THIÊN CHÚA Ở CÙNG TẤT CẢ CHÚNG TA





































Đức Cha P. Nnuyễn Thái Hợp Gặp Gỡ Các Chuyên Gia Tại San Jose


Đức Cha Nguyễn Thái Hợp gặp gỡ các Chuyên gia tại San Jose
22.06.2011
Khoảng 30 chuyên gia hoạt động nhiều ngành xã hội trong vùng San Jose và vùng vịnh San Francisco, qua sự phối hợp của hai anh Trần Hiếu và Chu Quang Định, cả hai vốn là chuyên gia về lãnh vực xã hội và y tế cộng đồng và đã từng làm việc và nắm giữ các vai trò lãnh đạo trong chính quyền quận hạt Santa Clara qua sở trường của mình, đã dùng bữa cơm trưa và tham dự tích cực vào buổi toạ đàm cùng với Đức Cha Phaolô. San Jose (TH) – Trong chuyến thăm viếng vòng quanh nước Mỹ, hôm thứ Hai ngày 20 tháng 6 năm 2011 vừa qua tại San Jose, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục giáo phận Vinh và Chủ tịch Ủy Ban Công Lý Hoà Bình của HĐ Giám Mục Việt Nam, đã có buổi tiếp xúc thân mật và xây dựng với một số Chuyên gia về các lãnh vực Y tế, Xã hội, Giáo dục và Luật pháp để trao đổi về những quan tâm đối với đất nước, dân tộc, và Giáo Hội quê nhà.
Tháp tùng Đức Cha là Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hướng, đã từng du học 7 năm tại Roma trước khi được chọn về làm Chánh văn phòng Tòa Giám mục GP Vinh hiện nay.
Thành phần hội thảo viên gồm một số rất đông các chuyên gia ngành xã hội học, các bác sĩ chuyên khoa tâm lý và tâm thần, các giáo sư, các luật sư, và một số chuyên gia các ngành nghề khác.
Buổi hội thảo đươc mở đầu bằng phần vấn đáp qua đó Đức Cha Phaolô đã giải thích và làm sáng tỏ về ý nghĩa và vai trò của Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình ở mức độ rộng lớn trên bình diện xã hội nói chung. Nhất là đối với hoàn cảnh khó khăn của đất nước hiện nay trên nhiều phương diện. Giáo Hội Việt Nam, cũng nằm trong đường hướng hội nhập và tinh thần đối thoại của Công đồng Vatican II, hướng dẫn hàng giáo phẩm Việt Nam trên con đường phục vụ xã hội và tha nhân trong mọi hoàn cảnh, không phân biệt quan điểm hay bị giới hạn trong một định chế xã hội hay khuynh hưóng kinh tế cá biệt nào.
Đức Cha Phaolô đặc biệt đề cập đến một vấn nạn khó khăn và tế nhị hàng đầu, đó là vai trò và phương cách đóng góp của giới trí thức đối với tình hình đất nước hiện nay. Có hai khuynh hướng hoặc “phe” chính: Một phe là phê bình chỉ trích và bất hợp tác; phe kia thì cộng tác mà lại không dám lên tiếng phê bình. Cả hai đều có những ưu và khuyết điểm đáng tiếc của nó. Điều quan trọng, là nếu ta chờ đợi cho đến khi mọi điều kiện thuận tiện, tốt đẹp, rồi mới ra tay đóng góp, thì e rằng lúc ấy đã quá trễ, con người đã bị mai một, nhiều cơ hội đã qua đi, lúc ấy dù có muốn đóng góp để xây dựng thì có lẽ đã quá muộn màng.
Ngược lại, những đóng góp khẩn cấp thì theo kiểu “mì ăn liền”, theo lời Đức Cha Hợp, thì cũng tốt trong những trường hợp thiên tai bão lụt nguy cấp, nhưng điều quan trọng và thích hợp hơn cho giới trí thức chuyên gia hải ngoại, theo quan điểm của ngài, là phải nhắm vào những chương trình “trung hạn” và “dài hạn” để giúp thay đổi và cải tiến toàn diện xã hội trên mọi lãnh vực, từ y tế, kỹ thuật, kinh doanh, xã hội, v.v.. đến cả luật pháp và chính trị nữa. Do đó, mỗi người, tùy theo hoàn cảnh và khả năng, phải ra tay làm điều gì tốt nhất để đóng góp cho đất nước và dân tộc theo những định hướng lâu dài đó. Ngài đưa ra thí dụ về những vấn đề thời sự nóng bỏng như vụ Hoàng Sa & Trường Sa, hoặc Bauxite Việt Nam chẳng hạn. Nếu một người hải ngoại muốn về Việt Nam chỉ để tham gia biểu tình xuống đường thì quả thật uổng công và không cần thiết. Ngược lại, những đấu tranh từ trong nước rất cần sự yểm trợ tích cực từ bên ngoài trên phương diện thông tin và quốc tế hoá sự quan tâm và yểm trợ của các quyền lực thế giới. Như thế ta sẽ thay làm đổi cục diện: buộc đối phương phải đối phó với thế giới toàn cầu, thay vì chỉ có 1 mình “chú” Việt Nam nhỏ bé phải đơn phương đối chọi với “ông hàng xóm” khổng lồ luôn hiếp đáp mình.
Đức Cha Phaolô xác nhận những khó khăn trầm trọng mà xã hội và đồng bào ta đang gặp phải về nhiều phương diện, từ giáo dục đến y tế, kinh tế, văn hoá, xã hội, v.v..., và nhất là những vấn đề khúc mắc của nhân quyền và dân quyền. Ngài cho biết hiện nay, 70% những vấn đề khiếu kiện là liên quan đến việc tranh chấp đất đai, mà đại đa số nạn nhân chính là những thành phần đã từng có công với nhà nước, những gia đình liệt sĩ, v.v... Do đó, theo ý ngài, thì tình trạng bất công và vấn nạn đất đai vẫn sẽ còn kéo dài nếu không cải tiến hệ thống luật pháp hiện nay, nhất là luật về nhà đất. 
Với một nét hài hước, Đức Cha Phaolô kể rằng trong vai trò của Ủy Ban Công Lý và Hoà Bình, ngài đã lên tiếng về một vài vụ tranh chấp đất đai trên quan điểm và đường lối công bằng xã hội và tín lý Công giáo, chứ Ủy Ban không phải được lập ra là để giúp tranh giành nhà đất. Cũng vì sự hiểu lầm đó mà có một số người phê bình Ủy Ban đã không tranh đấu quyết liệt đến cùng, v.v... Ngược lại, Đức Cha Hợp cũng đã ký tên vào thỉnh nguyện Bauxite Việt Nam, vào tuyên ngôn Hoàng Sa & Trường Sa, và lên tiếng bênh vực cho TS Cù Huy Hà Vũ, v.v..
Đáp lời cho rất nhiều câu hỏi nêu ra về việc cần phải lên tiếng mạnh hơn nữa đối với những vấn đề dân quyền và nhân quyền trong mục tiêu phục vụ đất nước và dân tộc, Đức Cha Hợp đề nghị một phương án khả thi nhằm hiệu năng hoá các nỗ lực của hai “phe” quan điểm nói trên, đó là đối với phe “hợp tác” thì cần phải mạnh dạn lên tiếng nói phê bình và phát biểu thẳng thắn. Ngược lại, phe “chống đối phê bình” thì cũng cần phải nghĩ đến việc hợp tác song hành với quan điểm chống đối phê bình của mình. Còn không, thì bên chống đối thì vẫn sẽ không hợp tác, và sẽ tiếp tục chống đối cho đến cùng, và cứ thế tiếp tục, thì vẫn chỉ còn là sự chống đối đơn phương mà thôi. Cuối cùng, thì người dân nghèo vẫn nghèo, khổ vẫn khổ, bệnh vẫn tiếp tục bệnh, v.v.. Dân tộc và đất nước, vì thế, sẽ tiếp tục đau khổ triền miên.
Phần cử toạ, ngược lại, cũng đưa ra những vấn nạn cụ thể về tệ nạn tham quan, cửa quyền, hối lộ, độc đoán, và nghi kỵ của chính quyền các cấp đối với ngoại kiều trong những công tác xã hội và từ thiện, chưa kể hoàn cảnh tế nhị của người làm từ thiện sao cho tránh khỏi bị lọt vào vòng kiểm soát và lợi dụng của cán bộ, và không bị hiểu lầm nghi kỵ hay bị chụp mũ từ phía cộng đồng hải ngoại. Có nhiều người phải hoạt động từ thiện một cách lén lút, và tự ý cá nhân vượt qua nhiều cửa ải khó khăn, và làm việc lẻ loi trong thầm lặng.
Theo ý Đức Cha Hợp, thì trong quá khứ, các phương thức ấy đã xảy ra rất nhiều, và nay hoàn cảnh có lẽ đã được cải tiến hoặc thay đổi, nhất là nhờ qua những hệ thống thông tin hiện đại. Ngài đưa ra ví dụ trong kỳ bão lụt dữ dội vừa qua, Giáo phận Vinh đã tổ chức huy động kêu gọi qua mạng lưới website, và đã nhận được những sự đóng góp lớn lao bất ngờ từ khắp nơi trên thế giới. Nhờ thế mà giáo phận đã thực hiện được những công tác cứu trợ cấp thời, và còn có những kế hoạch phòng ngừa đối phó thiên tai một cách hữu hiệu trường kỳ nữa.
Một tham dự viên, Bác sĩ Lê Phương Thúy, một chuyên gia về ngành tâm bệnh, đã trình bày về hiện trạng bệnh tâm thần của giới cao niên tại Việt Nam, và những nỗ lực đóng góp cụ thể của một số rất đông các y sỹ Việt - Mỹ hiện đang công tác trên nhiều địa phương tại Việt Nam đặc biệt là tại những vùng xa xôi thiếu điều kiện của thành phố. BS Thuý, vốn là khuôn mặt hoạt động tích cực tại vùng San Jose suốt 3 thập niên qua, cũng đã trao đổi cụ thể với ĐC Hợp về dự án hợp tác và yểm trợ cho vấn đề chữa bệnh tâm thần cho người dân, không phân biệt tôn giáo, tại vùng giáo phận Vinh nói chung, và nhiều địa điểm khác trên toàn cõi Việt Nam.
Đại đa số tham dự viên là những nhà xã hội học, chuyên viên y tế cộng đồng, v.v.., đã thay phiên nhau đóng góp qua các câu hỏi, đề nghị, hay thao thức của mình. Có hai luật sư là Đỗ Văn Quang Minh và LS Nguyễn Tâm cũng tham gia với những câu hỏi và đề nghị rất cụ thể với Đức Cha Phaolô, và ngài đã đáp lại bằng câu hỏi bất ngờ rằng ngài chỉ trình bày về hiện trạng của giáo phận Vinh nói riêng và quê hương nói chung, còn việc quyết định đóng góp hay không, đóng góp cái gì, và theo phương thức nào, là do chính quý vị hải ngoại tự suy nghĩ và quyết định. Tiếp lời, hai điều hợp viên là anh Trần Hiếu và Chu Quang Định sẽ tiếp nối bằng những liên lạc với các chuyên gia các ngành, để cụ thể hoá các đề án khả thi trung hạn và dài hạn nhằm giúp cải thiện và thay đổi cuộc sống ngưòi dân và điều kiện xã hội nói chung.
Trong phần đóng góp kết thúc, cha Phêrô Nguyễn Văn Hương đã chia sẻ những bài học và kinh nghiệm lịch sử cuả các nước Đông Âu, từ Ba Lan đến Nga Sô, đã được giải phóng khỏi chủ nghĩa CS mà không phải dùng đến súng đạn và đổ máu. Một trong những nhân tố chính yếu làm nền tảng cho những cuộc cách mạng xanh ấy, chính là vấn đề mở mang dân trí qua giáo dục, và nền văn hoá Kitô giáo, theo ý kiến của cha Hương, đã đóng góp tích cực vào việc mở mang dân trí ấy và đưa đến kết quả giải phóng huy hoàng cho hàng trăm triệu người dân Đông Âu. Đó chính là bài học quý báu cho dân tộc và đất nước Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. 
Trong chuyến công tác gần 2 tháng tại Hoa Kỳ từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8, 2011, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã đặt chân đến San Francisco và được chào đón nồng nhiệt trong một bữa tiệc thân mật vào chiều chủ nhật ngày 19-6 vừa qua do Hội Ái Hữu Địa Phận Vinh Bắc Cali (thường gọi tắt là Hội Vinh Bắc Cali) tổ chức. Ngài đã cùng cha linh hướng cố vấn Lưu Đình Dương cắt bánh mừng Ngày Hiền Phụ trong niềm hân hoan của các giáo dân và thân hữu mến mộ.
Cũng trong bữa tiệc tiếp đón nầy, Đức Cha Phaolô đã dành nhiều thì giờ tâm tình với gia đình giáo phận Vinh qua nhiều mẩu chuyện vui buồn và phần vấn đáp rất lý thú được đón nhận với nhiều tràng pháo tay tán thưởng.
Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, sinh năm 1945, tu Dòng Đa Minh tại Vũng Tàu, tốt nghiệp Cử nhân Triết học Đông Phương tại Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1971, thụ phong Linh mục tại Sài Gòn năm 1972. Du học Thụy Sĩ và tốt nghiệp Tiến sĩ Triết năm 1978, Tiến sĩ Thần học 1994, từng làm giáo sư tại Roma, và Giám đốc Học vụ của Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam. Được tấn phong Giám mục Chính tòa Giáo phận Vinh tháng 7 năm 2010.
Chuyến công tác của Đức Cha Phaolô sẽ đưa ngài đi nhiều nơi trên nước Mỹ, thăm viếng nhiều cộng đoàn dân Chúa, và gặp gỡ nhiều tâm hồn quan tâm đến quê hương, dân tộc, và Giáo Hội Mẹ. Phái đoàn sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành quả về nhiều mặt tinh thần lẫn vật chất. Nhưng có lẽ thành quả lớn nhất mà phái đoàn và Đức Cha sẽ đem về để chia  sẻ với quê hương chính là một sự cảm thông chân thành, một vòng tay ấp ám, một nhịp cầu nối lại, và nhất là một vết thương đang kéo da non hàn gắn sắp sửa lành lặn.
Lê Phong - San Jose
* Nguồn : giaophanvinh.net

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

PHỤNG VỤ »»

KT - GIÁO LÝ »»

GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT »»

SUY NIỆM »»

ĐỨC MẸ MARIA »»

CÁC THÁNH »»

GIÁO HỘI HOÀN CẦU »»

GIÁO HỘI VIỆT NAM »»

GIÁO PHẬN VINH »»

GIÁO HẠT – GIÁO XỨ »»

VĂN KIỆN TÒA THÁNH »»

VĂN THƯ GIÁO PHẬN »»

Note Đóng lại

Suy niệm Mùa Chay : BẠN MUỐN ĂN CHAY ?

TIN TỨC