01/01/11 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN BÁT NHẬT GS
Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa
Lc 2,16-21
NIỀM VUI CỦA SỰ SỐNG
Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. (Lc 2,19)
Suy niệm: Nhiều người thời nay lo âu và thậm chí lo sợ khi một trẻ sơ sinh chào đời: Liệu sự xuất hiện của sinh linh bé bỏng đó có đe doạ sự phồn vinh của họ trong một thế giới đang trở nên chật chội đông đúc, không đủ sức nuôi sức chứa này? Nhưng đối với nhiều người khác, sự ra đời của một em bé không chỉ xua tan đi mọi nỗi lo âu, mà còn là niềm vui của sự sống, là nguồn bình an hạnh phúc cho mọi người trong nhà. Bé Giêsu mà Mẹ Maria chiêm ngắm trong vòng tay của mình chính là niềm vui và nguồn bình an hạnh phúc cho cả nhân loại. Hơn ai hết, Mẹ vui mừng vì em bé Giêsu ra đời không chỉ như mọi em bé sơ sinh khác, chỉ tăng thêm một sự sống của nhân loại, Hài Nhi này còn là Đấng Cứu Độ, sẽ tặng cho loài người sự sống của Thiên Chúa. Mẹ là người đầu tiên cảm nghiệm được mầu nhiệm lạ lùng này của sự sống trong biến cố Giáng sinh và Mẹ đã “ghi nhớ tất cả và hằng suy đi nghĩ lại trong lòng” về những việc lạ lùng mà Chúa đã thực hiện nơi Mẹ.
Mời Bạn: Đứng trước hang đá máng cỏ trong những ngày này, hợp chung tâm tình với Mẹ Maria, chúng ta hãy cùng chiêm ngắm hài nhi Giêsu để thấy được biết bao kỳ công mà Thiên Chúa đã làm vì yêu thương con người, để ban tặng Con Một Ngài cho chúng ta, để trao ban sự sống đời đời cho con người chúng ta.
Sống Lời Chúa: Dành ít phút thinh lặng bên hang đá để suy gẫm về những việc lạ lùng mà Chúa đã làm khi cho Con Một Ngài xuống thế làm người.
Cầu nguyện: Lạy Đấng Emmanuel, là Thiên Chúa ở cùng chúng con, xin thương xót chúng con. Amen.
02/01/11 CHÚA NHẬT HIỂN LINH – A
Mt 2,1-12
Mt 2,1-12
ÁNH SAO DẪN ĐƯỜNG
Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (Mt 2,10-11)
Suy niệm: Nhiều nhà nghiên cứu đã dựa vào khoa thiên văn để chứng minh câu chuyện về ba nhà hiền sĩ và ngôi sao lạ là có nền tảng lịch sử. Dù câu trả lời là thế nào đi nữa thì sứ điệp của câu chuyện trong Phúc Âm Mátthêu vẫn rõ ràng. Ba nhà hiền sĩ Phương Đông hiểu ý nghĩa của ánh sao là dấu chỉ dẫn đường cho họ đến triều bái Đức Vua dân Do-thái mới sinh. Lễ vật họ dâng tiến Hài Nhi Giêsu thật đẹp, đó là vàng, nhũ hương và mộc dược, biểu trưng cho vương quyền của Chúa được nhìn nhận không chỉ hạn hẹp trong biên giới Do Thái mà phổ quát cho hết mọi dân trên toàn thế giới. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ tiếp tục là “ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14) để được sai đi đem ánh sáng Chúa đến muôn dân: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).
Mời Bạn: Cũng như các hiền sĩ ngày xưa đến dâng Chúa lễ vật: thay cho vàng chúng ta dâng lòng tin kính, thay cho hương chúng ta dâng lời tôn vinh, thay mộc dược chúng ta dâng trót tâm tình. Chúng ta nguyện ước được cộng tác với Chúa trong từng công việc nhỏ bé tầm thường để chiếu tỏa ánh sáng của Chúa cho mọi người xung quanh, hầu làm sáng danh Chúa.
Sống Lời Chúa: Tâm niệm: Là con cái ánh sáng, tôi được kêu gọi chiếu toả các giá trị Tin Mừng qua đời sống của tôi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết chiếu toả ánh sáng của Chúa để mọi người nhìn thấy những việc tốt đẹp chúng con làm mà ngợi khen Chúa.
03/01/11 THỨ HAI SAU LỄ HIỂN LINH
Danh Thánh Chúa Giêsu
Danh Thánh Chúa Giêsu
Mt 4,12-17.23-25
SÁM HỐI VÀ NƯỚC TRỜI
“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mc 4,17)
Suy niệm: Khởi đầu hoạt động công khai, lời đầu tiên Chúa Giê-su rao giảng là kêu gọi lòng sám hối. Những lời khai mào này đã định hướng hoạt động và nói lên trọng tâm sứ mạng của Đấng Cứu Thế:“Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Trên thập giá Ngài vẫn chưa thôi sứ mạng rao giảng sám hối: Ngài hứa ban Nước Trời cho một người trộm cướp là có lòng sám hối: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” Trong suốt thời gian hoạt động công khai, không ít lần Chúa Giê-su nhắc đến sứ mạng của Ngài là kêu gọi lòng sám hối: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, ma để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17); “Trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”(Lc 15,7). Rõ ràng Đấng Cứu Thế đến trần gian là để “cứu cái gì đã hư mất” (Mt 18,11).
Mời Bạn: Lòng sám hối là điều kiện thiết yếu để được vào Nước Trời: “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Nước Trời đến mà ta chưa sám hối thì ta vẫn lảng vảng ở ngoài. Sám hối là dẹp đi những bất xứng, quay đầu trở lại để có thể đón nhận Nước Trời.
Chia sẻ: Đâu là trở ngại khiến chúng ta chưa chịu sám hối?
Sống Lời Chúa: Xét mình để khám phá những lệch lạc trong lời nói và việc làm của mình mà lâu ngày đã trở thánh thói quen, để điều chỉnh cuộc sống trung thành với giáo huấn của Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều khi con chưa sám hối vì con nghĩ mình đã làm đúng mọi sự. Xin dùng Lời Chúa soi sáng, hầu dẫn con về với nẻo chính đường ngay. Amen.
04/01/11 THỨ BA SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,34-44
Mc 6,34-44
THẤY VÀ CHẠNH LÒNG THƯƠNG
Ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương. (Mc 6,34)
Suy niệm: Các nhà tuyển dụng ngày nay không còn coi chỉ số thông minh IQ như tiêu chí tối cao để tuyển chọn nhân sự. Ngày nay cán cân đang nghiêng về phía chỉ số cảm xúc EQ (emotional quotient): khả năng cảm nghiệm nhạy bén những vấn đề nhân sinh trong mối tương quan nhân loại là tiêu chí căn bản để xác định một nhân cách phát triển. Qua phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu trước khi tỏ hiện quyền năng mình là Con Thiên Chúa, Ngài đã chứng tỏ mình là một con người hoàn hảo với một nhân cách sung mãn. Thật vậy, ai cũng có thể nhìn thấy đám đông nhưng mấy ai nhận thấy nỗi khốn cùng của họ? Hoặc giả cũng có người nhận thấy nhưng lại đành lòng ngoảnh mặt làm ngơ. Chúa Giêsu đã nhận thấy, và chạnh lòng thương; và còn hơn thế, Ngài mời gọi các môn đệ đồng cảm và cộng tác với Ngài để cất đi nỗi khốn cùng của đoàn dân “bơ vơ như chiên không người chăn dắt” đó.
Mời Bạn: Trước nỗi khốn cùng mà người khác đang gánh chịu, có lẽ bạn cũng chép miệng than “tội nghiệp”, nhưng bạn có ra tay làm một cái gì đó, dù nhỏ bé, để chia sẻ, để làm vơi đi nỗi đau của người anh chị em đó không? Bạn ơi, bạn hãy tin rằng nếu bạn mặc lấy tấm lòng chạnh thương như Chúa và sẵn lòng đem ra chia sẻ, dù chỉ có “năm chiếc bánh và hai con cá” nhỏ nhoi thôi, Chúa sẽ làm phần còn lại để giải gỡ những khổ đau khốn cùng đang đầy dẫy trong nhân loại ngày hôm nay.
Sống Lời Chúa: Chia sẻ ngay, và bằng cách cụ thể, với một gia đình đang lâm cảnh khó khăn mà bạn biết.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
05/01/11 THỨ TƯ ĐẦU THÁNG SAU LỄ HIỂN LINH
Mc 6,45-52
Mc 6,45-52
CUỘC ĐỜI CÓ CHÚA
“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6,50)
Suy niệm: Chúa bắt các môn đệ vượt biển trong cơn gió ngược. Vắng Thầy, các ông chèo chống vất vả. Những khó khăn trong cuộc đời đôi khi quá căng thẳng, nặng nề khiến người ta trở nên chai cứng, khép kín trong cô độc, thất vọng, không còn sẵn sàng mở lòng đón nhận những tia sáng hy vọng đến từ tha nhân. Tâm trạng đó đè nặng nơi các môn đệ khiến các ông sợ hãi đến độ không nhận ra Chúa khi Ngài đến với họ. Họ chỉ được bình an khi nhận ra tiếng Chúa: “Thầy đây, đừng sợ.”
Mời Bạn: Sứ điệp của Đại Hội Dân Chúa vừa qua báo động cơn bão tố của “nền văn hoá sự chết” đang làm chao đảo bao tâm hồn: “Nạn phá thai, ly dị, ma túy, mãi dâm, sự gia tăng cách biệt giầu nghèo, tình trạng bất công, bóc lột, tham nhũng, tàn phá môi sinh… tất cả đang có chiều hướng gia tăng và là những dấu hiệu cụ thể của “nền văn hóa sự chết.” Không phủ nhận rằng chúng ta cũng hoảng sợ. Nguyên nhân của thảm trạng này là vì chúng ta đã không để Chúa hiện diện trong cuộc đời. Để Chúa hiện diện trong cuộc đời sứ điệp mời gọi chúng ta “cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể” để chúng ta có thể sống các giá trị Tin Mừng, là “men của tự do và tiến bộ, nguồn của tình huynh đệ, của khoan dung và hòa bình” nhờ đó “kiến tạo nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương” trên đất nước này.
Chia sẻ: Bạn đã đọc sứ điệp của ĐHDC chưa? Mời bạn đọc và thảo luận để cùng nhau bắt tay vào thực hiện.
Sống Lời Chúa: Chọn một giá trị Tin Mừng (trung thực, hiền lành…) để thực hiện bằng hành động cụ thể.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Năm Thánh.
06/01/11 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG SAU LỄ HIỂN LINH
Bế mạc Năm Thánh tại La Vang
Lc 4,14-22a
Bế mạc Năm Thánh tại La Vang
Lc 4,14-22a
HIỆU QUẢ NĂM THÁNH
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh thánh tai quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra. (Lc 4,21-22)
Suy niệm: 408, đó là số ngày Giáo Hội Việt
Mời Bạn: Bạn đã được khuyến khích, đã tham dự và đã lãnh nhận nhiều ơn thánh trong Năm Thánh. Vậy Bạn thấy mình đã thay đổi được gì, và sẽ cố gắng làm gì để sinh hoa kết trái từ hồng ân của Năm Hồng Ân vừa chấm dứt ?
Chia sẻ cảm nghiệm về việc sống Năm Thánh, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, để giúp nhau thăng tiến đời sống đạo.
Sống Lời Chúa: Đọc lại sứ điệp Đại Hội Dân Chúa, chọn điểm đánh động bạn nhất và chọn hướng sống cụ thể để thực hiện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho giáo hội Việt
07/01/11 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG SAU LỄ HIỂN LINH
Th. Râymunđô Pênhapho, linh mục
Lc 5,12-16
Th. Râymunđô Pênhapho, linh mục
Lc 5,12-16
VÀO NƠI THANH VẮNG VỚI CHÚA
Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện. (Lc 5,15-16)
Suy niệm: Chúa ơi, giữa lúc người ta cần Chúa, tuốn đến với Chúa, mà sao Chúa lại lui vào nơi thanh vắng? Dân chúng đâu chỉ có ý lợi dụng Chúa để được chữa bệnh, họ còn muốn nghe Chúa giảng Tin Mừng cho họ nữa mà! Chúa muốn cho anh cùi được khỏi, và thực sự Chúa đã chữa lành cho anh ta. Chúa đã từng xúc động chạnh lòng thương dân vì họ bơ vơ như chiên không người chăn; thế mà bây giờ Chúa bỏ họ để lui vào nơi thanh vắng mà cầu nguyện. Việc cầu nguyện đối với Chúa cần thiết đến thế sao?
Phải rồi, lạy Chúa, giữa cầu nguyện và hành động không phải là việc chọn một trong hai: hễ hành động thì không thể cầu nguyện hoặc ngược lại bỏ hành động để đi cầu nguyện. Trái lại, cầu nguyện đối với Chúa là nguồn mạch của mọi hành động. Chúa cầu nguyện để kết hiệp thân mật với Chúa Cha, để lĩnh ý Chúa Cha. Chúa hành động là làm theo ý Chúa Cha, ý mà Chúa nhận biết trong bầu khí cầu nguyện sốt sắng. Vì thế trước khi hành động, Chúa cầu nguyện. Và sau khi hành động, Chúa cũng lại lui vào nơi thanh vắng và cầu nguyện.
Mời Bạn: hẳn là nhiều lần bạn không thể cầu nguyện vì bận rộn quá hoặc vì trong lòng còn ngổn ngang trăm mối lo toan. Có khi bạn không thể cầu nguyện vì sự hờn giận làm lòng bạn bất an hoặc vì mặc cảm tội lỗi khiến bạn u uất. Bạn ơi, chính những lúc đó bạn lại cần đến Chúa nhiều hơn cả. Chúa đi vào nơi thanh vắng để cầu nguyện. Bạn cũng đi vào nơi thanh vắng với Chúa để cầu nguyện với Chúa, bạn nhé.
Sống Lời Chúa: Trong một ngày sống, bạn nhớ tìm một “nơi” thanh vắng trong tâm hồn để tâm sự với Chúa.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
08/01/11 THỨ BẢY SAU LỄ HIỂN LINH
Ga 3,22-30
Ga 3,22-30
“KHÔNG PHẢI LÀ ĐẤNG KITÔ”
Ông Gioan trả lời: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban. Chính anh em làm chứng cho thầy là thầy đã nói: ‘Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Ngài’.” (Ga 3,27-28)
Suy niệm: “Tôi đây không phải là Đấng Kitô.” Đó là tâm tình của Thánh Gioan Tẩy Giả mà Giáo Hội muốn gởi đến chúng ta hôm nay. Chúa đã khởi sự sứ mệnh tông đồ bằng việc đến xin Gioan làm phép rửa cho mình. Từ vị thế một người vô danh từ trong đám đông, Chúa đã từ từ thu nhận môn đệ, và cuối cùng trở thành một bậc thầy, hơn cả Gioan. Ảnh hưởng của Chúa càng lớn thì vai trò của Gioan càng mờ nhạt. Gioan không ghen tức và buồn phiền vì Chúa thành công, nhưng đã vui mừng vì đã đóng trọn “vai phụ” của mình. Hơn thế nữa, Gioan đã khơi dậy niềm vui và qui hướng mọi người về với Chúa.
Mời Bạn: Hôm nay, ta cũng cần tiếp tục vai trò của Gioan Tẩy Giả: Chúa phải lớn lên, còn con phải nhỏ lại; “nhỏ lại” trong muôn vàn khuynh hướng xấu đang lôi kéo ta vào vòng tội lỗi; “nhỏ lại” trong sự tham lam ích kỷ của mình, để người khác được lớn lên bằng tấm lòng quảng đại của ta; “nhỏ lại” trong hận thù, ghen ghét, để tha nhân được lớn lên bằng sự cảm thông và tha thứ.
Chia sẻ: Trong đoàn thể, cộng đoàn của bạn, bạn đã có những động thái nào để “cái tôi” của bạn “phình” lên khiến Đức Kitô bị lu mờ, bị che khuất?
Sống Lời Chúa: Tìm một dịp, làm một việc để quan tâm, chia sẻ với một người, một gia đình ở gần bạn mà lâu nay bạn thấy “khó thương.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin ánh sánh Lời Chúa soi dẫn để con biết khám phá những nét đẹp nơi người khác và sống như Chúa muốn. Amen.
09/01/11 CHÚA NHẬT 1 TN – A
Chúa Giêsu chịu phép rửa
Chúa Giêsu chịu phép rửa
Mt 3,13-17
KITÔ HỮU ĐƯỢC XỨC DẦU VỚI CHÚA KITÔ
Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3,16-17)
Suy niệm: Kitô, hay Mêsia (tiếng Hípri), nghĩa là Đấng Được Xức Dầu, là danh xưng riêng của Đức Giêsu. Thánh Phêrô quả quyết Ngài đã được xức dầu trong Chúa Thánh Thần sau khi chịu phép rửa của Gioan (Cv 10,38). Như thế Chúa Giêsu được Chúa Cha tấn phong với ba chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế. Gioan Tẩy giả là “thừa tác viên” làm phép rửa cho Chúa Giêsu bằng nước, nhưng chính Ngài lại được “xức dầu” thánh hiến bởi Thánh Thần. Giống như trong cuộc sáng tạo, Thiên Chúa hài lòng vì thấy mọi sự “thật tốt đẹp,” giờ đây Chúa Cha cũng xác nhận: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” khi Đức Giêsu chịu phép rửa-xức dầu để thực hiện cuộc sáng tạo mới: chương trình cứu chuộc của Chúa Cha.
Mời Bạn: Bạn cũng mang tên là kitô hữu đấy, khi bạn được xức dầu trong bí tích Rửa tội và bí tích Thêm sức, để bạn nên giống Chúa Kitô. Sứ mạng cứu thế đã được Chúa Kitô hoàn thành trên thập giá. Phần còn lại là của chúng ta. Mời bạn nhìn ngắm việc Chúa đã làm và bắt tay tiếp nối sứ mạng Ngài để lại: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
Sống Lời Chúa: Thực hiện chức ngôn sứ của kitô hữu bằng việc nêu gương sáng trước khi bằng lời nói về Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hãy sai con đi loan báo Tin Mừng bình an của Chúa.
10/01/11 THỨ HAI TUẦN 1 TN
Mc 1,14-20
Mc 1,14-20
SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG
“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1,15)
Suy niệm: Sám hối vốn là đòi hỏi của thiết yếu Tin Mừng. Cần thiết như vậy, nên cả cuộc đời rao giảng của Gioan Tẩy giả đều xoay quanh hai từ “sám hối.” Thiết yếu như vậy nên lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu cũng là: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sám hối đòi hỏi một tấm lòng thành thật để nhìn lại chính mình, đồng thời lòng dũng cảm và quả quyết quay để đầu trở lại. Lòng thành sám hối phải thể hiện bằng việc làm cụ thể, và điểm đến của lòng sám hối là “tin vào Tin Mừng.”
Mời Bạn: Cảm nghiệm thân phận tội lỗi, Charles Péguy cầu nguyện: “Lạy Chúa, Ngài đã nhào nặn con người từ bùn đất, xin đừng ngạc nhiên khi thấy con người dính bụi đời, vương mùi tục lụy.” Nhờ vào Lời Chúa hướng dẫn, chúng ta nhận ra được tội lỗi của mình, và nhờ ơn Chúa trợ giúp, chúng ta nỗ lực sửa đổi đời sống nên công chính, thánh thiện hơn. Hãy chăm chú nhìn vào ngọn đèn là Đức Kitô để chiến đấu và chiến thắng với chiếc áo tinh tuyền của ngày rửa tội. Phương thuốc giúp đạt được điều đó chính là Bí tích Hoà giải, kho tàng chứa đựng ơn tha thứ, không có giới hạn: mọi tội lỗi đều được tha nếu chúng ta thực lòng ăn năn, sám hối.
Chia sẻ: Kinh nghiệm một lần lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải sau khi thực lòng sám hối, thực tâm chừa cải và quyết chí quay trở về với Chúa.
Sống Lời Chúa: Những dịp sám hối cộng đồng đông người, Bí tích Hoà giải có khi được cử hành cách ngắn gọn, lòng sám hối có khi chưa đủ “thấm”. Mời bạn tìm dịp ít người để xưng tội nhờ đó có thể sám hối cách sâu xa hơn.
Cầu nguyện: Đọc kinh Ăn
11/01/11 THỨ BA TUẦN 1 TN
Mc 1,21-28
Mc 1,21-28
TÂM NGÔN BẤT NHẤT
“Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (Mc 1,24)
Suy niệm: Trong đám cử tọa ở hội đường Do Thái hôm ấy, có một người biết rõ Chúa Giêsu là ai. Anh ta biết rõ Ngài là người có uy quyền và ảnh hưởng: “Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” Thế nhưng, anh hành động dưới sự khống chế của ma quỉ: anh “bị thần ô uế nhập.” Chúa Giêsu đã bảo anh ấy câm đi, không phải vì lời anh ta nói có gì sai lạc, mà bởi vì những lời ấy không đi đôi với tâm tình cần phải có. Anh nói trong tư thế bài xích, đối đầu, đoạn tuyệt với Chúa: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” Ngài trục xuất thần ô uế ra khỏi anh để phục hồi anh trở lại con người có cái tâm xứng hợp; để lời nói của anh: “Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa” thực sự là lời tuyên xưng đức tin và tôn vinh Thiên Chúa.
Mời Bạn: Ngày hôm nay vẫn còn có nhiều người mở miệng cao rao Thiên Chúa thánh thiện, mà lại là kẻ bài xích Người, hoặc ca bài “Thánh Thánh Thánh” mà lại chẳng thần phục suy tôn Người. Bạn không thể tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Thánh thiện với tất cả lòng tin kính suy tôn, nếu như lòng mình chưa dứt khoát đoạn tuyệt với những thoả hiệp với ma quỉ.
Sống Lời Chúa: Đến với bí tích Giao Hòa để tìm lại được sự tự do của con cái Thiên Chúa. Đến với Chúa trong bí tích Thánh Thể để thêm sức mạnh chiến thắng ma quỷ và tội lỗi.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, càng văn minh, ma quỷ lại càng núp dưới những bộ mặt mới lạ hấp dẫn, con người dễ bị ma quỷ chế ngự. Xin cho con biết tiếp tay với Chúa để đẩy lùi ảnh hưởng của ma quỷ ra khỏi thể giới hôm nay. Amen.
12/01/11 THỨ TƯ TUẦN 1 TN
Mc 1,29-39
Mc 1,29-39
LÀNG MẠC CHUNG QUANH
“Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi, cốt để làm việc đó.” (Mc 1,38)
Suy niệm: Lên đường “đến các làng mạc chung quanh” không phải là sáng kiến của các nhà truyền giáo sau này, nhưng là tôn chỉ hoạt động của chính Chúa Giêsu. Không biết từ bao giờ, cái khung giáo xứ nhiều lúc trở thành chướng ngại vật trên con đường giao lưu giữa chúng ta với anh em lương dân. Tháo gỡ chướng ngại này thiết nghĩ phải là nỗ lực hàng đầu trong công cuộc truyền giáo. Cũng phải xét đến tình liên đới giữa các xứ đạo, giữa thành thị và nông thôn, lớn bé, giàu nghèo. Làm sao để luật rừng “mạnh được yếu thua” không còn đất sống trong lòng giáo hội. “Đến các làng mạc chung quanh” là không khép kín, thụ hưởng, không tìm sự an toàn cá nhân, là dám phiêu lưu, mạo hiểm cho công trình Cứu Độ của Thiên Chúa. Những làng mạc chung quanh này phải hiện diện trong những ưu tư cho công tác mục vụ.
Mời Bạn: Mời bạn cùng với Chúa Giêsu “đến các làng mạc chung quanh”. Bạn thử nhẩm xem, có những ai, những gì đang cần đến bạn, ở chung quanh bạn, mà Bạn chưa đủ quan tâm đến.
Chia sẻ: Một hội viên Legio chia sẻ: “Đêm nào, tôi cũng nằm mơ thấy mình đi thăm viếng anh em lương dân, dù trong thực tế, tôi chỉ có thể dành ra 2 tiếng đồng hồ một tuần để làm việc ấy”. Thật là một giấc mơ đáng ước mơ.
Sống Lời Chúa: Sống tâm tình của Chúa Giêsu, tập quan tâm nhiều hơn đến những người sống quanh mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, là người tông đồ tiếp nối sứ mạng của Chúa hôm nay, chúng con sẽ làm cho bước chân Chúa có thể rảo qua tất cả hang cùng ngõ hẻm trần thế.
13/01/11 THỨ NĂM TUẦN 1 TN
Th. Hilariô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mc 1,40-45
Th. Hilariô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mc 1,40-45
ĐƯỢC SẠCH
Khi ấy có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Đức Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch!” Lập tức bệnh phong biến khỏi anh ta và anh ta được sạch. (Mc 1,40-42)
Suy niệm: Luật Môsê qui định người bị bệnh phong cùi phải mặc áo rách, để đầu trần, che râu, và gặp ai cũng phải la lớn: “Ô nhiễm, ô nhiễm!” để cho kẻ qua người lại đừng tới gần, kẻo bị dơ bẩn theo (Lv 13,45). Tuy nhiên, người phong cùi trong Tin Mừng hôm nay lại không làm như thế. Anh ta đã đến gần Chúa Giêsu, quì xuống và van xin Ngài chữa lành cho. Chúa Giêsu cũng không làm theo thói thường, tránh xa anh vì sợ dơ bẩn. Trái lại, Ngài đã chạm vào và anh ta nên sạch.
Mời Bạn: Người ta sợ đụng vào người phong cùi vì sợ lây nhiễm bệnh tật và nên ô uế. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã hành động ngược lại. Ngài đụng vào để cho người cùi nên sạch. Một tâm hồn tội lỗi cũng giống như người bị cùi. Cho dầu có đen tối hoặc xấu xa thế nào đi chăng nữa, nếu để cho Chúa Giê-su chạm vào, nó cũng sẽ được nên sạch giống như trường hợp của người phong cùi trong Tin Mừng hôm nay.
Chia sẻ: Bạn nghĩ, Chúa Giê-su có thể chạm vào tâm hồn bạn bằng cách nào? Nêu ví dụ.
Sống Lời Chúa: Để được chữa lành, trước hết phải chạy đến với Chúa gặp gỡ Ngài. Hôm nay, bạn dành ra ít là 5 phút cầu nguyện để gặp gỡ Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi khi phạm tội tâm hồn con trở nên ô uế. Xin giúp con đủ can đảm chạy đến với Ngài để được thanh tẩy và để tâm hồn con được xứng đáng là đen thờ cho Ngài ngự.
14/01/11 THỨ SÁU TUẦN 1 TN
Mc 2,1-12
Mc 2,1-12
QUYỀN NĂNG CỦA TÌNH THƯƠNG
“Để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội... Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà.” (Mc 2,10-11)
Suy niệm: Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót. Một tình thương vượt xa suy nghĩ và ước muốn của con người. Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Ephêsô đã xác tín rằng Thiên Chúa là Đấng“làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” (Ep 3,20). Tình thương đó được biểu lộ một cách đầy quyền năng nơi con người của Chúa Giêsu, Đấng cứu chữa tật nguyền và giải thoát con người khỏi tội lỗi. Điều này đã được chứng thực trong Tin Mừng hôm nay: “Này con, tội con được tha rồi.” Thật bất ngờ và ngoài sức tưởng tượng của người bị bại liệt! Bởi vì khi được đem đến với Chúa Giêsu, anh chỉ hy vọng được chữa lành căn bệnh thể xác mà thôi. Nhưng không những chỉ phần xác được khỏi bệnh mà anh còn được chữa lành cả tâm hồn, đó là được chính Thiên Chúa quyền năng tha thứ mọi tội lỗi, đem anh về lại với cộng đoàn con cái Chúa.
Mời Bạn: Con Thiên Chúa xuống trần gian là để cho con người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Từ đó đến nay, đã có biết bao nhiêu người tin tưởng vào Chúa, chạy đến với Chúa và thật sự được hạnh phúc. Bạn có tin rằng Thiên Chúa đầy tình thương và quyền phép có thể làm cho bạn được hạnh phúc không?
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện tắt: “Lạy Chúa, xin thêm lòng tin cho chúng con.”
Cầu nguyện: Xin cho chúng con luôn biết ý thức tình trạng con người tội lỗi của mình và năng chạy đến Chúa với niềm tin tưởng vào tình thương và quyền năng tha thứ và chữa lành của Chúa. Amen.
15/01/11 THỨ BẢY TUẦN 1 TN
Mc 2,13-17
Mc 2,13-17
TÌM THẦY CHẠY THUỐC
“Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mc 2,17)
Suy niệm: Y học càng tiến bộ, càng thêm khả năng trị liệu thì số con bệnh và căn bệnh mới càng gia tăng. Cũng thế đối với những bệnh tật phần hồn mà tác nhân gây bệnh là những virút tội lỗi đang phá hoại các tâm hồn, các cơ cấu gia đình và xã hội càng ngày càng tinh vi hơn. Đức Giêsu Kitô là Vị Thầy Thuốc Thiên Chúa sai đến cho con người và con bệnh ở đây là con người tội lỗi chúng ta. Bằng sự hiện diện gần gũi, cảm thông đầy tình yêu thương, toàn thể con người Đức Giêsu phát xuất năng lực chữa lành tất cả những ai đến với Ngài với niềm tin tưởng cậy trông.
Mời Bạn: Người mắc bệnh cần sớm phát hiện để trị liệu kịp thời, nếu không, căn bệnh trở nặng thành mãn tính, di căn; lúc đó thì… bác sĩ cũng bó tay, vô phương chạy chữa. Tôi có khiêm tốn nhận mình là kẻ có tội yếu đau cần cứu chữa hay tôi coi mình là “người khỏe mạnh không cần thầy thuốc”?
Chia sẻ: Trong gia đình, trong nhóm chúng tôi có thói xấu nào đang tác hại? Cần tỉnh thức để nhận ra chúng và giúp nhau chữa trị.
Sống Lời Chúa: Tôi có nết xấu nào là nết xấu chính? Có thứ tội nào tôi quen phạm? Tôi năng xét mình về những điểm yếu này. Tôi sẽ năng đến với bí tích Hòa Giải để nhận ơn tha thứ và quyết tâm từ bỏ tội lỗi.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin hãy nhớ đến con theo lòng nhân hậu Chúa. Xin đừng nhớ đến tội con, nhưng xin nhớ đến đến chính Thập giá Chúa và những cực hình Chúa chịu vì con. Xin làm cho con ngay từ bây giờ biết nhớ đến Chúa.” (Chân phước John H. Hồng Y Newman)
16/01/11 CHÚA NHẬT TUẦN 2 TN – A
Ga 1,29-34
Ga 1,29-34
CHO TRẦN GIAN SỐNG DỒI DÀO
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” (Ga 1,29)
Suy niệm: Hình ảnh con chiên mang nhiều ý nghĩa trong Kinh Thánh. Đối với người Do Thái, chiên được dùng như hy lễ hằng ngày dâng lên Đức Chúa. Trước cuộc Xuất Hành, máu chiên được bôi lên cửa là dấu hiệu để “Đức Chúa vượt qua nhà của con cái Ítraen tại Ai Cập, khi Người đánh phạt Ai Cập” (Xh 12,27). Trong sách Lêvi, con chiên được dùng như của lễ đền tội cho hối nhân. Khi thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” Một lời giới thiệu ngắn gọn, súc tích, gói trọn tình yêu, lòng hy sinh của Đấng Thiên Sai. Đức Giêsu chính là Chiên Vượt Qua của Thiên Chúa, Đấng chỉ hiến tế một lần nhưng có thể cứu độ mọi người cho đến muôn đời.
Mời Bạn: Ngay từ khi còn trong lòng mẹ, Thiên Chúa đã dọn sẵn một kế hoạch cho bạn, để bạn trở thành “tôi trung của Thiên Chúa,” “làm ánh sáng muôn dân” (Is 49,5-6). Khi tháp nhập vào dân thánh của Thiên Chúa, bạn được lãnh nhận ba tác vụ: ngôn sứ, tư tế và vương đế. Bạn được“đồng hình đồng dạng” với Đức Kitô, Đấng đã đến làm hy lễ đền tội cho muôn người. Bạn còn chần chừ gì nữa mà không sống sứ vụ ấy cách nhiệt thành và tận tâm hơn?
Chia sẻ: Tin Mừng của Kitô có ảnh hưởng gì trong cuộc sống tôi không?
Sống Lời Chúa: Khi nghe linh mục đọc: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…” tôi xác tín hơn hồng ân cứu chuộc Chúa ban tặng cho mình.
Cầu nguyện: Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con. Amen.
17/01/11 THỨ HAI TUẦN 2 TN
Th. Antôn, viện phụ
Th. Antôn, viện phụ
Mc 2,18-22
RƯỢU MỚI, BẦU CŨNG PHẢI MỚI
“Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ… Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới.” (Mc 2,22)
Suy niệm: Chuyện cũ-mới là đề tài tranh luận hằng ngày. Người có tuổi thích nói chuyện cũ, người trẻ chuộng những gì mới mẻ. Nhưng có những thứ - dù cũ hay mới – ai ai cũng phải trân trọng. Điều hôm nay là mới, mai kia sẽ cũ; điều được mọi người mến chuộng ngày nay, ngày sau có thể sẽ bị đời đào thải không thương tiếc. Quan trọng là nhận ra chân giá trị của cái mới và trân trọng bảo tồn những điều, dù đã trải qua bao năm tháng, nhưng không bao giờ bị coi là cũ. Theo tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay thì Chúa Giêsu, Chàng Rể quí của Giao Ước Mới, sẽ mãi mãi là mới, hôm qua cũng như hôm nay, và như thế đến muôn đời!
Mời Bạn: Làm sao khám phá ra những nét mới lạ của con người Đức Giêsu, mặc dù Ngài đã sống cách chúng ta hai ngàn năm? Chỉ có một cách tốt nhất cho bạn và cho tôi, đó là năng suy niệm Lời Ngài mỗi ngày! Thật vậy, Chúa Thánh Thần sẽ làm cho những ai suy gẫm Lời Chúa tìm thấy những điều mới lạ. Nếu không đọc Lời Chúa, bạn sẽ chẳng thấy gì mới mẻ nơi Đức Giêsu. Chính việc đọc và suy gẫm Lời Ngài mà bao tâm hồn tìm thấy sức sống mới cho cuộc đời của chính mình, nhất là trong những khi cô đơn, thất vọng.
Chia sẻ: Chia sẻ kinh nghiệm về hiệu quả việc đọc, suy gẫm Lời Chúa. Nếu chưa có kinh nghiệm, hãy bắt đầu để thấy điều mới lạ Chúa làm cho đời bạn.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày hãy tâm niệm một câu Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, ước gì nhờ năng tiếp xúc với Lời Chúa, mỗi ngày con khám phá ra Chúa luôn hiện diện và đồng hành với con. Amen.
18/01/11 THỨ BA TUẦN 2 TN
Tuần lễ cầu cho các Ki-tô hữu hiệp nhất
Mc 2,23-28
Tuần lễ cầu cho các Ki-tô hữu hiệp nhất
Mc 2,23-28
THÁNH KINH, LỜI HIỆP NHẤT
“Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng?” (Mc 2,25)
Suy niệm: Ngày 8 tháng 11 vừa qua, Giáo Hội hân hoan đón chào 5 giám mục Anh giáo xin gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Các vị giám mục này đã công khai khẳng định, chỉ có thể có sự hiệp nhất giữa các Ki-tô hữu một khi mọi người hiệp nhất với Đấng kế vị thánh Phêrô. Khẳng định này dựa vào Thánh Kinh chứ không chỉ dựa trên kinh nghiệm. Trong Thánh Kinh, vai trò của Phêrô là Đá, được tham dự vào “Đá Tảng” là Chúa Ki-tô, và có vai trò củng cố đức tin của anh em mình. Để khám phá chân lý đó cũng như các chân lý khác, người ta không thể không mở Thánh Kinh, đọc và suy ngắm Thánh Kinh. Như lời Chúa Giê-su trách, vì không đọc Thánh Kinh, nên những người Pharisêu đã lên án sai lầm. Cũng vậy, đã có quá nhiều điều đáng tiếc chỉ vì người ta không suy niệm Lời Chúa.
Mời Bạn: Suy niệm Lời Chúa là bổn phận hằng ngày của Ki-tô hữu. Bạn có đọc và suy niệm Thánh Kinh hằng ngày không? Tại sao?
Chia sẻ: Nói với bạn bè về hữu ích của việc suy niệm Lời Chúa và chỉ dẫn cho họ cách suy niệm.
Sống Lời Chúa: Mở Tin Mừng ngày hôm nay và đọc chậm rãi, suy niệm và cầu cho sự hiệp nhất Ki-tô hữu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói dấu chỉ chúng con là môn đệ của Chúa là chúng con yêu thương nhau. Xin cho chúng con luôn biết yêu thương nhau và biết nuôi dưỡng tình thương ấy bằng chính Lời và Thánh Thể Chúa.
19/01/11 THỨ TƯ TUẦN 2 TN
Mc 3,1-6
Mc 3,1-6
CHỌN LÀM ĐIỀU LÀNH
Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để tìm cách giết Đức Giê-su.(Mc 3,6)
Suy niệm: Nhóm Pharisêu tự hào tuân thủ luật Môsê cách chi li tỉ mỉ, và là những người ái quốc, vốn chẳng ưa gì phe Hêrôđê thân chính quyền Rôma cai trị dân Do Thái. Thế mà giờ đây hai phe bắt tay nhau “để tìm cách giết Chúa Giêsu.” Chúa Giêsu thách thức chính điều họ đang chủ trương: họ chẳng cần phải rình xem Ngài có chữa người bại tay trong ngày Sabát hay không, bởi Ngài làm việc đó cách công khai ngay giữa hội đường. Đã thế họ còn phải cứng họng vì điều Ngài chất vấn họ lại quá hiển nhiên: “Ngày sabát được làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi?” Sự trung thành với Lề Luật của nhóm Pharisêu đã bị biến thái thành thói nệ luật cứng nhắc. Thêm vào đó lòng tự ái khiến họ chai lỳ. Vì thế thay vì làm điều lành, họ đã đi quá xa và lún sâu vào con đường tội ác.
Mời Bạn: Báo chí nhiều lần đưa tin về những vụ án mạng thê thảm khởi đầu từ những xích mích nhỏ nhặt, nhưng do không kiềm chế lòng tự ái, đã bùng nổ thành tai hoạ không thể cứu chữa. Người ta có thể khởi đầu với những ý định tốt đẹp, nhưng thay vì quyết chọn làm điều lành, họ bị những động cơ vị kỷ lèo lái, và rốt cuộc đã nhân danh điều lành để làm điều ác. Cần phải thường xuyên bình tâm kiểm điểm cách khiêm tốn để nhận ra những lệch hướng tinh vi trong những suy nghĩ và hành vi của mình và kịp thời điều chỉnh trước khi mọi sự trở thành quá muộn.
Sống Lời Chúa: Trung thành với việc kiểm điểm đời sống hằng ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin con biết khiêm tốn để tránh xa điều ác, và giúp con dũng cảm để quyết chọn điều lành.
20/01/11 THỨ NĂM TUẦN 2 TN
Th. Phabianô, giáo hoàng, tử đạo
Th. Phabianô, giáo hoàng, tử đạo
Mc 3,7-12
ĐẾN VỚI CHÚA VỚI CẢ TẤM LÒNG
Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có tật nguyền cũng đổ xô đến để sờ vào người. Còn ma quỷ hễ thấy Chúa Giêsu thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ngài là Con Thiên Chúa.” (Mc 3,10-11)
Suy niệm: Ta hãy mở to mắt để nhìn khung cảnh thật ngoạn mục: dân chúng từ khắp nơi đổ xô về được nhìn thấy Chúa, bệnh nhân thì cố gắng đến gần để sờ vào Ngài, còn ma quỷ sấp mình dưới chân phục lạy Ngài. Thế nhưng, có vẻ Đức Giêsu không hồ hởi lắm trước thành công vang dội này: Ngài bảo môn đệ dành sẵn một chiếc thuyền nhỏ để khỏi bị dân chúng chen lấn; với ma quỷ, Ngài cấm ngặt chúng không được phát ngôn bừa bãi. Tại sao Đức Giêsu lại không phấn khởi trước những kết quả mỹ mãn như vậy? Chắc chắn Ngài biết rõ lòng người. Ngài không muốn họ đổ xô đến với Ngài chỉ vì vụ lợi; Ngài cũng biết rõ lòng dạ ma quỷ, chúng làm vậy để lừa bịp Ngài và dân chúng mà thôi.
Mời Bạn đến với Chúa, gặp gỡ Ngài không vì một ý hướng vụ lợi, cầu cạnh, cũng chẳng vì lợi ích, hay sự an ủi theo cảm tính nào. Bạn hãy đến cùng Chúa với tâm tình của người con thảo cần gặp gỡ người Cha, vị Chúa của mình.
Chia sẻ: Tôi thường làm các việc đạo đức với ý hướng nào: nhằm xin ơn, vì những tình cảm sốt sắng hay chỉ để được gặp gỡ, kết hiệp với Chúa?
Sống Lời Chúa: Trung thành đọc Lời Chúa mỗi ngày với ý hướng muốn gặp gỡ Chúa và sống giống Ngài hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con không coi Chúa như một công ty bảo hiểm, một kho tàng chứa ơn lành, mà chỉ biết nhìn Chúa và đến với Chúa với ý hướng yêu mến của người con thảo hiếu. Xin cho chúng con mỗi ngày nên giống Chúa hơn. Amen.
21/01/11 THỨ SÁU TUẦN 2 TN
Th. Anê, đồng trinh, tử đạo
Th. Anê, đồng trinh, tử đạo
Mc 3,13-19
CHÚA GỌI TÊN TÔI
“Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn.” (Mc 3,13-19)
Suy niệm: Trước một loạt những tên tuổi khô khan của các tông đồ, chúng ta tự hỏi: mình dựa vào đâu để có thể suy niệm và sống đoạn Tin Mừng hôm nay? Đây có thể là một cách: chúng ta đã được Thiên Chúa gọi tên từ thuở đời đời: “Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi” (Is 49,1). Mỗi lần Thiên Chúa gọi tên ai, Ngài làm cho người ấy hiện hữu, Ngài khắc tên người ấy vào lòng Ngài. Ngài dẫn đưa người ấy vào một tương quan mật thiết với Ngài. Vì thế, sau khi được gọi tên, nhóm Mười Hai đến ở cùng Chúa. Họ đã đáp trả tiếng gọi này bằng nhiều cách khác nhau. Mười một người trở thành tông đồ, một người trở thành kẻ phản bội. Chúng ta chưa là tông đồ trọn vẹn, cũng không đến nỗi là kẻ phản bội. Chúng ta ở giữa hai. Chúng ta đã nhiều lần từ chối tiếng gọi của Thiên Chúa, nhưng coi chừng có khi chúng ta trở thành kẻ phản bội, minh nhiên chối bỏ Chúa và đức tin của mình.
Mời Bạn: Ban đang trên cuộc hành trình: sống trong Giáo Hội, nghe Lời Chúa, tham dự thánh lễ, cầu nguyện, gặp gỡ Chúa hằng tuần, tiếp xúc anh chị em hằng ngày. Bạn đang ở đâu? Bạn đang trở thành ai rồi?
Chia sẻ: Chúa yêu mỗi người cách cá vị, gọi tên từng người. Liệu điều này cản trở tính cộng đoàn trong Giáo Hội?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ ghi nhớ tình yêu độc đáo Thiên Chúa dành cho mình, và bày tỏ tâm tình biết ơn qua việc nhớ đến Ngài mỗi ngày khi thức dậy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn trung thành với tiếng gọi của Chúa, tiếng gọi mà con đã nhận trong ngày chịu phép Thánh Tẩy. Amen.
22/01/11 THỨ BẢY TUẦN 2 TN
Th. Vinh Sơn, phó tế, tử đạo
Th. Vinh Sơn, phó tế, tử đạo
Mc 3,20-21
MẤT TRÍ VÌ YÊU MẾN
“Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.”(Mc 3,20)
Suy niệm: “Để đẹp lòng Chúa, tôi sẵn sàng trầm mình trong hỏa ngục, miễn là ở nơi đầy lộng ngôn đó, Chúa mãi mãi được yêu mến” (Th. Têrêxa Hài Đồng Giêsu). Dường như chỉ có người “điên vì yêu” mới có những ý tưởng kỳ dị như vậy! Trong bài Tin Mừng hôm nay, những người nhà của Đức Giêsu có lý khi nghĩ rằng Ngài mất trí, bởi vì Ngài tỏ ra chẳng bình thường chút nào khi bỏ công ăn việc làm ổn định, nếp sống an toàn để đi phiêu bạt đây đó, rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, đến độ quên ăn uống. Cùng đi với Ngài lại là một nhóm môn đệ ô hợp, tầm thường đến nỗi chẳng có một ông thầy bình thường nào muốn giao du, nói chi là cùng chung sống! Ngài chấp nhận một cuộc sống khác thường chỉ vì muốn dành trọn vẹn cho vinh danh của Thiên Chúa và hạnh phúc của con người.
Mời Bạn: Tựa như Đức Giêsu và thánh nữ Têrêxa, chị Maria ở làng Bêtania cũng điên vì yêu mến khi hào phóng xức chân Đức Giêsu bằng bình dầu thơm hảo hạng. Khi yêu mến một người thật lòng, bạn sẽ không thể cư xử một cách quá bình thường, mãi lo cho sự an toàn của bản thân, nhưng sẽ dám liều lĩnh dấn thân và quảng đại quên mình. Tình yêu bạn dành cho Chúa và những người thân có vậy không?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ thực hiện một nghĩa cử yêu thương đặt biệt dành cho Chúa, chẳng hạn: bỏ một tính xấu, phát huy một tính tốt, dự lễ sốt sắng hơn…
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu con người đến độ quên cả bản thân để đem lại hạnh phúc đích thật cho họ. Xin giúp chúng con dám từ bỏ sự an toàn của bản thân vì người khác. Amen.
23/01/11 CHÚA NHẬT TUẦN 3 TN – A
Mt 4,12-23
Mt 4,12-23
CHÚA GIÊSU “ĐẾN” ĐỂ “ĐI”
Đức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy… rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. (Mt 4,23)
Suy niệm: Chúa Giêsu đến thế gian để đi rao giảng Tin Mừng Nước Chúa. Đó là sứ vụ quan trọng nhất mà Ngài lãnh nhận từ Chúa Cha. Lời rao giảng của Ngài tập trung vào chủ đề sám hối (c.17), kêu gọi người cộng tác (c.18, 21), kèm theo việc chữa lành bệnh tật (c.23). Tiếp nối bước chân của Chúa Giêsu, Giáo Hội đã và đang làm những công việc đó, ta gọi là loan báo Tin Mừng, hay truyền giáo. Ý thức tầm quan trọng của sứ vụ này, người Kitô hữu tự hối, kêu gọi mọi người từ bỏ tội lỗi, huấn luyện các cộng tác viên, và quan tâm đến người nghèo khổ. Giáo Hội hiện diện để đi đến với mọi người, không phân biệt màu da, giai cấp, tôn giáo.
Mời Bạn: Dù ở hoàn cảnh và địa vị nào, mỗi người tín hữu đều được kêu gọi để hiện diện và đi tới với anh chị em mình. Chúng ta được mời đến để hoà giải những mối bất hoà (Legio…), an ủi chăm sóc bệnh nhân (Phan Sinh…), khai mở đức tin cho người muốn biết Chúa (giáo lý viên…). Khi ý thức và làm những công việc này là chúng ta tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu và của Giáo Hội mà mình đang tham gia.
Chia sẻ: Loan báo Tin Mừng là việc khó khăn, phức tạp, là gánh nặng đang đè lên vai của mọi tín hữu. Nhưng nếu mỗi người một việc, thì gánh nặng sẽ vơi đi.
Sống Lời Chúa: Bạn hãy thực hiện một công tác tông đồ cho một người đang sống gần bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con tinh thần biết sẵn sàng ra đi để đến với những anh chị em đang cần sự giúp đỡ của con. Amen.
24/01/11 THỨ HAI TUẦN 3 TN
Th. Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội thánh
Mc 3,22-30
Th. Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội thánh
Mc 3,22-30
THUYẾT PHỤC BẰNG LỜI
“Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền. Nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững.” (Mc 3,23-25)
Suy niệm: Chúa Giêsu làm nổi bật tính phi lý nực cười của các kinh sư: chính họ mới là kẻ “mất trí” khi vụng về gán cho Chúa Giêsu là người bị quỷ Bêendêbun ám và đã dùng thế quỷ vương mà trừ quỷ. Để phản bác lại các kinh sư, Người đã không sử dụng sức mạnh, nhưng dùng lời lẽ hợp lý để đối phương nhận rõ sự phi lý lố bịch của mình. Lý lẽ Người đưa ra thì hiển nhiên và đầy tính thuyết phục mà người ít học nào cũng hiểu được: làm sao Xatan mà chống lại Xatan! Như vậy, Xatan tự chia rẽ và nó đang tiến tới ngày tận số. Điều này lại không đúng với thực tế. Việc quỷ bị thua chứng tỏ Đấng mạnh hơn đã đến và bắt đầu việc diệt trừ Xatan.
Mời Bạn: Xúc phạm của tha nhân đối với bạn là điều khó tránh khỏi trong đời sống. Trước những xúc phạm đó, phải chăng bạn dùng tới sức mạnh của võ lực để giải quyết? Không, Chúa ban cho bạn một khả năng vô cùng quý giá, đo là ngôn từ. Một lời nói dễ nghe có sức thu phục lòng người hơn là sức mạnh của quyền lực. Một chân lý được người khác công nhận cần được chuyển tải qua ngôn từ. Bạn sẽ là môn đệ Chúa Kitô khi biết dùng ngôn từ như phương thế giúp tha nhân nhận ra thực trạng lỗi lầm, để thức tỉnh, ăn năn sám hối.
Sống Lời Chúa: Trước mỗi chống đối hiểu lầm từ tha nhân, tôi tự hỏi: tôi phải nói gì để thuyết phục họ?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mẫu gương tuyệt vời trong việc thuyết phục bằng những chân lý dễ hiểu, dễ chấp nhận. Xin dạy chúng con biết dùng lời nói để làm sáng tỏ chân lý và giúp cho người khác biết hối cải ăn năn.
25/01/11 THỨ BA TUẦN 3 TN
Th. Phaolô, tông đồ trở lại
Th. Phaolô, tông đồ trở lại
Mc 16,15-18
YÊU THẦY GIÊSU NHƯ PHAOLÔ
Đức Giêsu nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ đựơc cứu độ.” (Mc 16,15-16)
Suy niệm: Bước ngoặt trong cuộc đời Phaolô là sự kiện ta mừng kính hôm nay: trên đường đi Đamát, ngài bị ngã ngựa vì một luồng ánh sáng lạ. Rồi từ đó, một trong những nghịch lý nhất của cuộc đời đã xảy ra: Đấng mà Phao-lô căm ghét, bắt bớ, lại trở thành Đấng mà không ai và không gì có thể tách Phaolô ra khỏi lòng mến yêu Người (x. Rm 8,38-39). Không biết có anh nào yêu một cô gái đến nỗi dám nói: “Đối với anh, sống là em”? Riêng Phaolô, ngài dám nói: “Đối với tôi, sống là Chúa Kitô” (Pl 1,21). Và không biết có cô nào yêu một chàng trai đến nỗi mạnh miệng nói: “Em coi mọi sự trên cõi đời là con số không, so với cái lợi tuyệt vời là được biết anh và thuộc về anh.” Riêng Phaolô, ngài quả quyết: “Tôi coi mọi sự là thua lỗ bất lợi, so với cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô và được thuộc về Ngài” (Pl 3,8).
Mời Bạn: Hãy yêu mến Đức Giêsu như Phaolô, nhiệt thành giới thiệu Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài như Phaolô, xác tín như Phaolô: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).
Chia sẻ: Đức Kitô có ảnh hưởng nào trong cuộc đời tôi không?
Sống Lời Chúa: Để sống niềm xác tín “Đối với tôi, sống là Đức Kitô”, tôi đặt Đức Kitô lên địa vị cao nhất trong cuộc đời, nỗ lực gắn bó với Ngài qua việc sống theo những giá trị Ngài rao giảng.
Cầu nguyện: (Rabbouni)
Lạy Chúa Giêsu, chúng con phải đối diện với bao thách đố của cuộc sống… Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy của vật chất và quyền lực, nhưng xin cho chúng con giữ lý tưởng người Kitô hữu, vì yêu Chúa.
26/01/11 THỨ TƯ TUẦN 3 TN
Th. Timôthêô và Th. Titô
Th. Timôthêô và Th. Titô
Lc 10,1-9
NÀY CON ĐÂY, XIN HÃY SAI CON!
“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2)
Suy niệm: Nhiều năm qua, người ở nông thôn ồ ạt di dân lên thành thị, việc thiếu thợ gặt trong ngày mùa đang là một thực tế nan giải tại nhiều nơi. Là người tâm huyết với cây lúa, nhìn những cánh đồng lúa chín vàng nặng trĩu hạt, lại chưa có người gặt, ai lại chẳng băn khoăn. Song băn khoăn không phải chỉ để băn khoăn, nhưng là để đi đến một hành động. Chúa Giêsu cũng băn khoăn trước vụ mùa thiêng liêng đang thiếu thợ gặt và Ngài kêu gọi hành động: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” Sao thế? Sao lại có cơ chế “xin-cho” ở đây? Đó là việc của chủ ruộng, “mắc mớ” gì mà tôi phải xin? Đúng vậy! Chủ mùa mới có quyền sai thợ gặt ra đi. Nhưng hãy xin! Vì tôi được mời gọi chia sẻ mối băn khoăn của Chúa. Nhưng liệu tôi có sẵn lòng để cho Chúa là chủ mùa gặt sai tôi đi không?
Mời Bạn: Ngày nay công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội vẫn đang cần rất nhiều con người biết quảng đại dấn thân. Hơn ai hết, và hơn lúc nào hết, chính bạn và tôi đang được mời gọi để cộng tác vào công cuộc loan báo Tin Mừng cao quý này. Chúng ta hãy để Chúa sai đi, và thưa với Ngài:Này con đây, xin hãy sai con!
Chia sẻ: Truyền giáo là căn tính của người Kitô hữu. Vậy bạn đã sống đúng căn tính của mình chưa? Xin chia sẻ một minh họa cụ thể.
Sống Lời Chúa: Ra đi đến với một người hàng xóm với tất cả lòng yêu thương chân thành và sẵn sàng giúp đỡ họ. Để qua ta, người khác nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa.
Cầu nguyện: Hát “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán …”
27/01/11 THỨ NĂM TUẦN 3 TN
Th. Angiêla Mêrici, Trinh nữ
Th. Angiêla Mêrici, Trinh nữ
Mc 4,21-25
SỐNG NHƯ CHÚA
“Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất.” (Mc 4,24-25)
Suy niệm: Thiên Chúa chúng ta vừa công bằng vừa nhân ái vô cùng. Ngài xử sự khác con người. Con người thì cân-đong-đo-đếm, “ú đi dì lại”, “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại.” Cựu Ước cho phép “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,24)! Còn Chúa Giêsu trong Tân Ước thì: “Anh em đong đấu nào, Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.”Ngài “...lấy đấu hảo hạng đã dằn, đã lắc mà đổ tung tóe vào vạt áo anh em” (Lc 6,38), nghĩa là“ai có sẽ được cho thêm.” Ngược lại, Ngài cũng rất công bằng, “trả lại cho ai nấy xứng với việc họ làm” (Mt 16,27), thậm chí “ngay cái đang có sẽ bị lấy đi.” Không phải Chúa nói thế để ta sợ Ngài, nhưng để khuyến khích ta ăn ở rộng rãi, quảng đại như Chúa. Chắc chắn lòng quảng đại của Chúa mãi mãi vượt xa lòng quảng đại của ta.
Mời Bạn: Nhiều khi ta quen xử sự với con người, rồi làm y như thế với Chúa, dù biết rằng đối với Ngài, ta không được phép cư xử như vậy.
Chia sẻ: Bạn hãy nhớ lại một trường hợp bạn cảm nhận Chúa đối xử quá tốt với bạn, hơn cả sự mong đợi của bạn…
Sống Lời Chúa: ...để rồi hôm nay bạn quyết tâm sống thật quảng đại với Chúa và với tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã nêu gương quảng đại và nhân lành cho chúng con, xin giúp chúng con hôm nay cũng sống như Chúa, “biết cho đi mà không cần tính toán.” Nhờ đó, chúng con trở nên những người con đích thật của Chúa. Amen.
28/01/11 THỨ SÁU TUẦN 3 TN
Th. Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mc 4,26-34
Th. Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mc 4,26-34
SỨC MẠNH ÂM THẦM
Chúa Giê-su nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.” (Mc 4,26-27)
Suy niệm: Nếu bạn gieo một hạt lúa xuống đất, rồi cứ 5 phút bạn moi lên coi thử xem chuyện gì đã xảy ra cho hạt lúa ấy, có lẽ bạn sẽ tưởng rằng hạt lúa ấy đã chết, nhưng thực sự ra chính lúc ấy cả một cuộc vận hành phức tạp đã bắt đầu khởi động bên trong hạt lúa ấy. Những người nông dân tuy không học lập trình, nhưng họ đã biết vận dụng tiến trình phát triển của hạt lúa một cách nhuần nhuyễn trong việc canh tác của mình: để hạt giống âm thầm phát triển theo quy luật; và họ làm phần của họ: chuẩn bị những điều kiện thuận lợi cho hạt giống nẩy mầm, mọc lên và trở thành một vụ mùa bội thu. Sức mạnh âm thầm của Lời Chúa cũng thế: một khi hạt giống Lời Chúa đã được gieo vào lòng người, hạt giống đó sẽ âm thầm mọc lên và sinh trái, bất chấp mọi sức mạnh cản phá.
Mời Bạn: Cộng tác vào công việc “canh tác Lời” của Thiên Chúa: Chúa đang muốn tuyển bạn làm người cày bừa, gieo giống, chăm bón hay thu hoạch hoa màu trong cánh đồng thế giới. Việc của bạn là làm chứng cho Ngài cách kiên trì và luôn luôn hy vọng; phần còn lại hãy để sức mạnh âm thầm của Lời Chúa hoạt động.
Chia sẻ: Bạn có cảm nghiệm gì về sức mạnh âm thầm của Lời Chúa? Xin bạn chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Trong năm mới này, quyết trung thành với việc dành 5 phút mỗi ngày cho Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết cộng tác với Lời Chúa và hướng ý muốn của con thuận theo ý muốn của Chúa trong việc làm chứng nhân. Amen.
29/01/11 THỨ BẢY TUẦN 3 TN
Mc 4,35-41
Mc 4,35-41
CHÚA GIÊSU ĐANG Ở ĐÀNG LÁI
Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy Người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh.” (Mc 4,41)
Suy niệm: Vào những ngày cuối năm âm lịch, người Việt làm ăn phương xa đều tìm cách về quê ăn Tết cùng gia đình, dòng họ theo truyền thống của dân tộc. Vì thế, các phương tiện giao thông đều tăng lịch trình đi lại. Để bảo đảm an toàn, trên mỗi chuyến xe thường có vài tài xế thay nhau điều khiển. Còn chuyến đi sang bờ bên kia của Thầy trò Giêsu ngày xưa, vì chỉ là chuyến đò ngang bình thường, nên không cần nhiều người lái. Tuy nhiên, như một sự phòng xa, Chúa Giêsu chọn vị trí đàng lái mà ngủ. Không nhận ra sự cẩn trọng này, nên khi thấy sóng to gió lớn ập vào thuyền, các môn đệ hốt hoảng nghĩ cái chết đã đến nơi, thậm chí trách cả Thầy: “Thầy chẳng lo gì sao?” Thế nhưng, Ngài khiến các ông hoảng sợ khi ngăm đe gió biển phải im lặng. Ngài cũng trách các ông thiếu lòng tin vào “tay lái” Giêsu – Thầy đang ở đàng lái mà!
Mời Bạn: Nhìn lại một năm qua, bạn cũng đã lèo lái thuyền đời “sang bờ bên kia” để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, không sao tránh khỏi bão tố cuộc đời, lắm lúc tưởng như“chết đến nơi rồi,” và có thể bạn đã than trách người, trách đời, trách cả Trời. Lẽ ra trước hết bạn nên trách mình, vì Chúa Giêsu vẫn đang ở đàng lái với bạn. Ngài uy quyền trên cả sóng gió, vậy mà bạn chưa nhận ra sự thật ấy!
Sống Lời Chúa: Lặp lại nhiều lần trong ngày để trở thành tâm niệm: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!
Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù nhiều lần thất bại trong đời, nhưng con vẫn cậy vào mình. Con chưa tin rằng Chúa đang ở cùng con. Xin cho con ơn phó thác vào Chúa trong năm mới sắp tới này. Amen.
30/01/11 CHÚA NHẬT TUẦN 4 TN – A
Mt 5,1-12a
Mt 5,1-12a
CÙNG ĐÍCH CỦA MỖI KITÔ HỮU
“Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,10)
Suy niệm: Lịch sử Giáo Hội Công Giáo đã và đang gắn liền với những cuộc bách hại và với tên tuổi của các vị thánh tử vì đạo. Họ là những người dám can đảm sống và làm chứng cho chân lý với lời xác tín như thánh Phêrô Truật: “Ai khôn mới hiến mình cho chân lý, để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời.” Tuy nhiên, niềm tin vào sự sống đời sau dường như bị quên lãng đối với nhiều Kitô hữu đang sống trong một xã hội hưởng thụ. Họ chỉ nhắm đến những nhu cầu trần thế mà quên cùng đích của họ là sự sống muôn đời. Vì vậy, họ không còn dám can đảm làm chứng cho sự thật, dễ dàng thỏa hiệp với sự xấu hay giảm nhẹ giá trị của Tin Mừng, vì muốn một cuộc sống thoải mái, tiện nghi cho bản thân và gia đình.
Mời Bạn: Thực hiện lời mời gọi của thánh Phaolô: “Anh em hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được sự sống đời đời; chính vì sự sống ấy mà anh em đã được Thiên Chúa kêu gọi” (1 Tm 6, 12).
Chia sẻ: Trong thông điệp “Niềm hy vọng Kitô giáo,” Đức Bênêđitô XVI nói rằng ai có niềm hy vọng vào sự sống đời sau thì sống một đời sống khác hẳn. Vậy bạn đang sống như thế nào?
Sống Lời Chúa: Nhắc nhở nhau lời đối thoại với linh mục khi chịu phép Rửa tội: “Anh (chị, em) xin gì cùng Hội Thánh? Thưa, xin đức tin. -Đức tin sinh ơn ích gì cho anh (chị, em)? Thưa, đức tin đem lại cho con sự sống đời đời.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con sống công chính và biết can đảm làm chứng cho chân lý, cho dù phải hy sinh tính mạng, vì luôn xác tín rằng Chúa sẽ ban cho chúng con phần gia nghiệp muôn đời. Amen.
31/01/11 THỨ HAI TUẦN 4 TN
Th. Gioan Bosco, linh mục
Th. Gioan Bosco, linh mục
Mc 5,1-20
MỜI CHÚA VÀO MỌI LÃNH VỰC
“Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.” (Mc 5,17)
Suy niệm: Sau năm 1975, đã có một số tín hữu lặng lẽ đem ảnh tượng Chúa và Đức Mẹ đến nhà thờ trả lại. Họ xin thôi đi đạo vì sợ quấy rầy. Cũng như người dân Ghêrasa trong bài Tin Mừng, họ đã nài xin Chúa rời khỏi vùng đất, gia đình, cuộc đời của họ. Ít ra họ đã can đảm và thẳng thắn cho thấy sự chọn lựa của mình. Cho đến muôn đời, Đức Kitô vẫn đứng ngoài cửa, gõ cửa và chấp nhận chờ đợi sự đáp ứng mang tính may-rủi, tùy hứng của con người. Đang khi ấy, tự cho mình là người Kitô hữu 100%, ta lại không dành cho Ngài đúng 100% mặt bằng cuộc sống của mình. Xem ra Đức Kitô chỉ thật sự là Chúa trong giờ phụng vụ ở nhà thờ hay giờ kinh nguyện ở gia đình. Ngoài ra, ta lặng lẽ khoanh vùng hạn chế, xin Chúa đừng vào, để cuộc sống ta không bị xáo trộn, và ta có thể yên thân với lối sống mòn của mình.
Mời Bạn: Có lẽ bạn đã nhanh chóng nhận ra một số khu vực hạn chế với Đức Giêsu trong cuộc đời mình. Bạn đừng sợ mời Ngài vào căn nhà cuộc đời, cũng đừng sợ Ngài sẽ làm rối tung cuộc sống an nhàn, hưởng thụ thoải mái của mình. Quả thật, với Ngài, bạn phải đổi mới lối nghĩ nếp sống, nhưng tâm hồn bạn sẽ được an bình hạnh phúc thật sự.
Chia sẻ: Bạn thường nài xin Chúa đừng vào những khu vực hạn chế nào trong cuộc sống hằng ngày của mình?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ nỗ lực mời Chúa làm chủ tể cuộc sống mình, không chỉ trong giờ thờ phượng, nhưng trong mọi khoảnh khắc cuộc đời mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa kiên trì chờ đợi sự đáp ứng của chúng con. Xin được dành cho Chúa địa vị cao nhất trong toàn thể cuộc đời chúng con.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét