THIÊN CHÚA Ở CÙNG TẤT CẢ CHÚNG TA





































Chúa Nhật 34 Thường Niên (A) : Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ - 16 Bài Suy Niệm Và Giảng Lễ


CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN, NĂM A
LỄ MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ
Lời Chúa : Ed 34,11-12.15-17 ; 1Cr 15,20-26.28 ; Mt 25,31-46
“Mỗi lần các ngươi làm những điều đó cho một trong những người anh em bé mọn nhất của Ta là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”
Đức Kitô có phải là Vua không ? Chắc chắn Đức Kitô không phải là một thủ lãnh của một đảng phái đối lập, cũng chẳng phải là một vị vua chúa như người đời vẫn quan niệm. Suốt cuộc sống công khai, Ngài không bao giờ chấp nhận tước hiệu Messia, tước hiệu là vua theo mơ ước của dân chúng. Vì mơ ước của họ pha trộn quá nhiều những yếu tố trần tục, quá nhiều những tham vọng chính trị. Thực vậy, sứ mệnh của Ngài không như sứ mệnh của quận vương Hêrôđê, quyền bính của Ngài không như quyền bính của hoàng đế Lamã hay như bất kỳ một vị vua chúa nào trên trần gian...

MỤC LỤC
1. Đức Kitô Vua
2. Vương quốc tình yêu – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
3. Vì xưa Ta đói
4. Chúa sẽ luận xét chúng ta về điểm nào ?
5. Vương quốc của tình yêu
6. Cuộc sống của chúng ta tuỳ thuộc vào Mt 25,40
7. Lễ Chúa Kitô Vua
8. Tha nhân là thân thể Chúa Giêsu – Lm. Trần Ngà
9. Vua vĩnh cửu
10. Phán xét
11. Lễ Chúa Kitô Vua
12. Lễ Chúa Kitô Vua
13. Chúa Giêsu là vua
14. Suy niệm của JKN
15. Chú giải của Fiches Dominicales
16. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

Đức Kitô có phải là Vua không ? Chắc chắn Đức Kitô không phải là một thủ lãnh của một đảng phái đối lập, cũng chẳng phải là một vị vua chúa như người đời vẫn quan niệm. Suốt cuộc sống công khai, Ngài không bao giờ chấp nhận tước hiệu Messia, tước hiệu là vua theo mơ ước của dân chúng. Vì mơ ước của họ pha trộn quá nhiều những yếu tố trần tục, quá nhiều những tham vọng chính trị. Thực vậy, sứ mệnh của Ngài không như sứ mệnh của quận vương Hêrôđê, quyền bính của Ngài không như quyền bính của hoàng đế Lamã hay như bất kỳ một vị vua chúa nào trên trần gian.
Sứ mệnh của Ngài thuộc một lãnh vực khác. Chính vì thế mà chúng ta thấy nhiều lần Ngài đã từ chối cái cách tôn phong Ngài lên làm vua của dân chúng. Sau phép lạ bánh hoá nhiều dân chúng muốn tôn Ngài lên làm vua, nhưng Ngài đã lẩn trốn. Nhưng cũng có lần Ngài sẵn sàng biểu dương trước công chúng, khi Ngài hiên ngang tiến vào Giêrusalem, xuất hiện với những phương tiện khiêm tốn, phù hợp với lời tiên báo của Giacaria. Ngài để cho dân chúng tung hô như là vua Israel. Trong phiên toà dân sự tại dinh Philatô, đề tài xét xử chính là vương quyền của Ngài. Khi Philatô hỏi : Ông có phải là vua dân Dothái không ? Chúa Giêsu không phủ nhận tước hiệu ấy, nhưng Ngài đã minh xác rằng : Vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này.
Chúa Giêsu là Vua vũ trụ, là Vua mọi dân tộc, là Vua trên muôn vua, thế nhưng Ngài lại là một vị Vua bị đóng đinh, hoàn toàn bị tước lột khỏi những quyền lực trần thế. Đức Kitô đã lên ngôi bằng con đường của thập giá, của tình yêu. Kẻ thù duy nhất của Ngài là vương quốc của Satan, của thù hận, của chia rẽ và của tội lỗi.
Các ngai vàng, các vương miện, các triều thiên và áo cẩm bào chỉ là những đồ trang sức tạm bợ chóng qua, chúng ta không được phép hiểu vương quyền của Đức Kitô qua những hình ảnh đó. Chính Ngài cũng đã tự tách mình ra khỏi các thủ lãnh của trần gian như lời Ngài đã phán : Vua chúa các nước thì cai trị ân, và những kẻ làm lớn thì lấy quyền mà áp chế dân. Đức Kitô không phải là một thủ lãnh áp chế, trái lại cai trị theo Ngài có nghĩa là lột sạch mọi tự cao, hào nhoáng và vênh vang, cai trị đối với Ngài chính là phục vụ.
Đức Kitô phục vụ chúng ta và Ngài phục vụ một cách khiêm tốn, thận trọng và kín đáo. Ngài đã phục vụ đến độ hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người. Sự tự hạ của Ngài đi đến chỗ đồng hoá với những kẻ bé mọn và thấp kém nhất. Còn chúng ta thì sao ? Chúng ta đã thực sự dấn thân để phục vụ và giúp đỡ những kẻ bé mọn thấp kém chung quanh chúng ta hay chưa ?

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy nhiều sự thật quan trọng về kết cục của con người.
Sự thật thứ nhất là : thế giới này sẽ chấm dứt. Không có gì vĩnh cửu ở đời này. Mọi sự sẽ qua đi. Những gì được coi là bền vững lâu dài rồi cũng tan thành cát bụi. Của cải, tài năng, công danh cũng sẽ trở thành hư vô. Cả đến con người cũ cũng không còn. Sau cùng mọi người bằng nhau và phải đến trước tòa Chúa để chịu phán xét.
Sự thật thứ hai là : mọi người sẽ bị xét xử. Tất cả mọi người sẽ tụ tập lại. Tất cả mọi người sẽ phải trả lời về những gì mình đã làm trong cuộc đời. Cuộc xét xử sẽ diễn ra công khai. Những trách nhiệm liên đới sẽ được sáng tỏ. Những liên hệ thầm kín sẽ được phơi bày. Nếu trên trần gian ta phải chứng kiến bất công thì tại phiên xử cuối cùng này sẽ có công bằng tuyệt đối. Chẳng ai có thể mua chuộc vị quan tòa tối cao, quyền uy và công thẳng.
Sự thật thứ ba : sẽ có một vương quốc mới. Tuy nhiên kết thúc thế giới cũ không phải là chấm dứt tất cả. Chúa Giêsu tổng kết thế giới cũ để đưa nhân loại vào một thế giới mới. Thế giới không còn thời gian. Thế giới vĩnh cửu. Thế giới không còn đau khổ. Thế giới hạnh phúc tràn đầy. Vì Chúa sẽ thiết lập một vươn quốc mới : vương quốc tình yêu. Cuộc xét xử chính là một cuộc tuyển lựa những công dân cho vương quốc mới. Vì là vương quốc tình yêu nên chỉ những ai có tình yêu mới được vào. Luật lệ trong vương quốc mới chỉ có một luật duy nhất : luật tình yêu. Việc cai trị cũng chỉ theo một nguyên tắc duy nhất : tình yêu. Chúa Giêsu trở thành Vua Tình Yêu.
Sự thật thứ bốn : đời này là cơ hội duy nhất. Thế giới mới và vương quốc mới không phải bất ngờ mà có, nhưng được xây dựng ngay từ đời này. Đời này tuy chóng qua nhưng là cơ hội để ta xây dựng vương quốc mới. Những ai có lòng yêu thương anh em, đặc biệt những anh em nghèo khổ, bé mọn, sẽ được tuyển chọn vào Nước Trời. Đời này ngắn ngủi nhưng lại là cơ hội duy nhất. Hết đời này sẽ không còn cơ hội nữa. Sẽ đi đến chung cuộc. Vì thế ta phải vội vàng mau mắn thực hành giới luật yêu thương, kẻo không kịp.
Với dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng, Chúa Giêsu đã tỏ lộ cho ta hết những bí mật của vận mạng thế giới. Và chỉ vẽ cho ta con đường để được nhận vào Nước Chúa : thực hành yêu thương bằng những việc làm cụ thể. Cho người đói ăn. Cho người khát uống. Cho người rách rưới ăn mặc. Thăm viếng người đau yếu và kẻ tù đầy. Đây là những việc vừa tầm tay mọi người. Ai cũng có thể làm được. Ai cũng có điều kiện để làm.
Lạy Chúa Giêsu Vua Tình Yêu, xin cho con biết thực hành yêu thương, để được nhận vào Nước Chúa. Amen.
Gợi ý chia sẻ
1- Dụ ngôn ngày phán xét cuối cùng cho thấy những sự thật nào ?
2- Ta có thể làm chủ vận mạng mình được không ?
3- Điều kiện để được vào Nước Chúa có khó khăn gì không ?
4- Nếu mọi người đều thực hiện Lời Chúa, bạn nghĩ thế giới này sẽ như thế nào ? Có trở thành vương quốc của Chúa được không ?

3. Vì xưa Ta đói
(Trích trong ‘Manna’)
Suy Niệm
TÊRÊSA Calcutta là người mê và sống đoạn Tin Mừng này. Bà bị cuốn hút bởi những người đau khổ. Dưới mắt bà, đó không chỉ là những người đáng thương, mà còn là hiện thân của chính Chúa Giêsu đau khổ.
Tình yêu con người và tình yêu Chúa Giêsu quyện vào nhau.
Vì yêu Ngài, nên bà yêu con người mãnh liệt hơn.
"Tập nhìn ra chính Chúa Giêsu trong mỗi con người, dù họ có vẻ đáng kinh tởm đến đâu đi nữa".
Đoạn Tin Mừng này được chọn đọc vào Chúa Nhật hôm nay, vì ở đây Chúa Giêsu được mô tả như một vị Vua, có thiên sứ theo hầu, ngồi trên ngai vinh hiển. Ngài là Thẩm phán xét xử muôn dân, tách biệt kẻ lành người dữ, thưởng phạt công minh. Nhưng phán quyết của Ngài làm ai nấy kinh ngạc.
Người ta được chúc phúc hay bị nguyền rủa dựa trên những việc họ đã làm hay không làm cho Ngài, mà họ không hề hay biết.
Vua Giêsu chẳng ở đâu xa, chẳng ở cung vàng điện ngọc. Ngài ở trong những người cùng khốn.
Vua Giêsu đồng hoá mình với những người đói khát, khách lạ, trần trụi, đau yếu hay ở tù mà chúng ta vẫn gặp mỗi ngày.
Ngài ẩn mình hay đúng hơn Ngài tỏ mình qua con người, qua những người hèn kém đáng thương nhất. Chúa vinh quang không ngại nhận họ là anh em.
Ngài không khoác tấm áo lộng lẫy kiêu sa để dễ gần gũi với nỗi đau của người yếu thế.
Như thế chúng ta không phải tìm Chúa ở nơi xa xôi.
Ngài không chỉ ở trong nhà thờ, trong bí tích.
Ngài còn ở nơi những người đang cần chúng ta.
Mỗi người khốn cùng đều là một bí tích, nơi chúng ta có thể thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu.
Có những lần Chúa đi ngang qua đời ta như vị vua giả trang làm người hành khất.
Ngày phán xét, chúng ta không được giả vờ ngạc nhiên khi nghe biết mình đã để Ngài đi qua tay trắng.
"Chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên tình yêu".
Tội lớn nhất là tội thiếu sót : không làm điều phải làm.
Hôm nay Vua Giêsu vẫn ngửa tay xin ta giúp các anh em bé mọn nhất của Ngài. Những người mù chữ, những trẻ em đường phố, những người bị suy sụp tinh thần, cần được yêu thương, những người không tìm được cho đời mình một chỗ trọ, những người tự nhốt mình trong tù ngục đam mê, những người trần trụi vì phải sống nhờ thân xác.
Phải làm một việc gì đó cụ thể để Nước Chúa lớn lên trong thế giới này.
Phải xây dựng một điều tốt đẹp nào đó để Vua Giêsu thật sự là Vua Vũ Trụ, vũ trụ bên ngoài và vũ trụ trong lòng con người.
Gợi Ý Chia Sẻ
Thế giới hôm nay còn nhiều bất công và đau khổ do con người gây ra cho nhau. Bạn thử nghĩ, với khả năng của mình, bạn làm được điều gì để người chung quanh hạnh phúc ?
Thấy Chúa Giêsu nơi những người đói nghèo, rách rưới, vô gia cư nghề nghiệp, thậm chí đã có lần phạm pháp, bạn nghĩ điều đó có khó không ? Làm sao tôi có thể đối xử với họ như với Chúa ?
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ, nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục, nếu Chúa là vua của hơn tám trăn ngàn nữ tu, nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo, thì thế giới này sẽ đổi khác, Hội Thánh sẽ đổi khác.
Chúng con không phải là một lượng men nhỏ.
Nếu khối bột chẳng được dậy lên, thì là vì men đã mất phẩm chất.
Chúng con phải chịu trách nhiệm về sự dữ trên địa cầu : có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.
Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến, nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.
Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ, chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa, giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ, nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa, dù Chúa đã đến trái đất này từ hơn 2000 năm.
Chúng con sợ Chúa đến làm phiền lòng chúng con, và không cho chúng con được yên ổn.
Ước gì một tỉ người công giáo chịu để Chúa chi phối đởi mình và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.
Như thế vũ trụ này trở thành vũ trụ của Thiên Chúa.

(Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)
Chúa Giêsu dựng nên một cảnh đầy hình ảnh để nói cho biết nguyên tắc phân xử khi đến ngày cuối cùng. Qua đó Ngài muốn dạy chúng ta ngày nay phải sống theo nguyên tắc nào. Các yếu tố Ngài dùng để dựng cảnh để minh giải cho giáo huấn đều quen thuộc với người nghe Ngài nói. Nhiều truyện ký Do thái thuộc loại văn gọi là khải huyền trước Chúa Giêsu đã dùng những hình ảnh ít nhiều kinh khủng về ngày tận cùng lịch sử. Chúa Giêsu lấy lại một số không quá đáng và Ngài nhấn mạnh đến điểm Ngài cho là tối quan trọng : các cử chỉ yêu thương đối với người nghèo và người hèn mọn là những kẻ Ngài tự đồng hóa. Cá nhân Ngài không cần ai giúp của ăn, nơi ở, áo mặc, nhưng Ngài muốn được chúng ta phục vụ trong con người những kẻ Ngài tuyên bố là anh em ưu ái của Ngài. Nên lưu ý khi mô tả hình ảnh vị vua ngự trên ngai tòa vinh hiển, Chúa gợi ra quyền hành quân vương và thẩm phán của Ngài nghĩa là quyền quản lãnh toàn thể nhân loại. Một vài điểm để suy gẫm rút ra từ bài học này :
1) Các người lành trả lời : Lạy Chúa, có khi nào chúng tôi thấy Chúa đói khát… Như thế các người lành có hành động yêu thương đối với người nghèo túng cũng không biết rõ tất cả tầm mức các việc mình làm. Có khi nào người ta thấu suốt ý nghĩa một hành vi yêu thương chân chính ? Thiên Chúa ẩn mình giữa người ta có thể khiến chúng ta kinh ngạc, nhưng phải chăng chính việc ấy giúp Ngài đến rất gần với chúng ta ? Chúng ta không thể nào chịu nổi nếu Ngài tỏ mình trong thực tại quyền năng của Ngài. Ngài để cho chúng ta giao thiệp được nơi đặc điểm thâm sâu nhất mà cũng phù hợp với chúng ta ; Ngài là tình yêu hiến tặng cho khả năng yêu thương của chúng ta. Để chúng ta có thể yêu thương Ngài cách rất thiết thực và luôn vừa tầm chúng ta. Ngài tự đồng hóa với người sống bên cạnh mà chúng ta gặp gỡ và có thể đón tiếp vào trong lòng ; Ngài tự đồng hóa các đặc biệt với người khốn khổ mà chúng ta có thể và phải giúp đỡ về mặt thể xác lẫn tinh thần. Người Kitô hữu hãy nhờ lại hai lời Chúa dạy. Lời thứ nhất : sẽ luôn còn có người nghèo ở giữa các người. Lời thứ hai : Ta ở với các ngươi cho đến tận thế. Có thể nói Chúa ở voới các môn đệ cho đến tận thế trong con người những kẻ nghèo khổ. Ngày nay chúng ta có thực sự xác tín có những người túng thiếu, trong họ, Chúa chờ đợi tình yêu thương của chúng ta hay không ? Đặt mình ở mức độ bản thể thần linh Chúa Giêsu đã phán : Cha với Ta là một. Chúa Cha lại là tình yêu. Tình yêu ấy, khi xuống mức độ nhân tính đã khiến Chúa Giêsu nói : người nghèo với Ta là một. Điều này đo lường tầm quan trọng các hành vị chúng ta đối với người nghèo.
2) Các kẻ bị chúc dữ sẽ nói như người lành : Lạy Chúa, có khi nào chúng tôi thấy Chúa đói khát… Các kẻ bị loại bỏ, các kẻ cứng lòng, các kẻ buông tuồng, ích kỷ cũng không nhận rõ tất cả tầm mức thái độ của mình. Có những trường hợp bỏ qua không hành động cho người nghèo khổ tương đương với việc ấn họ sâu thêm vào cảnh khốn cùng. Hình phạt đáng sợ của thái độ ấy ở chỗ tương đương với việc hất hủi Thiên Chúa. Thế mà nếu Thiên Chúa là tình yêu trọn vẹn, Ngài cũng là công lý hoàn toàn. Công lý ấy tỏ ra ở chỗ Ngài không ép buộc những ai khước từ Ngài. Sự cùng khổ và cô đơn của người đã khước từ Thiên Chúa là một đau đớn vô cùng khổ sở hơn mọi đau đớn trần gian này. Người Kitô hữu được mời gọi phải coi trọng hết sức trách nhiệm của mình đối với những người nhỏ bé, yếu đuối, khốn khổ, để khỏi bị tách biệt xa Thiên Chúa. Để kết thúc nên lưu ý một chi tiết : Chúa phán : mỗi một lần các người làm điều ấy… Trong ngôn ngữ Chúa Giêsu dùng (tiếng aram) động từ “làm” ở đây bao gồm ý nghĩa “phục vụ”. Người ta liên tưởng đến lời Chúa Giêsu : Ta đến để phục vụ. Trước mặt Thiên Chúa có ai nghèo hèn và cực khổ hơn những người tội lỗi là chúng ta tất cả ? Chúa Giêsu đã đặt mình phục vụ chúng ta, mưu cầu ơn cứu độ, hạnh phúc và hân hoan cho chúng ta. phúc cho chúng ta nếu bắt tay làm, nghĩa là hành động phục vụ cho sự cứu rỗi và hạnh phúc của những người nghèo nhất trong anh em chúng ta.

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Trong tác phẩm mang tựa đề : “Thị kiến của người Kitô hữu” (The Christian Vision) nhà văn John Powell có kể một câu chuyện thần thoại của người Ái Nhĩ Lan. Câu chuyện đưa chúng ta trở lại thời các vua cai trị đất nước này :
Một hôm nhà vua thấy mình không có con để kế vị, ông bèn sai các sứ giả thông báo cho các thành phố và làng mạc biết : nhà vua mời các thanh niên nào có đức tính tốt đến triều đình để được phỏng vấn. Như thế nhà vua hy vọng có thể chọn được một người xứng đáng lên ngôi vị mình trước khi băng hà. Hai đức tính được nhà vua đặc biệt lưu ý, đó là người thanh niên ấy phải có lòng mến Chúa và yêu người.
Chàng thanh niên trong câu chuyện nghe như có tiếng thầm kín bên trong thúc đẩy chàng lên đường đến triều đình để được nhà vua phỏng vấn, vì chàng quả thật là một người có lòng mến Chúa và yêu người. Nhưng chàng lại nghèo khó đến nỗi không có được một bộ quần áo chỉnh tề để đến triều đình. Chàng cũng chẳng có tiền để mua lương thực dự trữ cho cuộc hành trình dài đến lâu đài nhà vua. Cuối cùng, chàng quyết định đi xin quần áo và lương thực cần thiết.
Khi mọi sự đã sẵn sàng, chàng lên đường. Sau một tháng hành trình, chàng đã nhìn thấy lâu đài của nhà vua hiện ra trên đỉnh đồi ở đàng xa. Cũng vào lúc ấy, chàng gặp thấy một ông già nghèo đói ngồi bên vệ đường. Người ăn xin ngửa tay van xin chàng giúp đỡ : “Anh ơi, tôi đói, tôi rét, anh làm ơn cho tôi áo mặc, cho tôi bánh ăn”. Chàng thanh niên cảm động nhìn người ăn xin. Chàng cởi áo khoác của chàng và đổi lấy chiếc áo rách tả tơi của người ăn xin. Chàng cũng chia sẻ lương thực dự trữ của chàng. Rồi chàng đến lâu đài nhà vua trong bộ áo rách tả tơi và không đủ lương thực cho cuộc hành trình trở về. Đến trước lâu đài, lính gác chận chàng lại ở cổng, bắt chàng vào khu khách tham quan. Sau một thời gian dài chờ đợi, chàng mới được cho vào gặp nhà vua. Trước ngai vàng, chàng cúi mình thật sâu bái lạy, đến lúc đứng thẳng lên, chàng hết sức bỡ ngỡ, vì chàng thấy ông già ăn xin bên vệ đường mà chàng đã gặp giờ đây lại ngồi trên ngai vàng. Chàng lên tiếng hỏi :
- Tâu Đức vua, có phải Đức Vua là người ăn xin bên đường mà tôi đã gặp chăng ?
- Đúng thế, Đức Vua đáp.
Chàng lại hỏi :
- Vậy tại sao Đức Vua lại làm như thế đối với tôi ?
Đức vua đáp :
- Ta phải cải trang làm người ăn xin để thử xem ngươi có thật lòng mến Chúa và yêu người không.
Anh chị em thân mến,
Đây là câu chuyện thần thoại, nhưng điểm chủ yếu rất xác thực. Vương quốc của Chúa Kitô Vua là vương quốc của tình yêu. Muốn vào vương quốc của Ngài, phải là người có lòng yêu mến Chúa và yêu thương anh em thật sự. Tin Mừng hôm nay cho thấy : chúng ta sẽ bị xét vào cuối đời về cách chúng ta yêu mến và phục vụ Chúa Kitô Vua như thế nào trong những người anh em nghèo khó bé nhỏ nhất của chúng ta.
Chúng ta hãy nghe lại Lời Chúa : “Lúc ấy, Đức Vua sẽ phán : Ta đói, các ngươi đã cho ta ăn. Ta khát, các ngươi đã cho uống. Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước. Ta đau yếu, các ngươi đã chăm sóc… Bấy giờ, những người công chính –đứng bên phải– hỏi lại Chúa rằng : Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói hay khát đâu mà cho ăn cho uống… ? Đức Vua sẽ đáp lại : Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.
Đức Vua đã làm cho những người lành đứng bên phải, cũng như những kẻ dữ đứng bên trái, đều phải chưng hửng. Người bên phải rất sửng sốt khi thấy Đức Vua kể những việc tốt họ đã làm cho những người bất hạnh trong cảnh đói khát, rách rưới, tù đày, như là những việc giúp đỡ họ dành cho chính bản thân Đức Vua. Còn người bên trái cũng hết sức ngỡ ngàng khi thấy Đức Vua đồng hóa bản thân Ngài với những người mà họ đã coi thường, nên đã không cho họ cơm ăn, áo mặc, nhà ở… Lời giải thích của Chúa đã làm cho cả hai bên- bên người lành và kẻ dữ- đều sáng mắt kinh ngạc : Họ không ngờ rằng mỗi lần họ tiếp đón hay hất hủi những người cần đến họ giúp đỡ là họ đã tiếp đón hay hất hủi chính Chúa Giêsu !
Thưa anh chị em,
Thiên Chúa đã âm thầm len lỏi vào giữa đám đông nhân loại mà không ai biết. Chúng ta thường nhận diện được Chúa lúc chúng ta không ngờ. Vì thực khó mà nhận diện được Chúa, nếu chúng ta vẫn quan niệm Thiên Chúa như một Đế Vương phong kiến, chễm chệ trên ngai vàng. Nhưng nếu chúng ta nhận được rằng Thiên Chúa không phải là Vua thống trị nhưng là Vua phục vụ, thì chúng ta không thể không nhận ra Ngài nơi những người bé mọn nhất. Chúng ta sẽ không còn thắc mắc như người lành hay kẻ dữ trong ngày phán xét cuối cùng : “Thưa Ngài, có khi nào chúng tôi thấy Ngài đói, Ngài khát, Ngài rách rưới… đâu ?” Bởi vì thiên Chúa đã ẩn dấu bộ mặt thần linh của Ngài trong bộ mặt nhân loại : Người láng giềng, bạn đồng nghiệp, nhưng cũng có thể là khuôn mặt của hàng triệu con người trên thế giới đang ê chề trong cảnh thiếu ăn, nghèo đói, thất nghiệp hay những công việc nô lệ, vô nhân đạo, đang bị kẻ mạnh áp bức hay người quyền thế bóc lột. Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta rằng Thiên Chúa tự đồng hóa với khuôn mặt của hàng triệu con người đó, vì họ là anh em bé nhỏ của Ngài.
Anh chị em thân mến,
Chúa Kitô là Vua. Vương quốc của Ngài là vương quốc của tình yêu. Ai sống trong tình yêu thì thuộc về Chúa Kitô và là công dân của Nước Thiên Chúa. Tình yêu, nói được là như “chứng minh nhân dân”, như “thẻ căn cước”của Nước Thiên Chúa. Tình yêu không đòi hỏi nhiều lời nói cho bằng nhiều hành động thiết thực, sống động. Cụ thể là chia sẻ chính những lo lắng, khó khăn, khốn khổ, cùng cực của đồng bào trong hoàn cảnh xã hội chúng ta đang sống. chúa Giêsu đã khẳng định : chúng ta sẽ bị phán xét trong ngày sau hết về cách chúng ta đã phục vụ Đức Kitô Vua như thế nào trong những người anh em đói, khát, rách rưới, bệnh tật, tù tội… Hãy phục vụ những Đức Kitô Vua ấy thế nào để vào ngày cuối cùng, Chúa Kitô Vua sẽ mời gọi chúng ta : “Hãy đến, hỡi những người Cha Ta chúc phúc. Hãy đến thừa hưởng vương quốc đã dành sẵn cho anh em từ thuở đời đời”.

Đây là một bài học khác về cái nhìn của Thiên Chúa trên cuộc sống của chúng ta. Ngài sẽ phán xét chúng ta như thế nào ? Câu trả lời chứa đựng trong bản văn chính yếu này. Đây là tổng kết cuối cùng của tất cả mọi cuộc sống : ngày phán xét chung. Thiên Chúa sẽ xoay sở như thế nào trước công việc vĩ đại này ? Ngài sẽ dùng máy vi tính phân tích các sử thi, các bi kịch, các tiểu thuyết cuộc đời cho đến vô tận hay sao ? Ngài sẽ tổ chức những vụ kiện ngắn để cân nhắc lợi hại hay chăng ? Đó không phải là điều Chúa Giêsu nói với chúng ta. Chúng ta có nguy cơ bối rối vì sự chọn lọc ngắn ngủi, sự nhanh chóng của các mục xét xử và sự đơn giản của câu : “Ta đói, ngươi đã cho Ta ăn, hãy vào hưởng sự vui vẻ”.
Chúng ta hãy đánh giá đúng hoàn cảnh : đây là lời răn dạy cuối cùng của Chúa Giêsu và nỗ lực tối hậu của Ngài để đặt chúng ta trước điều cốt yếu. Biết bao lần Ngài nhấn mạnh đến nguy cơ chúng ta trở thành kẻ ngập ngừng : chúng ta tưởng tượng ra những điều tốt đẹp chúng ta sẽ làm... thế rồi chúng ta lại không làm.
Ngài biết chúng ta có khuynh hướng thoát ra khỏi những bó buộc cụ thể của tình yêu bằng những xung khắc dài và những mơ mộng : “Chỉ cần yêu thương... Sống yêu thương... Làm thế nào gặp Chúa nơi anh em chúng ta... Làm thế nào thấy Chúa Kitô nơi người nghèo nhất...”. Tốt, rất tốt. Nhưng sẽ đến một ngày nào đó bị tước mất những lời nói chúng ta sẽ trần truồng trước những hành vi của chúng ta. Bạn có hành động khi một người hay tập thể cần đến bạn ? Đó là sự chọn lựa những người được chúc phúc và những kẻ bị nguyền rủa. Đó là sức nặng thực sự của cuộc sống của một con người và việc phán xét xem người đó có đáng sống đời đời hay không.
- Ngươi, ngươi hăng hái lao vào giúp đỡ khi có dịp : hãy đi vào Nước Trời... Ngươi, ngươi tránh né biết bao việc phải làm : hãy đi xa khỏi Ta.
- Nhưng lạy Chúa, con đã thực sự muốn gặp Ngài, sống với Ngài, sống vì Ngài.
- Ngươi đã làm gì cho anh em ngươi ?
- Con thề với Chúa nếu con đã biết rằng...
- Ngươi đã làm gì ?
Mỗi lần chúng ta nghĩ về việc gặp Chúa Giêsu, một cú bấm máy sẽ phải làm bừng sáng trước mắt chúng ta, như một tấm áp phích sáng chói, câu Matthêu 25, 40 mà cuộc sống chúng ta noi theo : “Mỗi lần ngươi làm điều tốt cho một trong những người bé mọn nhất trong số các anh em của Ta thì chính là ngươi đã làm cho Ta vậy”.
Điều vĩ đại trong việc gợi ra ngày Phán xét phải làm cho chúng ta hiểu giá trị của cử chỉ nhỏ nhặt nhất của tình yêu thương. Cuối cùng, có một điều quan trọng đó là điều chúng ta thực sự làm để cứu giúp một hoàn cảnh nguy khốn. Danh sách những việc được Chúa Giêsu lấy lại không ngừng kéo dài ra : “Ta mù chữ và ngươi đã dạy Ta học... Ta bị tàn tật và ngươi, một kiến trúc sư, đã nghĩ đến việc xây dựng những căn hộ có thể đến ở được... Ta là một kẻ tị nạn và ngươi đã đón tiếp Ta”.
Duy chỉ trên những con đường này người ta mới gặp Chúa Kitô Vua. Nước Trời của Ngài là một thế giới gồm những ngừơi cần được giúp đỡ và những người sẵn lòng giúp đỡ. Mỗi lần chúng ta giúp đỡ tức là chúng ta chọn Chúa Giêsu làm Vua của chúng ta.

(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’ – Radio Veritas Asia)
Cùng với Giáo Hội Mẹ, hôm nay chúng ta mừng kính trọng thể Lễ Chúa Kitô Vua, tuần cuối của năm Phụng Vụ, với Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, chúng ta bước vào năm Phụng Vụ mới.
Lời Chúa hôm nay muốn nói gì với chúng ta ? Bài đọc thứ nhất trích từ sách Ez 34,11-17, trình bày việc Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Khi đến thời đến buổi Người sẽ qui tụ chúng ta lại trong miền đất yêu thương của Người ; Người sẽ băng bó và an ủi những thương tật và đau buồn của những ai bị hắt hủi, bị bỏ rơi và bị tổn thương ; đồng thời Người cũng loại trừ những lạm dụng luôn quay lưng lại với đồng loại của mình. Người là một vị Thiên Chúa hành xử nhân từ và công chính.
Bài đọc hai trích từ 1Cr 15,20-26.28. Thánh nhân nói với chúng ta về niềm hoan lạc cho những người tin vào tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, và trong sự chết của Ngài, chúng ta được cứu chuộc ; trong sự sống lại của Ngài, chúng ta được sống lại, sống lại trong ngày hôm nay, trong tình nghĩa con cái đối với Thiên Chúa là Cha, và sống lại mai ngày trên quê hương Thiên Quốc khi tất cả được gom lại để qui phục vương quyền của Chúa Giêsu Kitô Vua.
Trong Tin Mừng hôm nay, Thánh Matthêu tường thuật lại quang cảnh ngày cánh chung, khi Chúa Giêsu tái giáng và Ngài phân xử mọi người tốt hay xấu, lành hay dữ, thiện hảo hay ác độc, đều có mặt và phân xử rõ ràng. Tiêu chuẩn để mà phân tách là tất cả những gì chúng ta thực hiện cho anh em. Chúa Giêsu đồng hóa với tất cả những ai đang sống xung quanh và giữa chúng ta khi chúng ta chia sẻ cơm áo cho người đói khổ trần truồng, khi thăm viếng người bị bệnh nạn hoặc tù đày, tức là chúng ta đến với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng sinh ra trong hang súc vật, trốn chạy sự tàn ác và tham vọng của con người, bị đeo đuổi chỉ trích, hành hạ và bị treo trên Thập giá. Khi chúng ta từ chối lẫn nhau và quay lưng trước những bất hạnh tinh thần và thể xác của anh em đồng loại thì cũng là lúc chúng ta rời xa Chúa Giêsu, rời xa Thiên Chúa.
Thiên Chúa công bình sẽ dựa vào những hành động và phong cách sống ấy của chúng ta để mà xét xử, vậy chúng ta phải sống Lời Chúa như thế nào trong tuần sống sắp tới đây, tiên vàn chúng ta cảm tạ Thiên Chúa cho một năm Phụng Vụ đã qua, một năm chúng ta nhận lãnh rất nhiều ân sủng của Thiên Chúa qua các Bí Tích, qua các Thánh Lễ mỗi ngày và mỗi tuần, qua các biến cố trong cuộc sống, qua các mối tương quan chúng ta có lẫn nhau. Thứ đến chúng ta xin Thiên Chúa là Cha tha thứ cho chúng ta, vì những vô tâm vô trí và có khi cả những cố ý để mà xúc phạm đến tình yêu của Chúa và những tổn thương gây ra cho anh em mình, nhất là những người ta gặp gỡ mỗi ngày. Sau đó chúng ta có một quyết tâm mới cho những ngày tháng hồng ân của Năm Mới mà chúng ta chuẩn bị đi vào.
Một trong những điều Giáo Hội Mẹ kêu gọi chúng ta sống trong Năm Mới này, đó là biết sám hối những lỗi lầm của chúng ta. Trong sám hối chúng ta vừa nhận ra mình có tội với Chúa, với anh chị em xung quanh, đồng thời cũng bị thúc bách phải thay đổi thái độ và phong cách sống cho phù hợp với Tin Mừng của Chúa.
Chúng ta dựa vào đâu để biết, để thay đổi ? Lời Chúa trong Tin Mừng chúng ta vừa nghe đã đưa ra những tiêu chuẩn, là Chúa Giêsu có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi con người mà chúng ta gặp mỗi ngày, chúng ta hãy đến với Ngài qua những con người đó, những con người thân thương và cả những con người thật khó mà có cảm tình, những con người mà chúng ta chung chia đức tin và cả những con người chưa hề có ý niệm gì về Thiên Chúa, nhất là những con người không muốn nhận Thiên Chúa là Cha của mình. Chúng ta đến và yêu thương họ, vì họ cũng được Thiên Chúa yêu thương và muốn dắt về để chung hưởng hạnh phúc trong quê hương Thiên Quốc.
Rồi những ngày này, biết bao người anh chị em của chúng ta đang phải vật lộn với đói khổ vì thiên tai, vì bệnh tật, vì bị bỏ rơi v.v..., chúng ta nghe lời các chủ chăn trong giáo phận và giáo xứ, chúng ta cố gắng đóng góp để giúp đỡ họ. Dĩ nhiên, nhiều người trong chúng ta không khá giả gì, và cuộc sống mỗi ngày cũng phải chắt chiu từng đồng để kiếm sống. Vả lại, đất nước (Việt Nam) của chúng ta là một trong ba nước có tệ nạn tham nhũng nhất thế giới (so với PakistanIndonesia). Nhưng với những con người mang tâm trạng yêu thương anh chị em mình đang đau khổ, chúng ta nên bớt chút những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình để chia sẻ, mặc dù không biết có đến tay người nhận hay không ? Nhưng Chúa biết tấm lòng của chúng ta dành cho nhau, nếu cứ ngại ngùng và suy nghĩ mãi thì không biết đến bao giờ những người anh chị em mới có được chén cơm manh áo.
Với tất cả những suy nghĩ dựa trên Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sốt sắng dâng lên Thiên Chúa Cha trước bàn thờ của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta và nài xin ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, để chúng ta có một tuần sống xứng đáng là con Thiên Chúa, là dấu chứng tình yêu Chúa giữa anh chị em.
Có thể nói rằng, với hành vi dâng hiến quảng đại cho ý muốn của Chúa Cha, Đức Mẹ đã mang Đức Giêsu Kitô đến cho chúng ta. Noi gương Mẹ, chúng ta bước vào Mùa Vọng mới với tâm tình dâng hiến và đón nhận thánh ý Chúa Cha, thể hiện qua những gì chúng ta sống hôm nay như Mẹ Maria ngày xưa. Amen.

(Trích trong ‘Cùng Đọc Tin Mừng’, Lm. Trần Ngà)
Một linh mục nọ ngỏ lời với cộng đoàn phụng vụ rằng : "Khi trao Mình Thánh Chúa cho anh chị em, tôi nâng Mình Thánh Chúa lên và nói : Mình Thánh Chúa Kitô ! Tất cả anh chị em đều tin thật đó là Mình Thánh Chúa và từng người đáp lại : Amen, nghĩa là mỗi người tuyên xưng đó chính là Mình Thánh Chúa thật sự và cung kính rước Người vào lòng. Thế nhưng, nếu tôi chỉ vào từng người ngồi quanh đây và nói : Đây là thân thể Chúa Giêsu thì có lẽ anh chị em không tin người đó là thân thể Chúa, không tỏ lòng tôn kính và không muốn đón rước người đó vào nhà mình, nếu không ưa thích người đó.
Ngay lúc đó, dưới hàng ghế giáo dân có tiếng xì xào. Hình như nhiều người không đồng quan điểm với Cha sở về nội dung nầy.
Sau thánh lễ hôm ấy, một thanh niên đến gặp cha sở và thưa :
- Thưa cha, trong bài giảng hôm nay, chúng con giật mình khi nghe Cha nói từng người chung quanh chúng ta đây, kể cả những người tàn tật, bần cùng, tội lỗi... đều là thân thể Chúa Giêsu.
- Thế anh không tin mọi người là thân thể Chúa Giêsu sao ?
- Con tin tấm bánh thánh mà linh mục đã truyền phép và trao cho giáo dân rước lễ thật sự là Thân Thể Chúa ; còn người cha, người mẹ, người anh chị em, người láng giềng... không thể là thân thể Chúa được. Cha có bằng chứng gì chứng tỏ tha nhân là thân thể Chúa Giêsu không ?
- Nói có sách, mách có chứng. Bằng chứng đây (giơ cuốn Tân Ước ra), anh hãy đọc Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rin-tô : "Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao ?" (I Cr 6, 15).
- Thật thế ư ? Thế thì Cha có biết vì sao thánh Phaolô nói bạo như thế không ?
- Thánh Phaolô dạy điều nầy căn cứ vào kinh nghiệm bản thân. Hồi ấy, Phaolô chưa tin vào Chúa Giêsu, ông nhiệt thành với lề luật và hăm hở tìm bắt những người theo Chúa Giêsu. Nên nhớ là vào thời điểm đó Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời rồi.
Trên đường Damas, Phaolô bị quật ngã và có tiếng Chúa Giêsu vang lên giữa thinh không : "Sao-lô, tại sao ngươi bắt bớ Ta ?" Phaolô hết sức kinh hoàng : "Thưa Ngài, Ngài là ai ?" Có tiếng từ trời đáp : "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ". (Cv 22, 6-9)
Thế là từ hôm ấy, Phaolô không dám bắt bớ các tín hữu nữa, vì ông biết rằng : họ là những Giêsu khác, bắt bớ họ là bắt bớ Chúa Giêsu.
Người thanh niên vẫn còn hoài nghi, anh hỏi tiếp :
- Vậy thưa cha, đó là giáo lý của thánh Phaolô. Còn về phần Chúa Giêsu, có bao giờ Người dạy như thế không ?
- Có chứ ! Nào, mời anh lật qua Tin Mừng Matthêu, chương 25, trong dụ ngôn về ngày phán xét cuối cùng. Đó là bài chúng ta vừa nghe đọc hôm nay đây.
Qua dụ ngôn nầy, Chúa Giêsu tỏ cho thấy những ai cho những người đói khát đầu đường xó chợ một bát cơm thì Chúa nói là họ cho Chúa ăn. Những ai cho người rách rưới hoặc mình trần một manh áo, thì Chúa nói là họ đã cho Người mặc. Những ai cho người sa cơ thất thế không nơi nương tựa được trú ngụ một thời gian thì Chúa nói là họ đã cho Chúa trọ nhà... Nói như thế, Chúa Giêsu tự đồng hoá mình với mọi người chung quanh. Nói khác đi, bất cứ ai cũng được Chúa Giêsu nhìn nhận là chính Người.
- Thật thế ư ? Vậy mà lâu nay con không ý thức điều đó. Và thưa cha, sách giáo lý công giáo có chỗ nào nói như thế không cha ?
- Đây, giáo lý công giáo đây, anh mở ra xem, bài nói về Bí tích thánh tẩy, số 1267 : "Bí tích thánh tẩy làm cho chúng ta thành chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô".
- Thế các Đức Giáo Hoàng có dạy như thế không ?
- Đây nữa (chìa sách ra), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tâm thư gửi các gia đình có viết, anh đọc thử xem : "Thiên Chúa đã đồng hoá với người cha, người mẹ, người con trong gia đình. Những gì mỗi thành viên trong gia đình làm cho nhau là làm cho chính Chúa".
- Thưa Cha, khi mới bước vào gặp cha, con không tin tha nhân là thân thể Chúa Giêsu, nhưng bây giờ thì con đã tin. Nhưng xin hỏi cha, vậy con có buộc phải tôn kính tha nhân như tôn kính Chúa trong nhà thờ không ?
- Trước hết, anh hãy nghe lời dạy của Mẹ Têrêxa Calcutta. Hôm ấy, có một thiếu nữ Ấn-độ đến gặp Mẹ Têrêxa Calcutta để tìm hiểu Hội Dòng của Mẹ. Trước hết, Mẹ nói với người thiếu nữ ấy : "Con hãy qua nhà hấp hối. Ở đó, con sẽ gặp nhiều người bất hạnh nghèo khổ, bệnh tật đang nằm chờ chết. Con hãy săn sóc an ủi họ".
Thiếu nữ vừa quay lưng đi thì Mẹ Têrêxa gọi giật lại : "Nầy con, khi dâng thánh lễ, con thấy linh mục trân trọng mình thánh Chúa Giêsu sau khi truyền phép thế nào, thì con cũng hãy trân trọng những con người bất hạnh ấy như thế".
Nói như thế, Mẹ Têrêxa Calcutta muốn dạy rằng : mỗi một con người dù bần cùng khốn khổ đến đâu cũng phải được tôn trọng như Mình Thánh Chúa.
- Ngoài Mẹ Têrêxa Calcutta, có vị thánh nào khác tôn trọng con người như chính thân thể Chúa Giêsu nữa không ?
- Có nhiều : thánh Gioan Kim Khẩu, thánh Elisabet Hung-ga-ri, thánh Phanxicô Atxidi, vv... Có lần Phanxicô gặp một người phong hủi rất ghê tởm. Ban đầu Anh định xa lánh, nhưng sau đó, Phanxicô cảm nhận ra người phong hủi đó là một phần thân thể bị thương tích, bị lở loét của Chúa Giêsu, nên Anh đã đến chào hỏi và ôm hôn người phong hủi đó.
- Thưa cha, con thấy nhiều tín hữu rất mực tôn kính Chúa Giêsu trên bàn thờ, còn những chi thể sống động của Chúa Giêsu trong đời thường thì hình như không được ai tôn kính.
- Đúng thế ! Vì vậy, thánh Gioan kim khẩu dạy chúng ta đừng phân biệt đối xử giữa Chúa Giêsu trong nhà thờ và Chúa Giêsu ngoài nhà thờ. Chúa Giêsu trong nhà thờ và Chúa Giêsu ngoài nhà thờ, tức là những anh chị em khác, phải được tôn trọng như nhau. Để tôi đọc cho anh nghe lời dạy của người :
"Bạn muốn tôn kính thân thể Đức Kitô ư ? Chớ khinh chê thân thể ấy khi thân thể ấy trần trụi. Đừng có thái độ nầy là trong nhà thờ thì tôn kính, cho thân thể Người mang những y phục lụa là gấm vóc, nhưng ở ngoài lại coi thường, để cho thân thể ấy phải giá lạnh và trần trụi. Thân thể Chúa ở đây (trong nhà thờ) không cần y phục, nhưng cần tâm hồn trong trắng ; còn thân thể Chúa ngoài kia (tức là tha nhân) thì cần được chăm lo tận tình."
- Thưa cha, dường như đối với nhiều người, việc khinh dể, nhạo báng, xúc phạm đến anh chị em chung quanh là chuyện nhỏ, chẳng có gì đáng quan tâm.
- Đó là một sai lầm tai hại vì đến ngày phán xét, Chúa Giêsu sẽ nói với những kẻ ấy rằng : "Quân bị nguyền rủa kia ! Hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào chốn cực hình đời đời dành cho ma quỷ và các thần dữ, vì xưa kia, ngươi đã khinh dể, nhạo báng, xúc phạm đến ta !..."
* * *
Nội dung trên đây là giáo lý cốt tuỷ của đạo thánh Chúa. Nếu chúng ta tuân giữ được giáo huấn cốt tuỷ nầy thì đã nắm chắc được chiếc vé vào cửa thiên đàng trong tay, vì thánh Phaolô trong thư Rôma khẳng định rằng : "Ai yêu thương người là đã chu toàn lề luật" (Rm 13, 10).
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta giữ trọn giáo huấn nầy để làm cho thế giới nầy ấm lên bằng tình yêu thương nhân ái, đồng thời nhờ đó, tất cả chúng ta mai đây sẽ được Vua Giêsu mời đón vào hưởng hạnh phúc đời đời với Người trên thiên quốc.

Đức Kitô là Con Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Vì thế, Ngài không phải chỉ là vua vũ trụ, mà còn là vua của thời gian, vua vĩnh cửu.
Thực vậy, trời và đất đều thuộc về Ngài. Thời gan và vĩnh cửu cũng thuộc về Ngài. Mọi sự được dựng nên vì Ngài và cho Ngài. Trên mặt đất này, không một ai được gọi là vua vĩnh cửu và cũng không một người nào được gọi là vua vũ trụ. Bởi vì quyền hành của họ chỉ ảnh hưởng tới một phần đất nhỏ vé và trong một khoảng thời gian ngắn ngủi nào đó mà thôi.
Người ta kể lại hoàng đế Alexandre đã khóc khi nhìn lên bầu trời đầy trăng sao. Ông tức giận và buồn phiền, chỉ vỉ đã không cai trị được khoảng không trung bao la ấy. Ông chiếm cứ các lãnh thổ và mở rộng bờ cõi tới tận Ấn Độ. Người ta tôn kính ông như một vị thần. Nhà hiền triết Kallisthène đã bị chém đầu chỉ vì không chấp nhận điều đó. Nhưng Alexandre vẫn không phải là một vị vua vĩnh cửu bởi vì ông đã chết và chỉ sống được có ba mươi ba năm.
Hoàng đế Napoléon với những chiến thắng làm rung chuyển cả Âu Châu cũng không thoát khỏi số phận bẽ bàng của cái chết.
Tất cả chúng ta đều là con cái của thời gian. Có sáng chói. Thì cũng chỉ trong một khoảng khắc, sau đó cũng sẽ tàn lụi, rồi bị chìm vào đêm tối của quên lãng. Chỉ mình Đức Kitô mới cai trị đời đời. Chỉ mình Ngài mới là vua vĩnh cửu. Ngài là Alpha và Oméga. Là khởi đầu và kết thúc. Ngài đã có trước thời gian và sẽ còn tồn tại không bao giờ ngừng. Ngài cai trị trên mọi biển khơi và vương quốc của Ngài trải dài đến vô cùng.
Chateaubriand, một thi sĩ nổi tiếng người Pháp, đã kêu lên :
- Ôi lạy Chúa, trên trần gian các dân tộc xâu xé, các vua chúa sụp đổ, chỉ có mình Ngài mới trường tồn bất biến. Không một thế lực nào có thể lật đổ ngai tòa của Ngài.
Vậy chúng ta phải làm gì để tung hô vương quyền của Chúa ?
Chúng ta có thể chúc tụng Vua chúng ta bằng cách quì gối, làm dấu thánh giá hay chắp tay nguyện cầu ? Tốt lắm, bởi vì đó là bổn phận của chúng ta như lời sách Khải Huyền đã viết :
- Con Chiên bị sát tế xứng đáng lãnh nhận quyền năng, khôn ngoan, sức mạnh, vinh dụ và chiếng thắng.
Chúng ta cũng có thể chúc tụng Vua chúng ta bằng một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương. Một con sâu làm rầu nồi canh. Một người lính hèn nhát sẽ làm cho cả đoàn quân phải tủi hổ. Một Kitô hữu xấu sẽ làm cho cả khuôn mặt Giáo Hội bị hoen ố. Vì thế, đừng lăn xả vào đống bùn nhơ tội lỗi, trái lại hãy thực sự là người môn đệ của Đức Kitô trong ngày Chúa Nhật cũng như trong ngày thường, trong đời sống riêng tư cũng như trong sinh hoạt xã hội.
Chúng ta còn có thể chúc tụng Vua chúng ta bằng cách rao giảng Phúc âm, làm việc tông đồ, và nhất là bằng cách can đảm làm chứng cho đức tin. Thực vậy, giữ đức tin mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải sống đức tin và phải chiến đấu cho đức tin, như lời Ngài đã nói :
- Ai xưng tụng Ta trước mặt người đời, thì Ta cũng sẽ xưng tụng nó trước mặt Cha Ta ở trên trời.
Khi một vị tướng đi duyệt đoàn quân của mình, chúng ta sẽ thấy cái quang cảnh ấy thật long trọng và hoành tráng : nào đồng phục, nào dàn chào, nào kèn trống với những lễ nghi quân cách…
Trong ngày sau hết, Vua Kitô cũng sẽ đến. Ngài nhìn xem tất cả chúng ta đi qua trước tôn nhan Ngài : già cũng như trẻ, tu sĩ cũng như giáo dân. Ngài sẽ tra hỏi mỗi người chúng ta về lòng trung thành, về tình yêu và cuộc sống của chúng ta đối với Ngài.
Vì thế, hãy tuân giữ những điều Ngài truyền dạy và nhất là thực hiện những hành động bác ái yêu thương, để chúng ta sẽ không bị Ngài loại trừ, trái lại sẽ được Ngài đón nhận vào vương quốc vĩnh cửu của Ngài.

Vào ngày cuối cùng Chúa Giêsu sẽ hiện đến, uy quyền như một vị vua để phán xét tất cả chúng ta. Thế nhưng, đâu là nội dung của cuộc xét xử ấy ?
Nội dung của cuộc xét xử ấy thật là bất ngờ. Ngài không xét hỏi về những việc mà người ta có thể đang chờ đợi, chẳng hạn như : có đạo hay không ? Có siêng năng đọc kinh xem lễ, có ăn chay hãm mình hay không ? Nhưng Ngài chỉ xét hỏi người ta về tình thương. Không phải tình thương chung chung, hay là tình thương trong ý tưởng, trong mơ ước, nhưng là một tình thương cụ thể được chứng tỏ bằng những việc làm thiết thực đối với những con người bằng xương bằng thịt. Cho kẻ đói được ăn, cho kẻ được khát uống, viếng thăm kẻ bệnh tật và tù đày, tiếp rước khách lạ bơ vơ.
Nhưng điều bất ngờ hơn nữa chính là lời Đức Kitô tuyên bố :
- Mỗi lần các ngươi làm những điều ấy cho một kẻ khốn khổ là các ngươi làm cho Ta.
Những người bị xét xử đều nhất loạt thắc mắc, người tốt cũng như kẻ xấu :
- Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói khát, rách rưới, bệnh tật, bị cầm tù hay là khách lạ đâu ?
Nhưng mặc cho người ta thắc mắc, lời Chúa dạy thật rõ ràng : người khốn khổ bất cứ dưới hình thức nào đều là hiện thân của Chúa. Ngài tự đồng hóa mình với họ. Vậy thì rõ ràng mọi việc chúng ta làm vì tình thương đối với đồng loại đều là việc đạo đức hết.
Không phải chỉ có Kitô giáo mới dạy phải yêu người. Những điều đặc sắc trong Kitô giáo là gắn liền lòng thương người vào lòng mến Chúa, coi đó là nhiệm vụ tiêu biểu của người có đạo, tức là mặc cho tình thương người một tính cách tôn giáo và có giá trị cao cả nhất.
Tai hại thay nhiều người chúng ta lại không sống như thế. Nhiều lúc chúng ta chỉ lo qui hướng về Chúa mà quên đi người anh em. Chúng ta chỉ lo sống đạo trong nhà thờ mà không sống đạo giữa lòng cuộc đời. Trong nhà thờ chúng ta sốt sắng đọc kinh, nhưng ngoài xã hội chúng ta lại chửi bới, bất công và ghen ghét nhau ra trò.
Tại Đại hội Thánh Thể năm 1982 ở Lộ Đức, Đức cha Camara đã kể lại một câu chuyện như sau :
Có một số nông dân đến gặp tôi. Họ kể lại rằng một tên ăn trộm đã đột nhập vào nhà thờ, cậy cửa nhà tạm và lấy Mình Thánh mang đi. Hôm sau, họ đã tìm thấy bánh thánh nằm vương vãi trong bùn nhơ. Nói tới đây họ đã bật khóc. Rồi họ xin tôi dâng một lễ tạ ơn.
Dĩ nhiên là tôi vui lòng dâng lễ và trong buổi lễ tôi đã nói với họ đại khái như sau :
- Chúng ta thật mù quáng biết bao. Chúng ta đã sững sờ khi thấy bánh thánh nằm giữa bùn nhơ, nhưng đó lại là một hiện tượng xảy ra hằng ngày. Chúng ta gặp thấy Đức Kitô mỗi ngày trong những căn nhà ổ chuột. Đức Kitô hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Ngài cũng hiện diện thực sự trong nỗi cùng khổ của con người.
Rõ ràng việc bác ái là thành tích duy nhất được kể đến trong ngày phán xét. Việc bác ái là chúng chỉ duy nhất để được nhận vào số những người được Chúa Cha chúc phúc. Làm việc tôn giáo mà thiếu tình bác ái thì cũng không được Chúa thừa nhận. Đức Kitô vua tình yêu. Vương quốc của Ngài là vương quốc tình yêu. Vì thế, chỉ có một cách để thực sự thuộc về Ngài là yêu thương.
Chúng ta thích mang nhãn hiệu. Nhưng chỉ có một nhãn hiệu đáng kể, đó là lòng bác ái, đó là tình yêu thương. Mọi sự sẽ qua đi, nhưng bác ái yêu thương sẽ tồn tại mãi mãi.

"Hoàng tử và người hành khất" là câu chuyện của Mark Twain về hai em bé sống cách đây 300 năm ở nước Anh. Hai em bé không chỉ là bạn tốt của nhau, mà chúng còn giống nhau như như anh em sinh đôi. Một em là Edward, hoàng tử xứ Wales, em kia là Tom Canty, một chú bé nghèo khổ.
Một ngày kia, thật là trò vui, hai em quyết định chuyển địa vị, chúng thay đổi quần áo. Edward mặc quần áo rách tả tơi của đứa trẻ nghèo khổ và đi lang thang khắp các khu nhà ổ chuột ở London, sát cánh với những người hành khất và thấp kém.
Sau một thời gian hai chú bé mệt mỏi vì trò chơi của chúng. Trong bộ quần áo rách rưới, Edward cố gắng nói cho người cảnh sát biết rằng chú là hoàng tử. Nhưng chú bị tống giam. Ngay khi Tom sắp sửa được phong vương, Edward tỏ lộ và thuyết phục các viên chức chú là hoàng tử thật. Do kết quả kinh nghiệm của mình, Edward trở thành một nhà lãnh đạo công minh và nhân ái.
Tình cảnh giữa Chúa Kitô và chúng ta cũng có cái gì giống như thế. Chúa Kitô là hoàng tử, Con thật của Thiên Chúa. Ngài đã chuyển địa vị với chúng ta, những kẻ nghèo khó. Ngài mang lấy thể xác nghèo hèn chúng ta. Rồi Chúa Kitô làm cho mỗi chúng ta thành hoàng tử bằng cách mặc cho chúng ta áo ân sủng của Ngài, chia sẻ chính sự sống thần linh của Ngài cho chúng ta.
Là Thiên Chúa, Chúa Giêsu biết những thống khổ của loài người. Nhờ trở thành con người, Ngài thực sự chịu đau khổ như mọi người phải chịu. Như hoàng tử trong câu chuyện, Chúa Giêsu học biết yêu thương những người nghèo khổ, Chúa Giêsu học biết yêu thương những người thiếu thốn mọi sự.
Bạn đừng ngạc nhiên vì Chúa Kitô, Vua của chúng ta, đặt để thử thách này cho được vào nhà vĩnh cửu của Ngài : Bạn có giúp đỡ những người thiếu thốn không ? Tin Mừng hôm nay là một trong những truyện quan trọng nhất của Chúa Kitô - Tin Mừng cho những người giúp đỡ những ai thiếu thốn, tin buồn cho những ít hay không chú ý đến những nhu cầu của người khác. Hôm nay bạn hãy xét mình đi. Bạn có bao giờ cung cấp của ăn cho người túng đói không ? Có lẽ bạn chưa bao giờ gặp mầu nhiệm chết đói. Tuy thế ai cũng biết có hàng triệu người đang phải chịu cảnh đói. Bạn có giúp đỡ gì qua các cơ quan từ thiện không ? Có khi nào bạn thăm viếng tù nhân không ? Không phải chỉ là những người ở sau hàng giậu sắt, nhưng còn là những người ở sau hàng giậu cô đơn, dốt nát, sầu khổ.
Bạn đã làm gì cho những người chết đói về tinh thần, bệnh tật về tinh thần, xa lạ về tinh thần, bị giam hãm về tinh thần ? Nếu bạn mới chỉ làm ít hay chưa làm gì, thì bạn hãy nghe lệnh truyền "Khởi hành".
Tin Mừng còn đi xa hơn, những gì bạn làm cho người túng thiếu là bạn làm cho chính Chúa Kitô. Hãy lưu ý : "Ta đói... khát... ốm đau... là khách lạ". Những gì các con làm hay không làm, là các con đã làm hay không làm cho chính Ta. Chúa Kitô tự đồng hóa với những người túng thiếu, Vua chúng ta đói, Vua chúng ta khát, Vua chúng ta là khách lạ, Vua chúng ta trần trụi, Vua chúng ta yếu đau. Vua chúng ta bị cầm tù.
Phải, chúng ta phụng sự và tôn thờ Chúa Giêsu Kiô Vua chúng ta trên bàn thờ này, nhưng chúng ta cũng phải phụng sự và tôn thờ Ngài trong những người túng thiếu của Ngài. Rồi Ngài sẽ gọi chúng ta vào buổi tận cùng. "Hãy đến".
Xin Chúa chúc lành cho các bạn.

Chúng ta hãy tưởng tượng giả sử ngày hôm nay có một người khách lạ nào đó chưa bao giờ nghe đến Kitô giáo là gì, và người đó đang ở giữa chúng ta, cùng tham dự Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay với chúng ta, khi nghe chúng ta tung hô "Chúa Giêsu là Vua vũ trụ". Ngỡ ngàng, người đó hỏi chúng ta : "Quí vị có một vị Vua à ? Ngài ở đâu ? Làm sao có thể gặp Ngài được ?". Lúc đó có lẽ đức tin sẽ soi sáng giúp chúng ta tìm ra những câu trả lời thật hay, thật ý nghĩa. Nào là Ngài đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha kể từ khi Ngài từ cõi chết sống lại. Nào là Ngài đang hiện diện với cộng đoàn các tín hữu. Nào là Ngài là Vua của vũ trụ, vì Ngài đã tạo dựng vũ trụ này cho con người.
Đó là những câu trả lời đúng nhưng chưa đủ, vì chưa trả lời câu hỏi : "Làm sao để gặp được Ngài ?. Trong đời sống cụ thể của chúng ta, Chúa Giêsu đang ngự trị ở đâu ? Lúc nào và thế nào ? Ngài hiện diện ở bất cứ nơi nào của một con người, bất luận nam hay nữ, màu da hay sắc tộc hoặc ngôn ngữ nào. Bởi thật, tất cả những ai đang khao khát muốn tìm gặp được Ngài và muốn yêu mến Ngài, chúng ta phải cố gắng thực hành đức bác ái huynh đệ đối với những người anh chị em ấy.
Với niềm tin đích thực của người Kitô hữu, chúng ta tin rằng Chúa Kitô Vua vũ trụ đang hiện diện và đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống, nhưng Ngài đang bị xã hội ruồng bỏ và quên lãng. Sự hiện diện của Chúa Kitô luôn ở bên những người nghèo khổ, rách rưới bị mọi người bỏ rơi. Ngài hiện diện nơi những ngươi bệnh hoạn tật nguyền đang mất hết ý vị của đời sống mà hằng ngày phải chết dần, chết mòn bởi sự cô đơn buồn tủi. Ngài hiện diện nơi những người bị bạc đãi và bị hiểu tầm, vì là nạn nhân của tranh giành ganh tị, chỉ vì khác ý thức hệ, đang lủi thủi chịu số phận hẩm hiu mà không biết than thở cùng ai. Ngài hiện diện nơi những trẻ em bạc phúc bị ruồng rẫy, lầm lạc, đang tìm kiếm một cách vô vọng một chút lương tâm, một chút yêu thương của người khác để lớn lên và phát triển.
Thật vậy, nước Ngài sẽ bao trùm cả nhân loại, vương quốc của Ngài sẽ rạng rỡ huy hoàng khi người khó nghèo được chia cơm sẻ áo, khi con tim người bệnh hoạn tật nguyền buồn đau khổ sầu được an ủi nâng đỡ, khi nhân loại mở rộng vòng tay đón nhận những đứa trẻ chưa bao giờ được yêu thương. Nước Ngài sẽ đến khi công bình và bác ái ngự trị, cho nên vương quốc của Ngài là vương quốc của "Tình Yêu". Tình yêu đó được thể hiện qua từng hành động, từng lời nói của Đức Giêsu Kitô, Vị Vua Chí Tôn Chí Thánh.
Khi đọc Tin Mừng của Ngài, chúng ta chỉ thấy sứ điệp của Ngài là sứ điệp "Yêu Thương", một vị Vua luôn chăm sóc và dạy dỗ thần dân con đường hạnh phúc thật, để cùng nhau sống yêu thương hạnh phúc ở đời này như là một tiền nghiệm của hạnh phúc trường sinh đời sau, nơi nước tình yêu không bao giờ tắt.
Là con dân của nước Thiên Chúa, nước của tình yêu, chúng ta hãy cùng nhau làm tròn bổn phận công dân của mình là góp phần xây dựng cho tình yêu được ngự trị lên mặt đất này. Nếu tôi yêu mến Chúa, tôi không thể nào ngồi yên để hưởng tiện nghi trong đời sống của tôi, trong lúc bao nhiêu người lầm than cực khổ xung quanh tôi đang cần đến tình yêu thương chia sẻ. Tôi biết rằng, tôi không thể làm được gì thêm cho Chúa cả, vì Người là Đấng trọn tốt trọn lành. Nhưng tôi là thần dân trong nước của Chúa, tôi không mang lại cho anh chị em của tôi một cái gì và đó chính là điều tôi bị xét đoán. Sự xét đoán ấy là xét đoán về tình yêu đối với đồng loại.
Vì thế, nếu tôi chỉ biết thu mình trong cái vỏ ốc ích kỷ, tôi cũng sẽ nghe Chúa tuyên phán với tôi rằng : "Ta đói các ngươi không cho ăn, Ta khát các ngươi không cho uống. Ta rách rưới các người không cho áo mặc. Ta không có nơi cư ngụ, các ngươi không cho nơi nương tựa. Ta là người nghèo khó vô sản, ngươi đã không thiết tập lại công bình". Rồi còn bao nhiêu án nữa sẽ tuôn xuống trên con người không biết thương xót.
Yêu ai thì giống người ấy. Tôi không thể yêu Thiên Chúa là Vua Tình Yêu, khi tôi không giống Người là Đấng hay thương xót. Tình yêu của con người đối với Thiên Chúa là chiêm niệm và cầu nguyện, nhưng đối với tha nhân là linh hoạt và hay phân phát. Cho nên khi đã nhận Đức Giêsu Kitô là Vua chúng ta phải cố gắng sống xứng đáng là công dân của nước Người, nước của tình yêu.

Vào năm 1925, Đức Thánh Cha Piô XI đã thiết lập lễ Đức Kitô vua, mục đích là để xác định vai trò và chỗ đứng đặc biệt của Chúa Giêsu trong đời sống riêng tư của mỗi người, cũng như trong sinh hoạt của cộng đồng Giáo hội. Trong một vài phút ngắn ngủi này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về tước hiệu cao cả này.
Trước hết là trong Cựu Ước.
Với những thánh vịnh, vua Đavít đã cho chúng ta thấy Đức Kitô chính là vua, một vị vua hòa bình sẽ đến để cai trị trong yêu thương :
- Ta sẽ đặt một vị vua ở Sion, trên núi thánh của Ta.
Trong khi đó, tiên tri Isaia lại giới thiệu với chúng ta một vị vua đầy quyền năng :
- Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai báu Đavít tổ phụ Ngài, Ngài sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Ngài sẽ không bao giờ cùng.
Tiếp đến là trong Tân Ước.
Qua Tin Mừng, chúng ta thấy được nơi Đức Kitô hình ảnh ánh sáng của Thiên Chúa, Ngài là một vị vua vinh hiển, điều khiển cả vũ trụ. Và trong ngày sau hết, Ngài sẽ đến trên mây trời để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Chính Đức Kitô, trong những giây phút cuối cùng, đối diện với cái chết, Ngài vẫn xác quyết trước mặt Philạô :
- Phải, tôi là vua.
Chính vì thế, bản án của Ngài đã được ghi :
- Giêsu Nagiarét, vua dân Do Thái.
Thế nhưng, tước hiệu Kitô vua nổi bật hơn cả trong bầu khí phụng vụ. Đúng thế, chúng ta có thể nói : Tất cả niên lịch phụng vụ đều xoay quanh chủ đề này.
Thực vậy, trong Mùa Vọng, chúng ta mong đợi một vị vua sẽ đến. Với lễ Giáng sinh, chúng ta không chỉ mừng kính một hài nhi bé nhỏ nơi máng cỏ Bêlem, mà còn mừng kính một vị vua hòa bình. Nhất là với lễ Hiển linh, chúng ta nhìn thấy vị vua ấy xuất hiện và tỏ lộ vinh quang cho muôn dân mà đại diện là ba nhà đạo sĩ Phương Đông. Và chúng ta có thể tóm kết tinh thần của mùa giáng sinh, đó là Đức Kitô đến để thiết lập một vương quốc của ánh sáng và tình thương.
Bước vào mùa phục sinh, Giáo hội không phải chỉ dừng lại ở những đau khổ của Đức Kitô, nhưng qua những đau khổ ấy, Giáo hội còn nhìn thấy cả chiến thắng vinh quang của Ngài. Trong ngày lễ lá, chúng ta tưởng nhớ biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, một cách long trọng như một vị vua và chúng ta không ngừng tung hô :
- Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến, hoan hô Chúa trên các tầng trời.
Tiếp đến, ngày thứ sáu tuần thánh, ngày u buồn nhất của năm phụng vụ, chúng ta thấy Giáo hội đã nhìn thập giá như ngai tòa, như lá cờ của một vị vua đang tiến lên, như bước khởi đầu cho vương quốc của Chúa, như lời Ngài đã phán :
- Ngày nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi sự đến cùng Ta.
Rồi trong ngày lễ Phục sinh và lên trời, chúng ta mừng kính cuộc khải hoàn của Đức Kitô, để rồi từ đó Ngài vĩnh viễn thiết lập vương quốc và trở thành vua của cả vũ trụ.
Tóm lại, niên lịch phụng vụ luôn nhìn ngắm Đức Kitô như một vị vua. Đó cũng là điều mà toàn thể thế giới Công giáo ngày hôm nay tuyên xưng.
Thế nhưng tuyên xưng mà thôi chưa đủ, chúng ta còn phải sống điều chúng ta đã tuyên xưng, nghĩa là, chúng ta phải trung thành với Chúa bằng cách khử trừ tội lỗi, bằng sống một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương, nhờ đó góp phần làm cho vương quốc của Đức Kitô được mở rộng trên trần gian này.

Câu hỏi gợi ý :
1. Người đời chúng ta dựa vào tiêu chuẩn nào để phân biệt người tốt kẻ xấu ? Khi Thiên Chúa phán xét nhân loại, Ngài có phân biệt theo kiểu của chúng ta không ? Ngài có mạc khải về những tiêu chuẩn phân biệt của Ngài không ?
2. Thiên Chúa phân biệt kẻ xấu với người tốt dựa trên tiêu chuẩn nào ? Tại sao vậy ? Phân biệt theo tiêu chuẩn ấy có hợp lý không ?
3. Qua bài Tin Mừng này, bạn có rút ra được bài học gì mới cho việc nên thánh của bạn không ? Quan niệm về nên thánh của bạn có gì thay đổi không ?
Suy tư gợi ý :
1. Viễn cảnh cánh chung : phân biệt chiên và dê
Bài Tin Mừng cho thấy một viễn cảnh sẽ xảy ra vào ngày cánh chung, nghĩa là vào thời điểm tận cùng của thời gian, cũng là của trần thế này. Ngày ấy, Thiên Chúa sẽ phân mọi người trên trần gian thành hai loại : một bên là những kẻ thật sự tin theo Ngài, bên kia là những kẻ không tin, hay những kẻ tự xưng là tin Ngài bằng lời nói, nhưng qua hành động lại tỏ ra không tin. Để ám chỉ hai hạng người này, bài Tin Mừng dùng hình ảnh chiên và dê, là hình ảnh mà ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã dùng (x. Ed 34,17-24). Vì chiên và dê là hai loài thú cùng được chăn nuôi chung trong một đồng cỏ, ở chung với nhau trong một ràn. Chỉ đến thời kỳ xén lông thì người ta mới phân rẽ chúng theo loại. Dụ ngôn lúa và cỏ lùng (x. Mt 13,24-30) cũng cho thấy hai loại cây cùng sống chung với nhau - không phân biệt được - trên cùng một thửa ruộng. Cả hai cùng lớn lên bên cạnh nhau cho tời mùa gặt, chỉ tới lúc đó chúng mới bị phân rẽ : “cỏ lùng thì bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì thu vào kho lẫm” (13,30). Tương tự, chỉ tới ngày cánh chung, kẻ tin và không tin, kẻ thật sự tin và kẻ có vẻ tin mới được phân chia và tách biệt. Chúng ta hãy thử tự xét xem, vào ngày đó, mình thuộc loại nào ?
2. Tiêu chuẩn để phân loại
Chỉ có Thiên Chúa, với trí tuệ sáng suốt vô cùng, nhìn thấu suốt tâm can con người, mới có thể xét từng người để xếp họ vào loại nào. Tin Mừng cho ta thấy :
- ngày ấy, toàn nhân loại chỉ được phân ra thành hai loại : chiên và dê, tượng trưng cho người hiền và người dữ, kẻ tin và không tin Thiên Chúa, không có loại thứ ba.
- ngày ấy, Thiên Chúa phán xét theo hành động chứ không theo lời nói của con người. Vấn đề là có làm hay không và làm như thế nào, chứ không phải là có nói hay không, có tuyên xưng hay không, hay nói và tuyên xưng thế nào.
- ngày ấy, Thiên Chúa chỉ phán xét và phân loại dựa theo một tiêu chuẩn duy nhất : cách mỗi người đối xử với tha nhân chung quanh mình.
Dường như không có một tiêu chuẩn nào khác : Thiên Chúa không cần phân biệt ai là giáo hoàng, ai là giám mục, ai là linh mục, ai là giáo dân ; không cần biết ai giàu ai nghèo, ai có địa vị ai là thường dân ; thậm chí không cần biết ai đi lễ nhiều, ai đọc kinh nhiều, ai lần chuỗi nhiều, ai hành hương nhiều, ai cúng vào nhà thờ nhiều, v. v... Ngài chỉ xét có một điều : mỗi người đã làm gì và không làm gì cho tha nhân. Như thế, chính hành động của chúng ta - chứ không phải lời nói hay cái gì khác - quyết định chúng ta thuộc loại này hay loại kia.
3. Đó là tiêu chuẩn thực tế để phán xét ai tin và ai không tin
a) Tin vào Đức Giêsu là điều kiện để được cứu độ
Trên nguyên tắc, ai tin vào Đức Giêsu thì sẽ được cứu độ (x. Cv 16,31 ; Rm 10,9 ; 10,13), và người ta được nên công chính là nhờ đức tin (x. Rm 1,17 ; 3,22.26.30 ; 9,30 ; 10,4) chứ không phải nhờ việc làm (x. Rm 3,28 ; 9,32 ; Gl 2,16 ; 3,11 ; ). Thật vậy, người ta không trở nên công chính nhờ vào việc làm, hay nhờ việc tuân giữ nghiêm chỉnh các điều luật dạy. Thật vậy, rất nhiều người có những hành động rất tốt, rất thiện hảo, thậm chí rất vĩ đại, nhưng không phát xuất từ đức tin hay tình yêu thương, mà từ một động lực vị kỷ, nhằm lợi lộc cho mình. Nhiều nhà tỉ phú bỏ tiền ra xây bệnh viện, trường học để phục vụ người nghèo với điều kiện là bệnh viện hay trường học đó phải mang tên mình, để mình được lưu danh muôn thuở là người đạo đức, biết yêu thương người nghèo. Hành động bố thí như thế không làm cho người ấy nên công chính, vì không phát xuất từ đức tin hay tình thương.
b) Đức tin ấy phải đích thực, được chứng tỏ bằng việc làm
Người ta chỉ trở nên công chính nhờ đức tin. Nhưng đức tin làm cho người ta nên công chính phải là đức tin đích thực : “Quả thế, có tin thật trong lòng mới được nên công chính” (Rm 10,10). Đức tin đích thực không phải là loại “đức tin rẻ tiền”, là thứ đức tin chỉ được tuyên xung ngoài môi miệng mà không đi vào cuộc sống, không được chứng tỏ bằng việc làm hay hành động. Hàng rẻ tiền thường là hàng giả. Đức tin đích thực phải là thứ “đức tin đắt giá”, không chỉ được tuyên xưng ngoài miệng, mà được chứng tỏ bằng hành động, bằng những hy sinh cụ thể theo sự đòi hỏi của đức tin. Đức tin của chúng ta luôn luôn đòi hỏi một thái độ, một sự lựa chọn thích hợp. Vì không thể vừa tin, mà lại vừa có đời sống trụy lạc, hèn nhát, tham lam, ích kỷ... Thánh Gia-cô-bê xác định : “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,14.17).
c) Việc làm của đức tin là việc làm gì ?
Tin ở đây là tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu. Mà bản chất của Thiên Chúa chính là Tình Yêu, và Đức Giêsu chính là hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa giữa nhân loại. Do đó, những ai thật sự tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu, ắt phải yêu mến Ngài và trở nên giống Ngài, nghĩa là trở nên một hiện thân của tình yêu giữa những người chung quanh, gần gũi với mình nhất, đặc biệt với những người đau khổ, túng thiếu, bị áp bức, bất công, cần lòng thương xót. Như vậy, muốn biết ai tin vào Ngài, thì cứ xem cách người ấy cư xử với những người chung quanh, những người gần gũi nhất (vợ con, cha mẹ, anh chị em ruột thịt, bạn bè thân thiết...), và những người nghèo khổ cần được cứu giúp. Nếu tin Thiên Chúa đích thực, người ấy ắt sẽ phải cư xử với họ bằng tình thương, cụ thể qua sự hy sinh, chấp nhận mất mát đau khổ vì họ.
Vả lại, những người chung quanh ta, đặc biệt những người đang đau khổ cần được ta nâng đỡ, cứu giúp, chính là hiện thân của Thiên Chúa hay của Đức Giêsu bên cạnh chúng ta. Đức Giêsu xác định rõ điều ấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Vì thế, yêu Ngài thì ắt nhiên cũng phải yêu hiện thân của Ngài bên cạnh chúng ta. Do đó, tới ngày phán xét, Ngài chỉ cần dùng một tiêu chuẩn để xét xem chúng ta có tin vào Ngài không, là dựa vào cách cư xử của chúng ta với tha nhân.
Để tóm gọn lại cách nên thánh cho chúng ta, Đức Giêsu nói : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35). Tóm lại, yêu thương tha nhân chính là tiêu chuẩn để phân biệt giữa môn đệ đích thực của Đức Giêsu với những người khác.
Cầu nguyện
Tôi nghe Đức Giêsu nói với tôi : “Anh tin Thầy và sống đạo của Thầy thế nào, Thầy chỉ cần dựa vào cách anh đối xử với những người chung quanh anh là Thầy biết ngay. Chắc chắn anh không thể tin Thầy đích thực khi anh đối xử với những người chung quanh anh không ra gì. Họ chính là hiện thân của Thầy bên cạnh anh. Anh đối xử với họ thế nào là đối xử với chính Thầy như vậy. Anh yêu họ chính là anh yêu Thầy. Anh làm điều gì cho họ, chính là anh làm điều đó cho Thầy”.

Vài điểm chú giải :
1. Một bức hoạ cho người ta xem thấy chung cuộc...
"Khi nào thì điều đó sẽ xảy đến ?”. Các môn đệ đã lo lắng hỏi Đức Giêsu như vậy, khi Người loan báo cho các ông về việc Đền Thờ Jérusalem bị tàn phá. Chúa không trả lời như các ông trông đợi, trái lại trong bài giảng nói về ngày tận thế, và xuyên qua năm dụ ngôn, Chúa đã dạy các môn đệ phải chuẩn bị mình thế nào cho Biến Cố đó, nghĩa là phải chủ động tỉnh thức, phải làm cho những nén bạc đã trao, sinh lời.
Phần kết thúc bài giảng cuối cùng này của Đức Giêsu, kết tinh tất cả mọi lời nói và việc làm của Người, thâu tóm tất cả Phúc của Chúa, một cảnh tượng vĩ đại mang tính khải huyền, riêng của Phúc Âm thánh Matthêu làm nên dư âm của phần kết thúc bài giảng đầu tiên, Bài giảng trên núi : “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lạy Chúa ! Lạy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 25,31-33), đối thoại với những “kẻ được chúc phúc” (câu 34-40), đối thoại với những quân “bị nguyền rủa” (câu 41-45), thi hành bản án (c.46).
- Phần nhập đề gợi ra quang cảnh một cuộc tập hợp vĩ đại của toàn thể nhân loại quanh Đấng sẽ “ngự lên ngai vinh hiển của Người" :
+ Đấng ấy được trình bày ở đây như “Con Người”, nhân vật huyền bí của các sách Khải Huyền Do Thái ấy (như trong Daniel 7) ngự đến thi hành việc phán xét “các dân thiên hạ”, một đặc quyền thuộc về Thiên Chúa. + Nhưng cũng như “Mục tử” đã được Ezéchiel loan báo (bài đọc một Người đến thi hành việc phân lựa : “Người sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên với dê : chiên thì đặt bên phải, dê thì đặt bên trái”).
“Ở nước Palestine người ta chăn chiên chung với dê ; nhưng đến chiều, người chăn tách chiên ra để ở một nơi kín đáo hơn”, Cl. Tassin giải thích, nhưng vội thêm một cách hóm hỉnh : “Bên phải” và “bên trái” trong thời Cổ đại, không có mang chút âm hưởng chính trị nào đâu ; Nhưng theo óc hơi mê tín, người ta cho là những từ đó chỉ số phận tốt, xấu của con người” ("Phúc Âm thánh Matthêu”, NXB Centurion, trang 264).
+ Đức Giêsu còn được trình bày như “Đức Vua” xét xử công minh, đang nói về “Cha mình” và mọi người bị phán xét thì thưa với Người là “Lạy Chúa”, tước hiệu mà phụng vụ và giảng thuyết buổi sơ khai vốn gán cho Đức Kitô vinh hiển khi Người phải trở lại trong ngày tận thế.
2....Và hé cho thấy tính cách nghiêm trọng của sự việc đang diễn ra trong lúc này :
- Cuộc đối thoại với những kẻ “được chúc phúc” cho ta được nghe án quyết phù hợp với những lý lẽ đã nêu ra, đồng thời cho thấy phản ứng của những người trong cuộc.
+ Tiên vàn là án quyết : “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dành sẵn cho các ngươi, từ thuở tạo thành trời đất”, và lý lẽ đưa ra dưới hình thức một bảng liệt kê dài những hành động bác ái mà coi như họ đã thực hành đối với Đức Vua : “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn vv...”.
Cl. Tassin nhận xét : “Lòng đạo đức của người Do Thái cũng có những bảng liệt kê tương tự tương đối dài (cf. Tobia 1,16-20), tuy nhiên lại không đề cập tới việc thăm viếng tù nhân : hành vi bác ái này chắc hẳn đã được áp đặt khi cuộc bách hại đã tống giam nhiều người thân của họ. Ta nên ghi nhận rằng những người Do Thái đạo đức vốn coi những hành vi bác ái này như một việc noi gương bắt chước thật đáng khen : ta phải cho kẻ đói ăn, bởi vì Chúa đồng hoá mình với người đói, Chúa đứng về phía người bất hạnh ; không liên đới với con người bất hạnh là đi ngược với quyền lợi của Chúa. Ý tưởng này bén rễ sâu xa trong Kinh Thánh (cf. Is 58,6-7) và đã đưa đến lời chú giải cao đẹp này : “Nếu ngươi đã nuôi nấng những người nghèo khổ, thì Ta sẽ kể như ngươi đã làm việc ấy cho chính Ta vậy” (O.C. trang 265).
+ Những người công chính ngạc nhiên : “Lạy Chúa, có bao giờ chúng tôi đã thấy Chúa... ?”. Thế rồi họ ngỡ ngàng khám phá ra điều gì là chủ chốt trong sinh hoạt đời thường của những con người nam cũng như nữ : Đức Vua vốn đồng hoá mình với hết mọi người trong cảnh khốn cùng, họ đã phục vụ chính Người trong những con người khốn khổ ấy : “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.
- Cuộc đối thoại với những quân bị nguyền rủa diễn lại cùng một khuôn khổ : án quyết với những lý lẽ nêu ra, phản ứng ngạc nhiên của những người liên hệ : “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát... ?”. Rồi họ cũng sẽ hay biết - nhưng muộn quá rồi ! - rằng khi bỏ mặc anh em họ trong cảnh khốn cùng, là họ đã bỏ mặc chính Đức Vua vậy : “Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”.
- Thi hành án diễn ra tức thì, đã được tường thuật một cách giản dị : “Thế là bọn này sẽ phải ra đi mà vào chốn cực hình muôn kiếp, còn những người công chính sẽ được lên hưởng phúc trường sinh”.
J.Potin kết luận : “Tính cách mới mẻ của giáo huấn của Đức Giêsu thật rõ như ban ngày. Giáo huấn ấy được nhấn mạnh ở vẻ ngỡ ngàng của những kẻ khám phá ra được từ đàng sau những dáng vẻ bề ngoài, sự thật về con người mà vì đó họ được hạnh phúc hay bất hạnh ; ấy là : con người có tước vị làm anh em với Đức Giêsu, không phải tước vị làm anh em với Con Người trong vinh quang, mà đúng hơn là với Đấng sẽ đích thực trở nên anh em của người nghèo bằng đau khổ và nhục nhã trên thập giá. Từ nay con người không thể dựa vào những thực hành điều Luật dạy và tôn giáo để làm bình phong che chắn mình. Chỉ điều răn mới về tình yêu thương con người mới đáng kể thôi.
Như thế Đức Giêsu làm nổi bật điều mà người cho là bản chất của Lề Luật và sách Các Ngôn sứ ấy là lòng yêu thương. Kẻ nghèo được coi như đủ tư cách để được Thiên Chúa và Con của Người quý mến. Từ nay mọi điều răn khác đều phải được đánh ghía theo thước đo này. Đạo Do Thái nhờ được Đức Giêsu mang đến cho ánh sáng này mà được canh tân. Nhưng Đức Giêsu lấy uy quyền và tương lai của Người để bảo đảm cho giáo huấn này : Thiên Chúa muốn hướng dẫn toàn thể nhân loại trên con đường này, chứ không phải chỉ một mình dân Do Thái mà thôi. Con người muốn tập hợp người người mọi thời, mọi nơi để quy về giới răn duy nhất này. Hết thảy đều sẽ bị xét xử theo tình yêu của họ đối với người nghèo” ("Jésus, l'historie vraie”, NXB Centurion, trang 403-404).
Mối tình liên đới với hết mọi người khốn khổ này mà Chúa vừa minh hoạ để kết thúc bài giảng cuối cùng của Người, có một phạm vi vô hạn và bắt nguồn từ Thiên Chúa, thì giờ đây chính Người sống tình liên đới ấy đến mức độ tận cùng. Chương 26 là chương tiếp theo bài giảng cuối cùng ấy đưa ta trình thuật về cuộc Khổ nạn.
Bài đọc thêm :
1. “Một cảnh nhấn mạnh phạm vi giá trị cách ta cư xử ở đời này” (Giám mục L.Daloz, trong “Le Règne des cieux s'est approché”, Desclée du Brouwer, trang 343-344).
Đức Giêsu không mô tả cảnh này để ta lo sợ hướng nhìn về ngày chung thẩm mà buông lơi những phận vụ hiện tại của ta ; trái lại điểm có ý nhấn mạnh ở đây chính là cách ta cư xử ở đời này có một tầm kích vĩnh cửu. Tính vĩnh cửu làm cho thời gian có giá trị, định hướng hoạt động của ta và cho hoạt động ấy có ý nghĩa. Ai tin vào trời thì càng phải định tâm làm cho trần gian này trở thành nơi chan hoà tình huynh đệ, một miền đất của Tương Lai ! Không phải đến ngày tận thế người ấy mới gặp gỡ Con Người.
Đến ngày tận thế, người ấy sẽ được thấy Người tỏ tường, vì Con Người sẽ tỏ mình ra rõ ràng. Nhưng chính Người lúc này vẫn đang cận kề ta trong những người anh em bé mọn nhất. Điều có lẽ làm ta ngạc nhiên nhất, chính là mọi người cùng có chung một sự vô tri, những người đã thực hành lòng thương xót cũng như những người đã trốn tránh - Ai nấy sẽ bỡ ngỡ : Những người trước thưa rằng : “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn ?”. Những kẻ đã không tiếp rước Người cũng nói như vậy : “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù mà không phục vụ Chúa đâu ?”. Mọi manh tâm phục con người vì Chúa, chứ không vì chính họ đều bị Chúa phơi bày.
Thực vậy người và Chúa không tách biệt nhau : “Quả thực, Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. Điều đó mời gọi ta nhận biết rõ tình huynh đệ liên kết những kẻ bé nhỏ này với Đức Giêsu, và mời gọi ta phục vụ họ tốt hơn. Điều đó cũng có nghĩa là ta sẽ gặp những bất ngờ, hay đúng hơn mối quan hệ của ta với Đức Giêsu thường diễn ra ở nơi ta vốn không trông đợi Người.
Tiên vàn ta đừng tìm cách nhận ra Đức Giêsu trong dung mạo của người ta, trước khi ta phục vụ họ : ta thường sẽ phải thất vọng thôi. Chỉ cần phục vụ họ một cách đơn sơ, yêu mến họ một cách cụ thể, bằng hành động và cho không. Rồi đây chính Người sẽ nói cho ta biết rằng Người đã ở gần ta ngay lúc ta không nghĩ đến Người : “Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước, hoặc trần truồng mà cho mặc ?”. Chúng con đâu có biết... Vậy thì ta đừng tìm kiếm để biết bây giờ, hãy hành động, hãy yêu mến bằng sự thật ! Ở đâu người ta sống tình yêu chân thật với nhau, thì Thiên Chúa làm người sẽ nhìn nhận họ là người của mình : “Các ngươi đã làm cho chính Ta vậy...”.
2. “Một bức tranh chiếu vào hiện tại, ánh sáng thực của đức tin và sự minh mẫn” (H.Vulliez, trong “Thiên Chúa thật gần”, Desclée de Brouwer, trang 175).
Đức Giêsu đã đặt bức tranh này dưới mắt các môn đệ để chiếu vào hiện tại ánh sáng thực của đức tin và sự minh mẫn. Sự chia sẻ không phải chỉ được quyết định thực hiện vào thời buổi cuối cùng, nhưng là bây giờ, ở đây và lúc này (hic et nunc). Đây không phải là một quyết định có tính cách hình thức, nhưng là một quyết định đưa đến sự thay đổi đời sống trong xã hội.
Vào thời Matthêu viết Tin Mừng của ngài, các Kitô hữu nồng nhiệt chờ đợi ngày Chúa trở lại đến nỗi họ quên cả đời sống hiện tại. Nhắc nhớ họ về đời sống hiện thực là điều quan trọng. Hơn nữa, không phải sự thực hành các mối phúc là điều quyết định phần rỗi đời đời trước cả tế lễ và cầu nguyện đó sao ? Ngay cả những người ngoại giáo cũng được cứu độ nhờ thực hiện các mối phúc này. “Anh em đợi chờ Chúa, vua vinh quang, nhưng Ngài đang ở đây ! Không phải nơi người nghèo như người ta nói. Nhưng trong sự chia sẻ với họ”.
Thiên Chúa hiện diện qua sự chia sẻ cơm bánh. Đó là vinh quang của vương triều Thiên Chúa. Đức Giêsu không chói ngời vinh quang trong cung điện hay trên ngai vàng, nhưng ở tất cả những nơi có tình liên đới nhân loại. Thiên Chúa tình yêu có thể có mặt ở khoảng trống vắng chia cách con người và các dân tộc chăng ? Ngài hiện diện ở trong sự hiện diện của người này cho người kia. Đó là “sự hiện diện trong chia sẻ”.

PHÁN XÉT CÙNG TẬN
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
"Như người chăn chiên tách chiên ra khỏi dê”. Nói cho đúng, đây là chiên và "dê con" ; ở Palestine, việc chăn chung chiên với dê con là chuyện thường. Nhưng chiều đến, người ta phải lựa chúng ra, vì dê con cần được sưởi ấm suốt đêm. Vì chiên có giá trị hơn dê nên ta hiểu tại sao, trong dụ ngôn, chúng được đứng bên hữu Đấng Thẩm phán cánh chung (bên hữu là chỗ danh dự).
"Vua" : các chữ này (đây quy chiếu về Chúa Giêsu (x 2, 2 ; 21. 3 ; 27, 11 ; 27, 29. 37. 42).
"Hãy lĩnh lấy làm cơ nghiệp Nước đã dọn cho các ngươi" : x.hai mối phúc thật đầu tiên : Vì Nước Trời là của họ" (5, 3) và họ sẽ được đất làm cơ nghiệp" (5, 4).
"Vì xưa Ta đói...Ta khát... " : Phù hợp với óc tả thực không thay đổi của Mt, các nỗi thống khổ nhân thế được gợi lên ở đây : mình trần thân trụi, lưu đày biệt xứ (nghĩa là không có quyền lợi và sự chở che), bắt bớ giam cầm, đói khát yếu đau, xảy ra rất thường ; ta đang ở trong cùng một bầu khí như trong Tám mối phúc thật và Diễn từ trên núi. Các kẻ khốn khổ này là những người, khách quan mà nói, cần được cứu giúp, dù theo chủ quan họ thế nào chăng nữa. Bản răn không bảo những người khách lạ, đói khát, tù đày đó là Kitô hữu hay là thừa sai. Con Người liên đới với mọi nỗi khổ của nhân loại trong tất cả chiều rộng và chiều sâu của nó.
"Lạy Chúa, có bao giờ chúng tôi thấy Ngài đói..." : Bản văn không cố ý bảo các người công chính ấy (những kẻ trung thành và tỉnh thức của các dụ ngôn trước) quên điều họ đã làm, nhưng là : họ không biết rằng mình đã làm cho chính Con Người trong bản thân của những kẻ khốn khổ. Ý nghĩa trọn vẹn của các hành vi họ khi được mặc khải cho họ vào giờ chót ; điều này phù hợp với toàn bộ luân lý của Mt (x."Cha ngươi, Đấng thấu suốt nơi kín ẩn, sẽ hoàn trả lại cho ngươi"-6,4). Hãy ghi nhận là động từ làm thường xuất hiện trong các câu đây (4 lần trong cc. 40- 45) ; thế mà trong tiếng Aram, Chúa Giêsu chỉ có thể dùng động từ "abad" vừa có nghĩa làm vừa có nghĩa phục vụ.
"Hãy xéo đi... mà vào lửa đời đời" : Như trong suốt các chương 24-25, việc kết án các bất công, nghĩa là kết án những kẻ đã chẳng thi thố lòng nhân lừ, thật vô cùng khủng khiếp. Trong lúc trong sách Khải huyền Do thái, chính lương dân hoặc địch thù của Israel, hoặc các người Do thái bất trung (xét theo quan điểm của nhóm Essêni hay Biệt phái) sẽ bị vị thẩm phán của những ngày cuối cùng đè bẹp, thì ở đây là những kẻ đã chẳng cứu giúp anh em của Con Người. Không một bản văn Tân ước nào diễn tả rõ ràng như ở đây ý tưởng "tránh phục vụ” (“các ngươi đã không làm") cũng lỗi nặng nề như phạm tội ác ; sau này, học thuyết của thánh Gioan sẽ dạy rằng không yêu thương tức là giận ghét vậy (1 Ga).
KẾT LUẬN
Người công chính rốt cục là những kẻ đã chu toàn Luật Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu đã diễn tả trong giới răn trọng nhất. Một lần nữa Người đồng hóa tình yêu tha nhân với tình yêu Thiên hùa. Cái mặc tính cách "thiện hảo" cho các công việc con người làm đối với anh em mình chính là chúng đã được làm cho Chúa Kitô.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1. Thế là chúng ta đã đến Chúa nhật cuối cùng của Năm phụng vụ. Giáo Hội, kẻ đã đưa ta vào trong mọi mầu nhiệm của Chúa. Hôm nay muốn thu tóm tát cả sứ điệp đã được nghe trong suốt năm rồi bằng cách lập ra cho ta lễ Chúa Kitô-Vua vũ trụ.
Ta nói vậy là vì dựa vào các bài đọc hôm nay trong đó Chúa Giêsu lần lượt được giới thiệu như là Vua-mục tử săn sóc chiên mình, Vua-chiến thắng đánh bại các quyền lực chống đối và làm ta thông hiệp vào cuộc Người thắng trận, Vua-Thẩm phán phân biệt những kẻ đã biết chấp nhận quyền bá chủ của Người, Vua-tôi tớ giáo quyền thống trị lại cho Chúa Cha. Thật khó mà tóm kết trong vài câu một hình ảnh vừa đa dạng vừa đầy đủ về Chúa như thế.
"Các dân thiên hạ được thâu họp lại trước mặt Người thảy" : Đây là một cuộc phán xét phổ quát. Tất cả mọi người đều có liên hệ. Dầu họ thuộc tôn giáo, chủng tộc hay nền văn hóa nào, Chúa Kitô-vua cũng triệu tập tất cả họ lại trong cuộc gặp gỡ tối hậu ấy. Điều lạ lùng là hết thảy những kẻ Chúa Kitô-vua sắp xét xử, đều không biết rằng họ đã phục vụ Người hay bỏ rơi Người. Còn đối với các tín hữu, Tin Mừng đưa ra nhiều tiêu chuẩn xét xử bổ sung khác, mặc khải các yêu sách chính xác khác ; điều này thật dễ hiểu vì họ đã biết Chúa Kitô, Đấng đã nhờ Thánh Thần mà tự mặc khải cho họ. Họ đã phải can đảm tuyên xưng Người (10, 32), đã phải thi hành thánh ý Cha thiên quốc (7,1), đã phải tỏ ra lòng nhân ái (5,7), đã phải luôn sẵn sàng thứ tha (6,14)... Ta biết các tín hữu bị xét xử như thế đã nhận nhiều ánh sáng hơn các kẻ khác, vì họ đã được tiền định biết Chúa Kitô từ lúc còn ở dương trần. Thành thử thật dễ hiểu khi người ta đòi hỏi ở họ nhiều hơn. Nhưng cái “nhiều hơn" này vẫn luôn đứng trong đường hướng tình yêu như đối với các lương dân đã không được nhiều ánh sáng ngần ấy. Chỉ khác điểm này là các Kitô hữu, vì đã biết rõ các yêu sách tình yêu hơn, vì đã biết rằng Chúa Giêsu tự đồng hóa với tất cả các kẻ "bé mọn" của thế gian, nên sẽ khó lòng chữa mình hơn lương dân được.
2. Trang Tin Mừng hôm nay chỉ nói đến các việc phục vụ thuộc bình diện vật chất phải thi hành đối với các kẻ "bé mọn” của thế gian nầy. Nhưng đó chỉ là những ví dụ, bảng kê khai các việc lành phúc đức không chỉ từng ấy. Chúa Giêsu chỉ gợi lên những việc rõ ràng nhất. Nhưng Người cũng đã rất có thể đề cập đến việc giáo dục những kẻ dốt nát, phấn khích người suy nhược, bầu bạn với những ai đơn côi, cảm thông vơi các gia đình tang thế, tươi cười với người quạu cọ… Khi vừa đáp ứng nhu cầu của tha nhân, là ta làm được một điều gì đó cho các anh em của con người là ta làm cho chính bản thân Chúa Giêsu. Chính các dấu tích tình yêu đó một ngày kia sẽ lầm ta xứng đáng nghe bảo : hãy đến, hỡi những người được Cha Ta chúc phúc...".

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

PHỤNG VỤ »»

KT - GIÁO LÝ »»

GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT »»

SUY NIỆM »»

ĐỨC MẸ MARIA »»

CÁC THÁNH »»

GIÁO HỘI HOÀN CẦU »»

GIÁO HỘI VIỆT NAM »»

GIÁO PHẬN VINH »»

GIÁO HẠT – GIÁO XỨ »»

VĂN KIỆN TÒA THÁNH »»

VĂN THƯ GIÁO PHẬN »»

Note Đóng lại

Suy niệm Mùa Chay : BẠN MUỐN ĂN CHAY ?

TIN TỨC