THIÊN CHÚA Ở CÙNG TẤT CẢ CHÚNG TA





































Thánh Giuse - Người Cha của Chúa Giêsu

Thánh Giuse - Người Cha của Chúa Giêsu

Nếu bạn hỏi mười người xem, ngoài Đức Mẹ, vị thánh lớn nhất đối với họ là ai, thì có sáu đến bảy người sẽ nói rằng đó là thánh Giuse. Nhưng nếu đề nghị họ kể bạn nghe những điều thánh Giuse đã làm thì rất ít người có thể nói một cái gì mới lạ ; họ sẽ bảo rằng thánh Giuse là cha nuôi của Chúa Giêsu hoặc kể vài chuyện truyền kỳ về ngài mà ta không biết đúng sai đến độ nào : ví dụ như câu chuyện chàng thanh niên Giuse được chọn làm hôn phu của cô Maria vì cây gậy của chàng trổ hoa...

Ta hãy trở lại Kinh Thánh để xem các tác giả viết gì về thánh Giuse. Thánh Mat-thêu giới thiệu như sau : Bà Maria thân mẫu của Đức Giêsu đính hôn với ông Giuse, nhưng trước khi chung sống thì đã có thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, vốn là người công chính, không muốn tố cáo bà công khai, nên định bỏ bà kín đáo. Ông tính làm như vậy thì có sứ thần của Chúa đến báo mộng rằng : “Này Giuse, đừng sợ rước Maria về...” Thức giấc, ông Giuse vâng theo sứ thần Chúa dạy rước vợ mình về nhà. (Mt 1, 18-24).

Bạn thuộc đoạn văn trên nằm lòng đến độ tôi rất ngại ngùng khi phải chép lại. Mọi chuyện đã rõ : thánh Giuse có do dự đấy, nhưng thiên sứ đã đến sắp xếp mọi việc và đâu lại vào đấy đúng với ‘chương-trình-mầu-nhiệm-của-Thiên-Chúa’.

Mọi chuyện có thực sự xảy ra dễ dàng như thế không ? Tôi không chắc đâu.

Hình ảnh thánh Giuse luôn luôn là một cụ già râu tóc uy nghi, một người cha nhân lành và không biết thế nào là đam mê tuổi trẻ. Xin bạn nhớ cho : Cô Maria lúc ấy là một thiếu nữ vào độ tuổi 15-17, thế thì chàng hôn phu không thể là một ông già. Chàng Giuse lúc bấy giờ là một chàng trai đầy sức sống ở lứa tuổi đôi mươi. Chàng và Maria yêu nhau thắm thiết. Cặp tình nhân đẹp tuyệt vời, nhất là ở nét đẹp tâm hồn. Giuse thật hạnh phúc và bình an : một người như Maria thì không thể có gì bất trắc xảy ra khiến cho cuộc sống gia đình tương lai họ bị đe dọa.

Thế mà đùng một cái người hôn thê thánh thiện của chàng lại mang thai ! Giuse có giàu óc tưởng tượng đến đâu cũng không thể hình dung nổi một tiếng sét giữa trưa hè chói chang như thế !

Thế nhưng, sự việc đã hiển nhiên như vậy đó. Dù vậy, tự thâm sâu, tình yêu của Giuse vẫn trỗi vượt. Ông không hề quay lại bản thân để cảm thấy mình bị lừa dối, bị xúc phạm, mà chỉ hướng về người yêu để tiếp tục tin rằng người hôn thê mình trong sạch vẹn tuyền. Ông không hề tra hỏi dằn xéo Maria một lời, ông im lặng ôm lấy nổi đau và âm thầm trả Maria về với bí mật của cô.

Bạn sẽ bảo rằng tình yêu này đã được tưởng thưởng, bởi vì sau đó sứ thần đã đến trình bày mọi sự. Bạn có đi quá xa thực tế chăng ?

Kinh Thánh ghi rõ : “Sứ thần đến báo mộng...” Bạn thử sống lại hoàn cảnh của Giuse lúc ấy xem. Bạn có một người hôn thê, bỗng nàng có mang, bạn nằm mộng thấy thiên thần bảo rằng hôn thê mình chưa bao giờ liên hệ với một thanh niên nào và bào thai trong lòng là do phép lạ Thiên Chúa. Khi thức giấc, bạn có tin không ? Tôi thì dứt khoát không. Thế mà Giuse đã làm gì nào ? “Thức giấc, Giuse vâng theo sứ thần rước vợ mình về nhà.” Đơn giản chỉ có thế. Đơn giản đến độ vô lý.

Vâng, thế đấy. Giuse vâng phục thánh ý Chúa một cách chóng vánh, quyết liệt và dứt khoát đến độ vô lý. Ông chỉ cần một dấu hiệu cỏn con là đọc được thánh ý Chúa và thực thi ngay lập tức : đó là lý do mà ông được gọi là ‘người công chính’.

Còn bạn và tôi thì sao ? Chúng ta có tự coi mình là công chính chăng ? Chúng ta có sẵn sàng đón nhận thánh ý Chúa qua một dấu hiệu thật nhỏ và tuân theo mà không bàn cãi chăng ? Hay chúng ta chờ đợi những phép lạ nhản tiền và sau đó lý luận, mặc cả trước khi hành động ?

‘Người công chính’ Giuse suốt đời là một người luôn thức tỉnh trước thánh ý Chúa, thức tỉnh ngay cả trong giấc ngủ. Bằng chứng ? Bằng chứng là mỗi lần Chúa tỏ ý là mỗi lần ông nằm mộng.

Ngoài lần nằm mộng ở Nazaret thì ít nhất còn ba lần khác :

- Ở Bêlem : Sứ thần đến với ông Giuse báo mộng rằng : Hãy chỗi dậy, đem Hài nhi trốn sang Ai-cập... (Mt 2,3)

- Ở Ai-cập : Sứ thần hiện ra báo mộng cho ông Giuse ở bên Ai-cập bảo rằng : Hãy chỗi dậy, đem Hài nhi về Israel... (Mt 2,19)

- Ở Giuđê : Khi biết Akêlao thay Hêrôđê thì ông sợ, thế là theo như lời Thiên Chúa báo mộng ông lánh sang vùng Galilê (Mt 2,23)

Sở dĩ Giuse xác tín rằng các giấc mộng của mình đúng là thánh ý Chúa, ấy là vì cứ mỗi lần nằm mộng là mỗi lần ông phải quyết định ngược lại với mọi toan tính của mình.

Khi ông dự định âm thầm rời bỏ Maria thì Thiên Chúa bảo ông ở lại với hôn thê mình. 

Ngược lại, khi ba vị đạo sĩ đến xác nhận vương quyền của Hài nhi và hẳn là người cha nuôi nghĩ rằng mình sẽ có thể thoải mái ở lại Bêlem cho đến khi con mạnh mẹ khỏe, thì chính lúc đó Chúa lại bảo ông chỗi dậy đi ngay, giữa đêm khuya, không hành trang, không tiền bạc ; không phải về quê nhà mà sang Ai-cập để sống kiếp lưu đày. Ông nghĩ gì khi trước mặt là đường dài vạn dặm mà vợ yếu con sơ ? Ông nghĩ gì khi ngày mai, ở xứ lạ quê người, tương lai ông cũng tối đen như trời khuya hôm ấy ? Thánh Kinh nói rất gọn : “Giuse chỗi dậy, đem Hài nhi và Mẹ trốn sang Ai-cập ngay giữa đêm khuya” (Mt 2,13). Lại thật đơn giản. Đơn giản đến độ vô lý.

Sau những ngày đầu khó khăn ở Ai-cập, giờ đây Giuse hẳn đã sắp xếp ổn định cuộc sống gia đình. Thế nhưng, một lần nữa, Chúa lại bảo ông phải bỏ tất cả mà ra đi. Ông nghĩ gì khi nhìn lại cơ ngơi mà ông đã xây dựng từ hai bàn tay trắng ? Ông nghĩ gì khi nhìn về cái quê hương đã muốn giết hại con mình, rồi giờ này ông lại phải trở về mà không biết sẽ cư ngụ nơi đâu ? Nhưng Giuse vẫn là Giuse. “Giuse chỗi dậy đem Hài nhi và Mẹ về đất Israel” (Mt 2,21)  Cũng lại đơn giản đến độ vô lý.

Tất cả những truân chuyên mà Giuse gánh chịu rốt cuộc để làm gì ? Phải chăng vì lợi ích bản thân ? Tuyệt nhiên là không. Tất cả là để bảo vệ Hài nhi, mà có lần trong mộng ai đó đã bảo rằng Hài nhi ấy sẽ là vị cứu tinh dân tộc. Giuse không bao giờ đặt lại vấn đề. Không bao giờ ông cho rằng con trẻ gây cho ông quá nhiều rắc rối, ông chỉ một mực canh giữ con trẻ, người con do Thánh Thần, trong mọi toan tính hằng ngày.

Bạn và tôi có sẵn sàng trả giá để cho Chúa Giêsu luôn mãi sống trong mình chăng ? Hay nhiều khi quá mệt mỏi, ta chỉ muốn yên thân lo toan chuyện của mình và bỏ mặc dung mạo Chúa Giêsu ra thế nào thì ra ?

Giuse đã trả mọi giá để giữ gìn Giêsu, nhưng đôi khi sức người cũng có hạn. Trong chuyến đi Giêrusalem, năm con trẻ 12 tuổi, ông đã để Giêsu vuột khỏi tầm tay. Ba ngày ròng ông kiếm tìm, ba ngày ròng ông bà ‘đau khổ tìm con’. Và khi tìm thấy thì ông được gì ? Một gáo nước lạnh tạt vào mặt : “Sao lại phải tìm con ? Các người không biết là con phải ở trong nhà của Cha con sao ?” (Lc 2,49)

Cậu bé ấy khi ra đời chỉ là một hài nhi nằm gọn trong máng cỏ. Mười hai năm trời chịu kham chịu khổ để cho cậu khôn lớn thế này. Mười hai năm trời yêu thương để thêm da thêm thịt cho cậu thành một thiếu niên nặng cân như thế. Mà tình thương thì có nặng gì cho cam, phải tốn bao nhiêu tình thương cậu mới được như ngày hôm nay ! Vậy mà một tiếng “Cha” Giuse cũng không được nghe. Ông không hiểu gì cả, nhưng ông vẫn đón nhận lặng thinh.

Và đấy cũng là chiều kích bất ngờ của thánh Giuse. Trong suốt bốn cuốn Tin Mừng, không thấy ghi lại một câu nói nào của thánh Giuse. Đức Maria được xem là mẫu mực của sự thinh lặng nguyện cầu, Người luôn ghi nhận và suy niệm trong lòng, thế nhưng cũng có 6 lần Người lên tiếng.   (2 lần ngày truyền tin, 1 lần trước Ysave, 1 lần khi tìm lại trẻ Giêsu, 2 lần trong tiệc cưới Cana). Còn thánh Giuse thì tuyệt đối không hề nói một lời. Ngay cả lần tìm lại con ở đền thờ, thì cũng chính người mẹ lên tiếng : “Sao con lại làm như thế, cha con và mẹ đã đau khổ tìm con” (Lc 2,48)

Trong xã hội Do Thái lúc bấy giờ, phụ nữ là hạng người không đáng kể. Phúc âm thánh Mat-thêu ghi lại hai lần Chúa làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, lần đầu để nuôi 5000 người, không kể đàn bà và trẻ con, lần thứ hai 4000 người, không kể đàn bà và trẻ con (x. Mt 14,21 ; 15,38). Giuse biết mình là chủ gia đình, nhưng người lên tiếng vẫn là Maria.

Giuse sống cuộc sống càng ngày càng mờ để cho Đức Giêsu càng ngày càng sáng. Ông sống mờ nhạt đến độ những người trong thị trấn Nazaret không buồn nhớ đến tên ông, mà chỉ gọi là ‘ông thợ mộc’.

Theo thánh Mat-thêu và Mac-cô, khi Đức Giêsu trở về Nazaret sau những ngày rao giảng, người đồng hương bàn tán : “Ông ấy không phải là con ông thợ mộc và bà Maria sao ?” (Mt 13,55 ; Mc 6,3). Sau này, khi viết lại Phúc âm, thánh Luca hẳn đã thấy cái chua chát đó nên đã sửa lại : “Ông ấy không phải là con ông Giuse sao ?” (Lc 4, 23).

Dù sao đi nữa, sự âm thầm của Giuse quả là một đặc trưng của thánh nhân. Âm thầm đến độ mà khi Đức Giêsu bắt đầu lên tiếng trong đời sống công khai, thì Giuse không còn được nhắc đến mảy may ; thậm chí thánh nhân chết lúc nào, thế nào, ở đâu thì cũng chẳng ai nói đến. Trong cuộc đời công khai của Chúa thì thánh Giuse, người cha của Đức Giêsu, có vẻ như bị xem nhẹ hơn cả bà gia của Phêrô hay đứa con gái của Zairô. 
Nhưng chính điều đó đã biến thánh Giuse thành một vị đại thánh, bởi vì ngài đã đem cuộc đời mình biến thành một Lời Chúa sống động.

Gioan Tẩy giả đã khiêm tốn rao giảng : “Chúa phải lớn lên và tôi phải nhỏ lại”. Thánh Giuse đã sống điều đó mà không nói một lời.

Tiếng ‘xin vâng’ của Đức Mẹ ở Nazaret và tiếng ‘xin vâng’ của Chúa Giêsu ở Getsêmani đã được hoà âm trong trọn cuộc đời thánh Giuse.

Và thánh Giuse sẽ mãi mãi là tấm gương cho bạn và tôi.

Tấm gương của một con người luôn luôn thao thức lắng nghe tiếng Chúa, và khi nghe được thì đáp lại không chần chừ dù cho phải trả giá.

Tấm gương của một con người luôn luôn làm đủ mọi cách để gìn giữ Chúa với mình, và nếu chẳng may lạc nhau thì đi tìm Chúa không ngơi nghỉ cho đến khi gặp lại.

Tấm gương của một người ‘công chính’, chỉ làm có mỗi một điều là trình bày Chúa Giêsu cho mọi người, rồi âm thầm xóa mình đi khi Chúa bắt đầu lên tiếng với các linh hồn.

GS Trần Duy Nhiên

(Nguồn : giaophanvinh.net)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

PHỤNG VỤ »»

KT - GIÁO LÝ »»

GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT »»

SUY NIỆM »»

ĐỨC MẸ MARIA »»

CÁC THÁNH »»

GIÁO HỘI HOÀN CẦU »»

GIÁO HỘI VIỆT NAM »»

GIÁO PHẬN VINH »»

GIÁO HẠT – GIÁO XỨ »»

VĂN KIỆN TÒA THÁNH »»

VĂN THƯ GIÁO PHẬN »»

Note Đóng lại

Suy niệm Mùa Chay : BẠN MUỐN ĂN CHAY ?

TIN TỨC