THIÊN CHÚA Ở CÙNG TẤT CẢ CHÚNG TA





































Suy Niệm Lời Chúa Mỗi Ngày - Tháng 08/2011

01/08/11 THỨ HAI TUẦN 18 TN
Th. Anphong Maria Ligôri, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 14,22-36

TIN TƯỞNG NƠI CHÚA

“Cứ yên tâm. Chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,27)

Suy niệm: Cho dù có đi trên con tàu Titanic huyền thoại, hay bằng bất cứ phương tiện nào hiện đại nhất đi nữa người ta vẫn dễ dàng nhận ra sự nhỏ bé, yếu đuối của con người giữa biển cả và vũ trụ bao la. Tâm trạng đó lại càng đậm nét nơi các môn đệ khi các ông vất vả chèo chống trên chiếc thuyền thô sơ của các ngư phủ thời đó, giữa đêm đen, sóng to gió lớn, lại thêm nhìn thấy bóng Chúa ẩn hiện đi trên mặt nước tiến về phía họ. Trong hoàn cảnh như thế, chả trách gì những người “yếu bóng vía” như các môn đệ hoảng sợ tưởng mình thấy ma! Chính trong cơn quẫn bách như thế, Lời Chúa cất lên: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Và các môn đệ lấy lại được niềm tin và sự bình an.

Mời Bạn: Sống trong cõi đời này, con người nhận ra mình thật hạn chế trước vũ trụ bao la và những quy luật của thiên nhiên luôn chi phối cuộc sống của mình như bệnh tật, già lão, chết chóc; dù có văn minh tiến bộ vượt bực, con người vẫn nhận ra mình bất lực trước những thảm hoạ như động đất, núi lửa, sóng thần… Lời Chúa hôm nay củng cố niềm tin, khích lệ, an ủi chúng ta trong những “khúc eo” của cuộc sống.

Sống Lời Chúa: Những lúc gặp sóng gió trong cuộc sống, mời bạn ngồi xuống, nhớ lại một câu Phúc Âm, và xin Chúa ban thêm đức tin cho bạn để bạn nhận ra Chúa vẫn hiện diện với bạn và nhờ đó bạn có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn và vững bước theo Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn vững tin rằng Chúa luôn hiện diện với chúng con, để chúng con luôn bình an vững bước đi trong con đường trần thế này. Amen.
 




02/08/11 THỨ BA TUẦN 18 TN
Th. Êuxêbiô Vécseli, giám mục
Mt 14,22-36

ĐỪNG SỢ

Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy,” và sợ hãi la lên. Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” (Mt 14,26-27)

Suy niệm: Ngày 27/06 vừa qua, nhà ảo thuật Steve Frayne biểu diễn một màn đi bộ trên sông Themes trước toà nhà quốc hội Anh trước sự kinh ngạc của đông đảo khán giả. Các môn đệ Chúa Giêsu hôm nào trên biển cả chứng kiến Thầy đi trên biển đến với mình thì không kinh ngạc, trái lại các ông hoảng sợ vì họ hiểu rằng đây không phải là một màn ảo thuật mà chỉ có ma quái mới có những “trò” như vậy. Đúng thế, không phải là ảo thuật, nhưng cũng chẳng phải là ma, mà là chính Chúa quyền năng và yêu thương. Ngài lên tiếng: “Chính Thầy đây, đừng sợ!” Để chứng tỏ điều đó, Ngài đã cho Phêrô đi trên mặt nước mà đến với Ngài.

Mời Bạn: Khi nhìn lên Chúa Giêsu, Phêrô có thể bước đi trên mặt nước mà đến với Ngài. Nhưng khi ông nhìn xuống, ông hoảng sợ và bắt đầu chìm. Cuộc sống của chúng ta cũng thế, lòng tin sẽ bị chao đảo nếu chúng ta chỉ bận tâm về những sự đời này, chỉ lo toan cho mình cách ích kỷ, chúng ta sẽ mất dần cảm thức về sự linh thánh, mất dần ý hướng siêu nhiên, và rồi chúng ta sẽ không còn khả năng “đi trên mặt nước” của biển đời này để đến với Chúa nữa. Ngài đã chẳng nhắc chúng ta rằng nếu chúng ta có lòng tin bằng hạt cải, chúng ta có thể chuyển núi dời non đó sao?

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, dâng lên Chúa một lời tâm sự để luôn kết hiệp với Ngài trong niềm tin yêu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn nghe được tiếng Chúa: “Thầy đây, đừng sợ”, để con có thêm sức mạnh nội tâm, hầu chiến thắng tất cả.




03/08/11 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 18 TNMt 15,21-28

NHÂN ĐỊNH THẮNG THIÊN

“Lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn thế nào sẽ được như vậy.” (Mt 15,28)

Suy niệm: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Tưởng chừng như câu nói của cụ Nguyễn Du chỉ là kinh nghiệm riêng tư, nhưng nếu đọc lại lịch sử Dân Thánh, chúng ta vẫn thấy “nhân định thắng thiên” không phải là ít: trường hợp Áp-ra-ham can thiệp cho thành Xơ-đôm chẳng hạn (x. St 18,16-33); hay khi dân Ít-ra-en trong sa mạc, mỗi lần họ phản nghịch kêu trách Thiên Chúa, khiến Ngài thịnh nộ định giáng phạt trên dân thì Mô-sê lại “cố làm cho nét mặt Đức Chúa dịu lại” (Xh 32,11); rồi tại tiệc cưới Ca-na, “giờ của Chúa” chưa đến, nhưng vì lời kêu xin của Mẹ Ma-ri-a mà giờ ấy đã thay đổi (Ga 2,1-12). Rồi trong Tin Mừng hôm nay, dù chưa tới lúc Chúa tỏ quyền năng cho dân ngoại, nhưng với lời khẩn cầu tha thiết của người đàn bà xứ Canaan, Chúa Giê-su đã thay đổi quyết định. Như thế chúng ta mới hiểu: “Cứ xin thì sẽ được, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7,7) là thế nào.

Mời Bạn: Đứng trước những vấn đề nan giải hay vượt tầm kiểm soát, chúng ta thường than thân trách phận. Tại sao chúng ta không dùng sức mạnh của lời cầu nguyện? Phải chăng vì chúng ta thiếu lòng tin?

Chia sẻ: kinh nghiệm về những lần nhờ tin mà bạn được nhậm lời.

Sống Lời Chúa: Bạn đang có một “nan đề” nào chăng? Mời bạn cầu xin Chúa một cách tha thiết và chân thành.

Cầu nguyện: Lạy Cha, nhiều lần con đã cầu xin cho được như ý con chứ không xin cho “ý Cha được thể hiện;” và đã không ít lần Cha đã chiều ý con như là phần thưởng cho kẻ có lòng tin. Xin cho con có được đức tin đủ mạnh, để dù không được như ý con, con vẫn nhận ra ý Cha và trung thành vâng theo.




04/08/11 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 18 TN
Th. Gioan Maria Vianê, linh mục
Mt 16,13-23

ĐỪNG LÀM ĐÁ CẢN LỐI

“Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18)

Suy niệm: Theo sách Xuất Hành (20,25), đá dùng xây Đền Thánh phải là đá thô, không được đẽo gọt, vì đá ấy là tác phẩm của Thiên Chúa. Còn đá đẽo gọt là tác phẩm của con người, là biểu tượng tác động của con người thay thế quyền năng Thiên Chúa. Với nhãn quan Kinh Thánh, Đức Giêsu muốn Phêrô phải là “tác phẩm” của Thiên Chúa, phải thuộc về Thiên Chúa. Nhờ thế. Tảng Đá ấy mới xứng cho việc xây dựng toà nhà Thánh của Ngài và làm nền tảng vững chắc cho Đền Thánh ấy. Nếu không, thay vì tảng đá làm nền móng, Phêrô sẽ trở thành tảng đá cản lối đi của Đấng Cứu Thế như Đức Giêsu đã từng trách ông: “Hãy lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy.”

Mời Bạn: Dù ở vai trò nào trong gia đình, giáo xứ, bạn đều có ảnh hưởng đến người chung quanh. Vậy bạn đang là người thúc đẩy những người thân trong gia đình, các tín hữu trong giáo xứ sống tình mến Chúa hay đang là trở ngại cản lối Chúa đến?

Chia sẻ: Từ vinh dự được chọn làm Tảng Đá xây nhà Hội Thánh, do đâu Phêrô lại trở thành đá cản lối đi của Đức Giêsu? Đâu là thái độ cản lối Chúa hôm nay nơi Kitô hữu?

Sống Lời Chúa: Thúc đẩy trong gia đình hưởng ứng chương trình chung của giáo xứ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, sứ mạng truyền giáo Chúa giao cho Hội Thánh đang được nhiều chứng nhân tận tuỵ thi hành. Xin cho mỗi chúng con cùng hăng say cộng tác vào việc Chúa. Xin đừng để ai trong chúng con cản lối Chúa đi vào tâm hồn người khác.




05/08/11 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 18 TN
Cung hiến thánh đường Đức Maria
Mt 16,24-28

LIỀU MẤT THÌ SẼ ĐƯỢC

“Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” (Mt 16,24-25)

Suy niệm: Nếu những hạt lúa bình thường, trong điều kiện tự nhiên, cứ nằm yên trong bao thì chỉ sau 4-5 năm là mất khả năng nảy mầm. Vì thế hồi tháng 5/2010, các nhà khoa học xôn xao lên vì thông tin về những hạt lúa tìm được tại Thành Dền trong địa tầng văn hoá có niên đại 3000 năm lại có thể nảy mầm và trổ bông. Thế nhưng sau nhiều tháng nghiên cứu, người ta đã xác định chúng là những hạt lúa hiện đại vì một lý do nào đó bị lẫn vào tầng đất cổ. Thân phận hạt lúa phải chết đi rồi mới sống lại quả là một nghịch lý nhưng qui luật ấy vẫn không bị phá vỡ. Chúa Giêsu cho biết qui luật nghịch lý ấy cũng là qui luật của đời sống thiêng liêng: phải dám liều mạng sống vì Chúa và vì Tin Mừng mới có thể đạt tới sự sống đời đời. Chính Ngài đã tiên phong thực hiện điều đó khi Ngài chịu chết trên thập giá và phục sinh để ban cho ta sự sống đời đời.

Mời Bạn: Chúa kêu gọi bạn làm kitô hữu bằng cách chết đi đối với tội lỗi và sống cuộc sống mới trong Chúa Kitô Phục Sinh. Từ bỏ lối sống hưởng thụ vật chất, ích kỷ là chấp nhận liều mạng sống mình, và sống nghèo khó, hiền lành, nhân ái theo chuẩn mực Tám Mối Phúc của Tin Mừng là bạn đạt được sự sống mới vĩnh cửu trong Chúa Kitô.

Chia sẻ niềm vui mà bạn cảm nhận được khi làm một việc hy sinh phục vụ.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc hy sinh nhỏ, để chết đi cho tội lỗi và sống cho Nước Trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban ơn cho con mạnh mẽ dám sống theo Tin Mừng để có Nước Trời làm gia nghiệp.




06/08/11 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 18 TN
Chúa Hiển Dung
Mt 17,1-9

CHÚA “QUẢNG CÁO”

Dung nhan Người chói lọi như mặt trời và trang phục Người trắng tinh như ánh sáng. (Mt 17,2)

Suy niệm: Trên các phương tiện truyền thông ngày nay tràn ngập các chương trình quảng cáo. Mà đã quảng cáo thì phải làm sao giới thiệu sản phẩm của mình cho càng nhiều người biết càng tốt và có càng nhiều tính năng trổi vượt càng hay, trong khi trong thực tế chưa chắc có thật như vậy hay không. Đã thế, nhiều mục quảng cáo lại nhằm khai thác thị hiếu của người tiêu dùng bằng những nội dung chẳng liên quan gì đến sản phẩm mình quảng cáo. Nếu xét về phương diện này, thì Chúa Giêsu không thức thời tí nào. Muốn cứu độ nhân loại mà Chúa chỉ tỏ vinh quang của Ngài ra cho ba môn đệ, và một cách âm thầm trên ngọn núi vắng, lại còn căn dặn họ “đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.” Quả thật Chúa muốn rằng dấu hiệu để nhận biết một sản phẩm “chính hiệu” Giêsu chính là một Đấng Phục Sinh vinh quang sau khi đã trải qua cái chết trên thập giá.

Mời Bạn: Sản phẩm mang dấu ấn Giêsu chính là một Đấng Kitô phải chịu đóng đinh thập giá rồi mới sống lại vinh quang. Bạn đã làm thế nào để người khác tin nhận Đấng Phục Sinh? Đừng quên Chúa đang mời gọi bạn quảng bá cho sản phẩm Giêsu theo cách đó.

Sống Lời Chúa: Tâm niệm rằng tôi chỉ khắc hoạ được hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh khi tôi nhiệt thành dấn thân hy sinh quên mình để phục vụ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con như một cỗ máy,… nhưng chưa bao giờ hành động theo gương Chúa. Lạy Chúa, xin cảm hóa con, để mỗi lời nói việc làm của con đều đem lại niềm vui, sự hài lòng cho Ngài và cho mọi người. (Hosanna)




07/08/11 CHÚA NHẬT TUẦN 19 TN – A Mt 14,22-33

CẦN NHỮNG PHÊRÔ THỜI ĐẠI

Thấy gió thổi thì Phê-rô đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với !” Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông. (Mt 14,30-31)

Suy niệm: Con thuyền thường được xem là hình ảnh tượng trưng của Giáo hội. Con thuyền bị sóng đánh trình bày hoàn cảnh gian nan của Giáo hội mọi thời. Trong cơn giông tố ấy, các Ki-tô hữu tâm huyết vừa lo âu vừa hoảng sợ, niềm tin vào Đức Giê-su bị sóng gió vùi dập, muốn tìm được người cùng hội cùng thuyền nâng đỡ ủi an nhau. Rõ ràng Chúa Giê-su vẫn kề sát bên cạnh Hội Thánh của Ngài, nhất là trong những lúc thử thách gian truân. Ngài ở đó, bàn tay của Ngài chờ sẵn, chỉ còn thiếu những Phê-rô trong con thuyền Hội Thánh đi những bước đi táo bạo đến với Chúa. Một Phê-rô trong con thuyền Hội Thánh sơ khai đã biết đưa tay về phía Chúa, sóng gió liền yên lặng; một Phan-xi-cô, một Đa-minh trong con thuyền Hội Thánh Trung Cổ đang tròng trành giữa biển vật chất đã táo bạo sống triệt để Lời Chúa và đã cứu nguy Hội Thánh. Cần biết bao những con người như thế trong con thuyền Hội Thánh địa phương, Hội Thánh tại gia.

Mời Bạn: Bạn đang ngồi than phiền với nhau về gia đình, giáo xứ mình, về Đạo của mình hay bạn đang nỗ lực cứu nguy bằng lòng tín thác và vào cuộc?

Chia sẻ: Những Phê-rô thời đại này phải làm gì cho Hội Thánh?

Sống Lời Chúa: Thử nhìn về gia đình hay giáo xứ của bạn và quyết định vào cuộc để xả thân phục vụ bằng một việc làm đúng Tin Mừng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con chỉ có một khả năng duy nhất trong lúc chới với là khẩn nài Chúa cứu giúp. Xin cho con biết tận dụng khả năng này trong suốt đời con.




08/08/11 THỨ HAI TUẦN 19 TN
Th. Đaminh, linh mục
Mt 17,22-27

ĐỂ KHỎI “LÀM CỚ” CHO NGƯỜI

Đức Giêsu liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn.” Nhưng để khỏi làm cớ cho họ sa ngã,… anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.” (Mt 17,27)

Suy niệm: Nộp thuế cho đền thờ là nghĩa vụ của mọi con dân Ítraen để lo việc thờ phượng Thiên Chúa. Chúa Giêsu với tư cách là Con Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa chính là Đấng mà phải được tôn thờ, Ngài có quyền khước từ nghĩa vụ nộp thuế cho đền thờ này. Tuy nhiên trong thân phận nhập thể, Chúa từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa trở nên giống hẳn người phàm (Pl 2,7), Ngài đã để lại mẫu gương quên mình để hoàn toàn sống vì người khác: Chúa vẫn nộp thuế để khỏi trở nên “cớ cho họ sa ngã,” để cứu độ tất cả loài người chúng ta.

Mời Bạn: Con người hôm nay thích chạy theo cuộc sống hưởng thụ, ích kỷ; quyền lợi thì đòi hưởng thật nhiều, bổn phận lại trốn tránh tối đa. Và để đạt được điều đó, người ta dám liều lĩnh làm tất cả, có khi bất chấp cả lương tri, công bằng và luân lý đạo đức cũng như tôn giáo. Chúa kêu gọi chúng ta sống khác: hy sinh ngay cả quyền lợi chính đáng của mình để sống cho tha nhân. Những điều có thể gây ra gương xấu, thì dù có thể làm, chúng ta cũng không làm. Còn những điều có thể giúp ích cho người khác, thì dù mình có bị thiệt thòi, chúng ta cũng sẽ làm. Sống như thế không phải vì lời khen hay tiếng chê, nhưng là sống cho tha nhân vì yêu mến họ, vì muốn cho mọi người được cứu độ.

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn hy sinh một việc làm theo sở thích để làm một việc phục vụ trong khiêm tốn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con noi gương Chúa luôn tìm biết thánh ý Chúa Cha và thành tâm thực hiện để nhiều người được hưởng ơn cứu độ.




09/08/11 THỨ BA TUẦN 19 TN
Th. Têrêxa Bênêđícta, nữ tu, tử đạo
Mt 18,1-5.10.12-14

TÂM TÌNH MỤC TỬ

“Anh em nghĩ sao? Ai có 100 con chiên mà có một con đi lạc, lại không để 99 con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó hơn là vì 99 con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.” (Mt 18,12-14)

Suy niệm: Do địa hình miền núi phức tạp, người Do thái thời Chúa Giêsu thường chăn chiên chung với nhau. Mỗi đoàn vật thường gồm của nhiều chủ gộp lại chăn chung để tiết kiệm đồng cỏ, tránh tối đa nguy cơ chiên lạc bầy và bị thú dữ ăn thịt. Vì thế, khi một con chiên đi lạc, chủ chiên sẵn sàng giao đoàn chiên của mình cho những mục tử bạn để đi tìm. Chúng ta có thể hình dung tất cả dân làng lo lắng thế nào khi những người chăn trở về lại thiếu một người đang phải lang thang ngoài núi để tìm kiếm. Và niềm vui càng lớn lao biết mấy khi thấy anh ta vác chiên trên vai trở về bình an vô sự. Chúa Giêsu thích dùng hình ảnh này để diễn tả Thiên Chúa và tình yêu của Ngài.

Mời Bạn: Bạn có “cảm” được tình yêu đến độ “vô lý” của Thiên Chúa? Một tình yêu coi một mình bạn cũng có giá trị ngang bằng một số đông (1=99). Tình yêu của Đấng Tạo Hoá vô biên dám hy sinh chính mình để cứu một thụ tạo hư vô khỏi hư mất.

Chia sẻ về một lần bạn cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho bạn cho dù bạn không xứng.

Sống Lời Chúa: Chỉ có một cách đáp lại tình yêu Thiên Chúa đó là… - bạn biết rồi - “lấy tình yêu đáp đền tình yêu”.

Cầu nguyện: Hát “Hãy lấy tình yêu đáp đền tình yêu…” hoặc “Tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình…” hoặc bài hát nào khác tương tự.




10/08/11 THỨ TƯ TUẦN 19 TN
Th. Lôrenxô, phó tế, tử đạo
Ga 12,24-26

PHỤC VỤ NHƯ THẦY

“Ai phục vụ Thầy, thì sẽ theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó.” (Ga 12,26)

Suy niệm: Người Kitô hữu được giả thiết là người muốn đi theo Đức Giêsu với trọn cả con người của mình: Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy! Phục vụ ai trước tiên là chung sống, là ở với người đó để hiểu và chia sẻ sứ mạng với người đó. Vậy, phục vụ Thầy có nghĩa là đi theo Thầy. Theo Thầy có nghĩa là tập sống yêu thương như Người. Yêu thương đến nỗi liều mất mạng sống mình là chấp nhận để cho nó rời khỏi ta để ta sẵn sàng chết. Khi ta sẵn sàng chết thì ngay lúc đó, bắt đầu sống. Như vậy, đời người theo Chúa chỉ có giá trị đích thực khi ta chấp nhận chết đi cho người ta yêu. Và trong viễn tượng ấy mà Đức Giêsu đã lên tiếng mời gọi : Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy.

Mời Bạn: Hãy xét lại tình yêu của mình, không những tình yêu đối với Chúa mà nhất là tình yêu đối với anh chị em qua cách sống của tôi đối với vợ chồng con cái bạn bè lối xóm, người nhỏ bé nghèo hèn bất hạnh chung quanh… Tôi có thờ ơ trước đau khổ của người khác? Tôi có sẵn sàng theo Chúa Giêsu và dấn thân phục vụ như Ngài không?

Chia sẻ: Anh chị em lương dân cũng làm việc từ thiện. Vậy đâu là “chất” Kitô hữu trong việc bác ái của Kitô hữu?

Sống Lời Chúa: Để bắt đầu sống cuộc sống vĩnh cửu ngay ở cõi đời này chúng ta phải tập sống mỗi ngày thân phận hạt lúa mì mục nát đi bằng những hành động xả thân phục vụ vì yêu thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến để hiến thân phục vụ, và Chúa đã phục vụ đến mức sẵn sàng hy sinh tính mạng vì chúng con, xin cho con biết dấn thân phục vụ một cách quảng đại như Chúa.




11/08/11 THỨ NĂM TUẦN 20 TN
Th. Clara, trinh nữ, tử đạo
Mt 18,21-19,1

THA THỨ ĐẾN VÔ CÙNG

Bấy giờ ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,21-22)

Suy niệm: Nếu Thiên Chúa càng tỏ rõ vinh quang và sự cao cả của Ngài khi Ngài tha thứ thì con người càng nên giống Thiên Chúa khi biết tha thứ cho nhau. Chính vì thế mà Đức Giê-su đòi hỏi phải tha đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha thứ đến vô cùng, lúc đó mới có thể nói “tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta.” Như thế, tha thứ được xem như đòi hỏi hàng đầu không phải đối với một số thành phần ưu tuyển mà là đối với mọi Ki-tô hữu.

Mời Bạn: Trong thực tế ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm rằng tha thứ như thế không phải là chuyện dễ dàng: “Tôi sẵn lòng tha thứ, nhưng tôi sẽ không thể quên sự xúc phạm người đó đã làm cho tôi, tôi sẽ không bao giờ tin tưởng người đó nữa.” Tha thứ như thế chưa phải là tha thứ thực sự, chưa phải là tha thứ như Chúa đã tha: xoá sạch cả tội lỗi lẫn hình phạt do tội gây ra và còn phục hồi cho con người địa vị và phẩm giá là người con của Thiên Chúa.

Chia sẻ: “Để có thể tha thứ, phải có một tình yêu lớn hơn nỗi đau vì bị xúc phạm”. Bạn hãy thảo luận trong nhóm bạn về kinh nghiệm này.

Sống Lời Chúa: Chiêm ngắm hành vi tha thứ của Chúa Giê-su trên thập giá để thấm nhập tinh thần của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa biết con thật khó tha thứ cho người anh em đã xúc phạm đến con. Xin giúp con biết noi gương Chúa trên thập giá thứ cho kẻ đã đóng đinh mình.




12/08/11 THỨ SÁU TUẦN 19 TN
Th. Gioanna Phanxica Săngtan, nữ tu
Mt 19,3-12

CHO Ý CHÚA NÊN TRỌN

“Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19,6)

Suy niệm: Chính Thiên Chúa thiết lập hôn nhân và đặt vào đó ý muốn của Ngài là cho cuộc trao hiến vợ chồng được thực hiện trong sự trung tín và kết hợp bất khả phân ly. Vì thế, hôn nhân không chỉ là tình yêu của hai con người, mà hơn thế, là lời mời gọi diễn tả sống động tình yêu của Chúa Ki-tô yêu thương Hội Thánh. Từ đó, một kết luận rất hiển nhiên, nếu muốn tình yêu vợ chồng qua các khó khăn vẫn tồn tại, vẫn ấm áp hạnh phúc “một xương một thịt”, vợ chồng phải làm chứng cho tình yêu: không hờn giận, không hiềm thù, trả đũa, nhưng tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả. Điều đó có nghĩa, thiếu tha thứ, thiếu lòng tốt, thiếu kính trọng lẫn nhau, nói tóm lại, thiếu đức ái, người ta sẽ đi đến ly dị, là phá sản giấc mơ từ lâu đã được ôm ấp với tất cả nhiệt tình, là giết chết tình yêu. Làm sao sống tình yêu trong hôn nhân, nếu hai người cứ mãi là hai hoặc tệ hơn, nên một theo kiểu người này tìm cách “nuốt chửng” người kia?

Mời Bạn: Nhìn thấy những thách đố trong đời sống hôn nhân hôm nay, bạn cầu điều gì trước hết cho các đôi bạn để họ sống hạnh phúc và làm chứng nhân cho tình yêu trong sống lứa đôi của họ?

Chia sẻ: Đâu là những thách thức lớn nhất của đời sống hôn nhân? Vì sao?

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho những người sống đời hôn nhân biết luôn làm mới lại “tình yêu thuở ban đầu” để có thể tha thứ, tin yêu và kính trọng nhau.

Cầu nguyện: Nguyện xin Chúa giúp con bắt đầu và lại bắt đầu, dù sự bắt đầu này một lần nữa, con phải hy sinh chính con, nhưng sẽ làm đẹp lòng Chúa.




13/08/11 THỨ BẢY TUẦN 19 TN
Th. Ponxianô, giáo hoàng và Híppôlitô, linh mục, tử đạo
Mt 19,13-15

NÊN GIỐNG TRẺ THƠ

Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Đức Giê-su nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó. (Mt 19,13-15)

Suy niệm: Trong tâm thức nhiều người, khi người lớn nói chuyện, con nít không được đến quấy rầy. Vì vậy, các môn đệ đã ngăn cản các trẻ em đến với Chúa Giê-su. Tuy nhiên, cái nhìn của Chúa Giê-su lại khác. Ngài không quan tâm đến việc các em có quấy rầy hay không, nhưng nhìn vào tâm hồn của các em, những tâm hồn đơn sơ, chưa vướng tội luỵ và Ngài đã chúc phúc cho chúng. Chúa mong muốn những người theo Ngài có được tâm hồn như chúng để đón nhận Tin Mừng, để gia nhập vào Nước Thiên Chúa. Nói cách khác, những ai không có tâm hồn đơn sơ, trong sạch thì không thể vào được Nước Trời.

Mời Bạn: Người ta hay nói “cưa sừng làm nghé” để chỉ người giả bộ ngây thơ, giả bộ không hiểu những điều đã biết. Chúa không nói chúng ta giả bộ như thế nhưng Ngài mời gọi sống chân thật với một tâm hồn đơn sơ, luôn hướng thiện và khát khao chân lý để gần Chúa hơn, và để được Chúa chúc phúc.

Chia sẻ: Làm thế nào để trở nên “trẻ nhỏ” trong khi bạn đã là người lớn tuổi?

Sống Lời Chúa: Khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu, đó là mẫu người môn đệ của Chúa Giê-su.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con có tâm hồn đơn sơ như các trẻ thơ. Xin giúp cho chúng con biết sống chân thật, hồn nhiên trước mặt Chúa và mọi người, để chúng con trở nên nhân chứng của Chúa giữa cuộc đời.




14/08/11 CHÚA NHẬT TUẦN 20 TN – AMt 15,21-28

CHỈ VÌ YÊU

Người đàn bà đáp: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống.” (Mt 15,27)

Suy niệm: Câu trả lời của người đàn bà “dân ngoại” đã làm nổi bật sự khiêm tốn thẳm sâu và lòng kiên nhẫn nơi một người mẹ đang van nài Chúa cứu chữa con mình. Sự khiêm tốn và lòng kiên nhẫn đó phát xuất từ một tình yêu mãnh liệt, bất chấp những thái độ khinh miệt, những sự dèm pha, sỉ nhục của người chung quanh. Cũng chính tình yêu đã thúc đẩy bà vượt qua được rào cản của sự ngăn cách giữa dân Chúa chọn và dân ngoại. Thật vậy, khi vì con và đến với Chúa Giêsu, bà không còn nghĩ đến bản thân mình, cũng không màng đến sự khác biệt về dân tộc hay tôn giáo mà xã hội Do Thái thời đó luôn đặt nặng. Bà đã trở nên mẫu gương cho tất cả chúng ta về lòng tin, lòng cậy và tình mến – ba nhân đức căn bản kitô giáo, mà tình yêu là nền tảng cho mọi động lực khác.

Mời Bạn: Tình yêu của người đàn bà trong câu chuyện trên là “dấu chỉ” của tình yêu Chúa đối với chúng ta. Và hơn thế nữa, tình yêu của Chúa là thế này: “Dù người mẹ có quên con đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49, 15). Hãy ngắm nhìn hình ảnh trẻ Giêsu trong máng cỏ và Chúa Giêsu trên thánh giá, bạn sẽ cảm nhận được tình yêu tuyệt vời đó.

Chia sẻ: Bạn đã có bao giờ vì tình yêu mà phải hạ mình, hay chấp nhận khó khăn, mất mát?

Sống Lời Chúa: Khiêm tốn đón nhận khi nghe lời phê bình hay chỉ trích để cầu nguyện cho những người chưa biết Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con biết sống tình yêu Chúa dạy con trong kiên trì và khiêm tốn. Amen.




15/08/11 THỨ HAI TUẦN 20 TN
Đức Mẹ Lên Trời
Lc 1,39-56

TÂM HỒN KHIÊM HẠ

“Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả.” (Lc 1,48-49)

Suy niệm: Ai cũng có cái tôi. Người ta hiểu cái tôi ở đây là cái tôi mà người khác phải nể trọng, nó phải có chỗ đứng trong cộng đoàn, phải hưởng các quyền lợi dành cho nó. Đức Mẹ cũng có một cái tôi, nhưng cái tôi của Đức Mẹ có nội dung khác bởi vì cái tôi của Đức Mẹ đã được Thiên Chúa chiếm hữu và làm cho trở nên “đầy ơn phúc.” Đó là một cái tôi tràn đầy tâm tình biết ơn và rất khiêm tốn vì Đức Mẹ nhận biết Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả, làm cho muôn thế hệ sẽ ngợi khen Mẹ diễm phúc.

Mời Bạn: Tôi nhìn tôi thế nào? Cái tôi của tôi đang lớn dần lên hay đang nhỏ đi bé lại. Tôi có chấp nhận những yếu kém những giới hạn, những sai sót của mình cách khiêm tốn và sẵn sàng sửa đổi không?

Chia sẻ: Óc cục bộ, tinh thần địa phương phe nhóm cũng làm nên những cái tôi tập thể rất nguy hiểm khiến chúng tôi đóng kín, không nhận ra sự thật, không biết hoán cải. Nhóm, gia đình, cộng đoàn chúng tôi đang có cái tôi nào?

Sống Lời Chúa: Noi gương Mẹ nhận biết và tuyên xưng Chúa là nguồn mạch mọi ơn phúc và luôn sống tâm tình tri ân cảm tạ và phó thác nơi Ngài.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con một tâm hồn khiêm hạ, tìm kiếm chỗ nhỏ bé, nhưng luôn luôn muốn bày tỏ một tình yêu lớn lao… Một tâm hồn lặng lẽ, hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình không được người khác biết đến. Một tâm hồn nghèo khó, chỉ làm giàu cho mình nhờ chiếm được chính Chúa.” (Lm. Galot, Thắp Sáng Niềm Tin, 97-98)




16/08/11 THỨ BA TUẦN 20 TN
Th. Têphanô Hungari
Mt 19,23-30

...KHÓ HƠN LẠC ĐÀ...

“Thầy nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa.” (Mt 19,24)

Suy niệm: Nền kinh tế hiện đại có môt qui luật rất kỳ lạ. Đồng tiền không được phép nằm yên trong két sắt. Chúng phải được chi ra thì mới thu lợi được nhiều hơn. Nếu người ta không đầu tư vào công trình sản xuất kinh doanh này nọ, thì cũng phải gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, mua cổ phiếu, v.v… Nếu người ta ít mua sắm thì phải “kích cầu” để tăng sức mua, hòng quay vòng vốn cho nhanh và như thế nền kinh tế mới tăng trưởng. Trong chương trình cứu độ – các nhà thần học còn gọi là “nền kinh tế cứu độ” (economy of salvation) – cũng có qui luật tương tự : phải biết “bán hết tài sản” để đầu tư “cho người nghèo” thì mới trở thành người giàu có trong Nước của Thiên Chúa. Tiếc thay, người ta dễ bị cám dỗ dừng lại ở sự giàu có trong nền kinh tế trần thế này mà không dám tiếp tục đầu tư để trở thành giàu có trong nền kinh tế Nước Trời. Người giàu có vào Nước Trời khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim là vậy.

Mời Bạn: Chớ hiểu lầm rằng chỉ khi mình có nhiều tiền của mới rơi vào tình trạng “khó hơn lạc đà” này. Ngay khi bạn không sẵn sàng cống hiến một cái gì đó thuộc về bạn (một chút thời giờ, một nụ cười, một lời an ủi cho một ai đó đang cần đến, v.v…) thì lúc đó bạn đã trở thành “trọc phú” khó vào được Nước Trời rồi.

Chia sẻ: Suy nghĩ về lời chia sẻ này: “Không ai nghèo quá đến nỗi không có gì để cho người khác.”

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm ít nhất một việc phục vụ vô vị lợi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn sẵn sàng phục vụ tha nhân dẫu có phải hy sinh chính bản thân mình.




17/08/11 THỨ TƯ TUẦN 20 TNMt 20,1-16

LÒNG TỐT CỦA THIÊN CHÚA

“Chẳng lẽ vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?” (Mt 20,15)

Suy niệm: Việc ông chủ trả lương cho người đến làm từ đầu ngày bằng với những kẻ đến làm vào “giờ thứ mười một” (năm giờ chiều) xem ra không hợp với lẽ công bằng. Nhưng ông chủ không đặt lẽ công bằng ở đây, vì khi bảo những người thất nghiệp đứng ngoài đường vào làm vườn nho cho ông là ông xử sự vì lòng tốt - để họ có của nuôi gia đình. Người tốt bụng lắm khi cũng bị ghét vì sự ghen tị của người khác như vậy. Thông thường lòng ghen tỵ xuất phát từ chỗ cảm thấy mình bị đối xử thiệt thòi hơn kẻ khác. Một người anh ghen tỵ với người em vì nghĩ rằng cha thương mình ít hơn đứa em. Còn người cha thì muốn đứa em được yêu hơn một chút vì nó sinh sau đẻ muộn. Thực ra ông muốn tốt cho cả hai mà thôi.

Mời Bạn: “Cứ yêu rồi muốn làm gì cũng được” (Thánh Augustinô). Chỉ khi bạn thành tâm muốn yêu người và cảm thấy mình được thương mến, bạn mới có thể vượt qua những suy đoán ích kỷ và xử sự cách yêu thương. Còn khi bạn cứ đòi công bằng thì bạn luôn cảm thấy mình là kẻ thiệt thòi. Do đó, luật yêu thương vượt trên luật công bằng, và yêu thương mới là đích điểm của mọi ý nghĩ, hành vi của chúng ta.

Chia sẻ: Để có công bằng cần phải có tình yêu. Và khi có tình yêu thì người ta sẽ dễ đối xử công bằng với nhau hơn.

Sống Lời Chúa: Tập xử sự với nhau như Chúa dạy là luôn làm cho kẻ thiệt thòi cảm thấy họ được thương yêu thực sự, chứ không phải được thương hại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết đoán ý tốt cho người khác, và đối xử tốt với nhau, để nhờ đó, việc làm của con trở nên lời ca ngợi Chúa, là Đấng nhân hậu, từ bi. Amen.




18/08/11 THỨ NĂM TUẦN 20 TNMt 22,1-14

MẶC LẤY CHÚA KITÔ

“Này cỗ bàn, Ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quí vị đến dự tiệc cưới !”(Mt 22,4)

Suy niệm: Ngày 29/4/2011, cả thế giới hướng về đám cưới vĩ đại của hoàng tử nước Anh William với cô Kate. Số khách được mời dự tiệc cưới lên tới gần 3000 người. Khách mời không ai muốn vắng mặt vì đây là vinh dự và niềm hãnh diện của họ. Thế nhưng tiệc cưới mà Thiên Chúa dọn sẵn cho con người, chính là hạnh phúc đời đời, lại có quá nhiều người từ chối. Có mấy người thấy được vinh dự để đến dự, thấu rõ nỗi lòng của người mời để đáp trả. Thêm vào đó, những người được mời trễ (thay thế cho những người không đến) lại không mặc y phục lễ cưới như người chủ tiệc mong muốn.

Mời Bạn: Mặc áo cưới là mặc lấy Chúa Kitô, y phục lễ cưới là sự hoán cải tâm hồn, một tâm hồn trong sạch, một tấm lòng bác ái yêu thương và một đức tin vững mạnh. Bạn có dám chắc rằng mình đã mặc áo cưới chưa? Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta: “Anh em hãy lột bỏ con người cũ cùng các việc làm của nó, và mặc lấy con người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Đấng đã tạo thành nó” (Ep 4,24). Bạn có thấy đó là việc làm cần thiết và cấp thời không?

Chia sẻ: Có khi nào bạn đã ở trong Giáo Hội, nhưng vẫn chưa mặc y phục lễ cưới không? Chẳng hạn: khi đời sống bạn vẫn khoác thứ trang phục không xứng hợp của tội lỗi, thiếu sót, với thái độ chủ quan, cố chấp.

Sống Lời Chúa: Trong tuần này, tập loại bỏ một thói quen xấu và thực hành một thói quen tốt.

Cầu nguyện: Hát bài: “Lắng nghe Lời Chúa: Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài dạy con trong đêm tối…”




19/08/11 THỨ SÁU TUẦN 20 TN
Th. Gioan Ơđơ, linh mục
Mt 22,34-40

CÁI GÌ LÀ MỚI? LÀ ĐỘC ĐÁO?

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn thứ nhất, là: ngươi phải yêu người như chính mình.” (Mt 22,37-39)

Suy niệm: Ngươi phải yêu mến, tất cả Lề luật đã tóm kết trong bốn chữ này! Vì nó quá ngắn, chúng ta hay coi thường bỏ qua! Lời kinh Shema và sách Ngũ Thư nhắc nhở dân Israen phải yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn (Đnl 6,5; 11,13) và yêu người lân cận như chính mình (Lv 19,18). Như vậy, Đức Giêsu đã chỉ tóm tắt và nhắc lại lời kinh và Lề luật Do Thái. Thế thì cái mới, cái độc đáo trong tư tưởng của Đức Giêsu hệ tại ở đâu? – Thưa, Người đã nối kết hai điều lại với nhau, chúng lệ thuộc nhau, giống nhau và tóm gồm tất cả mọi lề luật. Giữa bao vấn đề thời sự nóng bỏng của cuộc sống, Đức Giêsu đã chỉ đưa ra điều căn bản nhất và nó tương đối hoá mọi điều luật khác.

Mời Bạn: Cầu nguyện dựa trên những lời này, và hãy nhìn cuộc sống của mình dưới ánh sáng của lời đó! Bạn đã yêu Chúa và anh em bằng cả con người bạn chưa, hay chỉ mới yêu một phần cuộc sống, một phần thời giờ?

Chia sẻ: Có thể yêu Chúa mà không yêu thương người lân cận được không?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bắt đầu ngày mới với cái nhìn tích cực về một người lân cận hoặc với một cử chỉ yêu thương với một người thân quen.

Cầu nguyện: Chúa ơi, giữa bao vấn đề chính trị, xã hội, tôn giáo của thời cuộc, xin giúp con chọn ra điều căn bản nhất của tinh thần mới của Luật Chúa, để mọi sự sẽ trở nên tương đối, phụ tùy đối với con. Amen.




20/08/11 THỨ BẢY TUẦN 20 TN
Th. Bênađô, viện phụ, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 23,1-12

SỐNG DANH NGHĨA KITÔ HỮU

“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả đều là anh em với nhau.” (Mt 23,8)

Suy niệm: Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta sống tâm tình mà Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở: “Anh em phải sống làm sao để khi thiên hạ nhìn vào những việc anh em làm mà ngợi khen Cha anh em trên trời.” Và “những việc anh em làm” là gì nếu không phải là làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa, bày tỏ đức ái Kitô giáo. Vì thế, cung cách sống của người Kitô hữu trong thế giới hôm nay là chấp nhận tiêu hao mình đi, hạ mình xuống để Chúa lớn lên. Chúa Giêsu đã đi bước trước và nêu gương cho chúng ta, nhưng chúng ta đã hành động ngược lại những gì Ngài mong muốn. Việc phô trương nơi hành động và thói kiêu căng trong lòng của các Kitô hữu đã làm người khác có một cái nhìn lệch lạc về Kitô giáo.

Mời Bạn: Con người ngày nay không thích nghe lý thuyết, nhưng muốn thấy những hành động rõ ràng. Vậy chúng ta phải sống, cư xử thế nào để minh chứng cho người khác thấy rằng tình yêu của Thiên Chúa là điều có thật, thật đến nỗi họ có thể “sờ” thấy được, cũng như họ có thể nhận ra đức tin vào Thiên Chúa đang tác động và biến đổi đời ta.

Chia sẻ: Mỗi lần bạn chấp nhận thua thiệt, mất mát, đau khổ... vì sống đúng tinh thần Tin Mừng là bạn đang sống đúng với danh nghĩa Kitô hữu của mình.

Sống Lời Chúa: “Anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả là anh em với nhau.” Hãy cố gắng tiếp nối trong bạn tâm tình yêu thương của Thầy Giêsu qua lòng nhân hậu, quảng đại của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tin bằng cả con người con, tuyên xưng bằng cả đời sống. Nhờ đó, con có thể bày tỏ Chúa đang ngự trong con. Amen.




21/08/11 CHÚA NHẬT TUẦN 21 TNMt 16,13-20

CÒN CON, CON BẢO TA LÀ AI?

“Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16,13)

Suy niệm: “Đức Giêsu là vị Chúa khi đến với Ngài ta không được phép tự kiêu và trước Ngài ta hạ mình nhưng không thất vọng” (Văn hào B. Pascal). Đã và sẽ có nhiều nhận định về Đức Giêsu từ ngày Ngài thăm dò dư luận nghĩ gì về mình. Cho rằng Ngài là Gioan Tẩy Giả, Êlia hay Giêrêmia là dân chúng đã tôn Ngài lên hàng địa vị danh giá nhất của các ngôn sứ. Thế nhưng, vẫn chưa xứng tầm với Ngài. Câu trả lời của Phêrô đưa ta đi xa hơn nữa: Đức Giêsu vượt xa mọi danh xưng mà nhân loại có thể nghĩ đến. Từ cổ chí kim, chưa có người phàm nào có được danh xưng Con Thiên Chúa Hằng Sống như Ngài, bởi vì sẽ chẳng bao giờ có một người nào vừa là Thiên Chúa thật sự, vừa là con người 100% như Ngài.

Mời Bạn: Ngày hôm nay Đức Giêsu cũng đang đặt cho bạn câu hỏi quan trọng nhất trong đời bạn: “Còn con, con bảo Ta là ai?” Câu trả lời của bạn phải mang tính cá vị, không phải là công thức được gói sẵn. Mời bạn trả lời với Ngài dựa trên kinh nghiệm và tình thân thiết giữa bạn với Ngài.

Chia sẻ: Tại sao câu “Còn con, con bảo Ta là ai?” là câu hỏi quan trọng nhất, quyết định cuộc đời bạn?

Sống Lời Chúa: Chân thành trả lời câu hỏi trên đây với Chúa Giêsu và nỗ lực sống hết mình với câu trả lời.

Cầu nguyện: Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy. Còn Thầy hạ mình xuống, phục vụ chúng con như người tôi tớ, rửa chân cho chúng con như một nô lệ... Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen. (theo Rabbouni)




22/08/11 THỨ HAI TUẦN 21 TN
Đức Maria Nữ Vương
Lc 1,26-38

PHỤC VỤ NHƯ MỘT TÔI TỚ

Đức Maria nói : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa.” (Lc 1,38)

Suy niệm: “Một căn nhà không dựa trên mặt đất, nhưng dựa trên một người phụ nữ” (ngạn ngữ Ý). Muốn thực hiện công cuộc cứu độ trên mặt đất, Thiên Chúa cũng phải dựa trên sự ưng thuận và hợp tác của một người phụ nữ. Dù chưa lĩnh hội được tất cả chiều cao, rộng, sâu của công cuộc này, Đức Maria, người phụ nữ ấy, với lòng tin tưởng phó thác, đã sẵn lòng và tích cực đáp lại. Với tiếng xin vâng, ngài được đưa lên một tầng cao mới: Mẹ Thiên Chúa. Thế nhưng, danh là Mẹ Thiên Chúa cao cả, ngài lại sống như phận của một nữ tì khiêm tốn. Cũng như ngày nay, danh là Nữ Vương hoàn vũ cao sang, ngài lại hành xử như phận của một người mẹ nhân lành. Với ngài, chức danh là để phục vụ cho công cuộc của Thiên Chúa. Chính nghĩa cử âm thầm phục vụ mới tạo nên sự cao trọng đích thật.

Mời Bạn: Thiên Chúa không lầm khi đặt công trình cứu rỗi dựa trên một người phụ nữ như Đức Maria. Ngày hôm nay Ngài cũng không lầm khi tin tưởng giao phó sứ mạng loan báo công cuộc cứu độ cho bạn. Bạn hãy sẵn lòng đón nhận qua những công việc bạn được giao phó với tinh thần phục vụ như một người môn đệ của Chúa Kitô.

Sống Lời Chúa: Xem lại cung cách thi hành công tác, chu toàn bổn phận của mình, tôi đã làm với tinh thần khiêm tốn phục vụ chưa và tìm cách chỉnh sửa.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ Maria Nữ Vương hoàn vũ, xin cảm tạ Mẹ đã để lại cho chúng con tấm gương phục vụ với lòng khiêm tốn và yêu thương. Xin cho chúng con, dù với chức danh nào, cũng biết quyết tâm noi theo mẫu gương của Mẹ, luôn phục vụ công cuộc cứu độ với lòng yêu mến và khiêm cung. Amen.




23/08/11 THỨ BA TUẦN 21 TN
Th. Rôsa Lima, trinh nữ
Mt 23,23-26

CHÚA LÊN ÁN THÓI VỤ HÌNH THỨC

“Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín.” (Mt 23,23)

Suy niệm: Hình thức bên ngoài đi đôi với nội tâm cũng như xuất phát từ nội tâm vốn là việc đáng khích lệ. Còn làm việc này việc nọ chỉ để phô trương thì bị Chúa lên án. Thói phô trương để trục lợi lắm khi không còn là thói xấu nữa, mà trở nên cái “mốt” khiến nhiều người tấm tắc, trầm trồ khen ngợi. Người chủ trương việc này có thể đánh lừa thiên hạ, nhưng làm sao có thể qua mặt Thiên Chúa được, vì Ngài hằng thấu suốt tâm hồn con người. Người Pharisêu ngày xưa đã nghĩ ra những “chiêu độc,” như nộp thuế thập phân, để gọi là sống gương mẫu, biết kính thờ Thiên Chúa; người vụ hình thức ngày nay đề ra những chiêu độc khác (như to chức sự kiện, từ thiện…) để làm bình phong che đậy sự ham thích danh vọng của mình.

Mời Bạn: Chúng ta – những người đang coi sóc một nhóm, một cộng đoàn, một tổ chức - khi đề ra những phương thức thăng tiến cộng đoàn, đâu là động cơ thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy? Hãy trả lời với chính lương tâm mình rồi hãy phát động.

Chia sẻ: Công lý, lòng nhân có đất để phát triển, hay chỉ là bình phong cho những toan tính vụ lợi của ta?

Sống Lời Chúa: “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa làm người để khai mở Nước Thiên Chúa, đem lại ơn cứu độ cho con người. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa: thực thi công lý, thể hiện lòng nhân từ để tôn vinh Chúa và đem lại ích lợi đích thực cho anh chị em, chứ không phải để cho mình được tôn vinh! Amen.




24/08/11 THỨ TƯ TUẦN 21 TN
Th. Batôlômêô, tông đồ
Ga 1,45-51

TIẾN TRÌNH CỦA ĐỨC TIN

“Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israel!” (Ga 1,49)

Suy niệm: Phản ứng nghi ngờ của Batôlômêô, cũng gọi là Nathanaen, là thái độ của một người muốn biết rõ, biết chắc và biết dựa trên cơ sở về một người hay về một sự việc. Batôlômêô đi từ nghi ngờ: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” đến hành động lên đường tìm gặp Đấng mình được giới thiệu. Trước thiện chí đó, Đức Giêsu đã sẵn lòng cho ông thấy Ngài chính là Đấng đáp ứng niềm mong đợi, mơ ước và tìm kiếm của những tấm lòng thiện chí. Được cảm hoá, ông đã biểu lộ một niềm tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chính Thầy là con Thiên Chúa, chính Thầy là vua Israel!”

Mời Bạn: Đức tin là ân huệ Chúa ban, tuy nhiên Chúa mời gọi chúng ta cộng tác để cho đức tin của mình được lớn mạnh. Nếu bỏ ngoài tai lời giới thiệu của Philípphê, làm sao Batôlômêô có thể gặp Đức Giêsu, tuyên xưng niềm tin và trở thành môn đệ Ngài được? Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cũng được nghe bao lời giới thiệu về Đức Giêsu từ cha xứ, từ một anh chị em nào đó, hay từ sách báo, từ internet… Những lời mời gọi đó, nếu được chúng ta đón nhận bằng những thiện chí, chắc chắn Chúa sẽ hỗ trợ và ban ơn dư đầy để chúng ta tin mạnh mẽ vào Đức Giêsu.

Sống Lời Chúa: Nhiệt tâm nuôi dưỡng và phát triển đức tin bằng cách thực hiện lời mời: “Hãy đến mà xem.” Chẳng hạn: Đến gặp và ở lại với Chúa Giêsu trong giờ cám ơn sau khi rước lễ, trong Lời hằng sống của Ngài…

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đánh động tâm hồn và tăng thêm thiện chí cho chúng con, để chúng con nhận ra Chúa đang hiện diện trong cuộc đời và tin vào Chúa mạnh mẽ hơn. Amen.




25/08/11 THỨ NĂM TUẦN 21 TN
Th. Giuse Calasan, linh mục
Mt 24,42-51

AI LÀ NGƯỜI TRUNG TÍN?

“Ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân?” (Mt 24,45)

Suy niệm: “Miệng kêu lỗ nhưng lãi to” là tựa đề của một cột báo lên tiếng về thái độ thiếu công bằng và trung thực hiện nay của một công ty xăng dầu tại Việt Nam. Có bao nhiêu tập thể và cá nhân như thế? Có bao nhiêu lãnh vực như thế? Chúa Giêsu đặt vấn đề cho mọi Ki-tô hữu trong mọi cấp bậc và mọi lãnh vực: “Ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan?” Ngài cần những đầy tớ trung tín để sứ mạng loan báo Tin Mừng Ngài đã giao cho không bị gián đoạn. Ngài cần những đầy tớ khôn ngoan để trong mọi hoàn cảnh, Tin Mừng được loan bao cách trung thực. Đức Phaolô VI trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng quảng diễn ý của Chúa Giêsu trên đây vẫn thời sự đối với hôm nay: “Con người tân tiến mong nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, và nếu họ có nghe các thầy dạy là bởi vì các thầy dạy này là những chứng nhân.”

Mời Bạn: Giữa một xã hội mà sự tin cậy đang bị thách đố trầm trọng, rất cần sự hiện diện của các Ki-tô hữu tín trung và khôn ngoan, diễn tả Tin Mừng cách sống động cho thời đại. Là Ki-tô hữu, bạn đáp ứng lời kêu gọi của Chúa Giêsu hôm nay thế nào? Thay đổi điều gì trước nơi lối sống của bạn?

Chia sẻ: Tín trung là hoa quả của Chúa Thánh Thần (Gl 5,22). Làm thế nào để luyện tập nhân đức này?

Sống Lời Chúa: Ban sáng dâng lên Chúa một lời hứa và thực hiện lời hứa ấy cách trung tín.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết sống những điều con đã cam kết với Chúa trong ngày lãnh bí tích Rửa tội. Xin cho con cảm nếm niềm vui sống lời đã hứa với Chúa.




26/08/11 THỨ SÁU TUẦN 21 TNMt 25,1-13

HÃY CANH THỨC!

“Hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.” (Mt 25,13)

Suy niệm: Những ai đã từng một lần có kinh nghiệm chờ đợi thâu đêm, thì có lẽ mới cảm nhận được hết sự cần thiết và quan trọng của việc canh thức. Thật vậy, chỉ cần một phút ngủ quên hoặc một thoáng lơ đãng là cũng đủ để ta đánh mất cơ hội tiếp đón điều mình chờ đợi bấy lâu, khi điều đó xảy đến bất ngờ. Cuộc sống chúng ta hôm nay cũng là một cuộc chờ đợi thâu đêm, chờ đợi Chúa đến với mỗi người. Cuộc chờ đợi đó được ví như những cô trinh nữ chờ đón chàng rể đến giữa lúc đêm khuya, và chỉ những ai sẵn sàng dầu đèn mới được vào dự tiệc cùng chàng rể. Như thế, chính sự canh thức sẵn sàng là chìa khóa mở cho ta cánh cửa thiên quốc để ta bước vào gặp Chúa và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cùng Ngài.

Mời Bạn: Chúa vẫn đang đến với bạn và tôi, với chúng ta trong từng giây phút của cuộc sống hôm nay. Ngài đến với chúng ta qua Lời của Ngài, qua những biến cố lớn nhỏ, buồn vui, qua những người chúng ta gặp gỡ. Tất cả đều rất bất ngờ. Thế nên, bạn và tôi được mời gọi hãy luôn canh thức sẵn sàng để có thể đón gặp Chúa, vì “anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

Chia sẻ: Bạn đã thật sự làm một việc gì cụ thể trong cuộc sống hôm nay để chứng tỏ mình đang canh thức sẵn sàng chờ đón Chúa đến hay chưa?

Sống Lời Chúa: Giữ tâm hồn trong sạch để chờ đón Chúa đến qua việc thường xuyên lãnh nhận bí tích giao hòa, mỗi tháng một lần chẳng hạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến, đang đến, và sẽ đến trong cuộc đời của mỗi người chúng con. Xin cho chúng con luôn canh thức sẵn sàng để được đón Chúa và hạnh phúc với Ngài.




27/08/11 THỨ BẢY TUẦN 21 TN
Th. Mônica
Mt 25,14-30

LÀM LỢI CHO CHÚA

“Ai có sẽ được cho thêm, và sẽ dư thừa.” (Mt 25,29)

Suy niệm: Hai anh đầy tớ đầu nhờ biết làm lợi những nén bạc chủ giao nên được trọng thưởng, đó là điều dễ hiểu. Còn anh thứ ba xem ra bị bất công, vì tuy không làm lợi, nhưng anh cũng không làm hại cho chủ, lẽ ra anh ra về tay không là đủ. Thật ra, chính vì không làm lợi cho chủ mà anh bị phạt. Không làm lợi tức là làm thiệt cho chủ, mà không làm hại thì cũng là làm thiệt cho chủ. Chúa Giêsu muốn dùng dụ ngôn này để nhắc nhở con cái Chúa phải lo làm lợi những nén bạc đã nhận, để Chúa được lợi, còn ta được lộc. Những nén bạc ở đây là gì? Là khả năng, sở trường, vật chất… và trên hết là ân sủng thiêng liêng, là đức tin được ký thác cho ta từ lúc lãnh nhận bí tích thanh tẩy và trải dọc suốt cuộc đời ta.

Mời Bạn: Hãy duyệt lại xem bạn có làm sinh lợi những nén bạc Chúa giao không? Hay bạn chỉ biết ky cóp cho riêng mình? “Cho đi là nhận lãnh,” “Biết cho đi mà không tính toán,” “Cho thì có phúc hơn là nhận” là các châm ngôn giúp sinh lợi nén bạc Chúa ban.

Chia sẻ: Thánh nữ Mônica đã dùng lời cầu nguyện và những giọt nước mắt trong 18 năm, để làm lợi cho Chúa một vị thánh là Augustinô, con mình.

Sống Lời Chúa: Hôm nay, tôi sẵn sàng chia sẻ vật chất hay tinh thần với một người anh em của mình, với ý thức đang làm sinh lợi nén bạn Chúa ban.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con dâng cho Chúa không chỉ một hạt lúa nhỏ, nhưng sẵn sàng dâng cả túi lúa con đã ăn xin được, để đến lúc đêm về, con vui mừng thấy cả túi lúa đã biến thành vàng rực rỡ, thay vì chỉ một hạt vàng nhỏ bé lấp lánh trong đó. Amen. (dựa theo “Người ăn xin” của R. Tagore).




28/08/11 CHÚA NHẬT TUẦN 22 TN – AMt 16,21-27

ĐƯỢC MỜI GỌI ĐỂ TỪ BỎ

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16,24)

Suy niệm: Cuộc sống luôn đặt chúng ta trước những chọn lựa, mà lựa chọn thì phải từ bỏ. Có những điều xấu cần phải từ bỏ và cũng có những điều tốt phải từ bỏ để chọn điều tốt hơn. Chẳng hạn: người cha bỏ ngày nghỉ cuối tuần để đi làm thêm, kiếm tiền cho gia đình. Nếu từ bỏ vì yêu, chúng ta sẽ không cảm thấy bị mất mát hay thiệt thòi, nhưng trái lại, rất nhẹ nhàng và hạnh phúc. Chúa Giêsu hôm nay đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ mình theo Ngài, nghĩa là phải chọn Ngài, đặt Ngài lên trên mọi giá trị, kể cả giá trị cao nhất là cái tôi của mình. Ngài đòi ta vác thập giá theo Ngài, nghĩa là chọn con đường hẹp Ngài đã đi: con đường hẹp bỏ trời cao xuống đất thấp, của nghèo khó, đau khổ, hy sinh, từ bỏ ý riêng và chết nhục nhã trên thập giá để ý Cha được nên trọn.

Mời Bạn: Tâm điểm đời sống Kitô hữu là Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, mọi giá trị vật chất hay chính mạng sống mình cũng trở nên tương đối trước Ngài, Đấng Tuyệt Đối. Tất cả những thứ đó phải được từ bỏ khi cần để thanh thoát, nhẹ nhàng vác thánh giá theo Chúa trong tin yêu. Bạn vẫn yêu thương gia đình, bè bạn, tạo vật, nhưng dưới Chúa và trong Chúa, ngõ hầu Chúa thật sự là trung tâm điểm đời sống bạn.

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn khi dành một giờ đồng hồ để đến với thánh lễ.

Sống Lời Chúa: Dành năm phút mỗi ngày để suy niệm Lời Chúa hầu tâm hồn được bình an và hạnh phúc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con chọn Chúa mỗi ngày qua những chọn lựa của mình. Xin giúp con từ bỏ những thói hư tật xấu để nhờ ơn Chúa, con được siêu thoát theo Chúa suốt đời.




29/08/11 THỨ HAI TUẦN 22 TN
Th. Gioan Tẩy Giả bị trảm quyết
Mc 6,17-29

NGÔN SỨ LÀ VẬY ĐÓ!

“Vua Hêrôđê nể sợ ông Gioan vì biết ông là người công chính thánh thiện.” (Mc 6,20)

Suy niệm: Trong thân phận một ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả kết thúc cuộc đời với bản án tức tưởi: chết do lời hứa danh dự hão của một ông vua mê đắm quyền lực và tửu sắc, do sự “thù vặt” của một phụ nữ. Thật đau thương! Tại sao người công chính lại trả giá đắt như vậy? Thưa, bởi vì ông là ngôn sứ của Thiên Chúa. Một ngôn sứ luôn phải chỉ ra những bất công, sai lầm của thời đại, kể cả của những thế lực vua chúa quan quyền. Vì thế, cái chết bất công là điều không tránh khỏi. Ông là hình ảnh báo trước Đức Giêsu, Đấng đến sai ông, Đấng cũng bị nộp, bị giết chết cách bất công. Ơn gọi làm ngôn sứ là vậy đó: chúng ta có thể bị thua thiệt trước mặt người đời, nhưng được vinh dự lớn lao là được trở giống như Đức Giêsu, Thầy của mình.

Mời Bạn: Nhiều người hôm nay chống lại luật hôn nhân một vợ một chồng, sự chung thủy trọn đời mà Giáo hội vâng lời Chúa truyền dạy. Người ta có thể tức tối Giáo hội giống như bà Hêrôđia ghét Gioan, vì Giáo Hội đang trung thành sống vai trò ngôn sứ của mình. Bạn và tôi hãy xây dựng Giáo Hội bằng cách dám sống ơn gọi làm ngôn sứ giữa đời.

Sống Lời Chúa: Ngôn sứ là người dám sống theo Lời Chúa, dù Lời này trái ngược với dòng đời. Xét mình để nhận ra tôi đang sống theo sự hướng dẫn của Lời Chúa hay theo những châm ngôn “khôn lỏi” của thế gian.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều lúc con muốn sống theo sự “khôn lỏi” của lời người đời, để được yên thân. Xin cho Lời Chúa thấm nhập vào cung cách sống của con, để dù chịu thiệt thòi, con vẫn tin rằng chỉ có Lời Chúa mới ban cho con sự sống đời đời. Amen.




30/08/11 THỨ BA TUẦN 22 TNLc 4,31-37

LÀ ÂM VANG CỦA TIN MỪNG

Mọi người kinh ngạc nói với nhau: “Lời ấy lạ lùng thật ! Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho quỷ và quỷ phải xuất.” Và tiếng đồn về Đức Giêsu lan ra khắp nơi trong vùng. (Lc 4,36)

Suy niệm: Một linh mục kể câu chuyện thú vị như sau: “Mới hôm nào ở chợ Bến Thành Sài Gòn, có một người phong xin ăn. Anh này dữ lắm, không vừa ý ai là anh cắn. Riết rồi ai cũng sợ và không dám đến gần anh. Cuối cùng, cảnh sát báo trạm Da liễu. Được tin ấy, dì đến tận nơi và nhận ra đó là một người bệnh bỏ trại. Dì đến nắm tay anh nói: “Trời ơi, sao anh lại ở đây? Lên xe rồi về với dì!” Anh ngoan ngoãn như một chú chiên con. Mọi người thấy vậy hỏi nhau: “Bà này là ai vậy?” Bà ấy chính là nữ tu Maria Regina Phạm Thị Ngọc Loan (+21.7.1993) mà các bệnh nhân phong thân thương gọi là Dì Hai Bến Sắn". Ngày xưa người ta cũng đã kinh ngạc về Đức Giêsu: “Ông này là ai vậy?” Người đương thời ngạc nhiên về Lời nói đầy uy quyền của Đức Giêsu, về chính Ngài, Đấng là Tin Mừng, cũng như người ta ngạc nhiên về chị Maria Ngọc Loan, âm vang của Tin Mừng.

Mời Bạn: Cũng hãy có thái độ kinh ngạc về Lời nói đầy uy quyền, đầy sức mạnh của Đức Giêsu. Bạn hãy để Lời Ngài biến đổi đời bạn, khiến người lân cận cũng ngạc nhiên về lối sống của bạn, lối sống âm vang của Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Để là âm vang của Tin Mừng, tôi sẽ tập sống hiền hoà và nhiệt thành trong việc phục vụ anh em.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con thích thú trước uy quyền của Lời Chúa. Xin cho chúng con không chỉ khâm phục, nhưng còn biết hành động, cư xử, suy nghĩ theo những giá trị Tin Mừng mà Chúa dạy, để rồi chúng con trở thành âm vang của Tin Mừng ấy.




31/08/11 THỨ TƯ TUẦN 22 TN
Lc 4,38-44

TRÁI TIM RỘNG MỞ

Đức Giêsu rời hội đường... họ xin Người chữa cho mẹ vợ ông Phêrô…tức khắc bà chỗi dậy phục vụ các ngài. (Lc 4,38-39)

Suy niệm: “Kitô giáo không bàn về ý tưởng, nhưng bàn về hành động được gợi hứng do tình thương” (Chân phước Ozanam). Sau khi rao giảng, Đức Giêsu rời hội đường, đi vào nhà ông Phêrô để tìm chút nghỉ ngơi, yên tịnh. Thế nhưng, khi nghe thấy tiếng kêu van nài của con người, Ngài đáp trả không chút đắn đo hay do dự. Với Ngài, nhu cầu cấp thiết của đồng loại không bao giờ là sự quấy rầy. Với Ngài, tình thương dành cho tha nhân phải được ưu tiên hàng đầu, trên cả thói quen hay sức khỏe của mình. Bà mẹ vợ của Phêrô cũng đáp trả không kém nhiệt tình: ngay sau khi được chữa lành, bà liền lo cơm nước phục vụ các ngài và gia đình. Bà hiểu rằng mình được phục hồi sức khỏe quý hơn vàng là để dùng sức khỏe ấy phục vụ những người thân cận.

Mời Bạn: “Được cứu để phục vụ” cũng phải là châm ngôn sống của bạn. Nhìn lại đời mình, bạn có thể nhận ra bao ân huệ Chúa ban: sức khỏe quý giá, khả năng quý báu, tư cách quý trọng... mời bạn tạ ơn Chúa bằng thái độ cụ thể là sử dụng chúng để phục vụ người chung quanh, noi gương mẹ vợ ông Phêrô.

Chia sẻ: Có bao giờ tôi coi việc đáp ứng nhu cầu cấp bách của người khác là sự quấy rầy phiền hà cho mình không?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thay đổi cách sử dụng những ân huệ Chúa ban: bớt chăm chút lo cho mình, để mở rộng quả tim chăm sóc những người lân cận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi theo mẫu gương nhạy bén, sẵn sàng phục vụ của Chúa. Xin cho chúng con không bao giờ cảm thấy bị quấy rầy trước những nhu cầu cấp bách của người chung quanh. Amen.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

PHỤNG VỤ »»

KT - GIÁO LÝ »»

GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT »»

SUY NIỆM »»

ĐỨC MẸ MARIA »»

CÁC THÁNH »»

GIÁO HỘI HOÀN CẦU »»

GIÁO HỘI VIỆT NAM »»

GIÁO PHẬN VINH »»

GIÁO HẠT – GIÁO XỨ »»

VĂN KIỆN TÒA THÁNH »»

VĂN THƯ GIÁO PHẬN »»

Note Đóng lại

Suy niệm Mùa Chay : BẠN MUỐN ĂN CHAY ?

TIN TỨC