CŨNG GỌI LÀ THÁNH THI EXSULTET
Trong Canh thức Vọng Phục sinh, phó tế hát bài Công Bố Tin Mừng Phục sinh, cũng gọi là Exsultet. Vì thế hôm nay chúng ta tìm hiểu qua về bài thánh thi này. Vậy đâu là chỗ đứng của bài thánh thi này trong toàn thể cơ cấu của buổi cử hành Đêm Vọng phục sinh và ý nghĩa của bài thánh ca này là gì ?
I. THÁNH THI TRONG CƠ CẤU ĐÊM VỌNG PHỤC SINH.
Trước tiên chúng ta cùng nhau đọc lại một vài đoạn của bài công bố Tin mừng Phục sinh để có một ý niệm về bản văn này. Bài thánh thi này được mở đầu nhưsau : “Mừng vui lên hỡi chư thần chư thánh, cấp thừa hành của Chúa cõi thiên cung. Trổi vang lên, kèn loan ơn cứu độ, Kính chào Đức Vua chiến thắng oai hùng. Mừng vui lên, hỡi khắp miền dương thế, bốn bề đang rực rỡánh hào quang : Vua vĩnh cửu nay rạng ngời chiếu sáng, Đẩy lui xa bóng tối của trần gian….” Đoạn kết được đọc như sau : “Ước chi ngọn lửa còn cháy mãi lúc xuất hiện Sao mai : một vì sao không bao giờ lặn, là Đức Kitô, Con yêu quý của Cha, Đấng từ cõi chết sống lại, đem ánh sáng thanh bình soi chiếu vạn dân. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen !” Và bản văn còn tiếp nối, tất cả là 106 câu văn.
Để nhận ra dễ dàng chỗ đứng của bài thánh thi công bố Tin mừng Phục sinh, chúng ta nhìn lại chính cơ cấu buổi cử hành quan trọng này. Theo việc canh tân Đêm Vọng phục sinh, được Đức Thánh Cha Piô XII thực hiện năm 1951, chúng ta có cơ cấu sau đây :
- đầu tiên là nghi thức làm phép lửa mới và rước Nến phục sinh, rồi hát bài công bố tin mừng phục sinh ;
- tiếp theo là phần phụng vụ Lời Chúa ;
- rồi phần cử hành các bí tích khai tâm kitô giáo, và tuyên lại các lời hứa rửa tội, cũng gọi là phụng vụ thánh tẩy ;
- và sau cùng là cử hành Thánh Thể, cũng gọi là phụng vụ Thánh Thể.
Theo cơ cấu trên đây, bài công bố Tin mừng Phục sinh nằm ở ngay phần đâu của nghi thức và có mục đích khai mạc Đêm vọng phục sinh, cho tín hữu biết thời kỳ chay tịnh đã hết và mọi người cùng hân hoan mừng Chúa Phục sinh. Sau đó là các lễ nghi loan báo mầu nhiệm vượt qua và ý nghĩa của mầu nhiệm này, qua việc đọc Lời Chúa, cũng như việc mầu nhiệm này được tái diễn lại qua dấu hiệu các bí tích, nhất là các bí tích khai tâm kitô giáo và Thánh Thể.
Như vậy Bài công bố Tin mừng Phục sinh thật quan trọng để dẫn đưa tâm trí tín hữu đi vào chính mầu nhiệm Vượt qua đang được cử hành.
II. LỊCH SỬ VIỆC XỬ DỤNG THÁNH THI EXSULTET
Trong lịch sử phụng vụ, bài thánh thi này đã được đưa vào trong Nghi thức Vọng phục sinh như thế nào, chúng ta có thể nói như sau :
Trong việc thành Nghi thức Vọng Phục sinh, nghi thức rửa tội, nhất là cho người lớn, là yếu tố đầu tiên được nghĩ tới, để thể hiện lời thánh Phaolô nói về việc tín hữu tham dự vào việc chết và sống lại của Chúa Kitô qua bí tích rửa tội (xc. Rm 6,3-5). Tiếp theo một nghi thức khác được thêm vào để khai triển Nghi thức Vọng Phục sinh, đó là Nghi thức Thắp sáng ngọn nến phục sinh. Trong sinh hoạt thường ngày, việc đốt đèn vào buổi tối trởnên một nghi lễ quen thuộc và có ý nghĩa đem lại niềm tin cậy và bình an. Người Do thái thắp sáng đèn vào tối thứ sáu bắt đầu ngày hưu lễ sabbat. Phần các kitô hữu đã nhìn vào ngọn nến sáng này hình ảnh Chúa Kitô là Ánh sáng của trần gian. Và vì thế từ thế kỷ thứ IV, họ bắt đầu buổi tiệc của cộng đoàn với nghi thức thắp sáng ngọn nến và hát thánh ca tôn vinh Chúa Kitô là ánh sáng đời đời của Chúa Cha. Từ đây thì Đêm Vọng Phục sinh lại càng có lý do để đem nghi lễ thắp sáng ngọn đèn này vào buổi cử hành canh thức đón chờ Chúa Kitô Phục sinh. Vào thời thánh Giêrôm và thánh Augustin, người ta đã thấy có nghi thức thắp đèn, hay nghi thức làm phép nến, tại tại Phi Châu, Bắc Italia, bên Tây Ban Nha và ở vùng Pháp. Trong nghi thức thắp đèn này, Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa lời ca tụng vì ánh sáng chiếu trong đêm tối và vì biến cố Phục sinh đang được cử hành. Từ đây, chúng ta thấy thành hình bài thánh thi Công bố Tin mừng Phục sinh, từ thế kỷ thứ VII tại một số nhà thờ tại Rôma, và sau đó vào thế kỷ thứ XI bài công bố Tin mừng Phục sinh này được đem vào trong buổi cử hành Vọng Phục sinh do Đức Giáo Hoàng chủ sự. Và vào thời kỳ này, bài thánh thi công bố Tin mừng Phục sinh được coi là một kiệt tác về văn chương và nội dung, đúc kết lại sau bao nhiêu thế kỷ sáng tác, rút ra từ các bài giảng Phục sinh của các giáo phụ, như Asterius, thánh Ephrem, thánh Giêrôm, thánh Augustino, nhất là từ thánh Ambrosiô, mà một số tác giả cho là người sáng tác ra bản văn Bài công bố Tin mừng Phục sinh chúng ta hát ngày nay.
III. CẤU TRÚC VÀ NỘI DUNG THÁNH THI EXSULTET
Bây giờ chúng ta nói về nội dung của thánh thi này. Vậy đâu là cấu trúc và nội dung bài thánh thi này ?
Về cấu trúc bài thánh thi công bố Tin mừng Phục sinh, chúng ta có thể chia ra như sau : bản văn được chia làm hai phần :
Phần đầu là lời ca tụng dâng lên Thiên Chúa, gợi hứng từ ánh lửa huy hoàng đang chiếu soi toàn thể thánh đường và ánh lửa đó là Chúa Kitô, chiếu soi toàn thể nhân loại.
Phần thứ hai là lời ca ngợi dâng lên Thiên Chúa, gợi hứng từ biến cố Vượt qua của Chúa Kitô, được lồng khung trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa và dưới hình ảnh của một đêm diễm phúc.
Về nội dung thần học của bài thánh thi này, chúng ta có thể nói đại cương như sau: đây là một sứ điệp về biến cố phục sinh của Chúa Kitô và ca tụng tạ ơn vì các kỳ công Thiên Chúa thực hiện trong đêm cực thánh này, là cao điểm của tất cả lịch sử cứu rỗi: tội nguyên tổ mà con người được giải thoát khỏi tội này từ máu của Chúa Kitô ; bản văn ghi lại các hình ảnh trong Cựu ước, tiên báo cuộc vượt qua của Chúa Kitô, như chiên vượt qua, việc dân do thái qua Biển Đỏ, cột lửa soi sáng cho dân trong sa mạc. Tiếp theo, với lối thi văn, bài công bố Tin mừng Phục sinh chúc tụng chiến thắng vượt qua của Chúa Kitô, cho đến độ tác giả đã lên tiếng ca tụng cả tội nguyên tổ như sau : “Ôi tội Ađam quả là hồng phúc, tội được xóa bỏ nhờ cái chết của Đức Kitô. Ôi tội hóa thành hồng phúc, nhờ tội, chúng con mới có được Đấng Cứu tinh cao cả dường này !”. Tất cả lời ca tụng công cuộc cứu rỗi này được gói ghém trong khung cảnh lời ca tụng những kỳ công được Thiên Chúa thực hiện trong Đêm cực thánh này. Chúng ta đọc lại một vài đoạn như sau : “Chính đêm nay, lạy Cha nhân từ, Cha đã giải thoát cha ông chúng con… chính đêm nay, cột lửa sáng rực cả bầu trời… chính đêm nay, tín hữu Đức Kitô trên khắp mặt địa cầu được tách khỏi thói đời sa đọa… Ôi, đêm thật diễm phúc, đêm duy nhất biết được thời giờ Đức Kitô từ cõi chết sống lại… chính đêm nay là đêm được sách thánh tiên báo : đêm sẽ sáng tỏ như ban ngày, đêm rạng ngời làm vui thỏa lòng con …đêm cực thánh khữ trừ muôn tội vạ … đêm tiêu diệt hận thù… đêm giải hòa bất thuận…”
Tóm lại, bài công bố Tin mừng Phục sinh đã diễn tả nội dung huyền nhiệm và cao cả của Đêm Vọng Phục sinh, khi nhắc lại cuộc thương khó và sống lại của Chúa Kitô ; khi ca tụng Chúa Kitô là Chúa cứu độ và diễn tả mầu nhiệm con người được cứu rỗi. Và do đó Đêm Vọng Phục sinh trở thành đêm là mẹ các đêm vọng của Giáo Hội.
IV. ÁP DỤNG MỤC VỤ
Với những điều vừa được trình bày trên đây, có những điểm nào có thể giúp các tín hữu hiểu biết thêm về mầu nhiệm Vượt qua từ bài công bố Tin mừng Phục sinh này ?
1. Trước tiên chúng ta nói tới mấy điểm chỉ dẫn chữ đỏ liên hệ tới bài công bố Tin mừng Phục sinh này. Đây là bài công bố Tin mừng, nên phải liệu làm sao để có thể hát lên, với một điệu nhạc mang tính cánh vui tươi trang trọng, cho thấy cảnh chiến thắng oai hùng của Chúa Kitô vinh thắng. Đồng thời cũng cho thấy cảnh đêm đen còn phảng phất và điều này làm sáng tỏ thêm chiến thắng của Chúa Kitô Phục sinh. Nếu không có phó tế để hát lên bài thánh thi này, thì có thể để cho một ca viên khác hát lên cho cả cộng đoàn cùng theo dõi. Khi đọc bài thánh thi này, thì ý nghĩa của nó giảm đi rất nhiều. Vì thế cần phổ nhạc bài thánh thi này, và theo điệu nhạc thích hợp với nội dung và lễ nghi thứ bảy Vọng phục sinh.
2. Khi hát bài công bố này, có nghi thức xông hương, đốt nến sáng trong tay để nói lên niềm vui mừng và tin nhận Chúa Kitô là ánh sang soi chiếu trần gian. Trong khi cử hành cần phải gây nên chú ý sốt sắng nơi dân chúng. Vì không phải là nghi lễ làm thường ngày. Mà mỗi năm chỉ diễn ra một lần.
3. Nếu được, các linh mục giải thích trong một bài giáo lý về bài công bố tín mừng phục sinh này.
4. Nội dung của bài thánh thi nói tới đêm đen… Vì thế buổi cử hành cần được thể hiện theo giờ đã được ghi trong sách lễ Rôma, tức là sau khi mặt trời lặn, và kết thúc trước khi hừng đông xuất hiện.
Bài thánh thi diễn tả khá đầy đủ tinh thần của Mùa Phục sinh, tức là niềm vui khi tin tưởng Chúa Kitô sống lại và lời ca tụng Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô phục sinh. Vì thế tín hữu phải sống tin tưởng và hân hoan luôn trong cuộc sống hằng ngày. Vì như Chúa Kitô đã chịu đau khổ, thì tín hữu cũng sẽ can đảm cuộc sống trong niềm an vui. Xin Chúa Kitô phục sinh ban cho chúng ta được niềm vui trọn vẹn trong Mùa Phục sinh sắp tới này.
Đức ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
-------------------------------------------
nguồn Simomhoadalat
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét