THIÊN CHÚA Ở CÙNG TẤT CẢ CHÚNG TA





































Cung Hiến & Khánh Thành Nhà Thờ Giáo xứ


Lễ Cung hiến và Khánh thành Thánh đường Giáo xứ Song Ngọc
     31.12.2007
[SNB] - Trong những ngày này, mọi người trên khắp thế giới đều hết sức hân hoan vì niềm vui Giáng Sinh kéo dài và niềm vui năm mới 2008 vừa tới. Nhưng với người tín hữu giáo xứ Song Ngọc, họ không chỉ vui với hai sự kiện đó, mà thêm vào đó, họ đang có một niềm hạnh phúc hết sức lớn lao, đó là ngôi thánh đường khang trang, đẹp đẽ của họ vừa được khánh thành và cung hiến hôm 29.12.2007.
Nghi thức cắt băng khánh thành và thánh lễ cung hiến thánh đường Song Ngọc do Đức cha Phaolô Maria chủ sự. Tham dự sự kiện quan trọng này có khoảng 50 linh mục trong và ngoài giáo phận (trong đó có 2 linh mục đến từ Sài gòn: Lm. Giuse Nguyễn Xuân Thảo, OFM và Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, OFM. Linh mục Raimond Yang đến từ Đài Loan, nhiều tu sĩ nam nữ, chủng sinh, các cấp chính quyền và trên hai ngàn tín hữu. Trong số khách mời danh dự, chúng tôi nhận thấy sự hiện diện của Bác sĩ Phanxicô Xavier Nguyễn Xuân Huy cùng phu nhân, Tiến sĩ Giuse Nguyễn Trung Hiếu cùng phu nhân, và một người Mỹ, Bà Hiệu Trưởng Irene DaMota; một nhóm bạn trẻ người dân tộc thiểu số vùng Langbian, Đà Lạt và nhiều vị khách lương dân.
Song Ngọc là một trong những vùng đón nhận đức tin khá sớm. Năm 1629, có lẽ những vị thừa sai đã từ biển Đông ngược thuyền dòng sông Thai đến đây rao giảng Tin Mừng cho người dân xứ Ngọc. Tuy thế, mãi năm 1923 Song Ngọc mới được nâng lên hàng giáo xứ sau khi tách ra từ giáo xứ Cầm Trường. Hiện nay giáo xứ thuộc hạt Thuận Nghĩa, nằm trên địa bàn xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu,  Nghệ An do linh mục Phaolô Nguyễn Văn Khai phụ trách này gồm bốn giáo họ: Văn Trường, Văn Thai, Ngọc Sơn và Ngọc Thanh với 2250 tín hữu. Trong gần 380 năm đó và nhất là trong 85 năm kể từ ngày được thành lập giáo xứ, do hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước và nhất là do sống bằng nghề đánh bắt thủy sản và làm muối, buôn bán nhỏ nên các tín hữu Song Ngọc chỉ sinh hoạt niềm tin trong các ngôi nhà thờ nhỏ bé bằng tre lá hay gỗ đá đơn sơ. Nay, sau hơn hai năm tích cực xây dựng, họ đã hoàn thành cho mình ngôi thánh đường có chiều dài 51m, rộng: lòng nhà thờ 15 m và phía trên cung thánh - hai cánh gà 24 m, dome cao 35m và tháp cao 48m.
Ngôi nhà thờ giáo xứ Song Ngọc được người ta trầm trồ khen ngợi không phải chỉ vì kích cỡ và chất lượng vật liệu, mà hơn thế nữa là vì lối kiến trúc và ý nghĩa biểu tượng của nó.
Được xây dựng theo kiến trúc gothic, những đường vòm và góc nhọn trên trần nhà luôn tạo cho người ta cảm giác ngôi nhà thờ cao rộng hơn thực tế và đưa hồn người vi vút, bay bổng lên cao. Thêm vào đó, xung quanh các bức tường được trang trí bằng 14 cặp cửa kính màu được sản xuất từ Hoa Kỳ, mỗi cửa khoảng 5m2, làm cho ngôi nhà thờ luôn được chiếu rọi bởi một thứ ánh sáng lung linh, huyền ảo khiến cho nơi thờ phượng càng trở nên thiêng liêng, linh thánh; các cặp kính màu đó là những bức tranh về các mầu nhiệm chính trong đạo Công giáo, về sứ mạng của Giáo Hội và về xứ sở Song Ngọc, làm cho các tín hữu được nhắc nhớ và có một cảm nhận sâu xa hơn về các mầu nhiệm trong đạo, được thúc đẩy để loan báo Tin Mừng cho những người khác, cũng như luôn hăng say xây dựng xứ đạo ngày một tốt đẹp hơn nữa.
Phía trên cung thánh, sau bàn thờ, được trang trí bằng những nét hoa văn tinh tế và sơn mạ màu vàng đã làm tăng thêm vẻ tráng lệ và uy nghi nơi Chúa Giêsu Thánh Thể hiện diện và phần chính điện của đền thánh.
Không chỉ có thế, hai bên lối vào cửa chính có hai bức phù điêu cỡ 2m x 3m, một bức khắc họa Chúa Giêsu đang ngồi bên bờ giếng Gia-cóp nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri và một bức về người cha nhân hậu. Bức thứ nhất như để nhắc nhớ rằng, mặc dù có ngôi nhà thờ đẹp, nhưng người tín hữu Song Ngọc phải nhớ lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ Samaria để có một thái độ tôn giáo đúng đắn: Giờ đã đến, giờ những kẻ thờ Thiên Chúa phải thờ trong tinh thân và chân lý (x. Ga 4, 23); và bức tranh kia là để nhắc nhớ mọi người hãy tin tưởng vào lòng thương xót Thiên Chúa và luôn biết từ bỏ tội lỗi để trở về với Người (x. Lc 15, 11-31). Và phía trên gác đàn, nơi những ca viên sẽ cất vang những tiếng hát để ca ngợi Thiên Chúa, bày tỏ tâm tình cầu nguyện cách sâu xa và cũng là phía đối diện với vị linh mục ngày ngày dâng lễ tế là một bức phù điêu về thời cánh chung mà Isaia đã nói tới trong chương 11, từ câu 5 đến câu 9, như để nói người tín hữu cần phải tích cực xây dựng nền hòa bình trên trái đất này và luôn luôn hướng về ngày Chúa Giêsu trở lại trần thế lần thứ hai.
Nhà thờ với tháp cao 48 m, lại được treo bởi ba quả chuông được đúc tại Pháp, nặng 1 tấn và tiếng chuông theo hợp âm Eb, khiến cho người tín hữu ngày ngày dẫu bận rộn việc gì hay đang ở một nơi xa nào của giáo xứ vẫn nghe được tiếng chuông gọi mời để hướng lòng lên Chúa và hân hoan tìm đến với giáo đường.
Thêm vào đó, như để phản ánh một xứ đạo có truyền thống đức tin lâu đời, nghĩa là một đức tin đã phát triển cùng với văn hóa Việt Nam và cũng như để nhắc nhở người tín hữu cần phải hội nhập đức tin vào trong văn hóa dân tộc hơn nữa, nên Bàn Thờ - chỗ trung tâm nhất của thánh đường - đã được thiết kế theo học thuyết Tam Tài: mặt bàn tròn chỉ trời, chân vuông chỉ đất và một trụ nâng ở giữa chỉ người; mặt trước của chân bàn thờ (trụ đỡ bàn thờ) còn khắc biểu tượng chính như trên mặt trống đồng Đông Sơn, càng làm rõ sự hội nhập văn hóa và diễn tả bản chất của người tín hữu dân Việt…
Trước một thánh đường lộng lẫy như thế, từ Đức cha chủ tế cho đến hết mọi người tham dự thánh lễ đều hết sức thoải mái và sốt sắng. Đặc biệt, vì là một vùng đạo giáo cổ kính, nên từ lâu Song Ngọc đã có những ban nhạc khá nổi tiếng như: ca đoàn, hội kèn tây và nhất là ban nhạc giây…. Chính vì thế, trong thánh lễ các ban nhạc này đã góp phần làm cho mọi người thực sự được nâng hồn lên với Chúa và no thỏa một bữa tiệc tinh thần.
Tuy với tất cả vẻ đẹp tráng lệ, huy hoàng của thánh đường, với cách tổ chức trật tự, tốt đẹp, với các đoàn thể quy củ như thế, nhưng Đức cha Phaolô, người kế nhiệm các tông đồ, được đón nhận quyền giảng dạy từ Chúa Giêsu đã không quên nhắn nhủ các tín hữu Song Ngọc và hết những ai tham dự thánh lễ rằng: “Điều quan trọng hơn cả là, sau khi ngôi thánh đường này được cung hiến, anh chị em phải biết tận dụng nó để xây lên những đền thánh khác lộng lẫy, nguy nga hơn, đó là chính tâm hồn mỗi người”; và cũng vì trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, nên vị Cha chung của giáo phận nói tiếp: “Như Chúa Giêsu đã từ bỏ tất cả vinh quang của mình để đến ở với nhân loại, để chia sẻ cuộc sống vất vả lầm than với những người khó nghèo cùng cực, thì cũng vậy, kết quả của việc anh chị em ngày ngày đến với thánh đường đẹp đẽ, cao sang này là phải đưa anh chị em đến gần với những người thiếu may mắn hơn mình và sẵn sàng chia sẻ cho họ những nhu cầu căn bản và chính đáng nhất của một con người”.
Các tín hữu Song Ngọc và vị linh mục quản xứ trẻ trung, năng động của họ quả thật đáng vui mừng với thành quả lao động vất vả của mình cũng như với lòng quảng đại của các vị ân nhân của họ trong và ngoài nước nơi công trình thánh đường. Nhưng họ sẽ vui hơn và vui trọn vẹn khi họ thực hiện được những lời vị Cha chung căn dặn, cũng như sống theo những ý nghĩa biểu tượng nơi ngôi thánh đường của mình.

HTH

2 nhận xét :

  1. quá tuyệt vời./

    Trả lờiXóa
  2. http://www.youtube.com/watch?v=U3HCslF2Ag8&feature=BFa&list=FLlsaZuTL7sO2Q9xSU_2juvw&lf=plpp_video

    ĐÂY LÀ LINK VỀ KHÁNH THANH NHÀ THỜ SONG NGỌC.

    Trả lờiXóa

PHỤNG VỤ »»

KT - GIÁO LÝ »»

GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT »»

SUY NIỆM »»

ĐỨC MẸ MARIA »»

CÁC THÁNH »»

GIÁO HỘI HOÀN CẦU »»

GIÁO HỘI VIỆT NAM »»

GIÁO PHẬN VINH »»

GIÁO HẠT – GIÁO XỨ »»

VĂN KIỆN TÒA THÁNH »»

VĂN THƯ GIÁO PHẬN »»

Note Đóng lại

Suy niệm Mùa Chay : BẠN MUỐN ĂN CHAY ?

TIN TỨC