THIÊN CHÚA Ở CÙNG TẤT CẢ CHÚNG TA





































Chúa Nhật V Phục Sinh (A) - 8 Bài Suy Niệm


13. Đường 
14. Niềm tin 
15. Suy niệm của JKN 
16. Con đường 
17. Con đường
18. Chú giải của Noel Quession
19. Chú giải của Fiches Dominicales
20. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

13. ĐƯỜNG 

Nhà tu đức học nổi tiếng của Ấn độ, cha An tôn Mê-lô có làm một bài thơ, nội dung như sau:"Một hôm lang thang trên phố, tôi thấy một cửa hiệu với hàng chữ: Tại đây có bán chân lý". Tò mò tôi bước vào. Cô bán hàng niềm nở đón tiếp tôi và hỏi:"Ông muốn mua loại chân lý nào? Chân lý từng phần hay chân lý toàn diện?". Tôi cho cô biết dĩ nhiên tôi đang đi tìm thứ chân lý toàn diện, thứ chân lý không pha trộn giả dối, thứ chân lý mà lý trí tôi phải đầu hàng vô điều kiện. Tôi muốn có chân lý đơn thuần và toàn diện.
Cô bán hàng nhìn tôi lắc đầu rồi chỉ sang một cửa hiệu khác, nơi có bán thứ chân lý mà tôi đang đi tìm. Người đàn ông đứng bán hàng nhìn tôi với lòng thông cảm. Ông chỉ cho tôi xem giá biểu của món hàng mà tôi muốn mua, rồi nói với tôi:"Thưa ông, giá của món hàng rất cao". Đã cương quyết mua cho được chân lý toàn diện, tôi liền hỏi:"Giá bao nhiêu, xin cho tôi biết". Người bán hàng trả lời:"Nếu ông muốn mua thứ chân lý này, ông phải trả bằng cả cuộc sống của ông".
Tôi ra khỏi cửa hiệu, lòng buồn rười rượi. Tôi cứ nghĩ rằng tôi có thể mua chân lý toàn diện bằng giá rẻ. Thì ra tôi chưa sẵn sàng để đón nhận chân lý. Tôi vẫn chưa muốn cho đi cuộc sống của tôi. Tôi vẫn còn bám chặt vào những xác tín của riêng tôi".
Bài thơ ngụ ngôn trên đây hẳn muốn nói lên thái độ của nhiều người trong chúng ta đối với Đấng tự xưng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta chưa tin tưởng đầy đủ và sống trọn vẹn cho Ngài. Vì thế, bài Tin mừng hôm nay, một lần nữa, nhắc nhở chúng ta hãy khẳng định, hãy xác tín hơn nữa vào Chúa Giêsu.
Tất cả chúng ta đều biết ý nghĩa của con đường. Dù đó là xa lộ hay con đường mòn, đều có mục đích là để đi. Đường là để đi, nghĩa là đường sẽ dẫn đến nơi nào đó, nên đường không bao giờ là nơi cư trú, mà là để dẫn đến nơi cư trú. Do đó, người nào dùng đường làm nơi cư trú thì chẳng bao giờ đến nơi cư trú của mình. Vì vậy, chúng ta phải xác định với lòng mình rằng: Cuộc sống hôm nay ở trần gian là đường đưa đến một quê hương khác. Nếu cuộc sống hôm nay không phải là cùng đích, mà chúng ta lại chọn làm nơi cư trú, tức là chúng ta không lên đường đến nơi chúng ta phải đến. Sống ở đời, ai cũng phải lên đường. Đời là cõi rộng mênh mông. Sống là đi. Nhưng đi về chốn nào? Trong cõi rộng mênh mông ấy, đâu là đường?
Bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã trả lời cho chúng ta biết: "Ta là Đường, Là Sự Thậ và là Sự Sống".Nghĩa là đường của cuộc đời chúng ta đi là Chúa, những gì chúng ta đang thiếu thốn và lo âu đều liên quan đến hạnh phúc của chúng ta. Khi Chúa nói Chúa là Sự Sống, có nghĩa là Chúa là hạnh phúc chúng ta đang túng thiếu. Khi Chúa nói Chúa là Đường, có nghĩa là để dẫn chúng ta tới hạnh phúc đó. Như vậy, Chúa là cùng đích và cũng là phương tiện dẫn tới cùng đích. Chúa là hạnh phúc và cũng là đường dẫn tới hạnh phúc. Chúa là con đường duy nhất, nhưng mỗi người chúng ta lại đi trên đường theo cách riêng của mình, hay mỗi người chúng ta lại có riêng đường đời của mình, nghĩa là mỗi người có một cuộc sống riêng, nên không đường của ai giống đường của ai, và vì thế nỗi lòng của mỗi người cũng khác nhau. Quả thực, trên đường đi, chúng ta đã thấy có nhiều quán trọ. Có quán cho chúng ta bóng mát. Có quán bảo chúng ta đừng đi. Mệt nhọc làm chúng ta dừng nghỉ. Chống đối, hiểu lầm, ghen tị, kết án làm chúng ta muốn bỏ cuộc. Và dường như nếu chúng ta càng dừng nghỉ thì chúng ta càng ngại đi. Nếu chúng ta càng làm quen với lười biếng thì chúng ta càng ngại ngùng trở về con đường mà Chúa muốn chúng ta sống. Rồi, đường đi cứ thế mà chậm thêm.
Rồi cũng trên đường đi, sao có nhiều quãng thật xấu, gồ ghề như quãng đường Chúa đi xưa. Hình ảnh đồi Sọ làm chúng ta tính toán, lưỡng lự. Có những quãng đường sao mà tối tăm làm chúng ta hồ nghi không biết có phải là đường thật không? Đây là lúc chúng ta phân vân không biết thánh ý Chúa ở đâu. Và cũng là lúc chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ đủ thứ. Nên Chúa đã dặn:"Đường dễ dãi sẽ dẫn đến hư đi". Và những lúc như thế chúng ta vẫn nghe tiếng Chúa khuyến khích: Cứ đi đi, tuy khó khăn nhưng hứa hẹn cuối con đường là hạnh phúc. Chúa đang đợi chờ ở đó.
Đó là chân lý toàn diện chúng ta phải tìm kiếm và mua cho bằng được. Trần gian có sóng gió, đường về có dài lâu, cạm bẫy có giăng đầy, nhưng có Chúa, cùng với thiện chí của chúng ta, thì khó khăn mấy cũng vượt qua, đường dài mấy cũng phải tới, cạm bẫy thế nào cũng chẳng hề hấn gì. Cầu chúc ông bà anh chị em biết tuân nghe lời Chúa, cùng đi con đường hẹp, để rồi chúng ta sẽ lại gặp nhau ở cõi sống hạnh phúc.

14. NIỀM TIN 

Trong suốt bữa tiệc ly, khi Đức Giêsu bắt đầu nói về cái chết của Người, thì các tông đồ liền bị rơi vào trạng thái khủng hoảng. Khi nghe tin này, tâm hồn họ xao xuyến và ngập tràn nỗi sợ hãi. Nhận biết lòng tin của các tông đồ sẽ bị thử thách nặng nề, nên Đức Giêsu đã cố gắng chuẩn bị cho họ đối đầu với cuộc thử thách này. Người nói với các ông:"Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, và cũng hãy tin tưởng vào Ta". Bởi vì các tông đồ đã tin tưởng, nên Đức Giêsu nói với họ "Anh em phải bước đi trong niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và vào Ta".
Trong những lúc bị đau khổ và khủng hoảng, người ta hay nghĩ rằng Thiên Chúa ruồng bỏ họ. Nhưng Đức Giêsu đã trấn an các tông đồ rằng, mặc dù rời xa họ, nhưng Người không hề bỏ rơi họ. Nói đúng hơn, Người đang chuẩn bị một mái nhà cho họ, và sẽ trở lại đón họ vào nhà đó. Do đó, bất chấp điều gì diễn ra, bất chấp những khó khăn có thể xảy đến (và họ gặp nhiều khó khăn), họ vẫn phải tiến bước trong niềm tin tưởng, trong sự tín nhiệm vào Đức Giêsu và vào Chúa Cha. Đó là tất cả những điều họ phải làm. Tiến lên trong niềm tin tưởng, tiến lên trong sự tín nhiệm. Nói thì dễ hơn làm.
Nhưng khi gặp khủng hoảng, điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là: Bước đi trong sự kiên quyết tín nhiệm nơi Thiên Chúa. Sự tín nhiệm là một điều vĩ đại nhất mà chúng ta có thể đem đến cho người khác. Vào thời điểm đó, chúng ta phải tin tưởng rằng bằng cách này hay bằng cách khác, mọi sự vẫn có mục đích của nó, và trong cảnh tối tăm, một tia sáng le lói sẽ xuất hiện.Lòng tin đích thực trấn an chúng ta rằng Thiên Chúa luôn ở với chúng ta trong lúc bị khủng hoảng. Chính cảm giác đó, chính niềm tin tưởng rằng chúng ta không bị cô đơn, không bị bỏ rơi, đem lại khả năng giúp chúng ta vượt qua cơn khủng hoảng.Nếu không có Thiên Chúa, chúng ta không thể hiểu nổi, và không thể chịu đựng nổi cuộc sống. Đó là lý do tại sao lòng tin vô cùng quan trọng. Khi Charlie Lansboro, một ca sĩ người Anh, trở thành người Công giáo, anh đã nói:"Tôi hoàn toàn tin tưởng. Tôi không thể tưởng tượng cuộc sống của tôi sẽ ra sao, nếu không có đức tin. Nhưng tôi phải mất nhiều thời gian, mới có được lòng tin này".
Những ai có đức tin đều có được nguồn an ủi và niềm cảm hứng, đặc biệt khi gặp cảnh bối rối. Họ nhận biết rằng Thiên Chúa sẽ cư xử nhân hậu với họ cho đến tận cùng, cả trong thế giới này, lẫn trong thế giới mai sau. Không phải chúng ta giữ lấy đức tin, mà chính đức tin gìn giữ chúng ta.
"Người nào dù chỉ có đôi chút lòng tin nơi Thiên Chúa mà thôi, sẽ không bao giờ bị mất niềm hy vọng, bởi vì người đó tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của chân lý"
Như vậy, khi sự việc trở nên tồi tệ, chúng ta hãy lắng nghe những lời êm dịu của Đức Giêsu "Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, và cũng hãy tin tưởng vào Ta".

15. SUY NIỆM CỦA JKN

Câu hỏi gợi ý:
1. "Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em". Câu này có ý nghĩa gì? Đức Giêsu đi đâu? Dọn chỗ là gì và dọn ở đâu?
2. "Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở", Câu này có ý nghĩa gì? Trên thiên đàng nơi sống đời đời hạnh phúc có dung nạp đủ mọi hạng người đầy tính đa dạng và khác biệt như ở trần gian không?
3. "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha". Có thể thấy Chúa Cha hay Đức Giêsu gần gũi và cụ thể nhất ở đâu?
Suy tư gợi ý:
1. "Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em" ở "trong nhà Cha Thầy"
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cho biết Ngài "đi là để dọn chỗ cho anh em" ở "trong nhà Cha Thầy". Đây là một trong những lời cáo biệt của Ngài với các môn đệ trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn và chết trên thật giá. Vì thế, chữ "đi" ở đây có nghĩa là đi vào đau khổ và cái chết. "Dọn chỗ cho anh em ... trong nhà Cha Thầy" có nghĩa là chuẩn bị sự sống đời đời cho con người. Như vậy, Đức Giêsu đã dùng sự đau khổ và sự chết để chuẩn bị sự sống đời đời cho con người. Nói cách khác, nhờ đau khổ và cái chết, Ngài trở thành con đường dẫn tới sự sống đời đời.
Ngài đã phải đau khổ và chết mới có thể đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Phần chúng ta, để hưởng được sự sống đời đời ấy, chúng ta cũng phải góp một phần nào hy sinh và đau khổ của mình vào khi quyết tâm sống phù hợp với sự đòi hỏi của tình yêu. Tình yêu ở đây là tình yêu đối với Thiên Chúa được cụ thể hóa thành tình yêu đối với tha nhân. Tình yêu luôn đòi hỏi phải được chứng tỏ cụ thể bằng đau khổ và hy sinh. Không chấp nhận đau khổ và hy sinh cho ai hết có nghĩa là không yêu ai cả. Nhưng yêu cũng là ... chấp nhận sự khác biệt của người mình yêu.
2. "Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở"
Đức Giêsu phải chịu đau khổ và chết không phải chỉ để cứu rỡi hay đem lại sự sống đời đời cho một mình ta, hay nhóm của ta, cộng đoàn của ta, Giáo Hội của ta, hoặc những người có cùng khuynh hướng với ta. Ngài muốn cứu tất cả mọi người, mọi khuynh hướng, mọi cộng đoàn, mọi tập thể... khác nhau. Thánh Phaolô viết: "Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1Tm 2,4). Điều đó đã được Đức Giêsu tỏ cho biết trong câu: "Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở". "Nhiều chỗ ở" có nghĩa là dung nạp được nhiều: nhiều người, nhiều chủng tộc, màu da, khuynh hướng (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm linh, tôn giáo...).
Nhìn trong thế giới tự nhiên này, ta thấy sự vật hết sức đa dạng, nghĩa là đủ loài đủ kiểu, rất khác biệt nhau. Thế giới sẽ trở nên đơn điệu và buồn tẻ biết bao nếu thiếu sự đa dạng và khác biệt ấy. Hãy thử tưởng tượng xem: nếu trên đời chỉ có một loài hoa duy nhất cho dù hết sức đẹp, hoa nào cũng giống y hệt hoa nào, thì chúng đâu thỏa mãn nhu cầu thích cái đẹp của con người như khi có hàng trăm ngàn loài hoa khác nhau như trong thế giới ta đang sống đây! Thế giới này sẽ ra sao nếu chỉ có một loài chim, một loại cá, hay tệ hơn, chỉ có một loài thú duy nhất?
Thế giới tuy đa dạng và đầy khác biệt, các loài các vật trong đó vẫn luôn luôn hài hòa, bổ túc cho nhau, ăn khớp với nhau. Nếu thế giới tự nhiên đầy bất toàn này mà còn phong phú đa dạng như thế, còn có sự hài hòa giữa những khác biệt như thế, thì sự sống đời đời hay thiên đàng, là một thực tại hoàn hảo, ắt nhiên phải phong phú, đa dạng và nhất là hài hòa hơn biết bao!
Vì thế, ngay ở đời này, chúng ta cũng cần trang bị cho mình một tinh thần sẵn sàng chấp nhận mọi khác biệt nơi những người chung quanh chúng ta. Chính Thiên Chúa đã dựng nên con người và vạn vật đầy khác biệt như thế. Vì thế, mọi thành viên của Thiên Đàng đều phải có khả năng chấp nhận khác biệt rất cao độ để sự hài hòa giữa những khác biệt ấy trở nên hoàn hảo. Điều ấy đòi hỏi họ phải có tình yêu và lòng bao dung cao độ. Nếu không có tình yêu và lòng bao dung, thiên đàng không còn là thiên đàng nữa, sự sống đời đời không còn là hạnh phúc nữa.
Nếu ta đang giận hờn ai, không muốn nhìn mặt ai, ghét cay ghét đắng ai, và chủ trương không thể sống chung với họ, không thể cùng đội chung một bầu trời với họ, v.v..., hãy tự hỏi: nếu cả hai gặp nhau trên thiên đàng, ta sẽ đối xử với người ấy thế nào? Người ấy cũng được Thiên Chúa và Đức Giêsu yêu thương, cứu chuộc, tha thứ như ta. Nếu lúc ấy ta không thể nhìn người ấy với tình yêu thương anh em, thì chính ta là người không xứng đáng ở thiên đàng. Với sự thù hận và ác cảm ấy, ta chỉ làm cho thiên đàng bị ô nhiễm và không còn là nơi hạnh phúc nữa. Ta đáng ở một nơi khác không phải là thiên đàng. Vì thiên đàng chỉ thích hợp với những con người tràn đầy yêu thương. Vậy, muốn là công dân của thiên đàng, thì ngay ở trần gian này, hãy tập yêu thương và sống hài hòa với những người khác biệt chúng ta. Muốn thế, ta phải nhìn thấy Thiên Chúa nơi tha nhân.
3. "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha"
Câu nói ấy của Đức Giêsu chắc hẳn đã làm cho các tông đồ hết sức ngạc nhiên. Thấy Đức Giêsu cũng chính là thấy Chúa Cha, vì Đức Giêsu chính là hiện thân, là hình ảnh trung thực của Chúa Cha. Người ta có thể thấy được tình yêu của Chúa Cha qua tình yêu của Đức Giêsu, thấy được vẻ đáng yêu của Chúa Cha qua sự đáng yêu của Đức Giêsu, v.v... Và một cách nào đó, Đức Giêsu cũng chính là Chúa Cha, vì cả hai cùng là một Thiên Chúa duy nhất. Các tông đồ có diễm phúc nhìn thấy Đức Giêsu, sống với Ngài, cảm nghiệm Ngài, nên cũng là nhìn thấy, sống với và cảm nghiệm chính Thiên Chúa Cha.
Còn chúng ta, chúng ta không có diễm phúc ấy. Tuy nhiên, nếu chúng ta có tình yêu và đức tin, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa hay Đức Giêsu nơi bất cứ người nào ta gặp trong cuộc đời. Cho dù người ấy là ai, thương ta hay ghét ta, làm lợi cho ta hay hại ta, thánh thiện hay tội lỗi, dễ thương hay dễ ghét, miễn họ là con người, thì họ đều là hình ảnh của Thiên Chúa với nhiều mức độ trung thực khác nhau. Đức Giêsu muốn ta yêu thương họ, bất kể họ thế nào, bất kể họ khác biệt ta đến mức độ nào, vì chính Ngài cũng yêu thương họ, muốn cứu chuộc họ, phục vụ họ. Ngài đã tự đồng hóa Ngài với họ đến nỗi ai làm gì cho họ thì cũng là làm cho chính Ngài, không làm cho họ thì cũng là không làm cho chính Ngài (x. Mt 10.40; 18,5; 25,40.45; Lc 10,16). Ngài cũng rất ước muốn được yêu thương họ bằng trái tim ta, nói với họ, an ủi họ bằng miệng lưỡi ta, và làm việc cho họ, phục vụ họ bằng đôi tay của ta. Ngài chỉ thực hiện được ước muốn đó nếu ta cho phép và hợp tác với Ngài. Vậy bạn có muốn Ngài dùng bạn như một khí cụ để yêu thương của Ngài không?
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, nhà Cha có rất nhiều chỗ có thể dung nạp được rất nhiều người với rất nhiều khuynh hướng khác biệt. Xin Cha cho tâm hồn con, lòng trí con cũng có nhiều chỗ để có thể dung nạp được tất cả mọi người là anh chị em con, với nhiều khuynh hướng, tính khí, chủ trương khác nhau. Xin cho con biết chấp nhận mọi người như họ đang là, để yêu thương họ bất chấp họ như thế nào. Xin cho con yêu thương họ giống như Cha đã yêu thương họ và đã yêu thương con. Amen.

16. CON ĐƯỜNG

Có một tác giả đã nói lên tính cách bí ẩn của cuộc sống con người bằng một câu chuyện như sau: Tại một vùng quê nọ bên Tây phương, một ông từ coi nhà thờ có thói quen mỗi ngày cứ 15 phút trước giờ ngọ, ông gọi điện thoại đến người phụ trách tổng đài trong vùng và hỏi giờ. Ngạc nhiên về thói quen lạ lùng ấy, người tổng đài đã hỏi lại: "Thưa ông, nếu không có gì làm phiền ông, xin ông cho biết lý do tại sao ông hỏi như thế mỗi ngày?" Ông từ nhà thờ giải thích: "Thưa ông, có gì đâu, tôi là người có trách nhiệm phải kéo chuông mỗi ngày vào đúng giờ ngọ. Tôi cần hỏi giờ chính xác thôi". Người tổng đài điện thoại mới vỡ lẽ ra, ông nói với ông từ nhà thờ: "Thật là buồn cười, trong khi ông điện thoại đến hỏi giờ nơi tôi, thì chính tôi là người điều chỉnh đồng hồ của tôi theo tiếng chuông của ông".
Tác giả của câu chuyện trên kết luận: "Cuộc sống quả là bí ẩn mà những người trong cuộc không thể nào tự mình tìm ra được câu trả lời". Chúng ta cần có một câu giải đáp từ bên ngoài về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống, và người ta có thể nói với chúng ta về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống chính là Thiên Chúa, chủ tể của sự sống. Kinh Thánh, lời của Ngài, thường ví cuộc sống như một cuộc hành trình. Từ lúc Nô-ê xuống tàu, Abraham cất bước ra đi vào vùng đất xa lạ, đến ngày vội vã ra đi của Đức Maria, và cả cuộc đời không ngừng di động của Chúa Giêsu. Tất cả đều là những hình ảnh diễn tả cuộc hành trình trong đức tin của người Kitô hữu.
Đời người là cuộc hành trình, ra khỏi lòng mẹ là nhập cuộc và ra đi không ngừng: tuổi trẻ và thanh niên được dệt đầy những năng động để không ngừng dự phóng và sáng tác. Tuổi trung niên thành công tràn ngập, nhưng thất bại cũng giăng đầy những lối đi: có những người bạn chợt đến rồi đi, vui tươi hớn hở chớm nở, nhưng thất vọng cũng bao trùm. Rồi tuổi già đến, chúng ta nhận ra rằng: tất cả trên đời này chỉ là tạm bợ.
Đời là một hành trình, Đức Kitô đã trải qua đời trần thế bằng không biết bao nhiêu cuộc hành trình: Sinh ra trong một cuộc hành trình, và mở mắt chào đời để phải vội vã ra đi như một người tị nạn, năm 12 tuổi, lạc mất trong một cuộc hành trình, trong cuộc sống công khai, Ngài không ngừng đi lại khắp nẻo đường Palestine, và cuối cùng Giêrusalem, đồi Canvê là điểm đến của cuộc hành trình. Qua cuộc hành trình không ngừng nghỉ ấy, Đức Kitô đã tuyên bố: "Chính thầy là con đường, là sự thật và là sự sống", nghĩa là ai tin Ngài và đi theo dấu chân của Ngài mới thực sự tìm được hướng đi cho cuộc hành trình. Ngài là con đường dẫn chúng ta về cõi phúc vinh quang.
Thực vậy, trên thế giới không thiếu những con đường nổi tiếng, nhưng có một con đường thật danh tiếng và luôn luôn nổi tiếng. Con đường ấy mở ra bằng một tình thương và kết thúc bằng một hạnh phúc. Con đường ấy trải dài tin yêu để vươn lên sự sống. Con đường ấy thắp sáng hy vọng để dẫn tới nhà Cha trên trời. Đó là con đường mang tên Giêsu. Đúng vậy, đối với chúng ta, chỉ có một con đường duy nhất để được cứu độ, để đạt tới cuộc sống bất diệt và hạnh phúc vĩnh cửu, tên gọi của con đường ấy là Giêsu.
Đi trên đường Giêsu là đi bằng cả niềm tin gắn bó hiệp thông của những người biết mình có một lý tưởng để theo đuổi, và sẵn sàng hy sinh tất cả để đạt được lý tưởng ấy. Đi trên đường Giêsu cũng là đi bằng niềm hy vọng bền vững. Sống hôm nay là chuẩn bị sống ngày mai, và ngày mai tại nhà Cha đã được định hình ngay từ bây giờ trong bước đường lữ thứ giữa lòng đời. Đi trên đường Giêsu còn là đi bằng cả tình yêu chan hòa phục vụ. Bởi vì con đường của Giêsu chính là con đường của yêu thương và phục vụ. Vì thế, khi chúng ta sống trong yêu thương, sống trong phục vụ là lúc chúng ta đang đi trên con đường của Chúa.
Vì hoàn cảnh, ơn gọi mỗi người thường khác nhau, không phải ai cũng thích hợp với ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ. Nhưng một điều chắc chắn mà có lẽ ít khi chúng ta nghĩ tới, đó là tất cả chúng ta đều được Chúa kêu mời nên thánh, sống hạnh phúc trong ơn gọi làm người và làm con cái Chúa. Chúa Giêsu đã sống ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa của Ngài một cách tuyệt đối hoàn hảo và đã trở thành mẫu gương lý tưởng cho chúng ta. Vì thế, Chúa bảo chúng ta hãy đi theo con đường của Ngài trong suốt hành trình của cuộc sống. Với Chúa, chúng ta sẽ không cảm thấy cô đơn. Chúng ta sẽ mệt mỏi, nhưng không kiệt quệ. Chúng ta sẽ khổ đau, nhưng không thất vọng. Chúng ta sẽ chán nản, nhưng không bị bỏ rơi. Chúng ta kiếm tìm hạnh phúc, và chúng ta sẽ đạt được.
Xin Chúa là ánh sáng, là đường đi, là chân lý, hướng dẫn chúng ta lúc nào cũng đi trên con đường của Chúa, để sau cuộc hành trình đời này, chúng ta được về bên Chúa là cùng đích của chúng ta.

17. CON ĐƯỜNG 

Họa sĩ Broulette đã vẽ một loạt ba bức tranh để diễn tả điều đã nhìn thấy trong đời sống văn minh hiện đại. Bức tranh thứ nhất vẽ một người đàn ông điên loạn đang cố gắng tìm kiếm một miếng giấy quan trọng trong căn phòng bề bộn. Tất cả những ngăn kéo đã mở toang ra, giấy tờ ném bừa bãi khắp nơi, Khăn trải giường rách nát, các bức tranh rơi xuống khỏi vách tường. Một tên quỷ đang đi theo con người điên loạn đó. Tay nó nắm giữ tờ giấy quan trọng ông đang tìm kiếm một cách tuyệt vọng.
Bức tranh này diễn tả con người thời đại đang mải miết kiếm tìm một điều thần diệu mang lại hạnh phúc cho họ trong cuộc đời. Có lẽ tờ giấy đã bị mất sẽ không bao giờ được tìm thấy, nhưng trên con đường tìm kiếm, nhiều người đã thử tìm trong men rượu, sắc dục, cờ bạc... mà chẳng bao giờ thấy hạnh phúc.
Bức tranh thứ hai diễn tả một người đàn ông xanh xao gầy còm hốc hác với một cái xuổng đang nỗ lực đào bới trong cánh đồng bát ngát. Đàng sau lưng, ông để lại vô số những cái lỗ đã tốn công đào bới. Và bên cạnh mỗi cái lỗ là một chiếc hộp mở nắp ra, bên trong hoàn toàn trống rỗng.
Bức tranh này cho thấy một con người đang đi tìm kiếm mục đích của cuộc đời, nhưng chẳng tìm thấy cái nào mang lại hạnh phúc. Con người luôn đi tìm kiếm điều gì lớn lao và tốt đẹp hơn. Tôi phải có cái này, cái kia, thì cuộc đời mới đầy đủ. Cuộc đời luôn thúc đẩy, lôi kéo con người vào một nhu cầu mới, và chẳng bao giờ có được một giây phút để tận hưởng cái mình đang có.
Bức tranh thứ ba vẽ về một người bị bịt miệng và bị trói vào một cái ghế, với đôi con mắt trợn trừng kinh khiếp nhìn đăm đăm vào một tên cướp đang thu dọn tất cả những đồ đạc có giá trị trong căn phòng của mình.
Bức tranh này chứng tỏ những nỗ lực vô ích của một người tìm kiếm hạnh phúc qua của cải vật chất trong cuộc đời. Sau cùng thần chết sẽ cướp đi tất cả mọi sự.
Bài Phúc âm hôm nay, là những lời chỉ đạo cho các tông đồ khi cuộc đời của họ bước vào một giai đoạn mới: cuộc đời sau cái chết của Chúa Giêsu với bối cảnh thù nghịch từ phía xã hội, trong tâm trạng hoang mang lo sợ của họ. Phải làm sao bây giờ? Đâu là ý nghĩa cuộc đời? Chúa Giêsu đã cho họ những hướng dẫn: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống".
Thầy là đường
"Nếu Tin Mừng là mạc khải sự thật rằng đời sống con người là cuộc lữ hành về nhà Cha, thì Tin Mừng cũng đồng thời là tiếng gọi tới đức tin cho phép ta lên đường như những lữ khách. Tin Mừng đòi ta một niềm tin của kẻ lữ hành".
Gerhard Frost đã dùng một ví dụ như sau: "Hãy tưởng tượng bạn đi bộ ngang qua nhà hàng xóm. Cả gia đình đang chất hành lý lên xe hơi để đi nghỉ hè. Họ có ba người con đều dưới năm tuổi đang ngồi trong xe mini-van nóng lòng chờ ba má hoàn tất mọi sự để lên đường. Bạn bước tới chiếc xe mini-van, thò đầu vào trong cửa sổ và hỏi: "Các cháu sẽ đi đến đâu?" Chúng chẳng biết gì! "Các cháu sẽ lấy xa lộ nào?" "Tối nay, các cháu sẽ ăn cơm ở đâu?" Chúng cũng chẳng biết! Nhưng nếu bạn hỏi: "Các cháu sẽ đi với ai?" Các bé reo lên: "À, với ba mẹ!"
Các em bé không biết chính xác là đi đâu, không biết cả đường đi, cũng không biết sẽ ăn uống ngủ nghỉ ở đâu, nhưng biết chắc chắn rằng mình sẽ đi với ai. Niềm tin tưởng vào ba má là tất cả vấn đề. Ba má sẽ săn sóc, dẫn đưa các bé đi tới nơi tới chốn bình an.
Thiên Chúa cũng không trả lời tất cả các câu hỏi, các chi tiết hay thắc mắc về điều gì sẽ xảy ra, nhưng Người ban cho chúng ta chính Con Một của Người, Đức Giêsu Kitô, vừa là người hướng dẫn, vừa là con đường cho chúng ta đi. "Chúa Giêsu là con Thiên Chúa và cùng bản thể với Chúa Cha. Là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Ngài đã làm người để trở nên con đường dẫn ta về với Cha.

18. CHÚ GIẢI CỦA NOEL QUESSION 

Trước khi rời khỏi thế gian này để về cùng Chúa Cha. Đức Giêsu nói với các môn đệ: "Lòng anh em đừng xao xuyến".
Trang Tin Mừng ngày hôm nay viết về ngày thứ Năm Tuần Thánh vào cuối bữa ăn sau cùng của Đức Giêsu. Quả thật bầu khí của nhóm các môn đệ thật bi thương: Đức Giêsu vừa loan báo sự phải bội của Giuđa và y đã đi ra khỏi căn phòng vào đêm tối bên ngoài (Ga 13,21-30); rồi Đức Giêsu bảo rằng Người sẽ ra đi và nơi Người đi, các bạn hữu Người không thể theo được (Ga 13,31-36). Sau cùng, đầy nỗi lo sợ, Đức Giêsu báo trước cho Phêrô rằng ông sẽ chối Người "ba lần" trong đêm hôm ấy trước khi gà gáy (Ga13,37-38). Như thế, người ta biết được sự xao xuyến kinh hoàng đang xiết chặt mọi tâm hồn và tư tưởng các môn đệ. Trong đời sống của chúng ta cũng thế có chăng giờ phút sự sợ hãi kinh hoàng ập xuống trên chúng ta. Một tương lai bấp bênh, một thiệt hại không vượt qua được, những suy sụp của tuổi già, một căn bệnh không thể chữa khỏi Và còn có những sợ hãi tập thể: sự thất nghiệp. Bao lực, nạn nhân mãn, nạn đói, sự ô nhiễm môi trường những nguy cơ của nguyên tử. Và trong bối cảnh khủng hoảng ấy, những câu hỏi nghiêm trọng mà mọi tín hữu chân chính phải đặt ra: Những giá trị cao cả của con người chẳng phải đang bị xoá nhòa đó sao? Nhân loại ngày mai sẽ tin vào điều gì? Và một ngọn gió hoảng sợ cũng xâm chiếm những tín hữu mạnh mẽ nhất và người ta lẩm bẩm rằng trong Giáo Hội cũng không có gì là ổn cả.
Chính trong bối cảnh nhân loại như thế mà tính lạc quan không gì thắng nỗi của Đức Giêsu bùng lên như một ngọn lửa nồng nàn, cháy sáng trong đêm tối! Chỉ còn mấy giờ nữa Người phải lên thập giá thế mà Người đã cố sức vực dậy tinh thần của các bạn hữu của Người: "Lòng anh em đừng xao xuyến!" Chúng ta hãy lắng nghe những lý do Người sẽ đưa ra để chúng ta không bao giờ còn sợ nữa về bất cứ điều gì.
"Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy".
Đức Giêsu yêu cầu các bạn hữu đang xao xuyến của Người hướng cái nhìn về một hướng duy nhất: Đức tin thâm sâu của Đức Giêsu, vượt qua mọi nỗi sợ hãi không dựa trên sức người, nhưng dựa trên Thiên Chúa. Tất cả, không chừa môt ai đều có thể suy sụp, chỉ có Đức Giêsu nắm giữ sự trợ giúp siêu nhiên nằm bên ngoài ảnh hưởng của mọi sức mạnh phá hoại. Cái chết cũng không thể phá hủy sự bình an của Người: Sự bình an của Người không do sức con người mà do Thiên Chúa! Vả lại, chúng ta nhận thấy rằng Đức Giêsu đòi hỏi đối với bản thân Người một thái độ đđc tin mâ người ta có thể có đối với Thiên Chúa. Tính duy lý của con người vỡ tung như một nhân nguyên tử, dưới sức ép khó quan niệm nổi của cái vô cùng thánh thiêng: Làm thế nào mà Đức Giêsu vốn là Thiên Chúa lại có thể nói về Thiên Chúa như một Đấng khác mình? Và điều đó mang lại công thức làm ngạc nhiên: "Hãy tin vào THIÊN CHÚA, Hãy tin vào THẦY" Vậy thì Người là ai để nói như thế?
"Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em".
Phải, đó là mầu nhiệm không thể hiểu thấu của Nhập Thể Đức Giêsu với tư cách con người, phân biệt không ngừng với Thiên Chúa! Người nói về Thiên Chúa như thể đó là một Đấng Khác (Tha Thể Tuyệt Đối). Người nói về Chúa Cha. Không bao giờ Đức Giêsu hướng cái nhìn của con người về chính mình. Không bao giờ Đức Giêsu lôi kéo sự tôn kính hay thờ phượng về bản thân Người: Người hoàn toàn hướng về một Đấng Khác; và Người muốn xoay hướng chúng ta về Đấng Khác ấy, Đấng Hoàn Toàn Khác, Đấng mà chưa có ai đã từng trông thấy, tức là Chúa Cha. Như thế, Đức Giêsu đối diện với cái chết của Người, sự ra đi khỏi thế gian này, như một sự trở về nhà mình; Người sẽ tìm lại nơi đó một Đấng mà Người yêu mến và mến yêu Người. Đức Giêsu biết mình được yêu.
Sau những lời làm vỡ tung lý trí, giờ đây là những lời hoàn toàn thân mật, những lời thường nói mỗi ngày: nhà, chỗ ở, dọn chỗ...
Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy".
Đây là những lời dịu đàng không tả nổi: "Đem về với Thầy, trở lại ..." Thiên Chúa tất nhiên là Đấng Hoàn Toàn khác không thể đạt đến được nhưng cũng là Đấng rất thân thiết. Chúng ta không có một Thiên Chúa dửng dưng và lãnh đạm, nhưng là một người Cha đầy tình âu yếm, một người Anh để cho những nỗi lo sợ của chúng ta làm thương tổn và Người nói với chúng ta những lời an ủi và thân ái.
"Để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó".
Chúng ta chớ lướt qua nhanh quá trên những lời xem ra có vẻ đơn giản và thân mật một cách ngây thơ. Có cả một thần học được diễn tả xuyên qua mạc khải ấy. Khi dám nói rằng "Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó". Đức Giêsu mở ra cho nhân loại một viễn cảnh có âm vang vô tận, siêu nhân, siêu nhiên: Chính "đời sống thánh thiêng" được ban cho chúng ta. Mục đích của con người không còn ở trong con người, mà ở trong Thiên Chúa? Nhân loại đi về hướng có Đức Giêsu ở đó. Con người đã được lập trình để trở thành "như Thiên Chúa". Người ta hiểu được lời Người nói: "Lòng anh em đừng xao xuyến!".
"Và Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi". Ông Tôma nói với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?".
Đây là một điệp khúc: "Thầy đi", "chúng con không biết Thầy đi đâu...". Đó là câu hỏi nền tảng của nhân loại mà Tôma dũng cảm đặt ra nhân danh chúng ta. Chúng ta sẽ đi về đâu? ý nghĩa, mục đích sau cùng của đời sống là gì? Có cái gì sau khi chết?
Đức Giêsu đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy".
Đối với Đức Giêsu, chân trời không bao giờ bị ngăn chặn, gây ra sự tuyệt vọng.
Đối với người tin, ai chấp nhận lời Đức Giêsu, lịch sử sẽ có một ý nghĩa, đời sống sẽ không còn phi lý nữa. Đức Giêsu là "người mở đường", Người đã mở ra một lối thoát cho các hữu hạn và cho đăc tính phải chết của con người. Không có Đức Kitô con người bị giam hãm trong những giới hạn của mình. Với Người, và chỉ với Người, như Người khẳng định có một con đường không dẫn tới cái hố đen của nấm mộ, nhưng về "nhà của Chúa Cha".
"Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng sẽ biết Cha của Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người".
Câu này của Thánh Gioan là một câu làm hiện ra tính không thể diễn tả của Thiên Chúa, sự "mạc khải" này vẫn còn một phần "không thể quan niệm được": ánh sáng... nhưng vẫn còn một thứ ánh sáng của đêm tối... ánh sáng của đức tin.
Thật vậy, câu này gồm hai khẳng định bề ngoài trái ngược nhau: Anh em cũng (sẽ) biết Cha của Thầy (ở thì tương lai)... bây giờ, anh em biết Người (thì hiện tại).
Rõ ràng là Thiên Chúa không hiển nhiên và thật ra, chúng ta không biết Người. Người ta cũng có thể nói rằng chúng ta hiểu được Người! rõ ràng có một thứ hồ nghi. Không chắc chắn đã xuất hiện trong câu hỏi của Tôma: "chúng con không biết...". Tình cảnh của chúng ta hiện nay đúng là như thế. Có thể một ngày nào dó, chúng ta sẽ biết Thiên Chúa. Sự vô tri về Thiên Chúa hôm nay, sẽ biến đổi thành tri thức, như lời Đức Giêsu nói: Anh em sẽ biết Người! Vả lại trong Đức Giêsu, sự hiện diện vô tri của Thiên Chúa chịu một "cú sốc của tương lai" đến độ những thực tại phải đến đã trở thành hiện tại: "Ngay từ bây giờ, anh em biết Thiên Chúa và đã thấy Người?". Có thể nói rằng, bằng một cảm thức siêu nhiên, tương lai được tiên cảm trong hiện tại đối với những người tin Đức Giêsu: thời sau hết đã ở đó, mặc dù chưa hoàn tất. Giáo Hội, nơi cư ngụ của các tín hữu đã trở thành nơi cư ngụ của Thiên Chúa ở giữa con người" (Kh 21,3). Một ngày nào đó, chúng ta sẽ có một sự hiểu biết nào đó về Chúa Cha, còn bây giờ chúng ta đã hiểu biết Chúa Cha qua bức màn của đức tin. Đó là điều mà các nhà thần học gọi là cánh chung? Tương lai được cảm nghiệm trước trong lòng của các tín hữu, trong Đức Giêsu Kitô.
Ông Philípphê nói: ' Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện". Đức Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao?".
Mới rồi, chúng ta vừa nghe Đức Giêsu phân biệt Người với Chúa Cha. Giờ đây dường như Người đồng hóa với Chúa Cha. Đức Giêsu đi về với Chúa Cha, Người là con đường dẫn đến Chúa Cha và đồng thời, Người ở trong Chúa Cha và ai thấy Đức Giêsu là thấy Chúa Cha Đức Giêsu là một con người, nhưng một con người "chứa đầy Thiên Chúa" một con người Thiên Chúa! Chúng ta phải để những từ có vẻ đơn giản ấy thấm nhuần chúng ta: "Thầy ở trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở trong Thầy... Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy...".
Phải, đâu có một con người là Giêsu Nagiarét, sống cách nay hai ngàn năm trong một tổng nhỏ ít người biết đến của Đế quốc La Mã, một con người bằng xương bằng thịt đã đứng trên đôi chân của mình và trên một miền đất xác định, đất Israel, một con người có những bạn hữu, một con người ăn uống như mọi người; một người sắp chết như mọi người; và con người này lúc này đây hiệp thông với Thiên Chúa và đồng nhất với Thiên Chúa và hoàn toàn không là một kẻ điên. Một con người quân bình tột bậc, khiêm tốn, không tham vọng và kiêu ngạo: một con người vừa mới quỳ gối trước các bạn hữu để rửa chân cho họ như một tôi tớ bình thường vào thời đó... đồng thời giao nộp thân thể tan nát, và đã đổ máu ra vì họ.
Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.
Thiên đàng không phải là môt sự chạy trốn vào một giấc mơ của tương lai hoang tưởng. Thiên đàng không phải một miếng đường được hứa ban cho sau này để bỏ qua chua cay hiện tại. Thiên Chúa không phải là một thứ thuốc phiện dùng để ru ngủ những đau khổ cho một cuộc đời.
Một thiên đàng đã bắt đầu và được cảm nghiệm bởi những người "làm những việc Đức Giêsu làm": Có một cách nào đó để suy nghĩ, để chọn lựa, để gặp gỡ Thiên Chúa và con người, một cách sống nào đó công chính là cách sống của Đức Giêsu.

19. CHÚ GIẢI CỦA FICHES DOMINICALES

TA LÀ ĐƯỜNG LÀ SỰ THẬT VÀ LÀ SỰ SỐNG
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
1. Đường về với Chúa.
Cũng giống như Chúa nhật tới, bài Phúc âm Chúa nhật thứ 5 Phục Sinh hôm nay trích từ chương 14, diễn từ sau bữa tiệc ly, với những từ như "ra đi", "đi tới", "trở lại", "con đường". A.Marchadour minh định chương này ("được kết cấu xung quanh cuộc trở về với Chúa Cha của Chúa Cha vai trò độc nhất của Chúa Con trong việc đưa dẫn huynh đệ của mình về với Chúa Cha. (Tin Mừng Gioan, Centurion, 1992, p. 190) những lời loan báo liên tiếp về việc Giuđa phản bội ("một trong các con sẽ phản Thầy":14,2) về cuộc ra đi dứt khoát của riêng Ngài ("Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa" 13,38) và về việc Phêrô chối thầy (trước khi gà gáy, con đã chối ta ba lần: l3,38) đã khiến các môn đệ hoang mang - Dufour nhận xét "sự hoang mang ấy không chỉ vì phải xa cách Người thực sự cần thiết cho đời họ, mà cũng còn vì nỗi thất vọng sâu xa khi lượng giá công việc của Chúa Giêsu mà họ đang trông mong kết quả" (Đọc Tin mừng theo thánh Gioan, tập 3, Seuil, 1993, tr 90). Do đó mới có lời Đức Giêsu kêu gọi: "Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin vào Thầy chớ gì họ cậy dựa vững vàng vào lời Ngài và vào chính Ngài. Dufour viết tiếp: "Đức Giêsu dựa trên niềm tin của người Do thái, và những người không bao giờ tự coi mình độc lập trong mối liên hệ với Thiên Chúa, Đấng ban cho thụ tạo sự kiên vững của đá tảng, Ngài cũng dựa vào niềm tin vào chính mình Ngài, nếu họ còn có thể theo Ngài, các môn đệ chỉ dựa vào Ngài, như dựa vào chính Thiên Chúa". Vì thế nếu Ngài có ra đi, thì cũng chính là để trở lại nhà Cha, nơi Ngài sẽ "dọn chỗ sẵn cho họ". Từ chủ đề "ra đi" bài diễn từ sau bữa tiệc ly bắt sang 'đường đi', Thầy ở đâu, anh em cũng sẽ ở đó. Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi Đức Giêsu bảo họ như vậy bấy giờ Tôma mới hỏi: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu làm sao chúng con biết được đường?" Chúa long trọng đáp "Thầy, Thầy chính là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy! Dufour đã diễn dịch câu nói ấy như sau: 'Tôma, nếu anh tin Thầy là chân lý và là sự sống, chắc chắn anh sẽ tìm thấy nơi Thầy con đường đưa về với Cha, đó là nơi Thầy đi đó là nơi Thầy ở. Đức Giêsu, trong đoạn 10,9, đã tự coi mình như là "cửa" dẫn đến sự sống, ở đây, lại nói như mình đã ở nơi mà các môn đệ muốn đến, bằng công thức vắn gọn này, Ngài thực sự công bố về tính đồng nhất sẽ còn vang vọng mãi trong nên chiêm niệm Kitô giáo" (p. 100)
2. Bày tỏ Chúa Cha.
Thấy thế, Philipphê mới lên tiếng: Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện rồi và Đức Giêsu đáp lại thấy Thầy, là thấy Chúa Cha rồi trong cuộc sống, mọi lời nói và việc làm của Đức Giêsu là một biểu hiện hoàn hảo hình ảnh của Chúa Cha vì người kết hợp mật thiết với Chúa Cha "Anh không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy ư?" cuộc sống của Ngài, đó là Chúa Cha thực hiện qua Ngài, lời Ngài nói đó là tư tưởng của Chúa Cha.
3. Đức Giêsu tiếp tục làm việc qua các môn đệ.
Nhắc lại lời mời gọi tin tưởng trên, Đúc Giêsu bắt đầu mạc khải cho các môn đệ biết cuộc sống mới của họ sẽ ra sao: "Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, vì Thầy đến cùng Chúa Cha". Cho dù, hay đúng hơn Ngài về cùng Cha, mà các môn đệ sẽ sống cuộc sống Ngài không ngần ngại đồng nhất với cuộc sống chính mình. Dufour còn minh định thêm: Không phải vì cuộc sống của Ngài vẫn là gương mẫu, nhưng vì chính Ngài sẽ là tác giả đích thực của những họ thực hiện, đọc kỹ bản văn, người ta thực sự thấy rằng người tín hữu sẽ không làm những việc Đức Giêsu đã làm, nhưng là những việc Ngài đang làm và sẽ làm: Chúa Cha tiếp tục được tôn vinh nơi trần thế, từ đây, sứ mệnh Ngài đã hoàn tất phải đơm bông kết trái trong thời gian và không gian: và điều ấy được thể hiện nơi hành động của các tín hữu." (p.l07)
BÀI ĐỌC THÊM:
1. Thiên Chúa thật gần".
Khi Phúc âm thứ tư được viết ra, chắc chắn "những biến cố" đã xẩy ra hơn 60 năm, các cộng đoàn tín hữu ở Palestine, Tiểu Á, và các nơi khác đã chịu rất nhiều đau khổ. Họ phải chịu những cuộc tấn công dai dẳng trong các vùng có người Do thái. Họ đã bị chính quyền Rôma bách hại triền miên. Đặc biệt niềm tin của các Giáo Hội Tiểu Á lúc ấy đã rung động trước những luồng tư tưởng cho rằng mình khiến người ta quá tin vào trời cao mà khinh chê trần thế, chỉ để ý đến tâm hồn mà coi thường thân xác nhưng cuộc sống thề trần và sự phục sinh có đối nghịch đến độ phải khước từ cuộc sống này để sống cuộc sống kia không? Chẳng lẽ cứ phải trải qua cái chết mới được phục sinh hay sao?
Tác giả Tin Mừng nhấn mạnh: người tín hữu đã sống cuộc sống phục sinh ngay trên trần thế này. Niềm tin vào Đức Kitô hằng sống đã xóa bỏ khoảng cách giữa những sự dưới đất và trên trời. Niềm tin ấy giúp người ta sống ngay trên trần thế cuộc sống vĩnh hằng của Thiên Chúa. Chân lý thật khó hiểu và khó chấp nhận, cũng thế, Đức Giêsu nhà sư phạm đại tài, để dẫn đưa người nghe vào trong ánh sáng của Thiên Chúa, đã lợi dụng sự cứng tin của Tôma và Philipphê "Thưa Thầy chúng tôi không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con được đường?" Lầm lớn? Đây không phải con đường tính được bằng kilômét. Khoảng cách giữa cuộc sống trần thế và cuộc sống phục sinh không lớn hơn khoảng cách giữa Chúa Cha và Chúa Con: Cha ở trong Con và Con ở trong Cha. Niềm hi vọng về điều đã có và chưa có sẽ triển nở và đâm bông trong lòng người tín hữu như vậy đó.
Hoàn cảnh của cộng đoàn tín hữu giữa cuộc sống trần gian của Đức Giêsu và ngày Ngài trở lại. ("Célébrer", số 258, tr.34, tháng 3.l996)
Đâu là vị trí của cộng đoàn tín hữu giữa cuộc sống trần gian của Đức Giêsu và ngày Ngài trở lại?
Trước tiên, cộng đoàn tín hữu sống trong mềm hi vọng vô bờ một ngày kia sẽ được sống với Đức Giêsu rong nhà Cha Ngài: "Thầy ở đâu, anh em cũng sẽ ở đó"! Sau đó họ biết được đường đi: "Thầy là đường là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy" hơn thế nữa, họ còn biết được Chúa Cha, họ đã "thấy" Ngài: "Ai thấy Thầy, là thấy Chúa Cha" Thấy Đức Giêsu, dĩ nhiên là biết được Ngài bằng niềm tin, là "nhận ra Ngài là con duy nhất, là lời sáng tạo vĩnh hằng đến độ khi Đức Giêsu nói, tôi biết rằng Ngài nói những lời của Chúa Cha, khi Đức Giêsu hành động, chữa lành, tha tội, phó mình cho đao phủ, tôi biết rằng Ngài làm theo ý Chúa Cha và Chúa Cha đã chữa lành, tha tội, tự hiến hoàn toàn qua Ngài. Tôi biết Cha và Con là "một"!
Như vậy, cộng đoàn tín hữu đã thực sự biết Đức Giêsu bằng đức tin, đến lượt mình có thể nhận biết Chúa Cha và hoàn thành những công việc của Người được không? được, Đức Giêsu nói thế và còn hơn thế nữa, vì Thầy đến cùng Chúa Cha". Qua những lời này, ta có thể hiểu rằng Đức Giêsu phục sinh đã mặc lại trọn vẹn sức siêu nhiên mà Ngài đã tự giới hạn khi mặc lấy thân phận tôi đòi mặc lấy nhân tính. Cũng vậy, một khi đã được mời gọi tiếp tục sự nghiệp của Chúa Giêsu trên trần gian cộng đoàn các Tông đồ, bằng đức tin của mình, thực sự thông phần với Thiên-Chúa, họ là cộng đoàn những người con trong Đức Giêsu, Thiên-Chúa Con.

20. CHÚ GIẢI CỦA GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN ĐÀ LẠT 

20. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
c.1: "Lòng chúng con đừng xao xuyến": Sau lời loan báo Giuđa sẽ nộp Thầy (13,18-30), lời loan báo Phêrô sẽ chối Thầy (13,36-38) và lời loan báo Đức Giêsu sẽ ra đi (13,33), lòng các môn đệ rất hoang mang bối rối. Do đó Đức Giêsu an ủi họ đừng xao xuyến.
"Cứ tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy": Động từ tin được dùng tới 6 lần trong phần này. Điều kiện để khỏi hoang mang xao xuyến là phải tin: tin vào Thiên Chúa và tin vào Ngài.
c.2-3: Đức Giêsu giải thích lý do Ngài ra đi: đi để về nhà Cha và để dọn chỗ cho các môn đệ. Xong xuôi rồi Ngài sẽ trở lại đón các môn đệ cùng đi đến nhà Cha, khi đó thầy trò sẽ sum hợp.
- "Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở": Irénée, Clément d'Alexandrie và Origène dựa vào câu này để nghĩ rằng trên thiên đàng có nhiều cấp bậc hạnh phúc. Thực ra câu này chỉ đơn giản nghĩa là thiên đàng có đủ chỗ cho mọi người.
- Sau khi dọn chỗ xong thì Ngài trở lại cùng đi và thầy trò sum hợp.
- "Thầy ở đâu, chúng con cũng ở đó": "Đức Giêsu nói với các môn đệ "Thầy sẽ trở lại đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó". Trái lại Người nói với dân Do thái: "Tôi ở đâu, các ông không thể đến được" (7,34) Thế cũng bởi vì Đức Giêsu ở đâu, kẻ phục vụ Người cũng sẽ ở đó (12,26). Mà các môn đệ chấp nhận làm môn đệ của Người, còn dân Do thái thì không. Nên đúng theo định nghĩa của người môn đệ là "người đi theo", các môn đệ sẽ được đi theo Đức Giêsu và ở với Người" (Lm Tanila Hoàng đắc Ánh, sđd, trang 210)
- Như thế là Thầy trò sẽ sum hợp. Nhưng khi nào? Có người nghĩ là đến ngày Tái lâm (Parousia); kẻ khác nghĩ là ngày chết của mỗi người. Cả hai lối giải thích đều đúng.
* Nếu các môn đệ phải xa cách Thầy mãi mãi thì các ông xao xuyến là phải. Nhưng đây chỉ là xa cách tạm thời, sau đó thầy trò lại sum hợp, mà sum hợp vĩnh viễn hạnh phúc trong nhà Cha, thì có gì mà xao xuyến!
c.4-7: Câu hỏi của Tôma:
- Tôma là người đa nghi. Dù Đức Giêsu đã nói Ngài đi về nhà Cha, nhưng đối với Tôma, cái "nhà Cha" ấy còn mù mờ xa xôi quá. Ông chưa dám dấn thân vào một tương lai không chắc chắn như vậy, nên ông hỏi lại cho rõ: cụ thể Đức Giêsu sẽ đi đâu và các môn đệ sẽ dùng con đường nào để theo Ngài.
- Đức Giêsu giải đáp cả hai thắc mắc của Tôma: cứ đi theo Ngài là đúng đường và sẽ tới đích, vì Ngài là đường (Le chemin), con đường duy nhất dẫn tới Chúa Cha. "Đức Giêsu đã ví mình với con đường, vì "đường" là một trong những tượng trưng của Thánh Kinh. Theo Cựu Ước, nghe lời Thiên Chúa gọi là tin tưởng vào Người, dân Israel ra đi và phải trải qua một con đường dài và cực nhọc để tới Đất Hứa. Do đó "đường" là tượng trưng cho cuộc Xuất Hành (Đnl 1,3-33; 2,1-2; 8,2-10 Tv 77,20. 136). Một khi đã vào Đất hứa, dân Israel cũng còn phải ăn ở theo đường Thiên Chúa bảo mới được lãnh phần thưởng muôn đời (Đnl 32,4; Tv 25,10; 128,1; 147,19-20; Br 3,13-14.37; 4,1). Mà Thiên Chúa đã mặc khải những đường hướng ấy trong Luật Môsê. Do đó, "đường" còn là tượng trưng cho Luật Môsê. Trong Tân Ước, Thiên Chúa mặc khải những đường hướng của Người qua trung gian Đức Giêsu. Vị trung gian tuyệt đẳng và sau hết. Do đó, "đường" vẫn còn là tượng trưng. Nhưng đối tượng của tượng trưng đã thay đổi, không còn phải là đường trong sa mạc, cũng không phải là luật Môsê, mà là Đức Giêsu (Mc 8,34 Mt 16,24 Lc 9,23 Dt 10,20)" (Lm Tanila Hoàng đắc Ánh, sđd, trang 211)
- Sở dĩ Ngài là con đường duy nhất dẫn tới Chúa Cha vì Ngài là sự thật (chân lý). "Thánh Gioan thường mượn ngôn ngữ của Cựu Ước và của Do thái giáo. Trong ngôn ngữ ấy, chân lý (hay sự thật) có nghĩa là tiếng nói của thánh ý Chúa liên quan đến loài người và đời sống chân lý của loài người. Chân lý ấy, xưa kia, được truyền đạt cho loài người qua trung gian ông Môsê và các ngôn sứ; nhưng ngày nay, chân lý ấy được mặc khải qua trung gian Đức Giêsu (Ga 1,17). Một cách sâu rộng hơn, chúng ta có thể nói rằng Đức Giêsu và Chân lý mà Người mặc khải là một, vì, khác với ông Môsê và các ngôn sứ, Người là Chúa Con nhập thể và, vì thế, Người là Lời tuyệt hảo của Chúa Cha (1,1.14), là chân lý được Chúa Cha phát biểu bằng cuộc sống và lời nói của Đức Giêsu (17,8.14 1,18)" (Lm Tanila Hoàng đắc Ánh, sđd, trang 211). Nói cách khác, Đức Giêsu là sự thật về Chúa Cha nghĩa là: cứ nhìn vào Ngài là biết Chúa Cha. Tất cả mặc khải Cựu Ước chỉ là chuẩn bị và dọn đường cho mặc khải trọn vẹn và đích thực nằm trong bản thân Đức Giêsu.
- Và cũng vì Đức Giêsu là đường, là sự thật như thế, nên Ngài cũng là sự sống: "Muốn sống vĩnh cửu, loài người phải nghe và làm theo lời Thiên Chúa phán. Mà Thiên Chúa phán qua trung gian Đức Giêsu (12,50). Hơn nữa Đức Giêsu không phải chỉ nói lời của Thiên Chúa như ông Môsê hay các ngôn sứ. Người chính là Lời tuyệt đẳng của Thiên Chúa. Vì thế chẳng có gì lạ khi Người là "sự sống" (Lm Tanila Hoàng đắc Ánh sđd, trang 212)
c.8-10: Câu hỏi của Philipphê:
- Philipphê hơi ấu trĩ, khi nghe nói về Chúa Cha thì nghĩ đến một cảnh thần hiện theo kiểu ngày xưa Thiên Chúa hiện ra cho Môsê, Êlia, Isaia v.v... và ông muốn mình cũng được thấy cảnh đó như vậy.
- Đức Giêsu đáp "Ai thấy Thầy tức là thấy Chúa Cha rồi đấy": Thiên Chúa không còn hiện ra trên đám mây hay trong những thị kiến. Từ nay Thiên Chúa tỏ mình cho loài người qua hình dáng nhân loại của Đức Giêsu. Đức Giêsu là hình ảnh mặc khải trọn vẹn Chúa Cha. Thực vậy Đức Giêsu chính là Lời mặc khải trở thành xác thịt và ở giữa loài người (1,14). Khi Lời đã ở giữa loài người thì tất cả những nơi xưa nay người ta thường đến để gặp Thiên Chúa như đền thờ Giêrusalem hoặc đền thờ Garizim hay bất cứ nơi nào khác cũng đều trở thành vô ích, vì nơi duy nhất để gặp Thiên Chúa chính là Đức Giêsu. Tại sao? Vì "Thầy vốn ở trong Cha và Cha ở trong Thầy": Chúa Cha và Đức Giêsu không thể tách rời nhau, cả hai chỉ là một. Tất cả những lời Ngài nói và những việc Ngài làm đều là những lời nói và việc làm của Chúa Cha.
c.11: Đức Giêsu khuyến khích các môn đệ tin rằng Chúa Cha và Ngài luôn ở trong nhau và là một với nhau. Nếu họ chưa thể tin bằng lời của Ngài thì ít ra hãy tin vì thấy những việc Ngài làm, tức những phép lạ, những "dấu chỉ" cho thấy có Chúa Cha hoạt động trong Ngài.
c.12: "Ai tin vào Thầy thì sẽ làm được các việc Thầy làm, lại còn làm được việc to hơn nữa": a/ Các môn đệ được Đức Giêsu thông ban quyền lực của Ngài, nhờ đó họ cũng làm được những phép lạ như Ngài; b/ Nước Trời mà Đức Giêsu lập hiện còn rất nhỏ bé, nhưng Đức Giêsu thông quyền giúp các môn đệ mở mang Nước Trời ấy "cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1,8). Không phải các ông giỏi hơn Ngài, nhưng hoạt động của các ông sẽ triển khai mầm mống đã được Ngài đặt sẵn. Điều kiện duy nhất để các ông làm được như vậy là phải tin vào Ngài.
KẾT LUẬN
Chúa Giêsu nhắn gởi lời khuyến dụ này cho các môn đồ Người thuộc mọi thời đại. Người kêu gọi họ giữ vững lòng tin vào Người trong những bước đường tối tăm và trong các cơn dông tố thiêng liêng của cuộc đời, đồng thời hãy dâng cho Người một tình yêu quảng đại và vâng phục, tình yêu sẽ đặt họ vào trong tình yêu thân mật của Ba Ngôi Thiên Chúa và sẽ làm cho họ sống trong bình an và hoan lạc của Chúa Giêsu.
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Bản văn này tóm tắt sứ điệp Tin Mừng Gioan. Nó diễn tả cách gián tiếp điểm đặc trưng và sâu xa nhất của đời sống Kitô hữu. Nó là một phần trong toàn bộ các lời nói của Chúa Giêsu giải thích về chính mình Người. Cùng một trật nó trình bày cho thấy Người là gì đối với chúng ta và chúng ta phải trở nên nhất thế nào đối với Người. Chúa Giêsu là một người thật, hoàn toàn giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi, nhưng đồng thời được tràn đầy thực tại thần linh sống động đến nỗi trở nên duy nhất và đồng hóa với Chúa Cha trong hữu thể, trong bản chất và trong đời sống: Người mặc khải Chúa Cha cách đích thực, Người mặc khải chúng ta là những kẻ Cha đã ban cho Người và Người muốn rằng Người ở đâu, chúng ta cũng ở đó. Người cầu nguyện và hành động để trong Người chúng ta được thông phần vào sự sống Chúa Cha ban. Ở đây, chúng ta đứng trước một mầu nhiệm dày đặc đối với tâm trí nhưng sáng tỏ cho những ai dấn thân cách sống động nhờ đức tin.
2) "Lòng các con chớ xao xuyến. Các con tin vào Thiên Chúa, thì cũng hãy tin vào Ta". Đây là một cách Chúa bảo rằng nòng cốt đức tin của chúng ta là chính Người, bản thân của Người, sứ điệp Người. Ta có thể tự hỏi: Làm sao Chúa Giêsu Kitô, vốn là Thiên Chúa, lại có thể nói về Thiên Chúa như nói về một Đấng khác với chính Người. Ở đây chúng ta đụng đến một trong những khía cạnh của mầu nhiệm Nhập thể. Nghĩa là mầu nhiệm Thiên Chúa xâm nhập vào thời gian, vào không gian và vào trong những giới hạn của con người. Con Thiên Chúa, có thể nói, là đã tự giới hạn mình vào trong những chiều kích của thực tại nhân loại, mà vẫn không thôi là chính Người. Chúa Giêsu muốn bảo điều này: Con người hữu hình của Người dễ gần gũi với hành động đức tin của chúng ta hơn là Thiên Chúa vô hình; sự kiện lạ lùng là lòng tin của chúng ta vào Người làm cho chúng ta đụng đến Đấng không thể nào tới gần được. Khi tin vào người là Chúa Con, chúng ta có thể tin vào Chúa Cha. Mà tin vào Chúa Cha là nguyện vọng và tiếng gọi sâu xa nhất của con người vốn thường bị đau khổ làm cho xao xuyến. Niềm tin tưởng ấy làm cho sự xao xuyến tách ra khơi chúng ta và mang lại bình an, sức mạnh, niềm vui.
3) "Ta là Đường, là Sự Thật, là Sự Sống". Trong cuộc sống của người-không-có-Thiên-Chúa, dường là một hệ thống tư tưởng hay là sự khôn ngoan, sự thật là một chọn lựa giữa nhiều ý kiến, sự sống là một sinh hoạt, một tình yêu suy nhược, và thường là một sự chịu đựng. Đối với người-có-Chúa-Kitô, thì sự sống là một sự thông hiệp mà những khám phá có sức làm được điều ta tưởng là bất kham. Trong Chúa Kitô, người Kitô hữu tìm được đường đi, lối về, nhờ đó họ vượt qua những biên giới của thế gian. Mà tự bản chất là một cánh cửa đóng kín tuyệt vọng. Hơn nữa con đường này, tức là Chúa Kitô, là một lời mời gọi ra đi, tiến tới đằng trước, vươn mình lên mãi. Người Kitô hữu khám phá nơi Chúa Kitô câu trả lời cho nhu cầu bí mật mà con người cảm thấy, là phải nương tựa vào một cái gì vửng chắc để luôn có thể tìm kiếm mãi. "Con sẽ không tìm Ta, nếu con đã không gặp Ta" (Th. Augustin). Sự thật sống động không bao giờ là một cái gì hoàn toàn đạt được, nhưng nó bảo đảm với ta rằng nó xác thực. Càng gặp Chúa Giêsu, ta càng tìm kiếm để biết Người hơn. Khỏi phải nói là biết Chúa Kitô là trước tiên sống bởi Người. Khi ta sống bởi Chúa Kitô, phải chăng các thực tại tự nhiên của đời sống đ.eu thay đổi. Không? người Kitô hữu có một sinh hoạt nhân sinh và thực tế như tất cả mọi người, nhưng sinh hoạt ấy được một cái hồn. Có một cách suy nghĩ, một cách chọn lựa mục đích, một cách gặp gỡ con người... được hướng dẫn bởi sự hiện diện của Chúa Kitô trong cuộc đời. Chúng ta có biết ngạc nhiên về điều không thể làm được lại trở nên có thể được cho chúng ta trong Chúa Kitô không?
Sưu tầm

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

PHỤNG VỤ »»

KT - GIÁO LÝ »»

GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT »»

SUY NIỆM »»

ĐỨC MẸ MARIA »»

CÁC THÁNH »»

GIÁO HỘI HOÀN CẦU »»

GIÁO HỘI VIỆT NAM »»

GIÁO PHẬN VINH »»

GIÁO HẠT – GIÁO XỨ »»

VĂN KIỆN TÒA THÁNH »»

VĂN THƯ GIÁO PHẬN »»

Note Đóng lại

Suy niệm Mùa Chay : BẠN MUỐN ĂN CHAY ?

TIN TỨC