tức khắc rơi vào trong một cuộc sống tầm thường, ít có tính cách Tin Mừng. Năm cô khờ dại biểu thị cho những kẻ ít can đảm, những kẻ bị tước vũ khí do sự chờ đợi và thời gian. Họ có nguy cơ bị giật mình khi nghe la lên: “Đây là chàng rể, đây là sự gặp gỡ Chúa!”
Tuy nhiên chúng ta nghĩ đến sự gặp gỡ cuối cùng. Chúng ta biết rằng để thành công thì phải gặp được Chúa Giêsu ở dưới thế gian này, trong Kinh nguyện, Thánh thể, Tin Mừng, bí tích người anh em (Mt 25,40). Nhưng tất cả những điều này phải trả giá và chúng ta làm chậm kỳ hạn: “Ngày mai, tôi sẽ bắt đầu”. Chúng ta làm như thể mình là chủ thời gian vậy!
Thậm chí khi đang tĩnh tâm, dưới cú sốc của một biến cố hoặc một chứng cứ gây xáo trộn, chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô, thì chúng ta cũng không nghe được lời van xin lo lắng của Ngài, bởi vì Ngài biết rõ chúng ta: “Các con hãy luôn luôn tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào giờ nào”.
Do đó phải nghĩ đến giờ phút này mà thôi hay sao? Không, sẵn sàng để nghe tiếng gọi này, chính là sống hết mình điều mà chúng ta đang sống. “Linh đạo hiện tại”, có nghĩa là sử dụng tốt cuộc sống hằng ngày, trở nên những ứng viên tốt nhất để gặp gỡ Chúa. Ý nghĩa có tính cách Tin Mừng của thời gian là: hôm nay phải chuẩn bị dầu cho ngày mai, đồng thời phải luôn luôn can đảm để sống Tin Mừng vào bất cứ lúc nào trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.
Nếu không, sẽ phải đi đến cùng những bữa tiệc cưới buồn này, sẽ phải đứng ngoài cửa phòng tiệc và nghe những lời nặng nề hơn nữa, xoá tan mọi niềm hy vọng: “Ta không biết các ngươi”. Vào ngày tận thế Chúa Giêsu sẽ chỉ công nhận “những người của Ngài”, tức những kẻ đã cố gắng làm ánh sáng Tin Mừng không biết mệt mỏi bằng cách không ngừng dự trữ dầu.
Nếu câu nói dễ sợ “Ta không biết các ngươi” đập vào chúng ta như Chúa Giêsu muốn, chúng ta hãy suy niệm về hai cách xử sự: những cô khôn ngoan, những cô khờ dại. Còn chúng ta, cái đèn chúng ta ở đâu?


(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’ – Radio Veritas Asia)
Tháng mười một là tháng dành riêng cho các linh hồn, nên chúng ta dừng lại để suy nghĩ một vài tư tưởng về cái chết. Chắc hẳn Chúa không muốn cho cuộc đời chúng ta chìm đắm trong một màu tang tóc và từng giây từng phút luôn nơm nớp lo sợ, nhưng Chúa muốn chúng ta sẵn sàng và nhìn vào cái chết với đôi mắt lạc quan tin tưởng và hy vọng.
Cái chết sẽ dạy cho chúng ta biết cuộc đời này tuy ngắn ngủi và chóng qua nhưng lại là một kho tàng quí giá, bởi vì nhờ nó chúng ta có thể chiếm được Nước Trời, và một khi nó đã qua đi thì không bao giờ trở lại. Bởi đó chúng ta hãy biết lợi dụng những năm tháng hiện tại để chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết, hầu sẵn sàng lên đường dấn thân vào một cuộc hành trình cô đơn và bi thảm nhất, đó là cái chết.
Thật là hạnh phúc và tốt đẹp nếu ta có được một linh hồn luôn chuẩn bị và sẵn sàng, nhưng cũng thật bẽ bàng và cay đắng nếu ta chết đi trong tình trạng tội lỗi và thù nghịch cùng Chúa. Lúc đó ta sẽ mất cả chì lẫn chài, cả vốn lẫn lời, cả đời này lẫn đời sau, cả thân xác lẫn linh hồn.
Trên bia mộ của những người thời xưa người ta thường thấy những chữ tuyệt vời trên đó: "Người này đã nghỉ yêu trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa". Hãy khử trừ tội lỗi và hãy thực thi bác ái yêu thương để dù Chúa có đến vào ngày chúng ta không ngờ, vào giờ chúng ta không biết, chúng ta vẫn sẵn sàng và vui mừng kêu lên: "Lạy Chúa, này con xin đến". Thế nhưng chúng ta đã chuẩn bị cho cuộc hành trình cuối cùng này chưa?
Trong cơn hấp hối người ta hỏi thánh nữ Magarita:
- Có cần gì nữa chăng?
Thánh nữ trả lời:
- Không, tôi đã sẵn sàng.
Nếu như đêm nay chúng ta phải đến trước tôn nhan Chúa, nếu như chút nữa đây Chúa gọi chúng ta, liệu chúng ta đã thu xếp xong mọi công việc hay chưa? Liệu chúng ta đã trả hết món nợ đối với Chúa và đối với anh chị em hay chưa? Liệu chúng ta đã tẩy xóa hết tội lỗi trong tâm hồn qua Bí Tích Giải Tội hay chưa? Nếu chúng ta biết chuẩn bị ngay từ bây giờ, nếu như mỗi khi chiều xuống chúng ta ngồi hồi tâm xét mình và chúng ta chỉ ngủ yên khi tâm hồn mình đã gội rửa tẩy sạch qua tâm tình sám hối ăn năn. Nếu chúng ta luôn giữ được tấm áo trắng trong ngày lãnh nhận Phép Rửa Tội, nếu ngọn nến đức tin vẫn còn cháy sáng trong cuộc đời, thì quả thật chúng ta là người có phúc và cái chết không còn là một giây phút kinh hoàng và khiếp hãi nữa.
Cuộc đời là một chuyến viễn du trong đêm tối, nhưng bên kia là bình minh ló hiện. Cuộc đời chúng ta là một hành trình trên mặt biển đầy sóng, nhưng bên kia là bến bờ hạnh phúc, ở đó Thiên Chúa đang mở rộng vòng tay để chờ đón chúng ta. Nếu bây giờ chúng ta đã chuẩn bị và sẵn sàng như năm cô trinh nữ khôn ngoan, thì khi Chúa đến chúng ta sẽ không chết nhưng thực sự bắt đầu sống, vì bấy giờ chúng ta được sinh ra cho cuộc sống mới, cuộc sống muôn đời.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khử trừ tội lỗi trong tâm hồn và chất đầy trên đôi tay nhỏ bé những công việc sáng chói là những hành động bác ái yêu thương, để khi Chúa đến chúng con sẽ được Chúa đón nhận vào bàn tiệc Nước Trời. Amen.


Đối với mười cô trinh nữ, thì việc chàng rể sẽ đến là một xác tín mãnh liệt và hiển nhiên. Họ đã chuẩn bị đèn đuốc, đã đi nghênh đón và đợi chờ chàng rể tại một nơi đã được ấn định. Họ tin chắc chắn rằng chàng sẽ tới. Tin chắc đến độ không còn lo âu và băn khoăn trước sự chậm trễ của chàng. Họ đã thiếp đi và ngủ cả. Đó là dấu chỉ cho thấy tâm hồn họ thật bình thản. Còn đối với chúng ta thì sao?
Chúng ta cũng tin chắc chắn rằng Chúa sẽ đến. Tuy nhiên, đôi lần việc chờ đợi đã làm cho niềm tin ấy bị lu mời và phai nhạt. Ngài sẽ đến, nhưng xem ra mọi sự lại diễn ra một cách quá bình thường. Ngài sẽ đến, nhưng lại chẳng có dấu chỉ gì báo trước. Ngài sẽ đến, nhưng sao lại vẫn thinh lặng., một sự thinh lặng dễ sợ. Sự hao mòn của thời gian dễ dàng tàn phá lòng kiên nhẫn của chúng ta.
Những câu hỏi bắt đầu được đặt ra, rồi những nghi vấn được chen vào làm cho niềm xác tín bị lung lay. Thêm vào đó, những kiến thức hời hợt và nông cạn sẽ làm phut tắt ngọn đèn nội tâm của chúng ta và đặt trong chúng ta một tình trạng dửng dưng nào đó, bởi vì các biến cố đã được tiên báo xem ra thật đáng nghi ngờ. Bấy giờ, nếu thình lình xảy ra những tai ương hoạn nạn, thì sự chờ đợi có thể chìm sâu vào thất vọng và bị coi là hoàn toàn vô ích.
Chúa sẽ đến, đó là một điều chắc chắn và là một xác tín phải được củng cố trong suốt cuộc đời chúng ta. Đó không phải là một giả thuyết, nhưng là một thực tại hiển nhiên của tương lai. Và vì liên hệ tới tương lại, nên đó cũng chính là một viễn tượng duy nhất chắc chắn như cái chết phần xác của chúng ta. Ước gì niềm xác tín này làm cho cõi lòng chúng ta được tràn ngập an bình và tâm hồn chúng ta được hoàn toàn thanh thản.
Chúa sẽ đến và Ngài sẽ đến một cách bất ngờ. Đó là khía cạnh thứ hai trong câu chuyện mười cô trinh nữ. Vào nửa đêm, có tiếng hô to:
- Kìa chàng rể đến.
Như thế, việc chuyển sang một ngày mới cũng là việc chuyển đổi từ tình trạng này đến tình trạng kia. Bất ngờ và cưỡng chế, đó là đặc tính của việc Chúa đến trong Lời mà chúng ta đang nghe lúc này đây của thánh lễ. Đấy là như một dấu báo hiệu: Trước đó, nó đã cho thấy thật là phi lý nếu chúng ta tưởng rằng mình sẽ có đủ thời giờ để canh chừng. Không báo trước như một tiếng sét giữa bầu trời quang đãng, như một tiếng kèn bất chợt vang lên, hay như một con đường đi Đamas khiến cho Phaolô bị quật ngã, xem ra rất bình thường nhưng lại có tính cách quyết định cho số phận đời đời.
Cuộc viếng thăm trọng đại này sẽ áp đặt và mang đi tất cả, nhưng đồng thời cũng ban sự sống cho những gì phù hợp với nó và cho những ai đợi chờ nó.
Tuy nhiên, hăng hái trông mong và hăm hở đi đón mừng Chúa đến với một đức tin kiên vững mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải tích cực chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ định mệnh này, bằng cách tích lũy cho mình thật nhiều những việc lành phúc đức, thật nhiều những hành động bác ái yêu thương, thật nhiều những thái độ xả thân phục vụ những người hèn mọn chung quanh chúng ta. Chỉ một đời sống hoàn toàn dấn thân cho Chúa và cho anh em mới có thể rạng gnời như đèn sáng trong đêm tối trần gian và cho phép chúng ta được yên giấc ngàn thu vì biết rằng Chúa sẽ mở cho chúng ta cánh của phòng tiệc của Ngài.


Trong mục “Cửa sổ tâm hồn” của báo Tuổi Trẻ có đăng một bài với tựa đề “Cho ngày hôm nay” như sau: Có hai ngày trong tuần chúng ta không nên lo lắng.
Một ngày là ngày hôm qua, với những sai lầm, những âu lo, những tội lỗi, những thiếu sót và những nỗi đau. Ngày hôm qua đã đi qua. Mọi tiền bạc trên đời này cũng không thể đem ngày hôm qua quay trở lại. Chúng ta không thể nào hủy bỏ một hành động mà chúng ta đã làm cũng như không thể nào xóa đi một ngôn từ mà chúng ta đã thốt ra. Ngày hôm qua đã đi xa rồi!
Còn một ngày nữa mà chúng ta không nên lo lắng, đó là ngày mai với những kẻ thù quá quắt, những gánh nặng cuộc sống, những hứa hẹn tràn trề. Mặt trời của ngày mai sẽ mọc lên hoặc là chói lọi hoặc là khuất sau đám mây, nhưng dù gì thì nó vẫn sẽ mọc lên. Và trước khi nó mọc lên, vào ngày mai chúng ta chẳng có mối đe dọa nào, bởi lẽ nó vẫn chưa được sinh ra.
Vì vậy chỉ còn một ngày duy nhất là ngày hôm nay. Bất cứ ai cũng đều phải đấu tranh để sống dù chỉ một ngày. Thật ra chẳng phải những gì trải qua ngày hôm nay khiến người ta phát rồ – mà đó chính là sự hối tiếc về những gì đã xảy ra ngày hôm qua và những lo sợ về những gì ngày mai có thể đem đến.
“Năm cô trinh nữ khôn ngoan” là những con người của ngày hôm nay. Các cô không hối tiếc cho ngày hôm qua, cũng không lo lắng cho ngày mai, vì ngày hôm nay, các cô đang cầm đèn cháy sáng trong tay theo chú rể vào dự tiệc cưới.
“Năm cô trinh nữ khờ dại” mãi mãi là những con người của ngày hôm qua. Cho dù các cô có đi mua thêm dầu, rồi cầm đèn cháy sáng trong tay, nhưng đã quá muộn, vì cửa đã đóng.Ngày hôm qua đã đi xa rồi!
Cuộc đời người tín hữu Kitô lúc nào cũng phải được xem là ngày hôm nay, luôn sẵn sàng chờ chàng rể đến, để vào dự tiệc cưới Nước Trời. Thế nào là người tín hữu luôn sẵn sàng? Tin Mừng hôm nay chỉ rõ: “Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo”. Cốt lõi vấn đề là ở chỗ đó. Các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo, nên các cô sẽ mãi mãi là người đến sau, mãi mãi phải đứng bên ngoài, suốt đời hối tiếc. Vì ngày hôm qua đã đi xa rồi!
Trái lại, các cô khôn vừa mang đèn vừa mang theo chai dầu. Đèn chính là ánh sáng đức tin luôn chiếu tỏa từ ngày chịu phép rửa tội. Đã có đèn thì phải có dầu; đã thắp đèn thì phải hao dầu, hao dầu thì phải châm thêm mỗi ngày. Dầu ấy chính là dầu bác ái yêu thương. Chỉ có dầu tình yêu mới thắp sáng được cây đèn đức tin của người tín hữu. Thánh Gioan viết: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”.
Ai vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo người đó được kể là người sẵn sàng và là thực khách danh dự của tiệc cưới Nước Trời. Thánh Matthêu ghi rõ: “Những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”. Vì thế, những người luôn sẵn sàng là những con người của ngày hôm nay, không hối tiếc cho ngày hôm qua đã đi xa rồi, cũng chẳng lo lắng cho ngày mai chưa tới, nhưng chỉ tỉnh thức trong ngày hôm nay cho đèn luôn cháy sáng, cho dầu vơi lại đầy.
Người ta cứ tự hỏi: Bao giờ chàng rể đến? Bình dầu thì cứ vơi dần! Màn đêm buông xuống, đôi mắt cũng nặng trĩu theo! Chờ đợi bao giờ cũng mệt mỏi căng thẳng! – Biết rằng đèn cháy sáng thì dầu cũng cạn. Tình yêu chờ đợi mãi cũng mòn mỏi, lời kinh có khi cũng phôi pha, cây đàn có lúc cũng quên mất nốt nhạc. Hãy kín múc dầu tình yêu nơi suối nguồn yêu thương, chính là Bí tích Thánh Thể. Nơi đó, chúng ta không chỉ nhận được dầu tình yêu, dầu ân sủng, mà còn được trao ban chính mình Người làm của ăn, để chúng ta tỉnh thức mà chờ đợi Người dẫn đưa ta vào tiệc cưới Nước Trời.


Theo tục lệ tại các nước Trung Đông, thì trong dịp đám cưới, nhà gái thường tổ chức những cuộc vui chơi suốt ngày. Thỉnh thoảng người ta lại loan báo cho biết:
- Chàng rể sắp đến.
Trong thực tế, nửa đêm vào lúc bất ngờ nhất, chàng rể mới xuất hiện. Chàng đến với đèn đuốc sáng trưng để đón cô dâu. Đáp lại, cô dâu cùng các cô phù dâu, cũng phải mang đèn đuốc sáng trưng để bắt đầu cuộc rước về nhà chồng.
Đoạn Tin mừng hôm nay cũng cho hay là chàng rể đến chậm. Sự chậm trễ này cũng là điều bình thường và phần lớn xảy ra là do nhà trai chưa đạt được thỏa thuận về các sính lễ phải đem sang nhà gái trước khi rước dâu.
Tục lệ này tương đương với việc “thách cưới” ở Việt Nam mà dân gian đã có những lời diễu cợt như sau:
- Em là con gái nhà giàu,
Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao.
Cưới em trăm tấm lụa đào,
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời.
Ở Trung Đông, tục lệ này còn nặng nề hơn nữa, đến nỗi cuộc rước dâu có thể bị đình hoãn tới đêm hôm sau do cuộc thương lượng và thỏa thuận kéo dài lê thê…
Vì thế không lạ gì khi thấy các cô phù dâu thiếp đi rồi ngủ cả. Các cô tuy không buộc phải tỉnh thức, nhưng buộc phải sẵn sàng để đón chàng rể với đèn cháy sáng cầm trên tay.
Câu chuyện trên được áp dụng vào hai lãnh vực. Lãnh vực nhân loại và lãnh vực cá nhân.
Trước hết là lãnh vực nhân loại. Như chúng ta đã biết chàng rể trong câu chuyện là hình ảnh tượng trưng cho Đức Kitô. Ngài sẽ đến viếng thăm nhân loại vào ngày cuối cùng của vũ trụ vật chất, để phán xét chung hết thảy mọi người.
Tuy nhiên quan trọng hơn đó là lãnh vực cá nhân. Ngài sẽ đến viếng thăm mỗi người chúng ta vào ngày sau hết của cuộc đời để phát xét riêng mỗi cá nhân và ấn định số phận đời đời của chúng ta.
Điều Ngài đòi hỏi nơi chúng ta không phải chỉ là tỉnh thức để biết được ngày giờ nào Ngài sẽ viếng thăm, nhưng cần thiết hơn, đó là thái độ sẵn sàng, để khi Ngài đến, chúng ta không bị bẽ bàng, hut hẫng và đắng cay vì sẽ bị loại trừ.
Vào năm 79 sau công nguyên, thành phố Pompei với trên 20.000 dân bất ưng bị một ngọn núi lửa vùi lấp dưới lớp tro bụi dày hơn 5 thước.
Các nhà khảo cổ đã đào bới và tìm thấy những bộ xương người mà thịt rữa được thay thế bằng những lớp tro chai cứng. Hay họ dùng thạch cao để đắp lại thành hình người theo dựa theo những bộ xương trong tư thế y hệt lúc xảy ra tai nạn núi lửa. Những khuôn đức ấy cho thấy hành vi cuối cùng của một số người trong thành.
Trước hết là một người mẹ trẻ đang ôm chặt đứa con trong vòng tay của mình. Tiếp đến là một người lính gác trong bộ áo giáp với vũ khí trong tay, vẫn đứng thẳng tại vị trí của mình, còn người khác thì tay cầm gươm, chân đạp trên đống vàng, bên cạnh là năm xác chết, có lẽ đó là những người đến để cướp bóc hay hôi của.
Nếu như hôm nay Chúa đến viếng thăm, liệu chúng ta có ở trong tư thế sẵn sàng với đôi tay chất đầy công nghiệp và một tâm hồn trong trắng, như năm cô trinh nữ khôn ngoan cầm đèn sáng đi đón chàng rể hay không?

Vào thế kỷ thứ 19, một tác giả vô danh đã kể câu chuyện về một người Mỹ đi du lịch sang Ba Lan, đến thăm thầy Rabbi Hofetz Chaim là người đang được dân chúng kính trọng như một vị thánh rất khôn ngoan. Khi đến nơi cư ngụ của thầy Rabbi, người khách du lịch quá ngạc nhiên khám phá thấy rằng chỗ đó chỉ có một phòng duy nhất mà thôi. Sách vở xếp hàng dọc theo bờ tường; đồ đạc trong nhà chỉ có một cái bàn và một cái ghế. “Nhưng thưa thầy Rabbi”, người khách hỏi, “Đồ dùng của thầy ở đâu?” Thầy Rabbi trả lời bằng cách hỏi lại, “Thế đồ dùng của ông ở đâu?” “Đồ dùng của con?” người du khách lúng túng nói, “Con chỉ là một người khách đến đây, trọ qua đường”. “Tôi cũng thế” thầy Rabbi Hofetz Chaim trả lời, “tôi cũng là khách trọ qua đường vậy thôi”.
Bài Phúc âm hôm nay, thánh Matthêu diễn tả thái độ sẵn sàng của năm cô trinh nữ khôn ngoan và sự ngu xuẩn của năm cô trinh nữ khờ dại. Nếu ví cuộc đời là lữ quán thì chúng ta chỉ là những người khách trọ qua đường. Chúng ta phải có thái độ nào cho thích hợp đối với cuộc sống trần gian?
Sự khôn ngoan là một tặng phẩm được Thiên Chúa ban cho con người để biết cách sống thánh thiện theo đường lối của ngài. Sự khôn ngoan không thể bị nhầm lẫn với sự hiểu biết hay kiến thức của trí óc con người. Kiến thức của con người rất giới hạn, và cuộc sống lại đầy những huyền bí. Sự huyền bí tối cao là Thiên Chúa. Và người khôn ngoan là con người biết sống theo sự hướng dẫn của Đấng Tối Cao.
Năm cô trinh nữ khôn ngoan đã chuẩn bị sẵn sàng chờ đón chàng rể đến. Chàng rể là hình ảnh của Chúa Giêsu đến trần gian, cũng có thể cắt nghĩa đó là những lần Chúa Giêsu đến với chúng ta trong cuộc đời, và cũng có thể hiểu đó là lần chúng ta phải đối diện với Thiên Chúa qua cái chết.
Những du khách tới ParisRheims đã chiêm ngưỡng những bức tượng điêu khắc bằng đá từ thời Trung Cổ minh hoạ dụ ngôn hôm nay. Chúa Giêsu được đặt ở chính giữa giống như chú rể. Ở bên phải của Ngài là năm cô trinh nữ khôn ngoan dưới ánh đèn tươi sáng tượng trưng cho dân ngoại. Họ đứng vây quanh Đấng Thiên Sai. Ở bên trái là những cô trinh nữ khờ dại, những người Do thái, đang nhìn buồn bã vào những cái đèn dầu tối om. Họ bước đi trống rỗng và quay lưng lại với Đức Giêsu.
Thánh Bênêđictô đã muốn các tu sĩ trong nhà dòng của ngài mỗi ngày phải nghĩ về sự chết. Ngài đã dạy các tu sĩ rằng: “Hãy giữ cái chết trước mặt của các bạn hằng ngày”. Đây chính là truyền thống của sự khôn ngoan. Nếu chúng ta nhận ra rằng ngày hôm nay có thể là ngày cuối cùng của mình trên trái đất, chúng ta sẽ cố gắng làm những việc tốt đẹp, phải sống thế nào cho xứng đáng, không phải vì sợ, nhưng vì chúng ta muốn ra đi bằng an, muốn chết thánh thiện và thảnh thơi.
Tướng Baden Powell of Gilwell (1857-1941) của Anh Quốc, người sáng lập phong trào Hướng đạo đã để lại “Thông Điệp Cuối Cùng Của BiPi” cho các hướng đạo sinh như sau:
Các Hướng Đạo sinh thân mến.
Nếu các bạn đã có bao giờ xem vở kịch “Peter Pan” thì hẳn sẽ nhớ rằng lão tướng cướp đã luôn luôn làm sẵn bài diễn văn giã biệt cõi đời của mình vì e ngại rằng khi quỷ vô thường đến lão sẽ không có thì giờ để thực hiện điều ấy nữa. Đối với tôi cũng hầu như vậy, cho nên, mặc dầu chưa đến lúc, tôi cũng muốn làm như thế trong những ngày này và tôi xin gửi đến các bạn vài lời từ biệt.
Xin nhớ rằng đây là những lời cuối cùng của tôi – nên mong các bạn hãy để tâm suy nghĩ. Tôi đã có một cuộc đời hạnh phúc nhất và tôi mong muốn mỗi bạn cũng có một cuộc đời hạnh phúc như thế.
Tôi tin tưởng rằng Đấng Tạo Hóa đặt để chúng ta trong thế giới tươi vui này để được hạnh phúc và hưởng cuộc sống. Hạnh phúc không đến từ sự giàu sang, cũng chẳng phải nhờ thành công trong sự nghiệp, cũng không phải sự tự do buông thả. Một bước dẫn đến hạnh phúc là các bạn cần giữ mình khoẻ mạnh khi còn niên thiếu, như vậy các bạn sẽ trở nên hữu ích và có thể hưởng cuộc đời khi trưởng thành.
Việc học hỏi thiên nhiên sẽ cho các bạn thấy có biết bao nhiêu điều đẹp đẽ và kỳ diệu mà Đấng tạo Hoá đã lập ra thế giới này để các bạn thụ hưởng. Hãy thỏa mãn với những gì các bạn đã đạt được và hãy tận dụng nó. Hãy nhìn khía cạnh sáng sủa của sự vật thay vì mặt phía trái.
Nhưng con đường thật sự để được hạnh phúc là đem lại hạnh phúc cho tha nhân. Hãy cố gắng lưu lại cho thế giới này một chút gì đẹp hơn là các bạn đã tìm thấy và khi đến phiên các bạn từ giã cõi đời, các bạn có thể ra đi trong hạnh phúc với sự cảm thụ rằng với bất cứ giá nào, các bạn đã không phung phí thời gian và đã làm hết sức mình.
Hãy “sắp sẵn” trong lối này, là sống hạnh phúc và chết hạnh phúc. Hãy luôn luôn thực hành lời hứa hướng đạo ngay cả sau khi các bạn không còn là một thiếu niên và Thượng Đế giúp các bạn thực hiện điều đó. Bạn của các bạn.
Theo câu châm ngôn “sắp sẵn” của các hướng đạo sinh, chúng ta phải sống giống như những cô trinh nữ khôn ngoan, luôn luôn sẵn sàng đáp trả điều sẽ xảy ra trong cách tốt đẹp nhất và đem lại hạnh phúc cho tha nhân.


Chúa Giêsu hay nói về đám cưới, vì đám cưới của người Do Thái sống ở Palestine thời Chúa Giêsu là một cơ hội lễ lạc linh đình. Theo William Barclay, toàn thể dân làng được mời tham dự vào đoàn rước chú rể và cô dâu về nhà mới, họ đứng hai bên đường ca hát và chúc mừng những lời tốt đẹp nhất. Đôi tân hôn không đi xa để hưởng tuần trăng mật, nhưng ở tại nhà, suốt cả tuần lễ tiệc tùng, và được đối đãi quý trọng như hoàng tử và công chúa. Đây là tuần lễ quan trọng đáng ghi nhớ nhất trong đời của một người. Do đó, theo luật lệ của các thầy Rabbi, ngày lễ cưới là ngày hoan lạc vui tươi, tất cả khách đến tham dự được miễn trừ không phải giữ luật ăn chay.
Thánh lễ cưới theo nghi thức tây phương, cô dâu đóng vai trò quan trọng với nghi thức rước dâu. Khi cô dâu xuất hiện, mọi người đều đứng lên tập trung vào cô dâu đẹp đẽ trong y phục áo cưới tiến lên bàn thờ với đoàn rước và tiếng nhạc hoan ca. Còn chú rể chỉ đứng chờ đợi sẵn trên bàn thờ đón tiếp cô dâu.
Trái lại, trong nghi thức đám cưới Do Thái, chú rể là người quan trọng. Mọi người phải chờ đợi và đón chú rể. Trước hết, nếu lễ cưới vào ban đêm, chú rể phải đi tới nhà cô dâu để thương lượng với người cha hay anh em của cô dâu về tiền bạc, quà cáp, của hồi môn… vào lúc mặt trời lặn. Thời đó chưa có đồng hồ, nên không thể định rõ giờ giấc để đón rước chàng rể từ nhà cô dâu về nhà chú rể được. Hơn nữa, theo phong tục, chú rể thường cố ý trì hoãn và kéo dài cuộc thương lượng để cô dâu và những nàng phù dâu phải chờ đợi trong hồi hộp và ngạc nhiên. Vì suốt ngày tiệc tùng, dạ vũ, nên chờ đợi đến khuya thường mệt mỏi và buồn ngủ. Mười cô trinh nữ được mời tham dự có bổn phận phải chuẩn bị sẵn sàng đèn đuốc để thắp sáng đường đi rước chú rể, cô dâu và khách đến tiệc cưới. Đây là một vinh dự rất đặc biệt cho các cô trinh nữ được mời.
Tuy nhiên, theo bài Phúc âm diễn tả, năm cô khờ dại chưa chuẩn bị sẵn sàng, không mang theo đủ dầu cần thiết, khi chú rể đến thì họ lại hết dầu. Điểm rất quan trọng cần lưu ý ở đây là thời xưa không ai được phép ra đường vào ban đêm mà không có đèn, nhất là trinh nữ. Vì bóng đêm với đầy dẫy sự nguy hiểm của gian tà tội lỗi!
Thánh Augustinô đã chú giải như sau: “Năm cô trinh nữ khờ dại trong bài Phúc âm hôm nay thực sự là ngu xuẩn. Họ khờ dại vì đã chểnh mảng giữ giới răn dễ dàng hơn, đó là mến Chúa và yêu người, để liều lĩnh giữ giới răn về sự thanh khiết”. Họ phải yêu thương tha nhân bằng việc thắp đèn dầu của mình soi sáng đường đi cho mọi người đến đón chú rể. Họ ngu xuẩn vì họ đã bỏ qua giới răn quan trọng và dễ thi hành này, “mến Chúa và yêu người”, để giữ một giới răn khó khăn là sự trong sạch. Theo William Barclay, tiệc cưới là những ngày hội vui tươi và linh đình, kéo dài cả tuần lễ. Ăn uống, vui chơi, đàn ca và khiêu vũ không chỉ dành riêng cho đôi tân hôn, nhưng cả bạn bè và những người thân đều được mời tham dự. Do đó, những cô trinh nữ khờ dại đã bị loại ra, uổng mất cơ hội hoan lạc đáng kể này!
Những nhân viên sĩ quan và thủy thủ đoàn cấp cứu của con tàu Titanic rất giống với những cô trinh nữ khờ dại trong dụ ngôn của Chúa Giêsu. Họ đã không chuẩn bị đầy đủ cho điều có thể xảy ra vì họ tin rằng con tàu của mình không thể chìm nổi, nhưng trong một số trường hợp họ cũng không biết điều khiển máy móc làm cho những chiếc thuyền cấp cứu hạ thấp xuống nước nữa. Do đó, khi tai nạn xảy đến, tất cả chỉ là một đám đông hỗn độn: thủy thủ đoàn không được huấn luyện không biết phải làm gì. Và khi họ phát ra những chiếc phao cấp cứu, họ mới khám phá thấy rằng tất cả những dụng cụ cấp cứu và phao nổi đã quá ít so với số hành khách và thủy thủ đoàn.
Đừng bắt chước năm cô trinh nữ khờ dại. Họ nghĩ rằng có thể mượn được dầu từ người khác. Chúng ta cũng không thể nào vay mượn được đời sống tinh thần của người khác. Phải tự phát triển đời sống đạo đức của riêng mình. Không ai có thể sống dùm cho chúng ta. William Barclay ví von rằng, chúng ta không thể nào vay mượn được tính tình và nhân đức giống như vay tiền từ thẻ tín dụng! Năm cô trinh nữ khôn ngoan và năm cô trinh nữ khờ dại là những biểu tượng của những cách sống của con người. Xin Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta ơn khôn ngoan để biết sống sẵn sàng vâng theo đường lối của Thiên Chúa.


Bài Tin Mừng là một dụ ngôn của Chúa Giêsu, Chúa đã dùng một hình ảnh quen thuộc về cưới xin của quê hương Ngài để dạy chúng ta một bài học, là phải luôn luôn sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa đến. Trong một đám cưới, nhân vật chính là cô dâu và chú rể. Nhưng trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu lại đặt trọng tâm về phía các cô phù dâu, bởi vì chàng rể ở đây là Chúa Giêsu, mười trinh nữ phù dâu là toàn thể nhân loại.
Dụ ngôn này trước hết nói đến tất cả mọi người phải sẵn sàng chờ đợi ngày tận thế, ngày Chúa tái giáng để phán xét toàn thể nhân loại, ngày nào Chúa trở lại thì không ai biết được, chỉ cần nhớ rằng ngày đó rất bất ngờ. Đàng khác, dụ ngôn này cũng muốn nhắc tới ngày chết của mỗi người, ngày ấy cũng rất bất ngờ, không ai biết trước được. Đời con người đã ngắn ngủi, lại có thể chết bất cứ lúc nào, cho nên đòi hỏi mỗi người phải cẩn thận và sẵn sàng.
Việc chờ đợi sẵn sàng có tính cách bản thân cá nhân mỗi người, không ai làm thay ai được. Sự sẵn sàng này phải có luôn, kéo dài mãi chứ không phải chỉ trong một thời gian nào thôi, vì Chúa đến bất ưng, Chúa có thể gọi chúng ta ra khỏi đời này bất cứ lúc nào. Cho nên, như mười trinh nữ, sửa soạn có đèn mà thôi, đèn cháy mà thôi cũng chưa đủ, còn phải dự trữ dầu. Cũng vậy, có đạo, có đức tin mà thôi chưa đủ mà còn phải có sự nghiệp đức tin và công phúc nữa.
Dụ ngôn cho chúng ta thấy, trong mười cô phù dâu, có năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại. Đó là hình ảnh tượng trưng cho hai nhóm tín hữu khác nhau: một nhóm những người khôn ngoan và một nhóm những người khờ dại. Khôn ngoan hay khờ dại là căn cứ vào cách sống của họ có biết sẵn sàng hay không? Có sự nghiệp đức tin và công phúc hay không? Năm cô phù dâu khờ dại không chuẩn bị đủ dầu, đến giờ chót đi vay mượn và bị từ chối, có nghĩa là ơn cứu rỗi của mỗi người là tự mình sắm sửa lấy cho mình. Mỗi người phải có sự nghiệp đức tin riêng. Sự cứu rỗi là của riêng mỗi người, không vay mượn được. Chúng ta không thể nhường lại cho ai khác và cũng không ai có thể nhường lại cho chúng ta được. Đàng khác, chúng ta cũng đừng cho rằng: chỉ cần sắm sửa một ít dầu vào phút chót là được. Trái lại, phải sắm sửa cả đời và suốt đời. Sự nghiệp đức tin phải sắm sửa hằng ngày cho đến chết, vì không ai biết mình chết khi nào, đừng bao giờ nghĩ rằng mình còn lâu mới chết, vì sự chết không kiêng nể ai và cũng chẳng báo trước cho ai cả.
Vì thế, bổn phận của chúng ta là phải luôn sẵn sàng, lúc nào cũng chuẩn bị trước cho mình một sự nghiệp nước trời theo gương nhân vật trong câu chuyện sau: Bá tước Henri đơ Bavie, người sau này trở thành hoàng đế nước Đức, và Giáo Hội đã phong thánh cho ngài. Ngài thường cầu nguyện bên mộ thánh Uôngang. Một hôm thánh Uôngang hiện ra với ngài và chỉ cho ngài một dòng chữ viết trên mộ: “Sau sáu…” chỉ có hai chữ đó thôi, rồi thánh nhân biến đi. Henry suy nghĩ mãi, không hiểu “sau sáu…” nghĩa là gì? Ngài nghĩ rằng có lẽ Chúa muốn cho ngài biết sau sáu ngày nữa mình sẽ chết chăng? Ngài liền dọn mình chết cách nghiêm túc. Nhưng sau sáu ngày vẫn không có sự gì xảy ra. Ngài cho rằng: sau sáu tuần chăng? Ngài lại dọn mình chết trong sáu tuần. Sáu tuần lại qua đi vô sự. Ngài lại nghĩ sau sáu tháng chăng? Sáu tháng lại qua đi. Ngài lại nghĩ sau sáu năm chăng? Ngài kiên trì sống tốt lành, làm thật nhiều việc đạo đức. Sau sáu năm ngài được chọn làm hoàng đế. Dầu vậy, ngài vẫn không thay đổi cách sống, luôn chuẩn bị sẵn sàng chết. Vì thế, ngài đã trở thành một hoàng đế gương mẫu và hơn nữa là một vị thánh.
Chúa Giêsu ân cần nhắn nhủ chúng ta: hãy khôn ngoan như năm cô trinh nữ đem đèn và trữ cả dầu. Chúng ta phải có đèn, đèn muốn hữu dụng phải có dầu, dầu đốt mãi cũng phải hết, do đó, chúng ta phải trữ dầu, trữ càng nhiều càng tốt. Dầu đây là đời sống thiện hảo của mình, loại dầu này nếu có trữ lượng phong phú, việc phòng ngừa và cẩn thận của chúng ta mới thành hiện thực. Dụ ngôn mười cô trinh nữ, chúng ta thấy cả khôn và cả dại đều ngủ, đâu phải chỉ có những cô dại mới ngủ, nhưng cái làm cho mười cô trở thành khôn dại khác nhau ở chỗ biết chuẩn bị sẵn sàng. Năm khô khôn đã ngủ nhưng ngủ trong sự sẵn sàng, còn năm cô dại đã ngủ trong một thái độ chểnh mảng, việc đâu hay đó, nhưng đến khi “hay” được thì đã quá muộn.
Chúng ta hãy nhớ: một ngày nào đó cuộc đời chúng ta sẽ chấm dứt, chúng ta không biết ngày đó là ngày nào, nên chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, chúng ta phải lo tính cho linh hồn mình, phải luôn sẵn sàng tối đa bằng cách luôn sống tốt lành. Bởi vì chỉ có những ai biết sống như thế mới bảo đảm được hạnh phúc đời đời.


Một tác giả trong thành phố Nữu Ước nói chuyện về tuổi thơ ấu của ông ta như sau: Trước ngày sinh nhật thứ mười của ông ta, gia đình ông đã đổi chỗ sinh sống tới mười lần. Kỷ niệm khó quên nhất của ông mỗi lần đến vùng đất mới là luôn luôn chứng kiến sự than khóc của người mẹ trong ngôi nhà mới. Ông đã nhớ lại sự khóc lóc đau khổ của người mẹ khi bà ta mở những thùng đồ ra. Ông cũng nhớ lại người cha của ông nói với ông, "Này con, mẹ con sẽ không sao. Mẹ chỉ chào tạm biệt những người bạn mà mẹ bỏ đi, thì mẹ có thể làm quen được với những người bạn mới ở đây. Vậy con phải chấp nhận sự đau khổ của mẹ."
Có một điều chủ yếu giá trị và sâu xa của Thánh Kinh nơi làm việc trong đoạn đơn giản này. Một trong những tường thuật rõ ràng nhất của chủ yếu này thì đã được tìm thấy trong Phúc Âm Thánh Gioan -- Phúc Âm của "Sự Sống Lại". Phúc Âm Thánh Gioan chia ra làm hai phần. Phần đầu, Gioan kể lại câu chuyện về sứ vụ công khai của Chúa Giêsu vòng quanh những dấu hiệu sống lại. Những dấu hiệu đầu tiên này xẩy ra khi Chúa biến nước thành rượu tại tiệc cưới Cana. Sự biến đổi mầu nhiệm nước thành rượu là một dấu hiệu của Chúa đang làm trong cuộc sống chúng ta đó là biến đổi đau buồn thành niềm vui, thất vọng thành hy vọng, sự chết thành sự sống. Trong bẩy chương đầu của Thánh Gioan, chúng ta tìm thấy sự tham khảo về sự sống lại được lập đi lập lại. Điểm cao nhất trong chương bẩy vẫn còn một dấu hiệu sống lại vĩ đại khác đó là sự sống lại của Lazarô từ cõi chết. Giữa đoạn này, Chúa Giêsu nói, "Ta là sự sống lại." Lúc đó, có một sự thay đổi: Từ chương mười hai trở đi các tông đồ kể về sự chết và sự sống lại của Chúa. Đặt giữa hai đoạn này của Phúc Âm giống như một hạt kim cươmg trong một khung cảnh đẹp, Chúa Giêsu đã nói một câu rất hợp với lẽ thường tình tự nhiên: "Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, nó chỉ trơ trọi một mỉnh, nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ sinh được nhiều hoa trái" (Ga 12,24). Thiên nhiên làm chứng cho chu kỳ sáng tạo của sự chết và sự tái sinh. Chúa Giêsu, qua sự chết và sự sống lại, làm chứng cho sự hiện diện của chu kỳ này trong mỗi người chúng ta.
Vào mùa cắm trại hè, có chú bé đã đi tới bệnh xá rên rỉ vì bị cảm lạnh. Cô y tá nói với bé: "Cô sẽ cho em một viên thuốc cảm, em sẽ khỏi; đồng thời, cô cho em biết em có một hồ sơ tốt. Em đã không bao giờ bịnh trước đây." Cậu bé đó đã viết thơ về nhà: "Kính thưa ba má! Hôm nay con bị bệnh. Ba má đoán xem con bịnh gì! Cô y tá nói ngày giờ của con đã được ghi sổ." Thật ra, định mệnh của mỗi người đã được ghi sổ. Nhưng đối diện với thực tại đó Chúa đã có lời hứa lý thú cho chúng ta là từ thân xác hay chết này sẽ sống lại và tái sinh trong thân xác thiêng liêng sáng láng.
Lãnh vực nào trong cuộc sống của bạn nơi mà một vài người chết đang xẩy ra? Người đàn bà khóc lóc đau buồn mổi lần phải rời tới khu nhà mới trong câu chuyện trên là một thí dụ điển hình. Có thể vì cao niên mà những khả năng, sức mạnh, cảm tình đang bị chết dần. Cũng có thể là vì cắt đứt tình bạn hữu. Cũng có thể vì một vài tình trạng nơi làm việc hoặc hàng xóm. Dù bất cứ là cái gì và bất cứ ở đâu liên quan tới nó bây giờ và bắt đầu hiểu cái gì Chúa Giêsu đang nói với bạn rằng: "Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, nó chỉ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nót thối đi, nó sẽ sinh nhiều hoa trái." Khi chúng ta nhận ra tiến trình này trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cần hiểu sự cần thiết của sự từ bỏ cái gì mà đang mất hoặc đã mất.
Nữ diễn viên nổi tiếng Helen Hayes nói rằng thời gian đau khổ nhất đến trong cuộc sống của cô là sau khi người con gái mười chín tuổi của cô chết vì bệnh bại liệt. Cô nói rằng thu thập mảnh vỡ của cuộc đời cô và tiến về phía trước là một điều đau đớn nhất cô đã từng làm, nhưng cô đã tìm cách giải quyết được nó, lấy lại nghề nghiệp, và đã làm những điều lạ lùng chống lại bệnh tê liệt. Một lần nọ bác sĩ Jonas Salk nói với cô, "Bạn là một vũ khí lợi hại nhất tôi có trong trận chiến chống lại thứ bịnh này." Một vài năm trước đây, cô Hayes đã thu tất cả gia tài của cô đem đi bán đấu giá và cho tất cả số tiền đó tới hội từ thiện. Khi người ta phỏng vấn, cô nói, "Tôi từ bỏ những thứ đó để tôi không bị vướng víu khi tôi hướng về trời." Từ bỏ! Không vướng víu! Hướng về trời! Sự chết và tái sinh!
Bất kể chúng ta thế nào, thì ngày giờ chúng ta cũng đã được ghi sổ. Giầu hay nghèo, nổi tiếng hay không. Không trừ một ai. Sự chết tuyên bố chiến thắng tất cả. Tuy nhiên trong sự chiến thắng hiện nay chúng ta phải vượt qua. Chúng ta chỉ học được cái gì để sống bởi sức mạnh của Thiên Chúa khải hoàn để có khả năng nói như Thánh Phaolô, "Ô sự chết, chiến thắng của ngươi ở đâu... Tạ ơn Chúa, Người đã cho chúng ta sự chiến thắng trong Đức Giêsu Kitô" (1 Cr 15,55.57). Trong sự liên kết với những người Kitô hữu trung thành của mọi thời đại chúng ta có thể tiếp tục cuộc hành trình, hy vọng nhắm tới sự chiến thắng của cuộc sống trong ngày hạnh phúc cuối đời.
Dụ ngôn trong bài Phúc Âm ngày hôm nay nói về ngày thế mạt liên quan đến sự biết trước được giờ nào chú rể đến tiệc cưới. Chúa Giêsu dùng hình ảnh này tượng trưng cho ngày giờ sắp đến của bữa tiệc đời đời của chúng ta là những người bạn thân vĩnh viễn của Ngài. Đây là cảnh tái sinh của chúng ta trong "trời mới và đất mới khi trời cũ, đất cũ đã qua đi" (Kh 21,1). "Vậy, hãy tỉnh thức" Chúa Giêsu khuyên, "vì các ngươi không biết ngày cũng chẳng rõ giờ" mà chú rể sẽ đến và bữa tiệc sẽ bắt đầu.
Những cây đèn bằng chứng của chúng ta đã đươc đổ đầy dầu hy vọng. Hãy vang dội lại những tiếng kèn reo mừng của các thánh và thiên thần, đóng dấu bằng máu tử đạo, và tin tưởng chắc chắn vào lời nói hy vọng này của Đấng Cứu Thế là ở giữa sự chết này chúng ta đang sống.


Câu hỏi gợi ý:
1. Chúng ta là những người đang lữ hành tiến về Quê Trời, nhưng có bao giờ chúng ta đặt vấn đề về điều kiện không có không được để về được Quê Trời là gì không? Nếu không có điều kiện cần thiết ấy thì việc lữ hành vất vả của ta có ích lợi gì không? Vấn đề quan trọng như thế tại sao ta lại không quan tâm?
2. Nếu Thiên Chúa cho cả những người không có tình yêu, vẫn còn ích kỷ, ghen ghét, hận thù... vào Thiên Đàng, thì Thiên Đàng ấy có hạnh phúc được không? Thiên đàng ấy có khác gì trần gian không?
3. Đức tin hay tình yêu là “vé” để vào Nước Trời. Nhưng thứ đức tin không việc làm, chỉ được tuyên xưng ngoài miệng, thứ tình yêu không cụ thể, chỉ nói ngoài môi miệng, có thể dùng làm “vé” vào Nước Trời được không? Tại sao?
Suy tư gợi ý:
1. Mô tả lại dụ ngôn
Theo phong tục của các dân tộc, khi cô dâu về nhà chồng, cô thường kêu thêm những cô gái đồng trang lứa làm phù dâu, để cùng tiễn đưa cô về nhà chồng cho có bạn. Theo phong tục Do Thái, những cô phù dâu này ngoài việc trang điểm và mặc quần áo đẹp còn phải mang theo đèn, vì chàng rể thường đến đón dâu vào buổi tối, là đầu ngày (ngày của Do Thái bắt đầu từ 6 giờ tối). Các cô phù dâu sẽ cùng cô dâu đi về nhà chồng để dự tiệc cưới. Khi chàng rể đến, các cô sẽ cầm đèn thắp sáng trong suốt hành trình đi đến chỗ dự tiệc. Vì thế, đúng ra các cô hễ đã mang đèn thì phải lo liệu mang dầu đi. Khi nghe báo tin chàng rể đến, mấy cô không đem theo dầu mới khám phá ra đèn mình không có dầu, và phải ra tiệm mua dầu. Trong khi các cô ra đi thì chàng rể đến, năm cô đã sẵn sàng theo chú rể đi dự tiệc cưới. Khi các cô kia mua dầu về thì đã quá trễ. Các cô tới chỗ dự tiệc thì cửa đã đóng, không vào được nữa. Sự thường mà nói, mấy cô này quả thật là khờ dại: chỉ vì không biết lo liệu mà lỡ chuyện của mình. Công trang điểm, mặc quần áo đẹp, chờ đợi... trở thành “công cốc”!
2. Ý nghĩa dụ ngôn
Dụ ngôn trên là một minh họa nói về những người đang thực hiện một mục đích nào đó, nhưng không hề ý thức về những gì mà mục đích ấy đòi hỏi, nên cuối cùng trở thành “sôi hỏng bỏng không”, “nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”. Dụ ngôn trên có khác gì chuyện một học sinh chuẩn bị đi thi mà không hề nghĩ tới chuyện phải chăm lo học hành, nên khi vào phòng thi chẳng có một kiến thức nào trong bụng. Hay như một người chuẩn bị nấu cơm mà không hề nghĩ đến chuyện phải có gạo mới nấu được, chỉ biết lo tìm củi lửa, nồi nấu... để rồi tới lúc phải nấu thì chẳng có gạo để nấu. Hay như người sắp lên máy bay để đi du hành mới khám phá ra mình quên mua vé. Dụ ngôn hay các minh họa trên có thể áp dụng cho việc nên thánh hay cho cuộc lữ hành về Nước Trời của chúng ta.
Rất nhiều Kitô hữu lúc nào cũng ngưỡng vọng về hạnh phúc đời sau, và thường cầu xin cho mình được “ái mộ những sự trên trời” (Kinh Môi Khôi). Họ khá ý thức rằng mình đang trên đường lữ hành về Quê Trời. Nhưng trong số những Kitô hữu ấy có được bao nhiêu người tự hỏi xem những điều kiện cốt yếu nhất để vào Nước Trời là gì, để rồi thực hiện cho bằng được những điều kiện ấy, hầu chắc chắn đạt được mục đích mình nhắm tới? Vì quả thật, có biết bao Kitô hữu đang cố gắng thực hiện đủ mọi thứ chuyện chẳng đâu vào đâu hầu vào được Nước Trời, mà chuyện cốt yếu nhất để có thể vào đấy thì lại chẳng làm! Họ có thể là những Kitô hữu được tiếng là đạo đức, vì họ ngày nào cũng đi dự thánh lễ, sáng tối nào cũng đọc kinh cầu nguyện, hội đoàn nào cũng tham gia, thậm chí họ bỏ cả bổn phận chính yếu nhất của mình để thực hiện những điều ấy! Vì thế, rất có thể vào ngày phán xét họ sẽ bật ngửa vì ngạc nhiên khi nghe Chúa phán: “Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7, 23). Để tránh tình trạng đáng tiếc này xảy ra cho mình, chúng ta cần phải nắm thật vững những điều kiện cốt yếu không thể thiếu để vào Nước Trời là gì.
3. Nước Trời là một nơi hoàn toàn hạnh phúc chỉ dành cho những người biết yêu thương, sống vị tha
Nước Trời hay Thiên Đàng được định nghĩa là một tình trạng vĩnh cửu, hoàn toàn hạnh phúc, một nơi không còn đau khổ, được dành cho những người biết thật sự yêu thương: yêu Chúa thương người. Định nghĩa ấy rất hợp lý. Để hiểu sâu xa điều ấy, ta thử đặt vấn đề: khi về nơi lý tưởng ấy, liệu người ta có thể hoàn toàn hạnh phúc khi phải sống chung với những người ích kỷ, không biết yêu thương không? Nếu những người trên thiên đàng vẫn còn ích kỷ, còn ác ý, còn lãnh đạm, còn hẹp hòi, còn hay nghĩ xấu cho người khác, dù chỉ một chút xíu, thì họ có thể hoàn toàn hạnh phúc và làm cho những người chung quanh họ cũng hoàn toàn hạnh phúc cho đến đời đời, không hề gây ra một chút đau khổ nào không? Chưa hoàn hảo, chưa đủ khả năng yêu thương mà đã vào Thiên Đàng thì ta sẽ làm ô nhiễm cái hạnh phúc tinh tuyền - không vương chút đau khổ - của Thiên Đàng rồi, và biến Thiên Đàng trở thành một cái gì không còn là Thiên Đàng nữa. Do đó, Thiên Đàng đòi hỏi những người bước vào phải hoàn toàn vị tha, tràn đầy tình thương, sẵn sàng hy sinh cho tha nhân. Nếu còn chút gì là ích kỷ, ghen ghét, hận thù... thì chưa thể vào được, và cần phải được thanh luyện ở luyện ngục cho đến khi nào trở nên hoàn toàn vị tha, tràn đầy tình yêu thương với mọi người mới vào được Nước Trời.
4. “Đức tin đắt giá” và “đức tin rẻ tiền”
Theo Kinh Thánh, để vào được Nước Trời thì phải là người công chính. Mà người công chính là người có đức tin, vì “người ta được trở nên công chính nhờ đức tin” (Rm 3, 22); “Ápraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính” (4, 3). Chúng ta, những Kitô hữu, đều được coi là đã tin vào Thiên Chúa, vậy có phải chúng ta đều là những người công chính không? Thưa không chắc, vì có hai loại đức tin. Theo thánh Giacôbê thì đó là “đức tin có việc làm” và “đức tin không việc làm”. Còn theo nhà thần học D. Bonhoeffer, thì đó là “đức tin đắt giá” và “đức tin rẻ tiền”.
“Đức tin đắt giá” là đức tin được chứng tỏ bằng hành động, là đức tin có việc làm. Đây mới chính là đức tin đích thực, mới làm cho người ta nên công chính. Gọi là “đắt giá” là vì để có được đức tin ấy, người ta phải trả một giá rất đắt là sự hy sinh bản thân, chấp nhận mất mát, không chỉ thời giờ, của cải hay những thứ ngoài mình, mà thậm chí cả mạng sống, hay bản thân mình nữa. Còn “đức tin rẻ tiền” là đức tin không phải trả giá bằng hành động, bằng việc làm, bằng sự hy sinh. Đó là thứ đức tin chỉ được tuyên xưng ngoài miệng, có thể được tuyên xưng hết sức mạnh mẽ, có vẻ như đầy xác tín, nhưng lại không được chứng tỏ bằng những hành động cụ thể. Thánh Gia-cô-bê nói về hai loại đức tin này như sau: “Có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,14.17). “Đức tin không có hành động là đức tin vô dụng” (2,20).
Đức tin đích thực phải được thể hiện thành tình yêu, thành những hành động yêu thương. Ngay cả tình yêu cũng có hai loại: “tình yêu đắt giá” và “tình yêu rẻ tiền”, nói cách khác: tình yêu có việc làm và tình yêu ngoài môi miệng. Thánh Giacôbê cũng nói về thứ tình yêu đãi bôi: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?” (Gc 2,15-16).
Tóm lại, để vào được Nước Trời, chúng ta cần tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu Kitô, nhưng phải tin bằng thứ đức tin đích thực, được chứng tỏ bằng việc làm, tức thứ “đức tin đắt giá”. Mà hễ đã là đức tin đích thực, tất nhiên nó sẽ phải được thể hiện thành tình yêu thương thật sự, bằng những hành động yêu thương cụ thể. Chính vì thế, tới ngày phán xét cuối cùng, Thiên Chúa chỉ phán xét về tình yêu đích thực của ta đối với tha nhân mà thôi (x. Mt 25,31-46). Vì tình yêu đích thực hay tình yêu được trả giá đắt đó chứng tỏ một đức tin đích thực. Không ai có thể thật sự tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu mà lại sống không có tình thương. Tại sao? vì kẻ tin Ngài thì ắt phải giống như Ngài, mà Ngài, tự bản chất, chính là tình yêu (x. 1Ga 4,8.16a).
Vậy cái “vé” cần thiết đến mức không có không được để vào Nước Trời chính là tình yêu đích thực. Không có tình yêu đích thực, chúng ta đừng mong vào được Nước Trời. Đó chính là “đèn có dầu” để chúng ta - những “cô phù dâu” - thắp sáng lên khi đón “chàng rể” - là Đức Kitô - vào “tiệc cưới Nước Trời”.
Cầu nguyện
Lạy Cha, Cha chính là Tình Yêu. Vì thế, để kết hiệp với Cha, con cũng phải là tình yêu, là hiện thân của tình yêu, đặc biệt giữa những người sống chung quanh con. Nếu con không thể hiệp nhất với họ bằng tình yêu, làm sao con có thể hiệp nhất với Cha được? Nếu những người cùng bản chất với con mà con không hiệp nhất với họ được, làm sao con có thể hiệp nhất với Cha được? Xin Cha hãy tăng cường tình yêu nơi con, để con hiệp nhất được với mọi người. Amen.


Trong tháng Mười một này, chúng ta đi dần đến lúc kết thúc của năm phụng vụ. Những chiếc lá mùa thu rơi rụng nhắc chúng ta rằng mọi sự sẽ đi đến một kết cuộc. Giáo Hội đề nghị chúng ta trong ba Chúa nhật cuối cùng này, ba đoạn văn Tin Mừng rõ ràng được trích từ bài giảng lớn sau cùng của Đúc Giêsu, trong đó Matthêu đã tập hợp những bài giảng về thời kỳ sau hết: loan báo việc Đền Thờ Giêrusalem bị phá hủy (Mt 24,1-25)... kêu gọi tỉnh thức chờ ngày Quang Lâm của Con Người (Mt 24,26-44)... ba dụ ngôn về sụ canh thức: Người đầy tớ chờ Chủ về, Mười cô trinh nữ, Những nén bạc (24,46 - 25,30)... Cuộc phán xét chung (Mt 25,31-46)...
Bấy giờ, Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn của mình ra đón chú rể...
Ngay từ đầu câu chuyện, Đức Giêsu không ngần ngại cho chúng ta một hình ảnh của cái đẹp, của tuổi trẻ, của niềm vui: Mười trinh nữ, theo bản văn Hy Lạp là "parthènoi". Sự thanh lịch của các cô gái trẻ còn được nhấn mạnh bởi cử chỉ của họ: các cô tay cầm đèn trong đêm tối. Các cô là những khách mời cho một cuộc hẹn gặp. Có một người cưới vợ: chú rể đang chờ họ. Cựu ước đã trình bày Thiên Chúa như một chú rể của Israel.
Khi Matthêu viết lại câu chuyện này, hình ảnh hôn lễ đã được sống cách rõ ràng: Đức Giêsu trong ngôi vị của Người là chú rể... và Giáo Hội, mọi người chúng ta là người được yêu. Thánh Phaolô không cho là táo bạo đã dám viết rằng: "Tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng cho Người như một trinh nữ thanh khiết (2 Cr 11,2). Lễ đính hôn, Hôn lễ, Tình yêu những hình ảnh của cái đẹp, sự sống hạnh phúc. Do đó, dụ ngôn ngày hôm nay giúp chúng ta đi sâu vào tâm tình của Đức Giêsu: Người coi mình như một chú rể; Người yêu thương. Tính tượng trưng này, có nhiều trong Kinh Thánh và xuất hiện ở nhiều nơi trong Tin Mừng Máccô 2,19; Luca 5,34; Matthêu 9,15; Gioan 3,29. Đối với chúng ta, đời sống Kitô hữu có phải là như thế không? Phải chăng là đường đi của vị hôn thê đến gặp hôn phu của mình? Phải chăng đó là khát vọng mãnh liệt về một cuộc hẹn gặp của tình yêu.
Trong mười cô đó thì có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo.
Chúng ta biết rằng như thường lệ, Đức Giêsu không dùng lời chỉ để kể cho chúng ta một câu chuyện nhỏ hay hay. Chúng ta chớ quên rằng vào lúc Đức Giêsu kể lại dụ ngôn này bối cảnh thật bi đát, Đức Giêsu còn cách cái chết của Người có vài ngày, một cái chết tàn bạo.
Người vừa công kích, chửi mắng những người Pharisêu một cách mạnh mẽ (Mt 23,1-39)... Giờ đây "vụ án" của Đức Giêsu đã hình thành trong đầu óc các đối thủ của Người.. họ đã quyết định giết người, như họ đã giết mọi ngôn sứ (Mt 23, 34-37). Năm cô dại không đơn giản là các cô "lơ đễnh", dại dột, những người không tiên liệu. Một lần nữa, chữ Hy Lạp mạnh hơn nhiễu. Đây là một vấn đề người điên dại "môrai" và trong ý nghĩa Kinh Thánh “điên" không đơn giản là một người ngu ngốc, không có trí tuệ, mà là kẻ “nghếch đạo", kẻ vừa đủ điên để chống lai Thiên Chúa: Kẻ ngu si (môros) tự nhủ làm chi có Chúa 'Trời!” (Tv 14,1). Trong các sách Tin Mừng cũng từ đó được dùng để chỉ "người ngu dại xây nhà trên cát, không đem lời Đức Giêsu thực hành": (Mt 7,24) - "những người Pharisêu ngu si mù quáng (Mt 23,17). Vậy năm cô dại không đơn giản là những cô gái dễ thương ngốc nghếch, đầu óc trống rỗng hoặc lơ đễnh.
Đây là một thái độ tâm linh nền tảng có liên quan: kẻ khôn là người xây dựng cuộc đời mình trên Thiên Chúa… kẻ dại (điên) là người xây dựng cuộc đời mình trên những gì chỉ dựa vào con người. Phải! Đời sống rất nghiêm trọng: một chọn lựa được đặt ra... một sự "được thua" được chuẩn bị. Đức Giêsu nhắc chúng ta điều đó, nếu cần, bằng cách phác họa cho chúng ta thấy một bức tranh có năm thiếu nữ khôn ngoan và năm thiếu nữ khờ dại. Bạn, bạn đã chọn điều gì? Sự khôn ngoan của Thiên Chúa? hoặc sự điền rồ?
Vì chú rể đến chậm nên các cô thiếp đi rồi ngủ cả.
Nếu câu chuyện chỉ là một sự mô tả hôn lễ bình thường, chi tiết này xem ra không có thực. Nhưng rõ ràng chúng ta ở trong một ngôn ngữ biểu tượng. Trong "bài giảng thời cánh chung", những chi tiết này nổi bật một cách mạnh mẽ. Dụ ngôn này có cùng một ý tưởng với dụ ngôn "người đầy tớ chờ chủ”, người đầy tớ ấy trở thành hung dữ, say sưa vì thấy ông chủ về trễ (Mt 24,48-49).
Hãy chờ! Dù chờ một người đến trễ. Chúng ta đọc trong kinh Tin kính rằng chúng ta đang chờ Đức Giêsu trở lại: Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết". Nhưng cuộc hẹn gặp ấy không thể dự kiến trước được. Và Đức Giêsu báo trước cho chúng ta nguy cơ là ngủ thiếp đi và quên lãng: đó là điều trầm trọng. Hình ảnh ngủ rất có tác dụng: ru ngủ đời sống Kitô hữu, thay vì sống đời sống ấy: Vì chờ đợi Thiên Chúa đến trễ, hẳn là còn ở xa; người ta bắt đầu chán nản, nguội lạnh, đi theo tập tục cũ kỹ và xơ cứng.
Nửa đêm, có tiếng la lên: “Kìa chú rể, ra đón đi!”
"Nửa đêm!” Thiên Chúa luôn luôn đến trong đêm (Lc 12,39-40; Mt 24,43-44; Lc. 12,20; Mc 13,35-36). "Ngày của Chúa đến sẽ như kẻ trộm ban đêm" (1 Tx 5,2). "Một tiếng la! Một tiếng la xé bóng đêm. Như thế, cảnh tượng đã cố ý bi thảm hóa. Tiếng la ấy làm giật mình mọi người: Thiên Chúa đến bất ngờ, vào giờ mà người ta không ngờ" (Mt 24,44), "lóe sáng như tia chớp" (Mt 24,27). Đối với mỗi người, giây phút này là giây phút duy nhất quan trọng: giây phút của Thiên Chúa... giây phút của cuộc gặp gỡ... giây phút mà, đối với mỗi người chúng ta, vĩnh cửu xuyên qua thời gian và xé rách thời gian thành một tiếng kêu thảng thốt.
Không một ai biết khi nào điều đó xảy ra. Hôm nay chăng? Ngày mai chăng? Một năm nữa chăng? Mười năm nữa chăng? Đức Giêsu báo cho chúng ta biết phải sẵn sàng cho lúc đó. Thế đấy, chúng ta được báo trước một lần mà thôi…
Trong lúc này, tôi có sẵn sàng chưa? Tiếng la sẽ xé rách bóng đêm của tôi có làm tôi giật mình không?
Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy và sửa soạn đèn.
Trong câu chuyện của Đức Giêsu tất cả các cô đều ngủ: Khôn cũng như dại... Tất cả đều thiếu chờ đợi. Trong ngôn ngữ tượng trưng, tất cả đều đã bất trung. Lạy Chúa, Chúa biết rõ chúng con mà? Chúa không ngạc nhiên về sự yếu đuối của chúng con. Không Chúa chờ đợi gì nơi chúng con?
Chỉ cần chúng con giữ cho ngọn đèn của mình cháy sáng. Chúa không đòi hỏi điều không thể làm được: chỉ cần một chút tỉnh thức, một ngọn đèn nhỏ tiếp tục được thắp sáng trong lúc chúng con ngủ quên. Đó đã là ý định tế nhị của người hôn thê trong Diễm Ca (5,2). "Tôi ngủ, nhưng lòng tôi thức". Vâng, lạy Chúa, con biết rằng con không yêu mến Chúa cho đủ. Nhưng con muốn yêu mến Chúa nhiều hơn. Thông thường, con hay ngủ thiếp đi và không còn chờ đợi Chúa nữa. Lạy Chúa, xin hãy nhìn cái đèn nhỏ bé của con và phần dầu mang theo cho nó.
Các cô dại nói với các cô khôn rằng: "Xin các chị cho chúng em chút dầu của các chị, vì đèn của chúng em tắt mất rồi!” Các cô khôn đáp: Sợ không đủ cho chúng em và các chị đâu các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn".Đúng lúc các cô đi mua, thì chú rể tới..."
Vào đúng lúc này của câu chuyện, hẳn luôn luôn có người công phẫn trước thái độ ích kỷ của các cô được gọi là các trinh nữ khôn ngoan. Một lần nữa, có cần phải nói rằng phần nợ như thế là không biết về thể loại văn chương là dụ ngôn? Chúng ta thường ghi nhận rằng: mọi chi tiết không chứa đựng bài học.
Rõ ràng ở đây, Đức Giêsu không có ý muốn nói: anh em hãy chỉ nghĩ đến mình thôi... anh em hãy từ chối sự phục vụ mà người ta yêu cầu... anh em hãy giữ lại cho mình mọi sự giàu sang của mình! Trong những đoạn khác của Tin Mừng, Đức Giêsu đã nói khá nhiều điều ngược lại.
Nhưng Đức Giêsu hẳn muốn dạy một bài học cao cả vì đã đưa nó vào chi tiết xem ra không có thật, được phóng đại tùy thích cốt để cho người ta thấy rõ: các bạn hãy thử nghĩ xem! Những người bán dầu còn đứng sau quầy hàng lúc nửa đêm để chờ bán hàng cho các cô bị những người bạn gái ích kỷ từ chối không cho mượn dầu! Và khi các cô trinh nữ lơ đễnh. nnua xong hàng, họ lại trở về phòng tiệc? Hẳn là có nguyên do gì đây? Đức Giêsu muốn nói với chúng ta điều gì? Vậy chúng ta hãy nghe phần cuối của câu chuyện.
Những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: Thưa Ngài, thưa Ngài! Mở cửa cho chúng tôi với? Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô tôi không biết các cô!”
Các cô trinh nữ điên dại đã không biết sẵn sàng. Như những người khác, họ chuốc sự cực nhọc vào thân, nhưng quá trễ! Như những người khác sau cùng họ cũng thắp lại đèn, nhưng quá trễ! Như những người khác, họ cũng đã về đến của phòng tiệc, nhưng quá trễ. Đó là điều mà Đức Giêsu muốn nói không phải chính chúng ta chọn giờ.
Rõ ràng đây không phải là một chú rể bình thường. Đây là vị Thẩm Phán ngày cánh chung mà người ta phải thưa bằng những từ mà người ta dùng để nói với Thiên Chúa: "Thưa Ngài, Thưa Đức Chúa!". Thế đấy không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! Lạy Chúa" là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời" (Mt 7, 21-23).
Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.
Câu nói khủng khiếp này làm nổi bật tính chất nghiêm trọng của tự do con người. Chúng ta được yêu thương không phải để mà cười. Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, những cô điên dại bị đuổi ra khỏi phòng tiệc chỉ vì trước tiên họ đã xua đuổi Thiên Chúa. Sự phán xử mà Đức Giêsu đưa ra chỉ thể hiện điều mà các cô ấy xứng đáng bởi thái độ của chính họ. Các Pha-ri-sêu thời Đức Giêsu hẳn phải biết rất rõ. Nhưng giờ đây vấn đề liên quan đến chúng ta, đến tôi. Tôi đã sẵn sàng chưa? Tôi có canh thức không?


DỤ NGÔN 10 CÔ TRINH NỮ
ĐƯỢC MỜI DỰ TIỆC CƯỚI
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
1. Một dụ ngôn gởi đến những thính giả Do thái ngày xưa:
Bài Tin Mừng của ngày Chúa nhật thứ 32 hôm nay lấy trong diễn từ thứ 5 của Đức Giêsu, "diễn từ về thời cánh chung". Đức Giêsu đã từ chối trả lời câu hỏi của các môn đệ: "khi nào những sự việc ấy sẽ xảy ra. Bù lại, sau khi kể ra những dấu hiệu báo trước biến cố, Người ân cần giải thích cho họ phải chuẩn bị trước như thế nào: Năm dụ ngôn về sự tỉnh thức là những minh hoạ cho điều đó.
Trước hết, Chúa dùng câu chuyện lụt đại hồng thuỷ và ông Nôe để so sánh (Mt 24,37-42): "Họ không hay biết gì, cho đến khi nặn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ai nấy chỉ lo chuyện đời: "thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng", Họ không muốn biết rằng Thiên Chúa có thể thi hành việc xét xử ngay giữa cuộc sống hiện tại này. Một mình Nôe đã biết chuẩn bị cho tai hoạ sắp đến.
Tiếp đến, Chúa kể dụ ngôn về kẻ trộm đêm, Người quả quyết: "nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, nên ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Và kết luận: "Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến". Sau đó Chúa móc nối với dụ ngôn người đầy tớ trung tín để tuyên bố: "Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy!
Đức Giêsu tiếp tục kể tới dụ ngôn mười cô trinh nữ được mời dự tiệc cưới. Bối cảnh của câu chuyện chẳng xa lạ gì đối với các thính giả của nó: một tiệc cưới như thường xảy ra ở Palestine thời đó:
Như người ta thường biết, cô dâu phải ở tại nhà cha mẹ, chờ chú rể cùng với bạn bè đến rước.
Khi chú rể đến một cách long trọng để tìm đón cô dâu về nhà mình, nơi sẽ diễn ra nghi thức chúc hôn và tiệc cưới, có một đám rước tưng bừng ra đón chàng với đèn đuốc sáng trên tay, rồi sau đó cùng với chàng tiến vào tận phòng tần hôn. Dụ ngôn của Đức Giêsu được Matthêu thuật lại gồm 3 hồi và một màn kết:
Hồi l: màn mở với cảnh mười cô trinh nữ "được mời dự tiệc cưới". Cầm đèn "ra đi đón chú rể". Nhưng chú rể đến trễ, nên các cô "thiếp đi rồi ngủ cả".
Hồi 2: Câu chuyện đang mở màn một cách tốt đẹp, bỗng sang một khúc quanh bi đát, khi thình lình "nửa đêm có tiếng la lên: kìa chú rể, ra đón đi". Lúc này xảy ra một sự tách biệt giữa nội bộ các cô. Một bên, gồm năm cô được gọi nào là "biết phòng xa", "thận trọng", "khôn". Trong Thánh Kinh, đức tính này không chỉ sự khôn khéo theo kiểu người đời cho bằng một sự sáng suốt trong hành động, một cách thực tiễn, đối với ý định của Thiên Chúa. Được kể là "khôn" những ai ý thức được tính khẩn trương của ngày giờ, và biết ứng xử phù hợp. Năm cô gái này "vừa mang đèn, vừa mang dầu theo". Họ lập tức sẵn sàng, đèn trong tay cháy sáng, để nhập vào đám rước đi đón chú rể và đám bạn bè của mình. Bên kia là năm cô được gọi là "dại". Trong Thánh Kinh, tính từ này không chỉ sự bất cẩn, lơ đễnh, cho bằng một thái độ quên lãng đối với Thiên Chúa: được xem là "dại" kẻ nào lạc xa con đường của Thiên Chúa. Cả năm cô này mang đèn mà không mang dầu theo. Các cô nửa chừng bị thiếu dầu vì chú rể đến trễ và bất ngờ. Do không thể xin các chị em khác chia dầu cho, bởi chẳng ai có thể tỉnh thức dùm ai, nên họ phải nửa đêm đi đánh thức chủ tiệm dậy bán dầu cho. Nhưng đi rồi trở về thì đã quá trễ?
Hồi 3: Đám rước đã vào trong phòng cưới. Cửa đã đóng lại và sẽ không mở ra nữa. Các cô khi ấy mới năn nỉ: "Thưa ngài, thưa ngài! mở cửa cho chúng tôi' với!, nhưng vô ích. Chỉ có tiếng trả lời: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!. Thật trùng hợp lạ lùng với câu của Đức Giêsu trong Bài Giảng trên núi: "Đến ngày đó, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa... Bấy giờ thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các người” (Mt 7,22-23).
Màn kết: với lời khuyên: "Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào". Các thính giả của Đức Giêsu là những người rất rành Kinh Thánh, không thể lầm vào đâu được: dụ ngôn với bối cảnh một bữa tiệc cưới này gợi nhớ đến giao ước của Thiên Chúa với Dân Người (cf. Ed 16,l-43.49-63). Qua hình ảnh các trinh nữ này, J.Potin nhận định, Đức Giêsu nhắm đến tập thể những người Do Thái đang mong đợi Đấng Cứu Thế. Nhưng ơn cứu độ đòi phải chờ đợi Dân Chúa đã thiếp ngủ về một thiêng liêng. Nhưng này thời cứu thoát đã đến. Người ta phải mau chóng đáp lại lời loan báo Tin Mừng, phải nhập vào đám rước đang ngang qua. Để vài giờ nữa thì không thể kịp. Khi gởi gắm lời kêu gọi tối hậu của Thiên Chúa, Đức Giêsu muốn dành dân Israel, đám dân cũ ở Giêrusalem, các vị lãnh đạo tôn giáo. Nếu họ chối từ lời loan báo ơn cứu độ này họ sẽ không thể được gia nhập Nước Trời! Cả một tai hoạ nghiêm trọng sẽ dành cho họ trong tương lai (“Jésus l'histoire vraie”, Centurion, trang 383).
2. Một dụ ngôn gởi đến những Kitô hữu chúng ta hôm nay:
Dụ ngôn mà Đức Giêsu gợi ra cho các thính giả Do Thái của Người suy tư, vẫn có giá trị cho mỏi thời, cả cho thời chúng ta nữa. Được Matthêu đưa vào trong diễn từ dài sau cùng của Phúc âm ông, khi được gởi đến cho cộng đoàn Kitô hữu, nó trở thành một lời kêu gọi thôi thúc phải tỉnh thức, vì loài người chúng ta không thể biết trước "giờ" chú rể đến, "ngày" Chúa trở lại. Cl Tassin nhận xét: "Để được dự bữa tiệc có một không hai này, được mời mà thôi không đủ, còn phải chuẩn bị sẵn sàng nữa". Cũng như mười cô phù dâu ở đây, được mời không có nghĩa đương nhiên được vào dự tiệc cưới, thì tự xưng mình là Kitô hữu thôi cũng chưa đủ Do đó phải khẩn trương chuẩn bị đón Chúa trở lại. Đến ngày đó, Đức Giêsu chỉ "nhận ra" thuộc về Người những ai, trong lúc tích cực mong chờ Người, biết thi hành ý muốn của Chúa Cha; như thế mới là "người khôn", theo nghĩa của Kinh Thánh. Cl. Tassin viết tiếp: "Kitô hữu không phai là kẻ bị ám ảnh bởi ngày tận thế sắp đến. Bổn phận của họ là phải luôn sẵn sàng sống đức tin của mình giữa dòng thời gian, phân biệt với những kẻ chỉ biết có hiện tại trước mắt: chính đây là điểm mà trên đó Thiên Chúa sẽ phán xét loài người. Lối sống say sưa với hiện tại, kiếm dư thừa phải phiếm không cần biết trước sau đôi khi lại lấn át mà năng ý thức đúng đắn về hiện tại, biết rút ra những bài học từ quá khứ, biết sửa soạn cho tương lai. Hiểu như thế thì dụ ngôn mới thể hiện được hết sức tra vấn của nó.
Dụ ngôn về lụt đại hồng thuỷ trình bày cho thấy sự phán xét của Thiên Chúa ập xuống nghiệt ngã ngay giữa dòng đời thường của con người. Dụ ngôn kẻ trộm đêm kêu gọi phải tỉnh táo trước mọi thứ bất ngờ không hẹn trước. Và dụ ngôn về người đầy tớ trung tín nêu rõ tinh thần vâng phục chủ phải là hành hồn của thời gian đợi chờ. Hội Thánh sống với niềm mong đợi ngày cánh chúng ở cuối chân trời, nhưng cuộc phán xét đã bắt đầu hôm nay, trong những lựa chọn của đời sống hằng ngày" ("L'evangile de Matthieu”, Centunon, trang 259-260).
BÀI ĐỌC THÊM
1. “Hãy chong đèn sáng” (Mgr. L.Daloz, trong "Le Règne des cieux s'est approché, Desclée de Brouwer, trang 335- 336).
"Việc loan báo Chúa đến không có mục đích hù doạ chúng ta, hay bắt chúng ta phải chờ đợi trong sợ hãi kinh hoàng. Thiên Chúa đến trễ không có nghĩa Người tìm chích bắt chợp chúng ta. Người không rình mò bắt tội bắt lỗi con người để trừng phạt! Người là Cha, người Cha nhân từ chỉ muốn mọi người được cứu độ" (1Tm 2,4). Người ban cho chúng ta thì giờ vì lợi ích cho chúng ta, để chúng ta biết sử dụng cho nên. Thời gian cho sự kiên nhẫn đợi chờ của Thiên Chúa cũng là thời gian cho sự bền đỗ của chúng ta, thời gian của lịch sử chúng ta, là cơ hội cho chúng ta huấn cải đổi đời, sám hối trở về. Chúng ta phải biết cảm tạ Thiên Chúa về món quà thời gian ấy, và chính chúng ta cũng phải biết nhẫn nại đối với người khác như Thiên Chúa, cầu nguyện cho mọi người, để thông hiệp vào trong lòng nhân hậu và tình thương bao la của Thiên Chúa. Phải biết tận dụng thì giờ, phải hiểu lý do tại sao ông chủ về trễ! Chúng ta thấy các cô trinh nữ khôn ngoan, có vẻ ích kỷ quá: khi chú rễ đến, họ từ chối không chịu chia chút dầu cho các cô kia: "Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua thì hơn”. Phải chăng họ quá khôn, quá thủ cho mình, y hệt như con kiến trong câu chuyện ngụ ngôn? Chúng ta đã biết rằng: dụ ngôn không phải là một câu chuyện dạy ăn ngay ở lành. Nó dùng sự so sánh lấy ra từ sinh hoạt hằng ngày, từ lối xử sự thông thường ở đời. Nó không có ý dưa ra một qui luật đạo đức, hay một mẫu mực nhất thiết phải theo... Người ta cũng có thể có nhận xét tương tự về thái độ quá ngờ vực hay quá cứng cỏi của chú rể đối với các cô khờ dại. Đúng là Đức Giêsu tự nhận mình là chú rể, nhưng điều đó không có nghĩa là Người xử sự theo kiểu chú rể trong dụ ngôn, xua đuổi những kẻ đến trễ: "Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!". Giáo huấn của dụ ngôn được chính Đức Giêsu rút ra. Đó là thái độ luôn sẵn sàng để đáp lại tiếng gọi: "Kìa chú rể, ra đón đi! Cần phải cảnh giác, tỉnh táo, khôn ngoan, để nhận ra, phân biệt, biết cách đáp trả; Cần phải chong đèn cho sáng và dự trù trong mình lúc nào cũng đầy dầu Bác ái, để giữ cho ngọn lửa đừng tàn lụi; Cần phải có mặt ngay khi Chúa đến, và đừng đi đâu xao lãng việc gì... "Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào..." Chúa không chỉ đến trong ngày tận thế. Nếu chúng ta chờ Người đến vào ngày tận thế, chúng ta sẽ thấy thời gian quá dài và chúng ta cũng sẽ thiếp đi rồi ngủ cả. Nếu biết rằng Người có thể đến trong mỗi phút giây của cuộc sống, chúng ta sẽ lo thắp sáng ngọn đèn đức tin, đổ đầy băng dầu đức ái, để mau ra nghênh đón Người không chút chậm trễ. Rồi sẽ đến một ngày, Người tỏ ra cho chúng ta biết Người là ai, và đã đến với chúng ta như thế nào: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các người đã làm cho chính Ta vậy" (25,40).
2. “Con ve và con kiến" (Bible du dimanche, trang 339-340).
“Một đám cưới to ở một làng quê Palestine: 10 cô phù dâu đến để tháp tùng chú rể đi đón cô dâu. Nhung chỉ có năm trong số các cô xứng đáng được vào phòng tiệc. Tại sao chú rể lại có thái độ có vẻ cứng cỏi như thế. Dường như tiêu chuẩn chàng đòi hỏi nơi các cô chính là sự "khôn ngoan”. Một khi đã quyết định đi theo chú rể (nói cách khác: một khi đã quyết định là Kitô hữu), phải hoàn toàn qui hướng về Đức Kitô, không được xao lãng tỉnh thức vì đủ ba mươi sáu thứ chuyện phù phiếm vô bổ ở đời. Phải biết chọn lựa, đó là một chuyện. Phải tận dụng mọi phương tiện cần thiết để trung thành với lựa chọn của mình và để đi đến cùng, đó là một chuyện khác nữa... và là chuyện quan trọng hơn cả.
Thánh Matthêu kể lại dụ ngôn này vào thời mà chắn chắn các Kitô hữu quá quen với đức tin của mình, và đang dần dần làm cho đức tin ấy chỉ còn là vâng theo Hội Thánh một cách máy móc mà thôi. Thời nào thì cũng thế, là những phương thế để tìm lại sức sống cho niềm tin cũng thế thôi".


DỤ NGÔN MƯỜI TRINH NỮ
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
"Bấy giờ về Nước Trời thì cũng in như mười thiếu nữ": Công thức nhập đề này, duy nhất trong Diễn từ cánh chung, nhắc lại công thức nhập đề của các dụ ngôn về Nước Trời ở chương 13; nó không muốn bảo: Nước Trời giống như mười thiếu nữ, nhưng là: bấy giờ, nghĩa là vào lúc Nước Trời tỏ hiện lần sau hết, có những người giống như các thiếu nữ trong dụ ngôn; tránh ra chữ bấy giờ có cùng một nghĩa với câu 31: "Khi Con Người đến trong vinh quang của Người...".
"Đi đón lang quân": Lối so sánh Chúa Giêsu với lang quân chuẩn bị hôn lễ của mình và hình ảnh của chính lễ cưới rất quen thuộc dù ý niệm Messia-lang quân xa lạ với Do thái giáo thời suy đồi. Song tâm điểm của dụ ngôn nằm trong tầm quan trọng được gán cho lúc lang quân đến. Như dụ ngôn đi trước và dụ ngôn nén vâng tiếp liền sau, dụ ngôn mười trinh nữ phải được đọc và hiểu như là lời chú giải toàn bồ giáo huấn của các câu 36-42, chương 24.
"Các cô thiếp đi mà ngủ cả”. Các trinh nữ không bị khiển trách vì đã ngủ, bởi thời gian hoạt động đã qua đối với các cô, nhưng là vì đã chẳng chịu làm công việc phải làm (các cô khờ) ngay từ đầu lễ cưới (đem đủ dầu có nghĩa là trung thành). Bởi thế, lời khuyên hãy tỉnh thức của c.13 không mâu thuẫn với giấc ngủ đó của mười trinh nữ, vì nó được áp dụng vào thời gian trước khi cử hành lễ cưới. Phải tỉnh thức bây giờ để có thể bình thản mà ngủ, với số dầu đã dự tru, trong thời gian cuộc lễ.
"E không đủ cho cả chúng em và các chị": Toàn bộ ý nghĩa dụ ngôn kết tinh trong câu trả lời cứng rắn này đối với các trinh nữ khờ dại chẳng chịu phòng xa. Không còn vấn đề cho hay ngay cả cho mượn chính cái điều bảo đảm cho ta ơn cứu rỗi. Ta thình lình được đưa vào một bầu khí hết sức nghiêm khắc xa hẳn rọi thứ tình cảm, mọi thứ nhân đạo.
KẾT LUẬN
Phải tỉnh thức bây giờ, nghĩa là phải dự trữ đủ dầu, phải trung thành (24,45; 25,23) và phải làm các việc cần làm lập tức để khỏi phải "thức dậy" (sống lại) cách thình lình trong giờ Phán xét. Nếu biết giờ Phán xét hay biết các dấu hiệu tiên báo hiển nhiên, có lẽ con người sẽ trì hoàn việc sống trung thành; nhưng trong phần hai này của Diễn từ cánh chung, một nhấn mạnh sự vô tri của nhân loại về Giờ đó và vì thế, ông chẳng đề cập gì đến các dấu chỉ tiên báo ngày tận cùng nữa cả.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Chúa đến. Đối với mười trinh nữ, đó là một xác tín chắc chắn, hiển nhiên. Họ đã chuẩn bị đèn đuốc, đã đi nghênh đón và chờ đợi chàng rể tại nơi ấn định họ đã xác tín chàng sẽ tới đến độ không lo âu gì trước sự chậm trễ ấy. Họ đã thiếp đi và ngủ cả, đó là dấu hiệu họ đang bình thản tâm hồn.
Ta cũng tin Chúa đến. Tuy nhiên đôi lần việc chờ đợi làm ta bớt tin tưởng. Chắc chắn, Người đến, nhưng mọi sự xem ra quá bình lặng. Người đến, nhưng chẳng có dấu hiệu gì, người hình như bất động. Khi chẳng có gì xảy ra, khi không một dấu hiệu tiên báo nào xuất hiện, thì sự hao mòn của thời gian dễ tàn phá lòng kiên nhẫn của' ta, các câu hỏi bắt đầu nổi dậy, nghi ngại chen vào lung lay những xác tín chắc chắn nhất; dần dần chính sự mù mờ của kiến thức làm tắt ngủm ngọn đèn nội tâm của ta và đặt trong ta một thái độ dửng dưng nào đó, vì các biến cố đoan hứa xem ra đáng ngờ. Bấy giờ nếu thình lình xảy ra một tai biến, sự chờ đợi có thể chìm sâu vào thất vọng và bị coi như hoàn toàn vô ích. Chúa đến, đó là điều chắc chắn, là một xác tín bình thản phải được củng cố trong ta. Đó không phải là một giả thuyết, một khả hữu đơn thuần, mà là thực tại hiển nhiên của tương lai ta. Và vì liên hệ tới tương lai ta nên đó chính là viễn tượng duy nhất chắc chắn như cái chợt thể lý của ta. Ước gì niềm xác tín này làm lòng ta tràn ngập bình an, tinh thần ta hoàn toàn thanh thản.
2. Chúa đến, và đến bất ngờ. Đó là khía cạnh thứ hai trong câu chuyện mười trinh nữ. "Nửa đêm, có tiếng kêu..." như thể việc đi sang ngày mai ấy cũng là việc chuyển từ tình trạng này đến tình trạng kia. Bất ngờ và cưỡng chế, đó là đặc tính của việc Chúa đến trong Lời mà ta đang nghe lúc này đây của Thánh lễ. Đấy như là một dấu báo hiệu; trước đó nó đã cho thấy thật là phi lý khi ta trong mình sẽ có đủ giờ để canh chừng. Không báo trước như một tiếng sét giữa bầu trời quang đãng, như một tiếng kèn loa vang (1Tx 4, 16), như một "con đường Đamas" xem ra bình thường nhưng lại có tính cách quyết định, cuộc giá lâm ấy sẽ áp đặt sẽ mang đi tất cả, và sẽ ban sức sống cho những gì phù hợp với nó cho những ai đón chờ nó, và sẽ tiêu diệt những gì còn lại.
3. Nhưng hăng hái đi đón Chúa và chờ đợi Người đến trong một đức tin an tĩnh thì cũng chẳng đủ tí nào. Phải tích cực chuẩn bị cuộc gặp gỡ đố bằng cách dự trữ thật nhiều việc lành phúc đức, nhiều hành vi xả thân phục vụ các kẻ "bé mọn" quanh ta, nhiều trung tín đối với các công việc khác nhau thuộc bổn phận bậc sống ta. Chỉ có đời sống hoàn toàn tận hiến cho Chúa và cho anh em mới sẽ có thể rạng ngời như ánh sáng trong đêm tối trần gian và cho phép ta nghỉ yên giấc ngàn thu vì biết rằng Chúa sẽ mở rộng cho ta cánh cửa phòng tiệc của Người.
Sưu tầm

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

PHỤNG VỤ »»

KT - GIÁO LÝ »»

GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT »»

SUY NIỆM »»

ĐỨC MẸ MARIA »»

CÁC THÁNH »»

GIÁO HỘI HOÀN CẦU »»

GIÁO HỘI VIỆT NAM »»

GIÁO PHẬN VINH »»

GIÁO HẠT – GIÁO XỨ »»

VĂN KIỆN TÒA THÁNH »»

VĂN THƯ GIÁO PHẬN »»

Note Đóng lại

Suy niệm Mùa Chay : BẠN MUỐN ĂN CHAY ?

TIN TỨC