THIÊN CHÚA Ở CÙNG TẤT CẢ CHÚNG TA





































Sứ điệp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân 11/02/2012


SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI BỆNH NHÂN 11/02/2012

"Đứng dậy, về đi ; lòng tin của anh đã cứu anh" (Lc 17,19).
Anh chị em thân mến,
Nhân dịp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân, mà chúng ta sẽ cử thành vào ngày 11/02/2012 sắp đến, ngày lễ kính nhớ Đức Mẹ Lộ Đức, tôi muốn lặp lại sự gần gũi tinh thần của tôi với tất cả các bệnh nhân ở những nơi săn sóc hay được gia đình họ đảm nhận, bày tỏ với mỗi người sự ân cần và tình cảm của toàn thể Giáo Hội. Trong sự đón tiếp quảng đại và yêu thương mỗi sự sống con người và cách riêng cuộc sống của người đau yếu, người kitô hữu diễn tả một khía cạnh quan trọng của chứng tá Tin Mừng của mình, theo mẫu gương Chúa Kitô, Đấng đã nghiêng mình xuống trên những đau khổ thể chất và tinh thần của con người để chữa lành nó.
1. Vào năm nay, năm chuẩn bị trực tiếp cho Ngày Thế Giới Bệnh Nhân sẽ được cử hành long trọng tại Đức vào ngày 11/2/2013, và sẽ dựa vào hình ảnh biểu trưng của người Samaritanô Nhân Hậu trong Tin Mừng (x. Lc 10, 29-37), tôi xin nhấn mạnh đến “các bí tích chữa lành”, tức là bí tích Sám Hối-Hòa Giải và bí tích Xức Dầu bệnh nhân, chúng tìm thấy sự thực hiện tự nhiên của chúng trong việc Rước Lễ.
Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với mười người phong cùi, được kể trong Tin Mừng theo thánh Luca (x. Lc 17, 11-19), và cách riêng những lời mà Chúa Giêsu nói với một người trong số họ : “Đứng dậy, về đi  ; lòng tin của anh đã cứu anh ” (câu 19), giúp ý thức về tầm quan trọng của đức tin đối với những người đau khổ và bệnh tật xích lại gần Chúa. Trong cuộc gặp gỡ với Ngài, họ có thể thực sự kinh nghiệm rằng ai tin thì không bao giờ cô độc ! Quả thế, Thiên Chúa, trong Con của Ngài, không bỏ mặc chúng ta cho những lo âu và đau khổ của chúng ta, nhưng Ngài gần gũi chúng ta, Ngài giúp đỡ chúng ta gánh vác chúng và Ngài muốn chữa lành chúng ta nơi tận sâu thẳm của tâm hồn chúng ta (x. Mc 2, 1-12).
Đức tin của người phong hủi duy nhất – thấy mình được chữa lành, đầy ngạc nhiên và vui sướng – lập tức trở lại với Chúa Giêsu, khác với những người khác, để bày tỏ sự biết ơn của mình, cho phép chúng ta nhận thức rằng sự bình phục là dấu chỉ của điều gì đó còn cao quý hơn chỉ là việc chữa lành thể lý mà thôi ; nó là dấu của ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Chúa Kitô. Điều này được diễn tả trong những lời nói của Chúa Giêsu : lòng tin của anh đã cứu anh. Ai cầu xin Chúa trong cơn đau khổ và bệnh tật đều chắc chắn rằng tình yêu của Ngài không bao giờ bỏ rơi người ấy, và tình yêu của Giáo Hội, nối dài công trình cứu độ của Ngài trong thời gian, sẽ không bao giờ thiếu cho người ấy. Việc chữa lành thể lý, sự diễn tả một ơn cứu độ sâu xa hơn, do đó cho thấy tầm quan trọng của con người trước mặt Chúa, trong sự toàn diện của hồn và xác của mình. Vả lại, mỗi bí tích đều diễn tả và thực hiện sự gần gũi của chính Thiên Chúa, Đấng mà, cách tuyệt đối nhưng không, “chạm đến chúng ta qua các thực tại vật chất…, bằng cách biến chúng thành những dụng cụ của sự gặp gỡ giữa chúng ta và chính Ngài” (Bài giảng, Thánh Lễ Dầu, 1/4/2010). “Sự duy nhất giữa việc tạo dựng và cứu chuộc do đó được trở nên hữu hình. Các bí tích là sự diễn tả đặc tính thể lý của đức tin của chúng ta, bao gồm toàn thể nhân vị trong thân xác và linh hồn của nó” (Bài giảng, Thánh Lễ Dầu, 21/4/2011).
Chắc chắn, nhiệm vụ chính yếu của Giáo Hội là loan báo Nước Thiên Chúa, “nhưng việc loan báo này chính nó phải là một tiến trình chữa lành “…băng bó những tấm lòng tan nát” (Is 61, 1)” (ibid), theo trách vụ mà Chúa Giêsu đã giao phó cho các môn đệ của Ngài (x. Lc 9,1-2 ; Mt 10,1.5-14 ; Mc 6,7-13). Mối liên hệ giữa sức khỏe thể lý và việc chữa các vết thương tâm hồn do đó giúp chúng ta hiểu tốt hơn “các bí tích chữa lành”.
2. Bí tích Sám Hối đã từng thường nằm ở trung tâm suy tư của các vị Mục tử của Giáo Hội, cách riêng do tầm quan trọng to lớn của nó trên con đường của đời sống kitô hữu, vì “tất cả sự hữu hiệu của bí tích Sám Hối hệ tại việc tái lập chúng ta trong ân sủng của Thiên Chúa và kết hiệp chúng ta với Ngài trong một tình bằng hữu cao cả” (Sách GLGHCG, số 1468). Khi tiếp tục loan báo sứ điệp tha thứ và hòa giải của Chúa Giêsu, Giáo Hội không bao giờ ngừng mời gọi toàn thể nhân loại hoán cải và tin vào Tin Mừng. Giáo Hội biến thành của mình lời kêu gọi của thánh Phaolô Tông đồ : “Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Ki-tô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2 Cor 5, 20). Trong suốt cuộc sống của mình, Chúa Giêsu đã loan báo và làm cho trở thành hiện tại lòng thương xót của Chúa Cha. Ngài đã đến không phải để lên án những để tha thứ và cứu độ, để mang lại hy vọng ngay cả trong bóng tối dày đặc của đau khổ và tội lỗi, để ban sự sống đời đời ; như thế trong bí tích Sám Hối, trong “phương dược giải tội”, kinh nghiệm về tội lỗi không biến thành tuyệt vọng nhưng gặp gỡ Tình Yêu tha thứ và biến đổi (x. Gioan-Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et Paenitentia, số 31).
Thiên Chúa, “Đấng giàu lòng thương xót” (Êph 2,4), như người cha trong dụ ngôn Tin Mừng (x. Lc 15, 11-32), không khép kín tâm hồn trước bất kỳ người con nào của Ngài, nhưng Ngài chờ đợi họ, tìm kiếm họ, liên kết với họ ở đâu sự khước từ hiệp thông giam hãm trong sự cô độc và chia rẽ, Ngài kêu gọi họ tập hợp xung quanh bàn tiệc của Ngài, trong niềm vui mừng ơn tha thứ và hòa giải. Thời gian đau khổ, trong đó có thể nổi lên cám dỗ bỏ mặc cho nản lòng và tuyệt vọng, như thế có thể được biến đổi thành thời gian ân sủng để phản tỉnh, và như người con hoang đàng của dụ ngôn, để suy nghĩ đến cuộc sống của mình, nhìn nhận những sai lầm và thất bại, để cảm nghiệm nhung nhớ vòng tay ôm ấp của Cha, và lên đường trở về nhà. Ngài, trong tình yêu lớn lao, đang chăm lo mọi lúc và mọi nơi đến cuộc sống của chúng ta và chờ đợi chúng ta để trao ban cho mỗi một người con trở về với Ngài hồng ân hòa giải trọn vẹn và niềm vui.
3. Đọc các Tin Mừng cho thấy cách rõ ràng rằng Chúa Giêsu đã luôn biểu lộ một sự quan tâm đặc biệt đến các bệnh nhân. Ngài đã không chỉ sai các môn đệ chăm sóc các vết thuơng của họ (x. Mt 10, 8 ; Lc 9, 2 ; 10, 9), nhưng còn thiết lập cho họ một bí tích đặc thù : Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Thư của thánh Giacôbê chứng thực sự hiện diện của cử chỉ bí tích này từ thời cộng đoàn kitô hữu đầu tiên (x. 5, 14-16) : trong Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, được kèm theo bởi lời cầu nguyện của các Kỳ mục, toàn thể Giáo Hội phó thác các bệnh nhân cho Chúa chịu đau khổ và vinh hiển để Ngài xoa dịu những nỗi thống khổ của họ và cứu họ ; còn hơn nữa, Giáo Hội khuyên họ kết hiệp cách thiêng liêng với cuộc thương khó và cái chết của Chúa Kitô, để như thế đóng góp vào lợi ích của Dân Thiên Chúa.
Bị tích này dẫn chúng ta đến chiêm ngăm mầu nhiệm kép ở Núi Cây Dầu, nơi Chúa Giêsu đã thấy mình đương đầu  cách bi thảm với con đường mà Chúa Cha chỉ cho Ngài, con đường Thương Khó, của hành vi yêu thương tột bậc, và đã đón nhận nó. Trong giờ thử thách, Ngài là Đấng trung gian, “khi mang nơi chính mình, đảm nhận nơi mình sự đau khổ và sự thương khó của thế gian, biến nó thành tiếng kêu thấu đến Thiên Chúa, mang nó đến trước nhan và trong đôi bàn tay của Thiên Chúa, và do đó thực sự mang nó vào lúc Cứu Chuộc” (Lectio Divina, Gặp gỡ với hàng giáo sĩ Rôma, 18/2/2010). “Nhưng Vườn Cây Dầu cũng là nơi Ngài lên cùng Cha ; bởi thế, đó là nơi Cứu Chuộc…Mầu nhiệm kép này của Núi Cây Dầu cũng không ngừng “hoạt động” trong dầu bí tích của Giáo Hội…dấu chỉ  của lòng nhân từ của Thiên Chúa liên kết với chúng ta” (Bài giảng, Thánh Lễ Dầu, 1/4/2010). Trong Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, chất thể bí tích của dầu được ban cho chúng ta, ta có thể nói, “như một phương dược của Thiên Chúa…mà vào lúc này đảm bảo cho chúng ta lòng nhân từ của Ngài, ban cho chúng ta sức mạnh và niềm an ủi, nhưng, đồng thời, bên kia thời gian bệnh tật, hướng chúng ta đến sự chữa lành chung cuộc, đến sự phục sinh (x. Gc 5, 14)” (ibid).
Ngày nay, bí tích này đáng được một sự quý trọng lớn lao hơn, trong suy tư thần học cũng như trong hoạt động mục vụ bên cạnh các bệnh nhân. Vì Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân làm tăng giá trị nội dung của các kinh nguyện phụng vụ được thích nghi vào những hoàn cảnh nhân loại khác nhau được gắn liền với bệnh tật, và không chỉ vào tận cùng sự sống, nó không được xem như là một “bí tích thứ yếu” so với các bí tích khác. Sự quan tâm – và việc săn sóc mục vụ – các bệnh nhân nếu, một mặt, nó là dấu chỉ của sự ân cần của Thiên Chúa đối với người đau khổ, thì mặt khác, cũng tạo nên một lợi ích thiêng liêng cho các linh mục và toàn thể cộng đoàn kitô hữu, ý thức rằng những gì được làm cho người bé nhỏ nhất là được làm cho chính Chúa Giêsu (x. Mt 25, 40).
4. Về “các bí tích chữa lành”, thánh Augustin khẳng định : “Thiên Chúa chữa lành mọi bệnh tật của bạn. Vì thế, đừng sợ : mọi bệnh tật của bạn sẽ được chữa lành… bạn chỉ phải cho phép Ngài săn sóc bạn và bạn không được gạt đi đôi ban tay của Ngài” (Giải thích Thánh Vịnh 102, 5 : PL 36, 1319-1320). Đó là những dụng cụ quý báu của ân sủng của Thiên Chúa giúp cho bệnh nhân được đồng hình đồng dạng luôn trọn vẹn hơn với mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Chúa Kitô. Khi nhấn mạnh tầm quan trọng của hai bí tích này, tôi cũng muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể. Được lãnh nhận trong một thời gian bệnh tật, nó đóng góp cách đặc biệt vào một sự biến đổi như thế, bằng cách liên kết người được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu của Chúa Giêsu với hy lễ mà Ngài đã biến chính Mình dâng lên Chúa Chua để cứu rỗi muôn người. Toàn thể cộng đồng Giáo Hội, và các cộng đoàn giáo xứ cách riêng phải nỗ lực bảo đảm việc tiếp xúc thường xuyên với việc rước lễ bí tích đối với những ai, vì lý do sức khỏe và tuổi tác, không thể đến nơi thờ phượng. Những anh chị em này như thế có khả năng củng cố mối tương quan của họ với Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, khi tham dự vào chính sứ mạng của Giáo Hội, xuyên qua đời sống hiến dâng vì tình yêu đối với Chúa Kitô của họ. Trong viễn ảnh này, điều quan trọng là các linh mục, những người phục vụ họ trong các bệnh viện, các nhà săn sóc và tại nhà các bệnh nhân, coi mình là “những thừa tác viên của các bệnh nhân” thực sự, dấu chỉ và là dụng cụ của lòng trắc ẩn của Chúa Kitô, Đấng muốn liên đới với tất cả những người đau khổ” (Sứ điệp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân, 22/11/2009).
Việc đồng hình đồng dạng với Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, cũng được thực hiện nhờ việc thực hành Rước lễ thiêng liêng, mang một ý nghĩa hoàn toàn đặc biệt khi Thánh Thể được phân phát và được lãnh nhận như của ăn đàng. Vào một thời điểm như thế của cuộc sống, lời của CHúa vẫn còn rõ rệt hơn nữa : “Ai ăn thịt Ta và uống máy Ta sẽ có sự sống đời đời và Ta sẽ phục sinh người ấy vào ngày sau hết” (Ga 6, 54). Thực ra, Bí tích Thánh Thể, nhất là như của ăn đàng, là – theo định nghĩa của thánh Inhaxiô Antiôkia – “phương dược bất tử, phương thuốc chống lại sự chết” (Thư gởi giáo đoàn Êphêsô, 20 : PG 5, 661), bích tích của sự vượt qua sự chết đến sự sống, vượt qua thế gian này đến với Chúa Cha, Đấng đang chờ đợi họ hết thảy trong Giêrusalem trên trời.
5. Đề tài của sứ điệp Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ XX này, “Đứng dậy, về đi  ; lòng tin của anh đã cứu anh !”, cũng hướng đến “Năm Đức Tin” sắp đến, sẽ bắt đầu ngày 11/10/2012 và sẽ là một dịp thuận thiện và quý báu để tái khám phá sức mạnh và vẻ đẹp của đức tin, để đào sâu nội dung của nó và để làm chứng tá cho nó trong đời sống thường ngày (x. Tông thư Porta fidei, 11/10/2011). Tôi mong muốn khích lệ các bệnh nhân và những người đau khổ luôn tìm được một bến neo chắc chắn trong đức tin, bằng việc nuôi dưỡng nó trong việc lắng nghe Lời Chúa, kinh nguyện cá nhân và các Bí Tích, và đồng thời tôi mời gọi các vị mục tử luôn sẵn sàng ứng trực hơn nữa để cử hành cho các bệnh nhân. Theo mẫu gương của vị Mục Tử Nhân Lành và với tư cách là những người dẫn dắt đoàn chiên được giao phó cho mình, ước gì các linh mục được tràn đầy niềm vui sống, quan tâm đến những người yếu đuối nhất, những người đơn hèn, những người tội lỗi, biểu lộ lòng thương xót vô tận của Thiên Chúa bằng những lời trấn an hy vọng (x. thánh Augustin, Thư 95, 1 : PL 33, 351-352).
Đối với tất cả những ai đang làm việc trong thế giới y tế, cũng như đối với các gia đình đang nhìn thấy nơi những người thân của mình khuôn mặt đau khổ của Chúa Giêsu Kitô, tôi xin lặp lại lời tri ân của tôi và của Giáo Hội bởi vì nhờ khả năng nghề nghiệp của họ và trong sự thinh lặng, thường thậm chí không nêu lên danh Chúa Kitô, họ vẫn biểu lộ Ngài cách cụ thể (x. Bài giảng, Thánh Lễ Dầu, 21/4/2011).
Chúng ta hướng cái nhìn tin tường và lời cầu nguyện của chúng ta về Mẹ Maria, Mẹ của lòng thương xót và là Sức Khỏe cho các bệnh nhân. Xin lòng trắc ẩn của Mẹ, được sống bên cạnh người Con đang hấp hôi trên Thập giá của Mẹ, đồng hành và nâng đỡ đức tin và niềm hy vọng của mỗi người đau ốm và khổ đau trên con đường chữa lành các vết thương thân xác và tinh thần.
Tôi đảm bảo nhớ đến hết thảy anh chị em trong lời cầu nguyện và tôi gởi đến mỗi người trong anh chị em Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt.
Vatican, 20/11/2011, ngày lễ Kính Trọng Thể Chúa Giêsu-Kitô Vua Vũ Trụ.
BÊNÊĐÍCTÔ XVI, Mục tử của các mục tử

Tý Linh chuyển ngữ theo bản tiếng Pháp
-----------------------------------
(Nguồn : XBVN)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

PHỤNG VỤ »»

KT - GIÁO LÝ »»

GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT »»

SUY NIỆM »»

ĐỨC MẸ MARIA »»

CÁC THÁNH »»

GIÁO HỘI HOÀN CẦU »»

GIÁO HỘI VIỆT NAM »»

GIÁO PHẬN VINH »»

GIÁO HẠT – GIÁO XỨ »»

VĂN KIỆN TÒA THÁNH »»

VĂN THƯ GIÁO PHẬN »»

Note Đóng lại

Suy niệm Mùa Chay : BẠN MUỐN ĂN CHAY ?

TIN TỨC